Oman – Trung Đông thần tiên - Tạp chí Đẹp

Oman – Trung Đông thần tiên

Sự Kiện

Kỳ 4:

Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”… Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần 1 – “Khởi đầu gian nan” – bắt đầu đăng từ số tháng 2/2012.

Thật hay mơ?

– Hai rial! – Cô bán hàng trong siêu thị Lulu vừa chỉnh lại chiếc khăn đen trùm đầu vừa nhìn tôi tò mò.
Tôi cuống lên, không hẳn vì đằng sau mình còn có khoảng hơn chục các ông các anh người Oman tay xách nách mang (ở Oman đàn ông có nhiệm vụ đi chợ), mà là do tôi không tìm thấy ví tiền đâu cả. Chưa kịp cất lời xin lỗi thì đích thân sếp trực của siêu thị tiến đến, thẳng tay nhét đống đồ tôi chọn vào túi. Tưởng ông ấy sẽ quẳng nó trở lại giá hàng thì ngờ đâu, ông đã… rút ví ra trả hộ tôi và chúc tôi một kỳ nghỉ vui vẻ ở Oman.

Hơ! Thật hay mơ thế này?

Lý do của việc tôi quên ví tiền là vì tôi hầu như không bao giờ có cơ hội được trả tiền. Bạn bè không những cho ở nhờ mà còn tự nguyện phục dịch nấu nướng, mua sắm cho tôi. Đi trên đường muốn đi nhờ xe chỉ việc nai vàng ngơ ngác hoặc giở bản đồ ra là lập tức có người dừng bánh. Tạm biệt bạn để rời đi thành phố khác thì còn được nhét thêm tiền vào túi. Bảo tại sao mà tôi chẳng quên béng là mình còn có ví tiền.

Sau gần một tháng ở Dubai mà chạm mặt với người bản xứ chỉ duy nhất một lần (95% dân số Dubai là người nước ngoài), tôi sung sướng thở phào nhẹ nhõm khi thấy mình được trở lại địa vị làm du khách, nghĩa là lại được nhìn ngó, được chào Hê-lô, được mời ăn chà là và bị tra hỏi tại sao đến giờ vẫn chưa lấy chồng (!). Tôi bất chợt nhận ra điều cốt lõi làm nên một nền văn hóa không phải là những đền đài thành quách hay công trình kỳ vĩ hoặc thiên nhiên tạo hóa đặc sắc. Du khách cảm nhận một đất nước từ chính những người dân bản xứ. Đứng cạnh một Dubai vàng son nhưng xa lạ là một Oman thân ái đón khách vào nhà, vỗ về những kẻ lãng du với tấm lòng hiếu khách chân chất như nông dân của một vị chủ nhà giàu có.  

Một thiếu nữ Oman trong trang phục dạ hội truyền thống 

Vị Sultan của xứ sở thần tiên

Ngày đầu tiên nghỉ lại thủ phủ Muscat, anh bạn mới quen Hilal quyết định cho tôi làm quen ngay với thần tượng số 1 của người dân Oman. Ảnh của ông có ở khắp mọi nơi. Ông cười rạng rỡ trên tường nhà, cửa sổ và kính chắn gió… Ông là vị Sultan quyền lực tối thượng của vương quốc: Sultan Qaboos.

Sự yêu kính vô bờ bến của con dân đối với ông có lẽ còn hơn cả người Thái yêu vua Bhumibol Adulyadej, đơn giản vì vua Thái chỉ lãnh đạo về tinh thần còn Sultan Qaboos thì dám cả gan truất ngôi vua cha, cải cách đất nước.

