"One Piece" phiên bản live-action: Điểm cộng và điểm trừ - Tạp chí Đẹp

“One Piece” phiên bản live-action: Điểm cộng và điểm trừ

Review

Xô đổ thành tích của “Stranger Things” và “Wednesday” để trở thành siêu phẩm Netflix ăn khách nhất trên toàn cầu, “One Piece” live-action (phiên bản người đóng) đang thể hiện sức hút áp đảo ngay cả với những khán giả chưa từng theo dõi nguyên tác – điều mà nhiều phim chuyển thể từ manga/anime trước đây chưa làm được. Vậy, hãy cùng Đẹp lý giải sức hút cũng như các yếu tố làm nên thành công cho bộ phim này.

Các nhân vật tuổi thơ được tái sinh ở phiên bản live-action

Được chuyển thể từ bộ truyện tranh “One Piece” (tựa Việt: “Đảo Hải Tặc”) với sự giám sát của “cha đẻ” nguyên tác – Eiichiro Oda, bộ phim truyền hình “One Piece” live-action đang nhận về nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình lẫn đông đảo công chúng. Hiện tại, series này đang nằm chễm chệ ở vị trí số 1 trên Netflix của 84 quốc gia, đồng thời nhận về 85% điểm “cà chua tươi” đầy ấn tượng. Đáng chú ý là trước “One Piece”, nhiều tác phẩm manga/anime đình đám của xứ Phù Tang như “JoJo’s Bizarre Adventure”, “Tokyo Ghoul”, “Gintama”, “Rurouni Kenshin” hay thậm chí là “Attack on Titan” cũng từng được chuyển thể thành bản live-action, nhưng chưa có phiên bản nào gặt hái được thành công vang dội trên toàn cầu ngay khi vừa công chiếu như siêu phẩm lần này.

Sở dĩ “One Piece” live-action thành công đến vậy là nhờ vào hai yếu tố, thứ nhất là sự quan tâm từ cộng đồng người hâm mộ nguyên tác suốt nhiều năm qua, thứ hai là sự đầu tư kỹ lưỡng và khéo léo của nhà làm phim, khiến những ai chưa từng theo dõi bản gốc cũng cảm thấy hứng thú và quyết định xem thử. Cụ thể hơn, đó là sự tỉ mỉ trong việc chọn lọc nội dung, xây dựng bối cảnh, và khắc hoạ chân dung nhân vật, cũng như sự khéo léo trong việc loại bỏ các hạn chế mà dòng phim live-action thường xuyên mắc phải. Tuy nhiên, khách quan mà nói, phiên bản “One Piece” lần này vừa là một series giải trí với nhiều điểm sáng ấn tượng, cũng vừa là một tác phẩm chuyển thể với nhiều điểm chưa trọn vẹn, làm phật lòng một bộ phận người hâm mộ nguyên tác.

Điểm cộng: Bối cảnh ấn tượng + Dàn diễn viên chất lượng

Điểm cộng đầu tiên của “One Piece” nằm ở bối cảnh phim – được quay ở thành phố Cape Town (Nam Phi) bên bờ Đại Tây Dương, trong tiết trời thoáng đãng, đậm chất phiêu lưu với nắng, gió và biển. Tại đây, vũ trụ One Piece được tái thiết một cách một cách sống động với những địa danh tiêu biểu như thành phố Loguetown, Làng Syrup,… Thú vị hơn, các con tàu tầm cỡ như Going Merry của băng hải tặc Mũ Rơm, Red Force của băng Tóc Đỏ, hay thậm chí là nhà hàng Baratie nổi trên biển đều được đoàn làm phim đầu tư kinh phí khổng lồ để dựng thật thay vì lạm dụng kỹ xảo.

Con tàu Going Merry trong quá trình dựng.
Tàu Going Merry hoàn thiện trên phim.

Điểm cộng thứ hai của phim đến từ tạo hình cũng như khí chất vô cùng hợp vai của dàn diễn viên chính. Phần đông khán giả đồng tình rằng các nhân vật như chàng mũ rơm Luffy (Iñaki Godoy), anh đầu bếp “Chân Đen” Sanji (Taz Skylar), thợ săn hải tặc Zoro (Arata Mackenyu), nàng hoa tiêu Nami (Emily Rudd), vua bắn tỉa Usopp (Jacob Gibson) đều có diện mạo và tính cách khớp với nguyên tác đến 80%. Trong khi 20% còn lại chỉ là một số thay đổi nhỏ khiến mỗi nhân vật thêm phần mới mẻ. Tỷ dụ như Vua hải tặc Luffy, qua màn hoá thân của Godoy, dù vẫn ngô nghê và tếu táo nhưng lại bớt tưng tửng hơn so với bản gốc, hay Roronoa Zoro – một kiếm sĩ nghiêm túc nhưng đôi khi lớ ngớ đã được Mackenyu thể hiện với phong thái đạm mạc hơn.

Dàn nhân vật chính của “One Piece” LA với tạo hình như bước ra từ trong truyện.
Nam diễn viên Arata Mackenyu nhận về cơn mưa lời khen không ngớt nhờ màn hoá thân hoàn hảo vào nhân vật Zoro.

