Hoàng Mộng Hoài (Biên tập viên VTV): Thế giới ảo và cảm xúc thật
Tôi có thể khẳng định như vậy. Tất cả những gì ta “đầu tư” khi tham gia vào thế giới này là thật: công sức, thời gian, ý tưởng và xúc cảm nữa. Song việc chơi mạng, nhất là Facebook, có hai mặt của nó. Facebook mở ra cho mọi người cánh cửa rất rộng trong giao tiếp. Có những thông tin cần chia sẻ, những người bạn quá lâu mất liên lạc, giờ qua nhiều nhịp cầu, nối lại thông tin. Hoặc bạn có thể thoải mái nói chuyện với một người chưa từng quen biết, chưa từng gặp gỡ về một đề tài tâm đắc nào đó. Những sẻ chia luôn là tức thời và lan rộng nhanh. Khi có ai chưa biết về mình, chỉ cần kết bạn Facebook, lướt qua “tường nhà” tôi là hiểu thêm, hoặc nhận ra tôi là ai, đang làm gì. Nói vậy, không phải trang Facebook nào cũng có đầy đủ thông tin cá nhân về chủ nhân của nó. Nhiều người lấy nickname, không tiết lộ nhiều về bản thân, không có hình đại diện, nên khó nhận ra họ là thật hay ảo.
Nếu chỉ dừng ở việc kết bạn, chia sẻ cảm xúc, mọi vấn đề giao tiếp thông thường trong cuộc sống hàng ngày, thì chỉ cần vậy là đủ. Facebook và người dùng Facebook cũng không đòi hỏi nhiều. Nhưng nếu muốn xây dựng một mối quan hệ tình cảm sâu hơn, hoặc trở thành đối tác làm ăn chung, thì lời khuyên là: Facebook chỉ nên là cơ hội ban đầu để tiếp cận, chứ không nên xác lập lòng tin chỉ từ đó. Cái mất, nếu có từ Facebook, chỉ là do từ niềm tin được xác lập vội vàng kiểu này. Tôi đã chứng kiến vài người bạn bị lừa tiền bạc vật chất cho những người bạn trên Facebook. Đó là chưa kể đến tình cảm và niềm tin trao gửi cho người mà đến lúc nhận ra là ảo thì đã muộn. Facebook chiếm nhiều thời gian của người dùng hơn, thì hiển nhiên phải ảnh hưởng đến cả đời sống thường nhật khi bỏ bê cả công việc ở cơ quan. Chưa kể những mối quan hệ bạn bè, chat chit hay comment có khả năng gây hiểu lầm làm xáo trộn hạnh phúc gia đình của người này hay người kia.
Nhiều người mượn Facebook để trút những nỗi niềm, bức xúc của mình, có khi bằng những lời lẽ thô tục. Hoặc có khi chỉ vì muốn gây sự chú ý hơn với cộng đồng mạng, người ta nghĩ ra nhiều chiêu trò trong các status gây sốc, để làm sao nhiều người “like” là họ thấy thành công, và tên tuổi được biết đến. Tôi không quan tâm đến những cách tạo chú ý như vậy và thường không tham gia bình luận hoặc chia sẻ gì trong những trường hợp này. Thấy bạn nào hơi quá khích là remove hoặc block.
Tôi đã quen với việc đọc báo mạng. Trước kia mỗi sáng vào cơ quan là đồng nghiệp truyền nhau khoảng gần chục đầu báo ngày, để cập nhật tin tức. Bây giờ chúng ta có thể cập nhật hàng giờ. Tuy nhiên nhiều báo mạng không cẩn thận như các báo in. Lỗi chính tả, ngữ pháp xảy ra ở báo mạng nhiều hơn. Nhận định của người đưa thông tin trên báo mạng đôi khi cũng hời hợt và thậm chí nhiều khi thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây nên tình trạng dở khóc dở cười cho người liên quan.
Thế giới mạng mở ra nhiều cổng để chúng ta tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc đọc nhiều trang thông tin điện tử có thể giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề, tránh một chiều và khách quan hơn.
