Ông Charles Leung, CEO Chaumet: Đỉnh cao của sự xa xỉ là chiếc vương miện có thể truyền lại cho thế hệ sau

Tại Pháp, Chaumet được coi là bảo vật quốc gia. Nhà kim hoàn 245 năm tuổi này từng được lựa chọn để chế tác vương miện cho vua Napoleon vào thế kỷ 18, thiết kế huy chương cho Thế vận hội Paris 2024 và vẫn luôn là thương hiệu được phụ nữ tìm đến khi họ muốn có một chiếc tiara độc bản để đánh dấu cột mốc trọng đại trong cuộc đời. Bằng tất cả tâm huyết và niềm tự hào, ông Charles Leung, giám đốc điều hành toàn cầu của Chaumet, chia sẻ với Đẹp về di sản quá khứ và định hướng tương lai của thương hiệu trong chuyến thăm thị trường Việt Nam.

Ta có thể làm gì cho thiên nhiên?

“Bee de Chaumet” là biểu tượng của Chaumet. Nhưng vì sao lại là những chú ong? Ông có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng đằng sau bộ sưu tập này được không?

Ong là biểu tượng của hoàng gia Pháp, hình ảnh đó đã gắn liền với Chaumet từ thời chúng tôi chế tác trang sức cho vua Napoleon và hoàng hậu Joséphine. Ban đầu chỉ là một vài thiết kế như ghim cài, vòng tay, chuông… Khi xu hướng hình học trở nên phổ biến, chúng tôi đã phát triển motif tổ ong hình lục giác. Năm 2011, bộ sưu tập “Bee de Chaumet” ra đời, khởi điểm là 9 mẫu nhẫn cưới được làm trên 3 chất liệu vàng vàng, vàng trắng, vàng hồng, mỗi mẫu có phiên bản nạm đá một nửa hoặc toàn bộ. Sau đó, bộ sưu tập được mở rộng với các thiết kế dây chuyền, vòng tay, khuyên tai…

Kể từ khi xuất hiện, “Bee de Chaumet” đã tạo ra sức tăng trưởng ấn tượng. Nó được các khách hàng yêu thích bởi kiểu dáng tinh tế và phù hợp với mọi giới tính. Cái tên “Bee de Chaumet” là một lời khẳng định rằng bộ sưu tập này tập trung vào thiên nhiên, và loài ong chính là biểu tượng của thiên nhiên, cũng là khởi đầu cho hành trình của Chaumet.

Ông Charles Leung, giám đốc điều hành toàn cầu của thương hiệu Chaumet

Tôi cho rằng hình ảnh loài ong và chiếc tổ ong có thể gợi lên rất nhiều liên tưởng. Với cá nhân ông, chúng có ý nghĩa như thế nào?

Với tôi, tổ ong là hình ảnh của mái ấm, một nơi để trở về. Tôi nghĩ thông điệp này sẽ chạm được tới cảm xúc của nhiều người, bởi ngày nay, chúng ta thường xuyên dịch chuyển. Chúng ta học tập ở nước ngoài, làm việc ở những miền đất khác nhau, nhiều khi điều ta khao khát nhất chính là cảm giác được trở về nhà. Ở nơi đó ta được thoải mái là chính mình, không có sự phán xét.

Tôi nghĩ Napoleon có lý. Dù không trực tiếp nói ra nhưng nhà vua yêu thích vương quốc loài ong là bởi ở đó có một thủ lĩnh, toàn bộ đàn ong làm việc dưới sự dẫn dắt của ong chúa. Hơn thế, chúng còn là một cộng đồng gắn kết. Chúng chung sống hòa bình, không tấn công các loài vật khác. Nhưng khi đứng trước khó khăn, chúng lập tức đoàn kết lại, không còn là những cá thể riêng lẻ nhỏ bé nữa mà trở thành một khối thống nhất và mạnh mẽ.

Trong thế giới trang sức, trước “Bee de Chaumet”, chưa có bộ sưu tập nào nói đến sức mạnh tập thể hay cảm giác thuộc về.

Ngành trang sức cao cấp toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là mối quan tâm ngày càng lớn đối với tính bền vững. Chaumet có những chiến lược gì để thích ứng với xu hướng này?

Chaumet đang thay đổi hướng khai thác vàng và đá quý. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng cộng đồng trang sức một cách có trách nhiệm. Gần đây, chúng tôi đã ra mắt mặt dây chuyền hình ong đầu tiên được làm bằng vàng khai thác có trách nhiệm. Khái niệm này khác hẳn với vàng tái chế.

Vương miện Joséphine Aigrette Impériale

Vàng tái chế là thứ đã tồn tại hàng trăm năm qua. Những món trang sức vàng đã qua sử dụng được nấu chảy rồi đúc lại dưới một hình hài mới. Hoàn toàn có khả năng vàng tái chế có nguồn gốc phi đạo đức hoặc gây hại cho môi trường. Còn với vàng được khai thác có trách nhiệm, ta biết rõ nó được khai thác mới từ lòng đất, những người thợ mỏ được làm việc trong điều kiện an toàn và nhận mức thù lao xứng đáng để gia đình họ có thể thụ hưởng đầy đủ thực phẩm, y tế và giáo dục, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

“Ta lấy cảm hứng từ thiên nhiên, vậy ta có thể làm gì cho thiên nhiên?”, đó là câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình khi làm việc tại Chaumet. Thành công phải đi liền với trách nhiệm. Chúng tôi bắt đầu với một biểu tượng của thiên nhiên và sẽ dần dần biến tất cả các sản phẩm của Chaumet trở thành sản phẩm có trách nhiệm với thiên nhiên trong thời gian tới.