Vào năm 1970, Oman chỉ có 3 trường học, 1000 học sinh và 2 bệnh viện. 40 năm sau, Oman có hơn 1000 trường học, xếp thứ 8 trên thế giới về vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đường sá của Oman mượt mà như dải lụa xuyên núi cắt sông. Đọc Wikipedia thấy bảo tỷ lệ chết do tai nạn giao thông ở Oman đứng thứ nhì thế giới khiến tôi hết hồn tưởng các bác tài ở đây lạng lách giống Việt Nam. Tìm hiểu kỹ mới biết phần lớn tai nạn gây ra do tài xế… ngủ quên trên tay lái vì đường thênh thang quá (!).

Sợ hơn nữa là ngay ngày hôm sau trên đường từ Snake Canyon về nhà, tôi và Sener bỗng thấy mất dạng xe của thằng Panta. Chốc sau nghe điện thoại bảo vòng lại, tôi rú lên khiếp đảm khi thấy chiếc Land Cruiser nằm bẹp dí. Thằng giời đánh Panta không biết gà gật thế nào đã lao luôn xe qua lan can đường cao tốc phi thẳng xuống thung lũng sâu gần 4m đập đầu xe nát bét. Cả xe ai cũng đeo dây an toàn trừ Maria. Con bé bị vỡ mũi, choáng váng cả tuần chưa hết hoảng loạn. (Sener, Panta và Maria là những người bạn tôi tình cờ làm quen trên đường).

Thánh đường Hồi giáo tại Muscat với tấm thảm trải sàn lớn nhất thế giới, món quà của Sultan tặng thần dân của mình nhân dịp 40 năm trị vì

Quay lại chủ đề về cái sự đặc biệt của Oman so với các nước vùng vịnh. Chính sách đối ngoại của Oman phải nói là có một không hai trong thế giới Hồi giáo. Trong khi các quốc gia Ả Rập động tí là cắt đứt quan hệ, Oman lại chủ trương đường lối ôn hòa, làm bạn thậm chí với cả Iran là một nước theo dòng Hồi giáo Shia chứ không phải Sunni như phần lớn các nước Trung Đông. Táo bạo hơn, khi quốc gia Do Thái Israel bị coi là “kẻ thù của khối Ả Rập” thì Oman lại nhiệt thành bắt tay hợp tác.

Trong khi láng giềng Dubai và Saudi dựa dẫm phần lớn vào chất xám ngoại nhập, Oman dù bơi trong vũng dầu vẫn đầu tư mạnh vào giáo dục, quyết tâm không làm hư con dân. Chính sách của Dubai là càng cao, càng to càng tốt, Oman ngược lại chỉ cho phép sơn nhà màu trắng và không cho xây cao quá 9 tầng. Chưa hết, nhà nào muốn có cửa sổ cũng phải uốn nó thành hình vòng cung đúng theo truyền thống. Những thành phố của Oman nép vào lòng núi, trắng phau phau, xinh xắn thơm tho giữa bạt ngàn hoa lá như những ngôi nhà trong truyện cổ tích.

Người Oman ai ai cũng mặc quần áo truyền thống, đi xe đẹp và thường đắt tiền. Đi vào quán ăn thấy dân Hồi giáo áo dài quấn khăn gọi bia rượu uống vô tư, đi vào quán bar thấy các anh Hồi giáo cũng áo dài quấn khăn cầm chai nhún nhảy theo Bon Jovi.

Cái kiểu đi thăng bằng giữa truyền thống (thật ra là cực kỳ truyền thống) và hiện đại (cũng vô cùng hiện đại) mà vẫn chân chất hồn nhiên cộng với cái túi rủng rỉnh tiền của nhà giàu khiến Oman như một câu chuyện cổ tích đã đến hồi kết thúc có hậu. Mụ phụ thủy gian ác đã phải đền tội còn các công chúa hoàng tử thì đang sống bên nhau đời đời hạnh phúc. Nhà vua đức độ muôn năm!