TS. Nguyễn Thị Hậu (Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM): Là một phần con người bạn
Nhiều năm trước, khi tôi dè dặt bước vào thế giới mạng lạ lùng và đầy hấp dẫn. Một lần lang thang trên mạng, tình cờ gặp blog của một cô bé nào đó trang trí hình chú mèo kitty trắng thắt nơ hồng xinh xắn. Lướt qua những gì cô bé chia sẻ tôi thấy quen quen, sao giống con gái mình đến thế! Nhưng càng đọc tôi càng “hết hồn”, có lúc phát cáu vì vừa đọc vừa phải đoán xem cô bé viết gì. Trời ơi, từ ngữ kiểu gì mà toàn là “bùn wé, chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, hồn nhiên như bà điên, em hok hỉu …” Tóm lại là nhiều chỗ “hiểu chết liền”! Tôi bèn nhận xét “dạy dỗ” vài câu.
Vài hôm sau con gái tôi tròn mắt ngạc nhiên, “sao mẹ vào được blog con, con đã add mẹ đâu?” Tôi cũng ngơ ngác “mẹ không biết, tự nhiên thấy thì đọc. Mà con viết bằng ngôn ngữ ở đâu ra vậy?!” Con gái cười hi hi, “mẹ ơi, bây giờ mọi người đều viết trên blog như thế, viết kiểu như mẹ “xưa rồi Diễm ơi” ai thèm xem? Mà sao blog của mẹ xấu thế, trông như “chuối cả buồng”. Ôi trời, tôi “choáng”!
Thế nhưng bây giờ blog đã trở thành thế giới quen thuộc của mẹ con tôi. Blog là nơi các con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm bạn bè thân thiết, có lần con gái mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng …
Từ blog tôi gần con hơn, hiểu con hơn qua những entry như thế. Và con tôi cũng hiểu tôi hơn từ những gì tôi không thể nói bằng lời … Tôi đã đến với thế giới mạng như vậy đấy.
Mỗi ngày lướt mạng ta có thể nhận ra muôn mặt của cuộc sống và có khi, bất ngờ nhận ra khả năng “biến hóa” của chính mình. Trên thế giới mạng ảo mà thật, bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đoán … Có thể bạn sẽ như một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ/ nhà văn/ nhà phê bình/ thoải mái bình luận về văn hóa nghệ thuật/ nhân vật/ sự kiên … Ở đó bạn có thể trở về thế hệ tuổi Teen khi bày tỏ cảm xúc “sến như con hến” về mùa thu về mưa về nắng … có thể bạn sẽ tự tin thể hiện mình giỏi giang/ duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái … Ở đó bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ phản đối/ tranh luận/ đồng tình …
Có khi sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn đang nén chặt trong mình dường như loãng ra, nhạt đi và nhẹ đi … Có khi bạn tham gia vào câu chuyện của nhà này nhà kia, có khi đi ngang qua không để lại dấu vết gì, có khi cắt đứt không thương tiếc … Có khi sau những lúc lang thang như thế, dường như bạn càng thấy “cô đơn trên mạng” nhiều hơn …
Những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn và phải chịu sự va đập của thế giới mạng. Bạn “ném” ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại bạn cái đó. Thật đấy! Thế giới mạng rất “tinh tướng”, không phải cứ đạo mạo lên mặt dạy đời chê bai tất cả thì “mạng” sẽ vị nể, hay bỗ bã tếu táo thậm chí “chửi” như hát hay thì “mạng” sẽ coi thường xa lánh. Và cũng như trong đời sống, cái gì cũng có giới hạn của nó. Để nhận ra được cái giới hạn này, ở trên mạng hay ngoài đời, đều không dễ. Quá đi một chút, từ bỗ bã tếu táo trở nên đanh đá hỗn hào, từ nhận xét khen chê sẽ thành tâng bốc hay mạt sát … Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống. Nhưng tấm gương này phóng đại nhiều lần cả những đẹp đẽ và xấu xa.
Biết vậy nhưng tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng. Nó luôn đặt tôi trước thử thách. Khi đối diện “tấm gương phóng đại”, hãy tỉnh táo để nhận biết chân giá trị của mình, của người, của những gì diễn ra chung quanh.
