Ôm nợ với hoa tết - Tạp chí Đẹp

Ôm nợ với hoa tết

Tin Tức

Bà Nguyễn Thanh Hoa (Trại Mát, P.11, Đà Lạt) nhổ bỏ hoa cúc trồng phục vụ tết – Ảnh: Mai Vinh

Bên cạnh sức mua yếu còn có nguyên nhân từ việc không có dự báo thị trường tiêu thụ năm nay ra sao để tính toán số lượng hoa trồng cho hợp lý. Cũng không có ai ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với nông dân.

Làng hoa hiu hắt

Ngày 15-2, chúng tôi trở lại làng hoa Mỹ Tho (Tiền Giang). Đi đâu cũng thấy hoa cúc nở rực ở… ruộng hoa. Ông Nguyễn Tuấn An (ấp Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho) cho hay trồng 2.000 giỏ hoa nhưng chỉ bán được hơn 1.000 giỏ, hiện đang “ôm” gần 1.000 giỏ. Trong số này chỉ còn gỡ gạc chút ít cúc vàng hòe vì còn hi vọng cắt nhánh hoa bán dịp rằm tới. Còn cúc mâm xôi coi như phải đốt bỏ. “Tính sơ vụ hoa này tui lỗ trắng hơn 30 triệu đồng. Do thời tiết thất thường làm hoa nở trễ, tới sát tết mà hoa chỉ nở vài bông nên người ta không mua” – ông Tuấn An buồn bã.

Còn ông Trần Văn Tiếp (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho) thuê xe chở 3.000 giỏ hoa lên TP.HCM bán với hi vọng kiếm lời nhiều hơn bán cho thương lái. Tuy nhiên thị trường hoa tết ở TP.HCM năm nay cực kỳ ảm đạm, người bán nhiều mà người mua thì ít. Đến ngày 29 tháng chạp, ông Tiếp quyết định hạ giá bán còn 10.000 đồng/giỏ hoa cúc, vạn thọ mà không ai mua. “Gian hàng của tui còn tới 2.000 giỏ, nếu thuê xe chở về còn lỗ chết nữa nên tui quyết định đổ bỏ, cực khổ trăm bề mà còn lỗ hết 40 triệu đồng nữa chứ” – ông Tiếp chán nản.

Theo Phòng Kinh tế TP Mỹ Tho, vụ hoa tết năm nay ở làng hoa Mỹ Tho sản xuất gần 900.000 giỏ hoa các loại nhưng tiêu thụ không hết. Số hoa tồn đọng không bán được khá nhiều do thương lái đặt hàng nhưng cuối cùng bán ế không tới lấy.

Còn tại làng hoa nổi tiếng Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), người trồng hoa tết cũng buồn thúi ruột vì đa số không bán được hết hoa. Ông Nguyễn Phước Lộc, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Sa Đéc, nói vụ hoa tết năm nay làng hoa này có hơn 1.000 hộ trồng hoa tết nhưng phần lớn nông dân đem hoa ra chợ bán chỉ được khoảng 50%, còn lại phải mang về. Những hộ đem đi TP.HCM hay nơi khác bán cũng chịu chung cảnh ngộ. “Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hoa ế là sức mua kém. Năm 2012 kinh tế khó khăn, người dân không chi tiền để mua nhiều hoa chơi tết” – ông Lộc nói.

“Thủ phủ” hoa cũng… khóc

Không chỉ Mỹ Tho, Sa Đéc, nhiều nông dân ở “thủ phủ” hoa Đà Lạt dịp tết vừa qua cũng khóc ròng do hoa không bán được. Đến nhiều ruộng hoa cúc tại Đà Lạt những ngày này, nhiều nơi chỉ mới thu hoạch một phần, phần còn lại người dân đành bỏ mặc.

Trước đó, những ngày cận tết giá hoa cúc các loại hạ giá, sau đó các thương lái tại TP.HCM tuyên bố không mua, chỉ nhận ký gửi, bán được giá nào sẽ thanh toán giá đó. Nguyên nhân các thương lái đưa ra là thị trường các tỉnh đều ứ hàng cúc. Ngay thời điểm đó, ông Nguyễn Phất (Thái Phiên, P.11, Đà Lạt) đã biết chắc vụ cúc tết của ông sẽ không có lãi: “Thương lái nắm dao đằng cán, mình cầm đằng lưỡi thì hi vọng gì”. Hai sào hoa bung nụ vừa cắt xong nên buộc ông phải gửi đi. Đến thời điểm này ông Phất cũng như nhiều nông dân khác vẫn chưa nhận tiền thanh toán. “Họ bảo chưa thanh toán được vì hoa còn ứ hàng nhiều, phải bỏ kho lạnh bán dần” – ông Phất rầu rĩ. Sau đợt hoa tết, ông Phất nhẩm tính thua lỗ hơn 200 triệu đồng.

Ông Phất còn gỡ gạc chút ít vì kịp gửi hoa đi các nơi trên những chuyến xe cuối cùng sáng 27 tháng chạp, nhiều nông dân chấp nhận mất trắng vì không thu hoạch kịp. Bà Nguyễn Thanh Hoa (Trại Mát, P.11, Đà Lạt) tính sẽ thuê xe chở hoa đi TP.HCM nhưng giá nhân công và vận tải cao nên bà quyết định không thu hoạch, chỉ thuê người dọn vườn chuẩn bị trồng đợt hoa mới, chấp nhận thua lỗ.