Rõ ràng, các yếu tố như bối cảnh và tạo hình nhân vật đều giúp “One Piece” live-action ghi điểm đáng kể trong lòng đại bộ phận người hâm mộ nguyên tác. Vậy còn với những người không theo dõi bản gốc, hoặc không để tâm đến các tác phẩm manga/anime cũng như dòng phim live-action thì sao? Trên thực tế, dòng phim này luôn kén khán giả hơn so với những thể loại khác, bởi biểu cảm của nhân vật trong phim thường bị cường điệu hoá hoặc tiết chế quá đà. “Quá lố!” hoặc “Làm chưa tới!” là những nhận xét tương đối quen thuộc mà nhiều tác phẩm chuyển thể đã nhận phải. Song, ở “One Piece” LA, biểu cảm của nhân vật được thể hiện một cách khá tự nhiên, gần gũi với con người thực – đây là một điểm cộng giúp bộ phim được khán giả khen ngợi hết lời.

Cũng có ý kiến cho rằng “One Piece” live-action có thời lượng quá ngắn so với cả vũ trụ hải tặc đồ sộ của tác giả Eiichiro Oda. Theo đó, nhiều tình tiết thú vị từ nguyên tác đã bị lược bớt trong phiên bản này. Tám tập phim tương đương với 451 phút, gói gọn khoảng 100 chương manga (hoặc 50 tập phim anime) có thể là chưa đủ để khiến người hâm mộ nguyên tác “đã cái nư”. Song, đây lại là thời lượng xem phim lý tưởng dành cho những ai mới tiếp cận vũ trụ One Piece thông qua phiên bản người đóng. Nhờ nội dung phim được xử lý gọn ghẽ, khán giả có thể hiểu chuyện phim một cách đầy đủ, mạch lạc mà không phải dành nhiều thời gian để theo dõi toàn bộ diễn biến ngoài lề. Có thể nói việc rút gọn nội dung cũng là một điểm cộng khiến “One Piece” LA tiếp cận được lượng khán giả lớn hơn.

Điểm trừ: Tình huống (hơi) khiên cưỡng + Màu phim “bất ổn”

Tình huống được viết lại một cách sượng sùng là điểm trừ dễ thấy nhất ở “One Piece” live-action. Bên cạnh việc lược bỏ nhiều diễn biến, nhà làm phim đã biến tấu một số tình huống để chuyện phim được đẩy nhanh hơn. Việc này đôi khi không chỉ làm mất những phân đoạn tiêu biểu, giàu cảm xúc, mà còn khiến các diễn biến sau đó trở nên kệch cỡm. Đơn cử như màn đụng độ giữa Zoro và tên sĩ quan Helmeppo, cũng như tương tác giữa anh và cô bé làm cơm nắm Rika đã bị nhà làm phim sửa đổi hoàn toàn, ngay cả khi đây là tình huống được người hâm mộ nguyên tác đặc biệt yêu thích, bởi nó phản ánh tinh thần chính nghĩa của nhân vật Zoro.

Trong anime, Rika mang cơm nắm cho Zoro khi anh bị trói.

Theo truyện, chàng kiếm sĩ Zoro với dáng vẻ nghiêm túc, thờ ơ đã cứu mạng cô bé Rika khỏi bị tấn công bởi con sói của Helmeppo. Không may, Zoro bị bắt bởi hai cha con hắn và bị trói lên cột. Biết chuyện, Rika đã lén mang cho Zoro một ít cơm nắm do cô bé tự làm. Bấy giờ, Helmeppo phát hiện ra hành động của Rika và cố ý dẫm nát cơm nắm, sau đó đuổi cô bé đi. Dù vậy, Zoro vẫn muốn nhặt nắm cơm lên ăn và còn khen ngon. Đây là một trong những tình huống tiêu biểu nhất bộ truyện “One Piece”, góp phần khắc hoạ tính cách của chàng kiếm sĩ Zoro một cách sâu sắc. Đáng tiếc thay, ở bản live-action, Rika lại đột ngột mời Zoro ăn cơm nắm dù hai người chưa hề quen biết, và sau đó là một chuỗi diễn biến khiên cưỡng khiến người xem không thể hiểu nổi tâm lý của Zoro.

Ngoài ra, một số khán giả còn nhận thấy “One Piece” live-action có màu phim khá “bất ổn”. Hầu hết cảnh phim bị bao trùm bởi một màu vàng nhờ nhờ tối, khắc hẳn với những mảng màu tươi sáng, bắt mắt ở phiên bản anime. Điều đáng ngại là các nhân vật trong phim đều sở hữu làn da rám nắng khoẻ khoắn, đầy sức sống, song, màu phim tối vô tình khiến chân dung của họ trở nên kém sắc hơn đáng kể. Bên cạnh đó, màu vàng úa cũng khiến cảnh trí trong phim có vẻ u buồn và ảm đạm, thay vì mang lại bầu không khí phiêu lưu phấn khởi như ở các tựa phim cùng đề tài cướp biển.

Màu phim ảm đạm – trái ngược với tinh thần vui tươi, tích cực của phim.

Trên thực tế, những điểm trừ về nội dung hay màu phim chẳng thể nào làm vơi đi sức hấp dẫn của “One Piece” đối với đông đảo khán giả trên toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Dù thế nào, đội ngũ làm phim cũng đã nỗ lực hết sức mình để mang đến cho công chúng một vũ trụ hải tặc sống động, làm thoả lòng tín đồ của bộ manga kinh điển, đồng thời khẳng định tiềm năng của dòng phim chuyển thể – vốn là một thể loại khó “chiều lòng” tất cả người xem. Và quan trọng nhất, thành công của “One Piece” live-action cũng sẽ là một tượng đài để các nhà làm phim chuyển sau này có thể tham khảo, từ đó mang đến đến cho khán giả nhiều siêu phẩm ấn tượng hơn trong tương lai.

Tác giả: Hồng Tâm

08/09/2023, 21:00