Dương Bình Nguyên: Nhà báo … trên Facebook
Có thể nói, mạng xã hội đã trở thành một kênh truyền tin quan trọng. Mới đây, khi bà Michelle Obama có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, cứ mỗi phút lại có 200 ngàn tweet liên quan đến chủ đề này trên mạng Twitter. Ở Việt Nam, lúc này, Facebook gần như giữ thế thượng phong, với con số ước tính khoảng hơn một triệu người sử dụng. Facebook không chỉ là chuyện cá nhân, nó đã là một kênh thông tin khổng lồ. Chẳng hạn sau mỗi tập của The Voice, là tràn ngập Facebook những câu chuyện liên quan, hỉ nộ ái ố. Hay sự kiện ra mắt iPhone 5 tại Mỹ, các cư dân Facebook thức đến 2h sáng chỉ để được tận mắt ngắm những hình ảnh của chiếc dế mới đầy quyền năng … Những người mất niềm tin vào những nguồn tin chính thống đã coi Facebook là cánh cửa mở ra sự thật, từ sự thẩm định sắc sảo của mình. Nói như nhà văn Hải Miên, là chị không đọc báo nữa, chị ở nhà và đọc Facebook, thấy nhiều thứ hay hơn.
Facaebook ở Việt Nam giống như một nồi lẩu thập cẩm, mỗi nhóm người thuộc một khu vực nghề nghiệp thường quan tâm đến những vấn đề khác nhau. Nhóm làm thời trang thì update các xu hướng, kiểu dáng, phong cách, màu sắc. Nhóm làm công nghệ update các phương tiện mới, các kĩ thuật đỉnh cao. Nhóm làm kinh doanh bàn về giá vàng, chứng khoán hay cái bẫy sập của bất động sản đang ở kỳ chạm đáy. Nhóm nghệ sỹ thì dùng Facebook để update sự kiện cho fans và chia sẻ những quan niệm sống. Còn nhóm truyền thông thì bàn luận xôn xao về mọi lĩnh vực, ai theo dõi mảng nào thì sẽ chạy theo mảng đó. Đây thường là những Facebook rất “hot”, vì họ là những người nắm đầu nguồn tin, cập nhật mọi mảng.
Facebook đã trở thành một “thế lực” thực sự, khi những trang báo chính thống không đủ dung lượng và thoải mái khi bàn đến một vấn đề nào đó. Cụ thể mới đây, scandal The Voice dàn xếp kết quả bị khui ra, chỉ sau 15 phút, clip tố cáo Phương Uyên đã tràn ngập trên các trang Facebook với những lời bình luận dữ dội. Cơn bão ập đến khiến Cát Tiên Sa phải họp gấp và tổ chức họp báo. Nhưng, một lần nữa, sức ép đến từ Facebook. Các nhà báo tường thuật trực tiếp trên Facebook của mình và được cộng đồng mạng theo dõi đông đảo. Cũng trong buổi họp báo đó, tôi là một trong những nhà báo update các thông tin trên Facebook của mình và lượng người theo dõi, cũng như kết bạn tăng đột biến. Với Facebook, dường như những rào cản về kỹ thuật trong truyền tin đã được phá bỏ. Chỉ với một smartphone, bạn có thể chụp hình và upload hình ảnh liên tục, cập nhật tối đa mọi sự kiện.
Quay trở lại sự kiện The Voice, rõ ràng Facebook đã khiến những người tổ chức chương trình phải tìm mọi cách đối phó và giải quyết khủng hoảng, chứ không phải hệ thống truyền thông chính thống. Bởi Facebook có thể coi như một phần tiếng nói của công chúng, của khán giả. Khi họ đồng loạt phản đối, nghĩa là chương trình có nguy cơ bị tẩy chay. Lấy lại niềm tin đã mất. Khó lắm thay.
Như một tất yếu của thế giới phẳng, mạng xã hội sẽ phát triển nhanh và trên thế giới phẳng mọi người đều bình đẳng. Chỉ có điều, cần cẩn trọng khi public những thông tin trên trang cá nhân, bởi khi ấy nó không chỉ là chuyện riêng tư nữa, nó là chuyện của cả một cộng đồng.
