“Ông giáo làng” Lê Cung Bắc

Đầu tiên là phải khề khà. Bắc luôn luôn như thế, chậm rãi, từ tốn, nói năng nhỏ nhẹ, thong thả. Vốn xuất thân là diễn viên, có cảm tưởng nếu anh đóng cướp, tên cướp ấy gặp một cô gái trẻ cô đơn giữa đêm, chắc chắn sẽ nhẹ nhàng giương súng lên, dịu dàng hỏi nhà em đâu, em đi với ai mà khuya thế này, em có bao nhiêu tiền thì đưa anh, không đưa cũng được, sau đó mới… bắn! Những bộ phim của Bắc giống hệt con người anh, từ tốn, chậm rãi, không kỹ xảo, không có các cảnh chuyển động nhanh. Xem xong, có khi phải ba tháng sau mới thấy hay, ba năm sau mới thấy hay hơn nữa, ba thế kỷ sau sẽ thấy hay tuyệt.
Giáo làng thì phải cẩn thận. Chả bao giờ thấy anh chạy, chả bao giờ thấy anh vấp ngã, cũng chả khi nào thấy anh nhầm lẫn. Nếu như Lê Hoàng cả đời không phân biệt nổi ai là Minh Hằng, Thanh Hằng, ai là Hồ Ngọc Hà, Tăng Thanh Hà thì anh Bắc nhớ như in sự khác nhau giữa… Việt Trinh và Phương Trinh.

Giáo làng thì phải đọc sách. Bắc không bao giờ tiết lộ anh đọc bao nhiêu cuốn và đọc cuốn nào, nhưng anh biết hết nhà văn miền Nam ai có mấy áo sơ mi, ai có mấy quần đùi, và đã từng yêu ai, ghét ai. Kiểu đọc sách của anh cũng rất kinh điển. Nếu như Lê Hoàng ngó quàng ngó xiên, vừa đập ruồi vừa mở sách thì Lê Cung Bắc ngồi trang nghiêm dưới gốc cây bồ đề tự trồng trong sân, đằng sau là hương trầm nghi ngút, mở sách ung dung, chậm rãi như sắp giảng bài. Chỉ nhìn cách anh lật giở từng trang sách ta cũng tin sái cổ rằng chữ nghĩa đang thấm vào da thịt anh.

dao-dien-le-cung-bac-2-copy

Giáo làng là phải cổ kính, đăm chiêu. Nội thất nhà đạo diễn Lê Cung Bắc phảng phất nét Sài Gòn xưa, Huế xưa, Đà Lạt xưa và Hà Nội xưa. Mọi thứ đều nâu nâu, xám xám, buồn buồn, tử tế đến mức có lần một tên trộm đang bị truy đuổi ngoài phố nhảy phắt vào nhà anh, hắn ngay lập tức chắp tay cung kính lẩm nhẩm lạy Phật.
Một giáo làng chân chính luôn ăn ít, nhưng uống rất lâu. Đạo diễn Lê Cung Bắc không uống rượu nhiều, nhưng đã uống thì phải nửa ngày và ít nhất hết nửa chai. Trong các cuộc rượu, anh bàn về Đông Tây kim cổ, tuyệt đối không bàn tới giá đô la và giá vàng mặc dù anh biết rất rõ.

Cái hay của Bắc là anh quan tâm tới bạn bè, đồng nghiệp. Nếu như Lê Hoàng cả đời chẳng biết mình ra sao thì Bắc biết rõ gia cảnh, sức khỏe và khéo cả số tiền trong túi các anh em làm phim từ già đến trẻ, đặc biệt là già. Anh rất ân cần thăm thú, thăm viếng và thăm hỏi mọi người.

Cách ăn mặc của Lê Cung Bắc cũng rất khác thường. Anh không bao giờ rời một cái mũ, kể cả khi tắm, nhìn qua tưởng nó của Tàu, nhìn kỹ hóa ra của Châu Âu, nhưng khi đội vào, nhìn thật cẩn thận mới biết của Afghanistan. Nhiều người đồn rằng hễ anh nhấc mũ lên là bên dưới lộ ra một đống vàng.

Màu sắc chủ đạo ở anh là màu nâu, kể cả nước da. Từ anh phảng phất ra mùi sân khấu, mùi điện ảnh, mùi văn học, mùi hội họa và chỉ trong những dịp hiếm hoi mới có mùi thức ăn.

Đôi mắt anh sáng rực, và để giấu ánh sáng tỏa ra, anh thường nheo nheo khi nhìn cảnh vật, vờ như nhìn không rõ, khiến nhiều kẻ rất dễ hiểu lầm.

Đời Bắc có lẽ đã trải qua không thiếu một vai gì, từ tên giết người cho tới lãnh tụ. Anh cùng các đoàn phim lăn lộn trên khắp đất nước, trở thành một nhân chứng không thể thiếu của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam ra sao thì ai cũng biết, đầy mâu thuẫn, đầy cao quý kèm theo cả… vớ vẩn. Nhưng ai đã ở trong đó rồi thì mãi mãi không thể rút ra!


From the same category