Ông bố làm mẹ

Cách đây chừng chục năm, thật khó có thể thấy cảnh một người đàn ông ra chợ mua đồ ăn thức uống. Ngày nay, khi đi chợ hay vào siêu thị mua đồ ăn, chúng ta không còn quá ngạc nhiên khi bắt gặp một người đàn ông đang cẩn thận lựa mớ rau, con cá.

 

Anh ơi, đi chợ, nấu cơm

Anh Hà Văn Biên, 39 tuổi, Q. 1. TPHCM nhẩm tính, anh làm “ông nội trợ” đã được hơn 3 năm. Khi đó, vợ anh nhận một quyết định sang nước ngoài tu nghiệp. Chuyến đi 5 tháng không dài nhưng có ảnh hưởng đến sự nghiệp của cô ấy. Khi đó, họ có hai con, đứa lớn 7 tuổi và đứa nhỏ 5 tuổi. Anh Biên đang là nhân viên bình thường trong phòng kế hoạch của một công ty chuyên về thực phẩm xuất khẩu. Cũng phải nói là khi vợ dè dặt đưa ra quyết định đó, anh cũng cảm thấy sốc. Ở nhà chăm con trong 5 tháng không phải là chuyện to tát, vì từ khi chúng lọt lòng, anh đã phụ vợ chăm sóc các con, chưa kể còn có hai bên ông bà giúp đỡ, nếu cần. Điều anh lo ngại nhất là sự xa cách, bọn trẻ con thiếu mẹ. Tuy nhiên, lợi ích của chuyến tu nghiệp là quá lớn đối với sự nghiệp của vợ anh. Anh Biên biết chỉ cần mình có ý phản đối thì vợ sẽ nghe theo, tất nhiên chị sẽ nuối tiếc cơ hội.

Thương vợ, anh quyết định xin nghỉ hẳn ở nhà chăm sóc bọn trẻ. 5 tháng rồi cũng qua. Vợ anh được cất nhắc ngay sau khi tu nghiệp về. Những chuyến công tác liên tiếp lại đến sau đó. Anh gần gũi với bọn trẻ, quen nếp sinh hoạt ăn ngủ của chúng rồi nên không muốn thay đổi nữa. Một tháng 30 ngày thì hơn 20 ngày anh xách giỏ đi chợ, đưa đón bọn trẻ, chuẩn bị đồ ăn, cho quần áo của cả nhà vào máy giặt… Rảnh rang thì vợ anh phụ một tay và chơi với con. Với anh Biên, mọi thứ đã dần thành nếp và anh hoàn toàn yên ổn với chức anh “ông bố làm mẹ”, “quý ông nội trợ”.

 

Xưa rồi chuyện ai chăm con, ai kiếm tiền

Không giống anh Biên, có vợ đi tu nghiệp từ xa, anh trở thành “ông nội trợ” bất đắc dĩ, anh Hoàng Văn Nam, Q. Tân Phú, TPHCM cũng là ông trưởng bếp một cách rất tự nhiên. Hai anh chị kinh doanh tiệm tạp hóa. Chị Loan, vợ anh nhanh nhẹn, hoạt bát nên mọi việc lấy hàng hóa, liên hệ các đầu mối rồi bán hàng, chị lo. Anh Nam “ôm sô” chuyện cơm nước, nhà cửa và đưa đón các con, thỉnh thoảng phụ chị trông cửa hàng. Chị Loan cho biết rất nhiều người bạn của mình cũng chia việc nhà như thế. Vợ lo bán buôn thì ông xã quán xuyến nhà cửa, chăm con. Giữa kiếm tiền và coi sóc nhà cửa, con con, chị nói đằng nào thì cũng đều vất vả như nhau, chả hơi đâu mà phân biệt làm gì cái chuyện ai chăm con, kiếm tiền.

Anh Hoàng Trọng Hùng, 37 tuổi, nội trợ, Q. Tân Bình, TP.HCM lại là trường hợp khác. Anh tỏ ra rất cởi mở khi cho rằng, cái suy nghĩ “chỉ đàn bà mới đi chợ chăm con” đã quá lạc hậu rồi.

