Ông Trường ‘khùng’ và căn nhà làm từ đồ gốm cổ độc đáo tại Vĩnh Phúc

Hơn 20 năm nay, ở Vĩnh Phúc người ta vẫn thấy có một người nông dân chuyên đi cóp nhặt các món đồ cổ rồi đem về gắn tất cả vào tường, biến ngôi nhà thành tuyệt tác có một không hai.

Trong giới mê cổ vật, hiếm có ai ‘ăn chơi’ bằng ông Nguyễn Văn Trường ở thôn Sơn Kiện, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc khi mang toàn bộ đồ cổ thu mua được gắn lên nhà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đến thôn Sơn Kiện (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), hỏi ai cũng biết ông Trường ‘khùng’ với căn nhà độc đáo làm từ hàng ngàn đồ cổ nhìn từ xa cũng thấy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngôi nhà cấp 4 rộng hơn 40m2 cùng nhiều công trình phụ nằm trên khoảng đất rộng hơn 100 m2 trang trí bằng hàng ngàn cổ vật được ông Trường dựng lên từ hàng chục năm nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Con đường dẫn vào nhà ông Trường là một ngõ nhỏ lát bêtông, hai bên nhà cửa san sát. Ngay lối cổng vào, phía trên mái vòm được trang trí bằng những bình cổ xen kẽ với những chiếc bát đĩa cổ với đủ loại hoa văn, hình thù độc đáo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phía bên phải từ cổng vào là một hòn non bộ khổng lồ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trên hòn non bộ được gắn hàng nghìn mảnh gốm cổ. Giữa hòn non bộ là một khóm trúc rủ bóng mát xuống khoảng sân hẹp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bên trái cổng đi vào là ngôi nhà cấp bốn đã cũ. Cả trong lẫn ngoài của bốn bức tường cũng đều được dán kín bằng đủ loại bát đĩa cổ. Bước vào đây, người xem cảm tưởng như đang tham quan một bảo tàng đồ cổ khổng lồ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Trường tâm sự, trước đây ông từng là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1986, ông về quê mưu sinh bằng nghề sơn rong bàn ghế thuê kiếm sống. Cũng nhờ làm nghề này nên ông Trường có nhiều cơ hội tiêp xúc với đồ cổ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
‘Tôi mê cổ vật từ những năm 1986 nhưng phải đến năm 1991 mới có tiền mua món đồ đầu tiên. Khoảng từ năm 1996 đến nay, tôi bắt đầu gắn những thứ mình có lên tường nhà, hòn non bộ, tường rào.’ ông Trường chia sẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ban đầu đến với nghề, ông Trường gần như chẳng biết gì về đồ cổ nhưng với tinh thần chịu khó học hỏi nên chỉ trong thời gian ngắn ông đã trang bị được vốn kiến thức về lĩnh vực đồ cổ cho mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dù công việc sinh nhai không kiếm được bao nhiêu, thế nhưng cứ gom góp được chút tiền là ông lại đi tìm mua hết cái đống bát đĩa cổ từ lành lặn đến vụn vỡ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Gần 30 năm trời, ông Trường đã rong ruổi, lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để săn đồ cổ chỉ với chiếc xe đạp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy nhiên, niềm đam mê này của ông Trường vốn không được gia đình, người thân chấp nhận. Ông đi khắp cả nước, lùng sục từng nhà có đồ cổ trong nhiều tuần, có đôi khi là trong nhiều tháng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Để hoàn thành bức tranh ghép bằng những tác phẩm gốm sứ trên tường nhà và hàng rào xung quanh nhà, ông Trường đã phải bỏ ra mất gần 20 năm. Nguyên liệu để tạo nên bức tranh không lồ ấy là hơn 8 nghìn chiếc bát, đĩa cổ, 90kg xèng, 20kg tiền xu, hơn 20kg các loại khuy áo bằng đồng, bằng đá, và vô vàn những mảnh gốm cổ… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngôi nhà hiện tại của ông Trường cũng được bao phủ bởi gần 10 ngàn đĩa, bát và bình sứ. Ông Trường còn cho biết thêm, đa số những mảnh bát đĩa này trông đều rất đẹp và rẻ nhưng thực chất, một số bát đĩa có từ tận thế kỷ 17 và 18. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy nhiên, ông không mảy may quan tâm tới giá trị vật chất của chúng. Điều mong muốn duy nhất của ông là giữ gìn nét đẹp văn hóa của đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với ông, các hiện vật cổ đều có hồn và đượm chứa nét văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ, hơi thở của một xã hội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Trường chia sẻ, bộ sưu tập của mình tuy đồ sộ mà giá trị kinh tế không cao, vì toàn đồ gốm dành cho tầng lớp bình dân, ít có hàng cao cấp, nhiều nhất chỉ vài trăm nghìn đồng một món. Tuy bị mang tiếng ‘khùng’ nhưng ông vẫn tâm đắc, khi nằm xuống sẽ lưu lại cho đời sau một di sản có giá trị văn hóa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
‘Ai cũng bảo tôi điên. Nhưng cứ nghĩ đến lúc con cháu đời sau bước vào căn nhà, trầm trồ xuýt xoa với đống cổ vật mà thế hệ trước đã làm, tôi lại có động lực tìm đồ cổ về gắn tiếp,’ ông nói. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Trường cho biết rất sợ bộ sưu tập của mình sẽ bị đánh cắp hoặc vỡ nếu để ở nhà. Do đó, để đảm bảo bộ sưu tập của mình sẽ trường tồn theo thời gian, ông quyết định gắn tất cả chúng lên tường nhà của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chính vì sự ‘khùng’ của mình, căn nhà của ông Trường không lúc nào vắng bóng bạn bè, khách hay thậm chí dân chơi đồ cổ đến thăm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều người chơi đồ cổ đã đến nhà và ‘gạ’ ông nhượng lại cho họ món này, đồ kia với giá cao nhưng ông Trường một mực khước từ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông chia sẻ: ‘Tôi đã bỏ công ra sưu tầm cũng là vì đam mê nét văn hóa cổ xưa chứ không phải là vì mục đích thương mại. Nếu như tôi định bán thì tôi đã không gắn hết các đồ cổ này lên tường như thế.’ (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ban ngày rảnh rỗi ông lại đi sưu tầm đồ cổ. Đêm đến ông lại hì hục trộn ximăng và cát để gắn bát đĩa lên tường. Vất vả là thế nhưng ông không thấy mệt. Bởi chính ông cũng không hiểu vì sao mấy cái ‘bát đĩa cũ’ lại hấp dẫn ông đến vậy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hầu hết những bát đĩa cổ được ông sưu tầm, mua về đều được gắn trên tường nhà ông đều thuộc thời Lý. Ngoài ra, còn có những chiếc bát đĩa cổ có niên đại vào đời nhà Trần, Nguyễn rất quý hiếm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều người dân trong xóm, ngoài làng biết chuyện còn mang đến biếu ông những đồ vật gốm, sứ trong gia đình nhằm góp vốn làm giàu thêm ‘bộ sưu tập’ của ông nông dân mê đồ cổ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dù theo ông các đồ cổ trong bộ sưu tập ông sở hữu có giá trị kinh tế không cao, nhưng hẳn giá trị lịch sử, văn hoá của nó khó bề mà đo được. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

From the same category