Ý nghĩa tối thượng của sự xa xỉ

Với di sản đồ sộ kéo dài hơn 200 năm của thương hiệu, ông có cách nào để giữ chúng sống mãi cùng thời gian?

Từ năm 1780 đến nay, tất cả các bản vẽ, thư từ, hóa đơn… đều được chúng tôi lưu giữ trong kho lưu trữ. Nếu đến cửa hàng flagship của Chaumet tại Paris, bạn sẽ thấy nó giống như một bản ghi chép lịch sử về nghệ thuật chế tác kim hoàn. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã tiến hành số hóa toàn bộ tư liệu để đảm bảo chúng không bị mất vì thiên tai, hỏa hoạn hay bị đánh cắp.

Bộ sưu tập “Bee de Chaumet”

Kho lưu trữ thực sự quý giá, rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm đến chúng tôi để tìm hiểu và học hỏi. Chúng tôi cũng mở cửa kho lưu trữ của mình cho sinh viên và các bảo tàng đến tham khảo. Có thể bạn đã biết, bảo tàng Louvre mỗi khi gặp vấn đề với các bộ sưu tập trang sức cổ đều gửi đến Chaumet để phục chế, ngay cả khi những món trang sức đó không có nguồn gốc từ Chaumet. Là nhà kim hoàn lâu đời nhất, sở hữu những kỹ thuật truyền thống và kiến thức chuyên sâu, chúng tôi biết rõ trang sức ở thế kỷ 18 được chế tác ra sao và làm thế nào để phục hồi chúng một cách nguyên bản.

Chaumet có trường dạy thiết kế trang sức cho sinh viên. Gần đây, chúng tôi tổ chức một cuộc thi thiết kế vương miện tại Qatar cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Ngoài ra, Chaumet còn tham gia nhiều triển lãm quốc tế, mới nhất là triển lãm tại Hàng Châu (Trung Quốc) và vào cuối năm nay sẽ là triển lãm về phong cách Art Deco tại Paris. Tất cả những hành động này chính là cách chúng tôi chia sẻ di sản của mình với cộng đồng.

Ở cương vị giám đốc điều hành toàn cầu, ông muốn khắc ghi điều gì trong tâm trí khách hàng về thương hiệu Chaumet?

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu trang sức khác nhau nhưng khi đến với Chaumet, tôi mong muốn khách hàng cảm nhận được rằng họ đang trải nghiệm gu thẩm mỹ Paris: sự tinh tế, kín đáo, tay nghề chế tác tinh xảo và di sản lâu đời.

Cửa hàng Chaumet tại 12 Lý Đạo Thành, Hà Nội

Khi bước vào cửa hàng Chaumet tại Hà Nội, thứ tôi nhìn thấy đầu tiên là một bức tường treo nhiều mẫu thử vương miện. Phải chăng dịch vụ cá nhân hóa thiết kế vương miện là một trong những chiến lược của Chaumet nhằm nâng cao trải nghiệm xa xỉ của khách hàng?

Đúng vậy. Tại đây bạn có thể đội thử, chụp ảnh hay thiết kế một chiếc vương miện của riêng mình. Bức tường này bắt nguồn từ truyền thống của Chaumet. Thời xưa, khi giao thông còn khó khăn, các khách hàng sẽ tới gặp nhà thiết kế của Chaumet một lần để trao đổi về chiếc vương miện mà họ mong muốn. Chúng tôi vẽ một vài thiết kế cho họ lựa chọn, sau đó dùng niken – một kim loại dễ uốn – để tạo ra phiên bản thử nghiệm, sơn và tạo hình sao cho hợp ý khách hàng. Khi họ xác nhận, chúng tôi mới tiến hành chế tác chiếc vương miện thật sự. Chiếc vương miện này sẽ được giao đến tận tay khách hàng sau khi hoàn thiện, còn mẫu thử thì chúng tôi lưu giữ. Qua thời gian, chúng tôi đã thu thập được khá nhiều mẫu thử. Nhiều món trong số đó giờ đã trở thành hiện vật trưng bày trong bảo tàng ở Paris.

Khi đến Việt Nam, chúng tôi mong muốn các khách hàng cũng được trải nghiệm dịch vụ cá nhân hóa. Bạn có thể yêu cầu Chaumet thiết kế một chiếc vương miện mang dấu ấn của bản thân, chẳng hạn như loài hoa yêu thích, tháng sinh nhật hay kỷ niệm gắn với gia đình…

Chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra một chiếc vương miện độc bản cho riêng bạn. Chiếc vương miện sẽ hiện diện cùng bạn trong những cột mốc trọng đại và được bạn truyền lại cho con cháu. Tôi nghĩ đó chính là ý nghĩa tối thượng của sự xa xỉ. Một chiếc xe cổ thì rất phong cách, một chiếc túi da đẹp cũng rất đáng mơ ước. Nhưng một chiếc vương miện từ Chaumet? Đó là đỉnh cao của nghệ thuật kim hoàn, một câu chuyện mà bạn có thể kể lại, một biểu tượng mà bạn có thể trao cho thế hệ mai sau.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.


From the same category