Anh cho rằng phụ nữ bây giờ được xã hội coi trọng hơn. Xã hội cứ ra rả khuyến khích họ ra ngoài đi làm và phấn đấu cho sự nghiệp. Vậy khuyến khích thế nào nếu không có những ông chồng như anh? Chẳng phải cứ đàn ông ở nhà đi chợ, chăm con là hạng “vô tích sự”, “bỏ đi”.

 

Anh Hùng cao 1m70, nặng 65kg, sức khỏe tốt. Nếu vì sợ cái tiếng ăn bám vợ, anh bảo mình có thể đạp xích lô hay đi bốc vác tại các chợ thì cũng có lấy miếng ăn, đồng lớn, đồng nhỏ cho gia đình. Đấy là anh kể tình huống tệ nhất chứ anh có bằng cao đẳng sư phạm hẳn hoi. Cách đây hơn 10 năm, anh từng là thấy giáo dạy Văn. Nhưng vợ chồng anh đã bàn tính, nếu anh toàn tâm lo cho hai đứa con gái, vợ anh cố gắng làm xong cái luận văn thạc sĩ chuyên ngành tâm lý rồi đi làm việc, viết sách thì gia đình sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc anh cứ bám lấy công việc ở trường còn để mặc vợ tự xoay xở với hai đứa con nheo nhóc để các cơ hội cứ lần lượt trôi qua.

Đàn ông nội trợ, vợ vẫn là vợ

Được hỏi cảm nghĩ khi làm ông nội trợ, anh Biên nói thỉnh thoảng cũng nhận được câu hỏi của bạn thân, bạn bè là “định ở nhà làm ông nội trợ luôn đấy à?”, có chút trêu chọc, làm anh có hơi chạnh lòng chứ không đến mức tự ái hay tức giận. Các con anh rất gần gũi với bố, chúng chia sẻ mọi chuyện với bố. “Quan trọng là vợ tôi không biến thành đàn ông ăn to nói lớn trong nhà, lên mặt hay tỏ ý khinh thường chồng. Trái lại, cô ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng, thỉnh thoảng còn nói lời cảm ơn vì tôi đã hy sinh. Tôi thì chả nghĩ đó là hy sinh, chỉ là vì hoàn cảnh yêu cầu phải thế”, anh tâm sự.

Chị Loan cho rằng: “Phụ nữ nào cũng muốn có chồng giỏi giang ngoài xã hội, có địa vị, tiền của, bao bọc mình. Nhưng mà có phải ai cũng được thế đâu. Hoàn cảnh mình, mình biết, chồng mình biết. Chồng giúp vợ lo cho con cái, vợ đừng có ỷ thế kiếm tiền mà đối xử với chồng hỗn hào, lấn lướt. Thế thì có chuyện gì to tát đâu. Và còn nữa, tiền bạc phải để chồng “rộng tay” một tí vì còn giao tiếp anh em, họ hàng, còn phải cho cháu chắt hay thăm nom ai đó. Chứ nếu đã không trực tiếp lo kinh tế gia đình mà tiền bạc còn phải xin vợ từng đồng thì chắc chẳng ông chồng nào chịu nổi”.

 

Về phần mình, anh Hùng nói anh sẽ bắt tay vào viết cuốn sách về đàn ông nội trợ. Ý tưởng có từ lâu rồi. Dàn ý cũng đã xong. Cuốn sách không cổ súy cho việc đàn ông ở nhà nội trợ, mà theo “nhà viết sách tương lai”, anh chỉ muốn cho người đọc thấy được những thay đổi trong sự phân chia công việc giữa vợ chồng ở thời đại mới.

Xã hội hiện đại đang tạo cơ hội cho người phụ nữ khẳng định mình trong mọi lĩnh vực. Có thể thấy sự ủng hộ và tạo điều kiện đáng trân trọng nhất và cũng có thể coi là tân tiến, nhân văn nhất chính là việc những người đàn ông chấp nhận “đổi vai” cho vợ mình. Sự thay đổi này sẽ luôn giữ được giá trị của nó nếu cả vợ lẫn chồng đều hiểu, đều trân trọng những đóng góp của đối phương dành cho tài sản giá trị nhất: Gia đình.

Theo Thế giới gia đình

From the same category