Ơn mẹ vì đã cho tôi quyền lựa chọn

Chiều nay về nhà, tôi thấy chị hàng xóm cất xe vào nhà để xe chung của khu phố với vẻ mặt vô cùng bực bội. Thỉnh thoảng lại nghe thấy chị cằn nhằn với cậu con trai đi cùng: “Mẹ nói với con bao nhiêu lần rồi, để cô giáo mắng lây cả mẹ như thế à?”. Hóa ra cậu bé học yếu và vi phạm quy định của nhà trường nên cô chủ nhiệm phản ánh với phụ huynh. Tôi không dám tham gia vào câu chuyện của mẹ con họ, nhưng về nhà, tôi nghĩ, khi con đi học, tôi sẽ không quá tin thầy cô giáo để mắng mỏ con mình như thế. Bởi vì mẹ tôi đã không làm như thế mỗi lần đi họp phụ huynh về, và tôi biết ơn mẹ tôi về điều đó vô cùng!

Chuyện ở trường không phải là tất cả

Khi đến trường, việc duy nhất một đứa trẻ phải làm là học tập các kiến thức khoa học. Hơn 10 môn học, với mỗi môn được “cấu véo” ra một vài phần đại diện và các học sinh phải thuộc lòng điều đó. Các con có thể rất yêu động vật, rất yêu môi trường, các con có thể là cây bút rất cá tính trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, nhưng đó là những điều không nằm trong phạm vi các thầy cô cần biết. Vậy nên khi cô không biết tất cả về trẻ, thì việc cô nhận xét về trẻ, ở cái nhìn của cô, trong phạm vi thuộc bài của con, hoàn toàn chỉ là một góc rất nhỏ về con. Thậm chí, nói không quá lời, nó chỉ là một ví dụ vui vui để cha mẹ biết rằng con có vẻ không thích học toán bằng học văn. Hay thậm chí con chả thích học môn nào cả!

Suy nghĩ về nguyên nhân

Thường thì có hai vấn đề cần suy nghĩ khi con có kết quả học tập ở trường không tốt. Thứ nhất, có thể con không có khả năng tiếp thu tốt các vấn đề khoa học (nhấn mạnh rằng, vui lòng giới hạn vấn đề lại, rằng kết quả không tốt ở trường chỉ là khả năng nhận thức các vấn đề khoa học thôi, chứ nó không liên quan gì đến kỹ năng đời sống). Nếu nghĩ được vậy, hẳn chúng ta sẽ ứng xử đúng cách hơn nhiều! Giữa việc một đứa trẻ không học được các môn khoa học trong chương trình giáo dục phổ thông hoàn toàn khác với việc đứa trẻ ấy không đủ khả năng nhận thức về đời sống.

Thứ hai, nếu trẻ đủ khả năng tiếp thu các kiến thức ở trường mà kết quả học tập vẫn không cao, thì có nghĩa là trẻ đã không thích nghi được với phương pháp giảng dạy của chương trình học! Tôi thấy đa số các trường hợp kết quả không cao ở bậc phổ thông, là rơi vào trường hợp này nhiều hơn. Chúng ta học tiếng Anh bằng lý thuyết và công thức (có khác nào việc học piano bằng giấy và qua việc miêu tả âm thanh của nó?!). Chúng ta học toán qua các công thức chết, các ký hiệu không gắn vào hiện thực và học văn với những vấn đề quá đồ sộ và xa lạ. Khoa học không có lỗi. Bọn trẻ càng không phải người có lỗi. Nhưng cách mà chương trình giáo dục hiện nay gắn kết bọn trẻ và khoa học thì thật sự nực cười!

Chúng ta chẳng nên làm gì cả

Tôi chứng kiến những bà mẹ phát điên sau buổi họp phụ huynh, và nghĩ đến mẹ mình. Chẳng ai bắt buộc một đứa trẻ 6 tuổi phải vào lớp 1 thì nhất định 18 tuổi phải xong lớp 12. Qua năm lớp 7, kết quả của tôi ở trường quá kém, cô giáo chủ nhiệm gọi tôi là “gánh nặng” của cô vì tôi rất “láo”. Mấy bài văn “phát biểu cảm nghĩ của em”, “phân tích về hình ảnh abc… gì đó” đều bị tôi trả lời cụt ngủn: “Em thật sự không biết phải nghĩ gì”. Tôi thậm chí còn buộc tóc thành 3 nhánh khi đến lớp (các bạn khác đều buộc làm 2 nhánh). Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cô gần như hét lên vào mặt mẹ tôi rằng cô sẽ trả lại tôi cho nhà trường, sẽ cấm cửa tôi vào năm sau, thậm chí sẽ cho tôi nghỉ học. Và trong khi các phụ huynh khác cười rung hết rốn vì cô giáo chủ nhiệm kể chuyện về tôi như quái vật, thì mẹ tôi hết sức bình tĩnh. Bà đứng lên giữa bộ mặt đỏ gay của cô giáo, giữa những tiếng cười ác ý và khoái trá ở xung quanh, bà nói rằng: “Vâng, thưa cô. Cô có quyền cho con tôi nghỉ học, và tôi rất cảm ơn vì cô đã làm đúng quy định của nhà trường. Có điều, tôi chỉ xin góp ý với cô rằng việc nói về một đứa trẻ mới 14 tuổi theo cách mỉa mai, thật ra là không đúng với chuẩn mực sư phạm lắm đâu”.