Cạnh nhà ông Phất là bà Loan cũng đang nhổ bỏ vườn hoa cúc ế dịp tết. Bà Loan cho hay chồng bà mới đi vay được gần 100 triệu đồng để chuẩn bị vụ mới. “Chúng tôi tính cắt cúc chuyển kho lạnh đợi tới rằm tháng giêng bán gỡ vốn, nhưng giá thuê kho lạnh cao nên chấp nhận bỏ” – bà Loan nói.

Thua lỗ vì tự trồng, tự bán

Nhiều người trồng hoa ở làng hoa Mỹ Tho cho biết lý do hoa ế khắp nơi là do không ai dự báo được thị trường tiêu thụ năm nay ra sao để tính toán số lượng hoa trồng cho hợp lý. Cũng không có ai ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với nông dân. Nông dân tự phán đoán thị trường bằng cách nhìn vào tình hình tiêu thụ năm trước để “ấn” cho năm nay. Cách làm may nhờ rủi chịu này thường thất bại. Cách đây vài ba năm, làng hoa Mỹ Tho từng gặp cảnh như năm nay. Chưa kịp gỡ gạc lại vốn bị mất thì một lần nữa họ phải ôm nợ.

Theo ông Đinh Ngọc Tùng – trưởng Phòng Kinh tế TP Mỹ Tho (Tiền Giang), sở dĩ hoa không tiêu thụ hết là do nông dân tự tăng sản lượng so với dự kiến. Ban đầu chỉ dự kiến sản xuất hơn 700.000 giỏ hoa các loại, nhưng sau đó nông dân đã tăng thêm 8ha, sản lượng thực tế lên tới 890.000 giỏ, nhiều nhất là hoa vạn thọ tới 15%. Không tính sản lượng hoa phải bỏ lại TP.HCM, số lượng hoa tồn đọng tại ruộng hoa hiện nay ước khoảng 10%, tức gần 90.000 giỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích trồng hoa phục vụ tết tăng 30%, đồng thời 30% người trồng rau chuyển sang trồng hoa tết khiến nguồn cung tăng trong khi thị trường tiêu thụ hoa lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng có dấu hiệu chậm lại do kinh tế khó khăn. Ông Nguyễn Văn Châu, trưởng phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đó là lý do khiến hoa Đà Lạt năm nay mất giá, đặc biệt là hoa cúc với sản lượng lớn.

Về giải pháp cho vụ hoa năm tới, ông Tùng nói sẽ định hướng cho nông dân tăng chất lượng hoa chứ không tăng sản lượng. Ngoài ra cũng phải tính toán biện pháp liên kết tiêu thụ ngay từ đầu vụ chứ không để tự trồng, tự bán như vừa qua.

Ông Nguyễn Phước Lộc cũng thừa nhận sản xuất và kinh doanh lĩnh vực hoa kiểng như hiện nay rất mạo hiểm. Không ai được ký hợp đồng tiêu thụ trước khi sản xuất mà tới khi hoa nở thì thương lái mới tới hỏi mua. Rồi khi đem ra chợ bán cũng không biết thị trường thế nào, giá cả ra sao. “Sau tết chúng tôi sẽ họp bàn cách giải quyết vấn đề này. Phải sản xuất hoa kiểng theo mô hình hợp tác, có người trồng, người bán liên kết với nhau mới được” – ông Lộc quả quyết.

Ngắm nhiều hơn mua

Ông Huỳnh Văn Thái, chủ một vườn mai tại Bến Tre, cho hay dịp tết năm nay ông đưa về bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) khoảng 500 chậu mai có giá dao động 200.000-5 triệu đồng/chậu, nhưng đến chiều 29 tết ghe mai của ông mới chỉ bán được khoảng 300 chậu. “Năm nay coi như thua” – ông Thái lắc đầu than thở. Theo ông Thái, năm nay phần lớn người dân đi xem chứ không mấy ai mua nên thiệt hại sơ bộ tại vườn của ông khoảng 250 triệu đồng.

Những người bán tắc, thanh long kiểng cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ tương tự. Ông Đoàn Văn Hòa (Chợ Lách, Bến Tre) đưa về bến Bình Đông khoảng 400 cặp tắc kiểng từ ngày 19 tháng chạp. Nhưng bán cả mùa tết cũng chỉ được hơn 200 cây, còn lại phải đổ bỏ, chấp nhận lỗ chi phí thuê ghe gần 40 triệu đồng, thuê xe vận chuyển đi bán các nơi cũng mất gần 100 triệu đồng. “Lời đâu không thấy, nhưng cầm chắc khoản lỗ gần 300 triệu đồng rồi” – ông Hòa nói gần như khóc. Tương tự, ông Đặng Văn Ngời (Tiền Giang) đưa khoảng 200 chậu thanh long kiểng về bán rải rác trên các tuyến đường TP.HCM. Mỗi chậu ông bán 200.000-500.000 đồng nhưng cả mùa tết chỉ bán được hơn 30 chậu. Chi phí phân bón, lấy giống rồi vận chuyển, chăm sóc, tính sơ khoản lỗ sau mùa tết của ông Ngời cũng xấp xỉ cả trăm triệu đồng.

Không riêng ông Ngời, nhiều nhà vườn chở tắc, mai, thanh long kiểngk về bán tại bến Bình Đông cũng như nhiều tuyến đường ở TP.HCM đều cho biết năm nay sức mua rất chậm, người dân trả giá thấp hơn giá bán rất nhiều. Đến giờ chót, nhiều chủ vựa đành bán tháo, chấp nhận thiệt hại để vớt vát đồng vốn. “Vườn nào may mắn thì bán được quá nửa, còn lại đều chưa tới một nửa, tình hình như thế ôm lỗ là chắc chắn rồi” – một thương lái tại bến Bình Đông khẳng định.

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

16/02/2013, 21:57