Hình ảnh những người đàn ông Ả Rập mặc đồ truyền thống khề khà bên chai bia hầu như chỉ có thể thấy ở Oman

Bữa tối của tôi và Hilal diễn ra tại một nhà hàng mà ông chủ đã thành kính biến toàn bộ sảnh ăn chính thành viện bảo tàng với gần 500 bức ảnh của Sultan Qaboos. Trong lúc chúng tôi hí húi ăn uống, một đoàn các bô lão ở quê ra thăm thành phố lọm khọm chống gậy ghé sát vào từng tấm ảnh, mắt rưng rưng sùng kính.

Tôi đã kể với các bạn chi tiết Sultan Qaboos bị đồn là đồng tính chưa nhỉ?

Hilal tất nhiên là không mặn mà lắm với câu hỏi tế nhị của tôi về cái việc ai ở Oman cũng băn khoăn lo lắng nhưng không ai dám nói ra. Ấy là Sultan thì già rồi, hoàng hậu thì ly dị lâu rồi, con cái thì không có, ai sẽ là người kế nghiệp đây? Cái sự thành công nhanh chóng, rực rỡ mà vẫn rất bình hòa của Oman đều do một tay Sultan sắp đặt. Một số người lo Oman sẽ loạn to khi Sultan về chầu giời, Hilal thì đặt tay lên ngực nói đơn giản: “Chúng tôi yêu và tin Sultan. Chúng tôi tin rằng ông sẽ sắp đặt mọi việc đâu vào đấy. Việc Sultan là gay hay không thì nói thực là chẳng mấy ai quan tâm”.

Làm lãnh đạo giỏi đến mức mà để người dân ở một quốc gia Hồi giáo bái phục đến độ kể cả có gay cũng không thành vấn đề thì đúng là Sultan Qaboos vô địch, đáng để bái phục.

Mách bạn

Từ Việt Nam đến Oman

– Nếu muốn đến thăm quốc gia Trung Đông này, bạn có thể đặt vé máy bay của các hãng Qatar Airways, Malaysia Airlines, Thai Airways, Emirates, Turkish Airlines,… Hiện tại, chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Oman; tùy từng chuyến bay, hành trình của bạn có thể có 1 đến 2 chặng dừng, nối chuyến tại sân bay Suvarnabhumi (Bang Kok, Thái Lan), Doha (Qatar), sân bay quốc tế Hồng Kông,…  
– Thời gian bay: từ 11 tiếng 55 phút (+1) – 25 tiếng 40 phút (+1)
– Mức giá: dao động tùy theo chuyến bay; trong đó, mức giá rẻ nhất từ Hà Nội đi Oman: 20.251.700đ (Thai Airways + Jet Airways); từ Tp.HCM đi Oman: 24.793.400đ (Qatar Airways)

Ngôn ngữ
Ngoài tiếng Ả Rập và một số các thổ ngữ địa phương, tiếng Anh cũng được sử dụng rộng rãi như một ngôn ngữ thứ hai.

Các hoạt động du lịch
Với địa hình đa dạng gồm ốc đảo, sa mạc, bãi biển và đồi núi, du khách đến đây có thể tham gia vào các hoạt động: trượt cát, lặn biển, đi bộ xuyên rừng, leo núi, lướt sóng, thuyền buồm, khám phá hang động và thiên nhiên hoang dã, xem đấu bò và cưỡi lạc đà.   

Các lễ hội

– Sohar Music Festival (tháng 10/11 hàng năm)
– Muscat Festival (tương tự với Dubai Shopping Festival, diễn ra vào tháng 1 và tháng 2)
– Khareef Festival (diễn ra tại Salalah, Dhofar vào tháng 8)

Khí hậu
Ở Oman, khí hậu nắng nóng quanh năm, rất ít mưa. Nhiệt độ cao nhất có thể dao động ở mức xấp xỉ 500C.

Đồ ăn
– Bữa chính trong ngày thường được ăn vào buổi trưa, còn bữa tối chỉ ăn nhẹ. Trong suốt tháng Ramadan, bữa tối chỉ được dọn ra sau khi các tín đồ đạo Hồi đã cầu nguyện xong, thường rất muộn vào 11 giờ đêm.  
– Món ăn của người Oman sử dụng nhiều gia vị, hương liệu, hành, tỏi với nguyên liệu chính từ gà, cá và thịt cừu.