Về nhà, mẹ tuyệt nhiên không mắng mỏ tôi, chỉ hỏi tôi rằng tôi cảm thấy sao, cô giáo nhận xét vậy tôi nghĩ gì? Tôi quá sợ mẹ mắng nên chỉ im thin thít. Vài ngày sau, thấy mẹ hoàn toàn không có ý giận tôi, tôi mới mon men đến nói thật với mẹ là không hiểu sao tôi chán đi học lắm. Mẹ hỏi, chán thế nào, cụ thể từng lý do xem sao. Vậy là tôi hít một hơi dài và bắt đầu trình bày. Từ chuyện phải cắm cổ ghi bài như cái máy, đến việc tối nào cũng phải học thuộc hàng trang ghi chép. Đến việc tôi rất thích chương trình học tiếng Anh trên Internet nên tối nào cũng học đến khuya và chẳng sờ mó gì đến bài vở ở trường. Mẹ bảo tôi cho mẹ xem chương trình dạy tiếng Anh đó.

Quyết định tiếp theo của mẹ tôi mới thật kinh hồn. Mẹ cho tôi nghỉ ở nhà, không đi học nữa suốt 2 năm liền! Vậy là khi các bạn đã xong lớp 9, tôi vẫn chỉ mới xong lớp 7. Công việc của tôi ở nhà là lau nhà, giặt quần áo, rửa bát, phụ giúp ông bà khi ông bà ốm, mệt. Và tất nhiên là mỗi ngày đều phải học chương trình tiếng Anh mà tôi yêu! Tối nào mẹ cũng kiểm tra xem tôi có học thật không. Khỏi nói, tôi tiến bộ nhanh thế nào! Và vui vẻ không thể nào tưởng tượng. Về sau tôi còn học cả chương trinh làm bánh, chương trình pha chế cocktail và học cách đánh giày (hẳn 12 loại giày khác nhau) qua bác chủ hiệu giày đầu ngõ. Mẹ ủng hộ hết, miễn là tôi muốn học và chịu trách nhiệm về tất cả việc nhà, cấm kêu ca gì.

Rồi mẹ xin cho tôi vào trường bổ túc, tôi chỉ học 5 môn cơ bản với thời lượng một năm. Chẳng ai cấm học sinh bổ túc được thi đại học, vậy nên tôi vẫn thi đỗ đại học và cho đến bây giờ vẫn say sưa với đam mê của mình. Tôi ơn mẹ tôi vì điều ấy vô cùng! Trong suốt 2 năm ở nhà, phụ trách hết mọi việc lau dọn, rửa ráy từ ly, cốc, bát đến đến bồn cầu, tôi đã hiểu hơn những vất vả của mẹ khi phải nuôi tôi ăn học. Nhưng cũng hiểu rằng mình được quyền lựa chọn, và thoải mái với những gì tôi chọn, thay vì người khác chọn cho tôi!

Hãy thúc đẩy đam mê của con thay vì nhồi nhét

Tôi vẫn nhắc lại kỷ niệm đau khổ của tôi khi phải học Truyện Kiều, rằng khi phân tích 8 câu thơ hay nhất trong Truyện Kiều (qua đoạn trích “Kiều ở Lầu Ngưng Bích”) tôi đành để giấy trắng với lời thú nhận “Em không hiểu gì”. Tất nhiên tôi có thể viết chống đối cho xong vài trang giấy nhưng tôi không biết như thế có để làm gì không. Vậy mà sau 2 năm ở nhà, lấy lại hứng thú học tập, tôi đến trường bổ túc, bắt đầu lại lớp 7 tệ hại của tôi với kết quả xuất sắc. Tất nhiên, xuất sắc ở trường bổ túc thì chẳng ai quan tâm, cho đến khi tôi đạt giải nhất cấp thành phố với bài văn phân tích 8 câu thơ tả tình hay nhất trong Truyện Kiều (lại là “Kiều ở Lầu Ngưng Bích”?!). Tôi đã rung động thực sự trước vẻ đẹp của cả ngôn từ lẫn hình ảnh trong thơ. Điều mà không hiểu sao khi bị nhồi nhét đến 12 môn học, tôi đã không làm được!


From the same category