Ông thợ may người Nhật và cách mạng thời trang - Tạp chí Đẹp

Ông thợ may người Nhật và cách mạng thời trang

Xu Hướng
Đôi tình nhân tuyên chiến

“Bộ não” của cuộc cách mạng thời trang (còn được gọi là cuộc “xâm lăng” của người Nhật) diễn ra tại Paris 30 năm về trước thuộc về cặp tình nhân Rei Kawakubo – người sáng lập ra thương hiệu Comme des Garcons và Yohji Yamamoto. Họ đa chia tay nhau và theo Rei Kawakubo, trong những năm “khói lửa” đó, không bao giờ họ nói chuyện công việc với nhau. Chỉ có hai người thôi, nhưng đã đủ làm cho Paris hoa lệ bàng hoàng sửng sốt đến mức để lộ ra thái độ thiếu thân thiện đối với người lạ. Nhất là khi họ động chạm đến thời trang – lĩnh vực vẫn được coi là “sân nhà” của người Pháp.


Năm 1982, tờ báo cánh hữu Le Figaro thậm chí đã dùng đến câu “mối đe dọa màu vàng phía chân trời” để nói đến sự hiện diện bất thường của người Nhật. Hai năm sau mùa trình diễn Thu Đông 1981 đáng nhớ đó, người ta vẫn còn dùng các thuật ngữ như “Holoscaut chic”, “trang phục của sự khốn khổ”, “thời trang tang tóc” hay “giẻ rách” để giễu cợt (và đồng thời thể hiện sự bất lực) các trang phục đen, rộng quá cỡ, phi đối xứng, không hình dạng cụ thể và không lành lặn của họ.

Mãi cho đến những năm 1980, phương Tây mới biết đến các nhà thiết kế thời trang từ đất nước hoa anh đào. Hanae Mori đến Paris đầu tiên, Kenzo đa trình diễn tại đây năm 1970, còn Issey Miyake có mặt ba năm sau đó. Nhưng phải đến khi đội quân người mẫu không trang điểm, mặc đồ đen, đi giày đế phẳng của Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo “diễu hành” trên sàn diễn Paris, người ta mới nói đến một làn sóng mới, “thời trang ý niệm”, “thời trang tri thức” hay “phản thời trang”.


Cùng với Issey Miyake, về sau họ được gọi chung là “bộ ba hoành tráng của thời trang Nhật”, tuy phong cách riêng của ba nhà thiết kế khá khác nhau. Điểm chung của họ là khách hàng – giới trí thức, kiến trúc sư, nghệ sỹ hay những người làm việc trong các phòng tranh nghệ thuật và viện bảo tàng.

Những người này quan tâm đến “bộ ba” không chỉ để mua trang phục và trưng diện, mà còn để trưng bày các thiết kế của họ như các tác phẩm nghệ thuật.

Sự bi quan sành điệu

Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto xuất hiện lần đầu tiên tại Paris trong giai đoạn hoàng kim của Haute Couture. Đó là lúc hai ngôi sao mới – Thierry Mugler và Claude Montana bắt đầu tỏa sáng. Thời trang Paris, hay nói rộng hơn, của phương Tây, đẹp lộng lẫy với các màu sắc sặc sỡ và kiểu dáng mới, sexy, táo bạo.

Vai rộng, eo bó cực chặt. Những đường cong khêu gợi của cơ thể phụ nữ được phơi bày dưới chất liệu latex bóng của Thierry Mugler, hay với những đường cắt thiện nghệ của Azzedine Alaia. Haute Couture dùng cả trang phục và chất liệu của tình dục bạo lực để thể hiện vẻ đẹp cực đoan của người phụ nữ. Phải nói thêm, đây là vẻ đẹp phụ nữ nhìn với con mắt của đàn ông. Người Nhật, với màu đen ảm đạm và các trang phục tiêu điều “giả khổ”, phi giới tính nằm ở đối cực còn lại của thời trang.


Phong cách của họ khác biệt trên mọi phương diện, từ chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, đến cách hoàn thiện trang phục, phủ nhận hoàn toàn những quy tắc tưởng chừng bất di bất dịch của thời trang phương Tây. Thật là một điều thú vị, sự tiêu pha quá khích trong thập kỷ 1980 bắt nguồn từ sự lạc quan vô bờ bến đã đem lại thành công cho “thời trang nghèo” của người Nhật.

Chất liệu, kiểu dáng, chức năng

Tâm trạng bế tắc, sự khủng hoảng về bản sắc trong thế hệ Nhật Bản lớn lên sau chiến tranh chính là lý do Yohji dùng để giải thích cho sự khác biệt của mình. “Tôi buông xuôi. Tôi không cần gì hết. Và điều này chẳng liên quan gì đến đạo Phật cả!” – ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1987.

Áo khoác Yohji rộng thùng thình, dài luộm thuộm, che đi mọi đặc điểm cơ thể và không thể hiện giới tính của người mặc nó. Váy “bao tải” được cắt, xẻ, khoét, quàng một cách không đối xứng. Chất liệu dầy dặn, nặng nề, dường như dành cho quần áo bảo hộ lao động. Vải được giặt, mài nhiều lần để tạo cảm giác cân bằng giữa cái mới và sự cũ kỹ. Nhà thiết kế mốt dường như không quan tâm đến những vấn đề cơ bản, chất liệu, kiểu dáng hay chức năng của trang phục. Thay vào đó, ông đề cao sự không hoàn thiện của công việc thủ công, tôn vinh sự tác động của thời gian, thể hiện cái đẹp của sự ngẫu nhiên qua những đường nét không đều đặn trên mặt vải.