Diệp Trang: Giáo viên Đại học
Tôi không bi quan như nhạc sĩ Quốc Bảo. Tôi nghĩ thời đại Facebook ngày nay chính là thời mà âm nhạc, trong đó có “Goodbye Yellow Brick Road” và cả những bài hát của anh, được chia sẻ nhiều nhất. Không chỉ với một công chúng chung chung, mà với những người đã và có thể sẽ là BẠN của anh. Bạn, khi đã là BẠN với ý nghĩa đích thực của nó, thì chỉ có một chữ ấy thôi. Không phân biệt bạn trên mạng hay bạn ngoài đời. Thế giới Facebook dù hỗn độn mấy chắc cũng không thể nhiễu nhương bằng đời thực. Con người mỗi chúng ta dù có ảo mấy, thì vẫn phải nhờ mười đầu ngón tay thực, gõ trên bàn phím thực, định hình. Đó là chưa kể việc nếu không “mau với chứ, vội vàng lên với chứ” (Xuân Diệu) mà share mà post, thì nhỡ đâu sẽ lỡ làng mãi mãi. Không hoàn hảo mà kịp lúc tốt hơn hoàn hảo nhưng muộn màng. Những điều cha mẹ ta (chắc cũng mơ hồ muốn mà) không làm được, thì nay ta lại có thể làm một cách ngon lành. Tôi còn nhớ những lần đọc trộm nhật ký của bố tôi, tôi đã từng sững sờ khi thấy một con người khác. Cũng yêu ghét, vui buồn, giận dữ … rất đời, chứ không mô phạm và khả kính như ông bố mỗi ngày có trong nhà mình. Nhưng có lẽ vì thế mà tôi càng yêu ông hơn. Còn con cháu chúng ta, nếu có đào thấy dăm câu “đầu Ngô mình Sở” trong lòng sông News Feed, thì sẽ nhớ chúng ta như những con người đích thực là chúng ta. Anh mà đóng Facebook, thì cái phần “người ảo” hay “nhân cách phân lập” trong anh có thể ngủ yên thật, nhưng chắc gì anh và các bạn anh sẽ vui hơn?
Jane Hương Nguyễn: Relationship Manager, Tư vấn quản lý tài sản và đầu tư, Bank of Singapore
Social network is not your own toilet, it’s like a bedroom where you can scream, can say f. But also like a living room where certain courtesy or maner is expected
Khi là học sinh chuyên ngữ cấp 3 của Đại học Quốc Gia, Hương đã bắt đầu tham gia mạng xã hội, đó là thời dial-up FPT Chat. Lúc đầu chủ yếu là chat chit, làm quen bạn mới và dùng nhiều nick khác nhau. Khi lên đại học ở nước ngoài năm 2001, Hương tham gia vào mạng Thanh niên Xa mẹ và có một nick cố định. Sau đó Hương cũng mở Yahoo 360°. Blogspot: http://huong-rung.blogspot.com.es?m=1 vẫn còn nhưng không cập nhật từ hai, ba năm nay.
Thế giới mạng gắn liền với Hương từ ngày đi học, đem lại cảm giác gắn kết với mọi người. Được nói chuyện, được mở lòng, được bày tỏ quan điểm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người sống xa nhà. Thế giới mạng giúp Hương cảm thấy gần gũi với gia đình, bạn bè hơn. Chuyện gì cũng có thể hỏi mọi người được. Từ những lo lắng thường trực đơn giản như “ăn gì cho béo”, “uống gì cho giai để ý”, “đi đâu cho giàu văn hóa”, đến những chuyện to tát hơn như “về hay ở”, “yêu đứa nào”, “kinh doanh gì”. Mạng là pro rồi, toàn đem lại các điều lợi hại.
Có cảm giác là mọi người cởi mở và sẵn sàng chia sẻ hơn ngoài đời thật. Song nhiều lúc lại không biết những câu chuyện ấy là thật hay là giả. Nhiều người nói gì cũng hay, cũng như thật, như đã trải nghiệm, nhưng hóa ra toàn là chuyện tưởng tượng. Mạng cho những người này cuộc sống mà họ không thực sự được sống.
Ngôn ngữ viết lách trên mạng phải nổi, phải súc tích, ngắn gọn, đập vào mắt. Có lẽ vì cuộc sống trên mạng trôi rất nhanh và chủ yếu là bề nổi. Like a rock keep rolling – như một hòn đá cứ lăn mãi, lăn mãi, Hương nghĩ mình theo phong cách cổ cổ (old styled). Là đá thật, nhưng lại không lăn (like a rock and not to roll – Pink Floyd).
Mạng tự do, tự sướng, tự kỉ. Nhiều bạn tha hồ nói gì thì nói, chửi bậy, vu khống. Mạng có ảnh hưởng lớn và nhanh. Vì vậy Hương phản đối những chuyện chửi bậy và văng tục quá khích. Lập một nick trên Facebook, mở một blog là chiếm một chỗ trong không gian mạng làm nhà mình đấy. Nhưng mạng không phải cái toilet nhà mình. Nó vừa giống như phòng ngủ, nơi bạn có thể tha hồ la hét và nói tục một chút, nhưng nó cũng giống như phòng khách, nơi ta phải có những thái độ xã giao và lịch sự nhất định.