Thay vì chọn cách đi tour, check-in khách sạn, thưởng thức hải sản… thì anh Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam lại chọn cách du hí khá đặc biệt: với đủ đồ dùng, lều bạt, thuyền kayak, anh và hai đứa con trên một chiếc bán tải, men theo những con đường rất ít xe hơi đi tới.
Biển miền Trung luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất và ẩn chứa những điều mới lạ, và mỗi người đều có cách trải nghiệm của riêng mình, tùy thuộc vào thời gian, điều kiện kinh tế hay sở thích.
Nhưng anh Phạm Trung Tuyến vẫn không muốn chọn hình thức hưởng thụ nhàn nhã quen thuộc mà nhiều người vẫn nghĩ tới khi thực hiện hành trình khám phá những bãi biển đẹp nhất miền Trung này. Hành trình của ba bố con kéo dài 11 ngày, trải qua hơn 4.000km địa hình hỗn hợp, nếm đủ mùi vị vùng miền, và quan trọng hơn tất cả là gia đình anh có những trải nghiệm mà hiếm ai đi nghỉ mát có được.
Cảm xúc từ lộ trình khác biệt
Chuyến đi dọc duyên hải của anh Tuyến thực chất là một chuyến công tác nhằm khảo sát đời sống của cư dân duyên hải phục vụ cho một dự án phát thanh mới. Tuy nhiên, vì lịch trình trùng với thời gian nghỉ hè nên anh nảy ý định đưa bọn trẻ đi cùng, vừa là đi chơi, vừa tranh thủ giới thiệu cho con những câu chuyện lịch sử, địa lý của một dải bờ biển đất nước.
“Bố con tôi đi từ Hà Nội vào đến Quảng Bình thì đi theo Quốc Lộ 1. Nhưng từ Quảng Bình vào đến Đà Nẵng, chúng tôi men theo các con đường dân sinh sát mép biển, xuyên qua các vùng đầm phá, cửa sông Bắc Trung Bộ. Rồi tiếp tục quay trở lại Quốc Lộ 1 chạy ven biển từ Đà Nẵng vào đến Bình Thuận, đoạn xa biển thì tôi rẽ vào các đường ngang đến các làng chài, rồi vòng ra. Nói chung là hầu hết chuyến đi đều bám sát bờ biển, vừa đi vừa tìm đường, vất vả chút nhưng rất nhiều bất ngờ và thú vị”, anh Phạm Trung Tuyến chia sẻ.
Việc chọn đi những con đường không tên, men theo bờ biển mang đến cho hành trình của bố con anh Tuyến một cảm xúc rất đặc biệt. Bởi mỗi nẻo đường ấy giúp bố con anh được chứng kiến hình ảnh dung dị, chân thực với đời sống thường nhật của người dân duyên hải, khác xa với hình ảnh của các dịch vụ du lịch cung cấp.
Mặt khác, khi chọn đi những con đường này, người cầm lái phải xác định sẽ có rất nhiều tình huống bất ngờ, như có những đoạn đường bị mất, khoảng lầy, trảng cát, thậm chí phải đi vòng ra bãi biển, chạy trên cát bên mép sóng, xuyên qua những rừng dương, rặng bần, đước… để mà đi. Đối với các dạng địa hình đó, bạn cần một chiếc xe có sức mạnh, bền bỉ, hệ dẫn động thông minh, và quan trọng hơn cả là mang lại cảm giác thư thái khi cầm lái.
Điều đặc sắc nữa của hành trình men theo đường dân sinh ven biển đó là có rất nhiều thứ để khám phá. Từ đời sống địa phương đến những địa điểm độc đáo thú vị để cắm trại, rồi các đầm phá hoang sơ. “Bố con tôi mang theo một cái thuyền ba mảnh, cứ đến chỗ nào có đầm phá là hạ thuyền xuống chèo, phải nói là cực kỳ thích cái cảm giác lướt thuyền giữa những vùng nước hoang sơ mênh mang đó”, anh Tuyến chia sẻ.
Cảm xúc từ những trải nghiệm chưa từng có
Các con đường dân sinh ven biển mang đến nhiều tình huống bất ngờ, khó khăn trong hành trình khám phá duyên hải độc đáo này. Nhưng với những người ưa khám phá, phiêu lưu mạo hiểm như ba cha con anh Tuyến, thì khó khăn lại trở thành thử thách để chinh phục.
Anh kể, có một buổi chiều ở Quảng Trị, anh nhìn thấy trên bản đồ gần đó có một mũi đất nhô ra biển, thế là nảy ra ý định đến đó ngắm hoàng hôn. Anh Tuyến lái xe xuyên qua rừng dương, vừa đi vừa quan sát cẩn thận để tới điểm chót của mũi đất đó. Lần khác, ở Phú Yên, hai con của anh rất muốn cắm trại và ngủ ở một bãi biển có tên là bãi Ôm. Anh hỏi đường thì người dân bảo chưa có cái xe ô tô nào ra được bãi bởi chỉ có duy nhất một con đường hẹp toàn đá hộc to. Tuy nhiên, bọn trẻ quá háo hức nên anh vẫn lái xe vào, chậm rãi bò qua những hòn đá gập ghềnh trong sự chỉ dẫn nhiệt tình của dân làng. Vào đến nơi thì lưng ướt đẫm mồ hôi, bù lại hai con của anh rất phấn khích.
Đừng chần chừ, xếp hành lý và lên đường thôi!
Có thể nhiều người đã biết hoặc nghe đến hành trình dài ngày như thế này, nhưng để thực hiện thì không phải ai cũng vượt qua mọi rào cản, thậm chí là nghi ngại bản thân để lên đường.
Với người đàn ông trung niên này thì câu chuyện này đã thành cơm bữa. Anh chất lên thùng xe tất cả những thứ cần thiết để có thể tự xoay xở khi không có dịch vụ hỗ trợ. Ba bố con mang đủ thứ, từ dụng cụ nấu ăn, lều bạt, túi ngủ, bàn ghế dã ngoại, thùng bảo ôn đựng thực phẩm tươi sống, thậm chí cả thuyền kayak để có thể khám phá các vùng cư dân cô lập trong đầm phá vùng cửa sông. Chiếc bán tải trong chuyến đi đó thực sự giống một ngôi nhà di động, đảm bảo cho bố con anh không “cơ nhỡ” dù ở bất cứ địa điểm hoang sơ nào.
“Kinh nghiệm của tôi khi thực hiện chuyến đi như thế này là trước hết bạn cần một chiếc xe tốt, chứa được nhiều đồ, vận hành ổn định trên các địa hình khác nhau. Và điều quan trọng là bạn nên cởi mở, sẵn sàng giao lưu với người dân địa phương, vừa để hiểu thêm về cuộc sống nơi mình đi qua, vừa để luôn tìm thấy sự trợ giúp khi cần thiết. Tôi tin là khi chúng ta đi nhiều, gần gũi với đời sống cần lao nhiều, chúng ta sẽ thấy cuộc đời đáng yêu hơn”. – Anh Tuyến chia sẻ.
Anh Tuyến là một minh chứng thú vị cho việc dẫu đã lập gia đình nhưng nếu bạn là người ưa khám phá, và máu phiêu lưu vẫn chảy trong huyết quản thì vẫn có thể lên đường bất kỳ lúc nào cùng với các thành viên trong gia đình. Còn chần chờ gì nữa mà không lên kế hoạch cho chuyến du lịch tiếp theo?