Đây không còn là kỹ xảo thời trang, nó gần với việc nghệ sỹ tìm tòi chất liệu và kiểu dáng khi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật hơn. Hơn nữa với phong cách phi giới tính của ông, những trang phục không để lộ tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí, tầng lớp xã hội của người mặc, đi ngược lại hoàn toàn quan niệm của người châu Âu về vai trò của trang phục trong nền văn hóa.

Giày cao gót và truyền thống Nhật

“Tôi đã đặt ra rất nhiều điều cấm kỵ cho bản thân” – nhà thiết kế giải thích bước ngoặt lớn trong phong cách của mình – “Không giày cao gót, không thời trang Nhật Bản truyền thống”. Điều thứ nhất gắn liền với ký ức của thời niên thiếu về son môi đỏ và giày cao gót của các cô gái điếm trong khu phố cạnh nhà ông, những phụ nữ ông kể là “hoang dã một cách đáng sợ”.


Truyền thống Nhật – theo Yohji – trông như đồ lưu niệm cho khách du lịch. “Sau này tôi quyết định gạt bỏ hết những rào cản tôi đa tự đặt ra cho bản thân. Tôi có thể làm tất cả. Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn!”. Giày cao gót có lẽ vẫn chưa bao giờ xuất hiện trên sàn diễn hay trong cửa hàng của Yohji Yamamoto. Ngược lại, Yohji cùng Dr. Martens thiết kế lại một số kiểu giày cao cổ vốn vẫn được giới punk và gothic ưa chuộng. Hay cùng Adidas thiết kế giày thể thao.

Cuộc hợp tác nhỏ cho bộ sưu tập Thu Đông năm 2001 đã dẫn đến việc thành lập thương hiệu với phong cách thể thao Y3. Phải chăng đây mới là rảo cản lớn nhất? Nhiều người có lý khi cho rằng cho rằng điều này đa “thương mại hóa” Yohji. 50.000 đôi giày được đánh dấu bằng ba sọc của Adidas và chữ ký của Yohji Yamamoto đã được bán hết chỉ trong hơn một năm đầu tiên. Cũng dễ dàng dự đoán rằng Y3, với phong cách phổ thông, trẻ trung sẽ đạt doanh thu cao gấp nhiều lần thương hiệu riêng của nhà thiết kế. Khác với Y3, công ty của Yohji Yamamoto trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Nhà thiết kế mốt tuyên bố phá sản năm 2009, nhưng cùng năm đó, ông đa có một nhà tài trợ mới hỗ trợ để trở lại hoạt động.

Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn tài chính cho thương hiệu là mức giá quá cao trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Thời trang thay đổi quá nhanh với “fast fashion”, với túi xách “IT bag” và không có nhiều thương hiệu thời trang thực sự thu lợi nhuận từ kinh doanh quần áo. Có lẽ đây mới là những thay đổi mà Yohji không muốn thích nghi, những rào cản ông không muốn dỡ bỏ. Nhà thiết kế mốt gần 70 tuổi này gọi mình là “ông già” và quan tâm đến việc gìn giữ tay nghề của người Nhật hơn là tìm tòi hay chạy theo các xu hướng mới.

Thử quần áo trong viện bảo tàng

Có lẽ nên đặt các trang phục Yohji trong cùng một khung cảnh với các tác phẩm nghệ thuật đương đại, như vậy người xem sẽ dễ dàng hơn khi đánh giá vẻ đẹp thị giác nếu có vài dòng ghi chú giải thích hoàn cảnh lịch sử, kỹ thuật hay chất liệu được dùng. Và vị trí của những trang phục này có vẻ như hợp với các viện bảo tàng hơn là tủ quần áo bình thường.


Có rất nhiều cuộc triển lãm giới thiệu thời trang của Yohji Yamamoto được tổ chức trên thế giới trong những năm qua. Bên cạnh bộ sưu tập kinh điển của thập kỷ 1980 là những trang phục mang tính chất kỹ thuật cổ truyền “haute couture Nhật Bản”, hay những trang phục được trưng bày như các tác phẩm điêu khắc, thể hiện quá trình tìm tòi sáng tạo kiểu dáng, đi kèm với sự trau chuốt và tinh tế của haute couture Pháp. Đó là một Yohji nên thơ và “cổ điển” hơn rất nhiều so với những năm 1980.

Một trong những khoảnh khắc lãng mạn nhất của thời trang diễn ra trong buổi diễn thời trang Xuân Hè năm 1999 với chủ đề áo cưới. Cô người mẫu bất ngờ kéo khóa mở những chiếc túi bí mật được giấu dưới lớp váy cưới, lấy ra mũ cưới, áo khoác mỏng, găng tay và một đóa hoa trắng. Chiếc váy cưới thật sự hiện thân thành tất cả những biểu tượng lãng mạn về người phụ nữ.

Tại bảo tàng Musee de La Mode et du Textile tại Paris, người ta cho phép người xem được phép sờ tay vào trang phục trưng bày. Trong “Dream Shop” tổ chức tại ModeMuseum ở Antwerp, Bỉ, người xem có thể mặc thử. Trang phục của Yohji gắn liền một cách thiết thực với con người, ngay cả khi nó được coi là các tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ vì thế mà ông luôn nhận mình là một người thợ may, thay vì là một nhà thiết kế thời trang.

Bài: Lukasz Nguyễn

Thực hiện: depweb

13/06/2011, 12:08