Mô hình dựng lại của chiếc thuyền cổ thế kỷ thứ 9 vượt biển sang châu Á.

Một góc Muscat

Cũng cần có một tí phù thủy

Ngày cuối cùng trước khi rời Oman, tôi gặp Khalid, người đầu tiên cắm cờ Oman trên đỉnh Everest, hiện là cố vấn cao cấp của Bộ Giáo dục Oman. Anh lái xe đưa tôi vòng quanh Sultan Qaboos University – trường đại học đầu tiên của Oman mới hơn 20 năm tuổi.

Khalid đưa tôi từ trên mây hạ cánh xuống đất khi anh mạnh mẽ chỉ trích chính đất nước của mình, từ việc những phụ nữ Oman mặc áo choàng tôn giáo đen đủi xấu xí “mặc áo đen thì suy nghĩ cũng sẽ có màu u ám tiêu cực”, cho đến việc Oman từng là một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới tiên phong trong nghề hàng hải.

Có một thời điểm trong quá khứ Oman vượt biển đô hộ và thống trị hơn 10% diện tích châu Phi. Cách Muscat không xa là Sohar, quê hương của chàng thủy thủ Sinbad lừng danh trong “Nghìn lẻ một đêm” với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm khắp chân trời góc bể. Vậy mà bây giờ với đống tiền dầu lửa, đám trẻ ai cũng chỉ mong kiếm được việc làm trong cơ quan nhà nước.

“Chán!” – Khalid buông một câu.

“Chán!” – Tôi cũng thầm nghĩ trong đầu, liên tưởng đến một vài người quen biết ở nhà. Tôi từng tủi thân nghĩ đất nước dài rộng quấn quanh biển Đông mà sao lịch sử Việt Nam không thấy có trang sử hàng hải huy hoàng. Mỗi lần về nhà bảo bạn bè tao tiêu hết tiền vào đi du lịch thì bị chê là khùng. Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nhưng mấy nghìn năm chẳng đi qua nổi mấy lũy tre làng. Hay là tại chiến trận liên miên? Hay là tại tâm tính dân tộc không khát khao thách thức, ưa việc làm nông quanh con trâu cái cày hơn là đóng thuyền vượt trùng khơi, bất chấp thế đất thế nước thiên thời địa lợi, bất chấp thiên nhiên mời gọi giục giã?

“Thôi mà!” – Khalid phì cười an ủi – “Đến một đất nước tiên phong về hàng hải với huyền thoại Sinbad còn như thế này nữa là… Cái gì cũng phải từ từ. Mình cứ phải làm tốt những gì mình được dạy thôi. Cô là người cầm bút thì sao không viết lấy một bài. Biết đâu mấy bạn trẻ ở Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm được điều gì đó từ đất nước chúng tôi?”

Thành phố trắng cổ tích

Tôi vẫn nghĩ về Oman như một Trung Đông thần tiên. Chỉ có điều tôi không thích cái kết đời đời hạnh phúc. Phải có một tí phù thủy bạn ạ. Phải có một tí phù thủy để chân tay còn biết động đậy, trí óc còn biết đấu tranh, trái tim còn biết phân biệt tốt xấu.

Và bài này viết theo yêu cầu của Khalid, người đang mải miết chinh phục những đỉnh núi mới.

Kỳ sau: Yemen – Bước qua đêm dài  

Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ
EMAIL dr.nguyenphuongmai@gmail.com

Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông tại
BLOG www.culturemove.com
FACEBOOK www.facebook.comdr.nguyenphuongmai
TWITTER www.twitter.com/thequest2quest

Bài & ảnh: Phương Mai


 

Thực hiện: depweb

16/05/2012, 15:57