#OlympicParis2024 - VĐV thể dục dụng cụ Sunisa Lee: "Tôi chiến đấu vì bản thân, chứ không phải vì danh hiệu" - Tạp chí Đẹp

#OlympicParis2024 – VĐV thể dục dụng cụ Sunisa Lee: “Tôi chiến đấu vì bản thân, chứ không phải vì danh hiệu”

Women Empower Women

Sunisa Lee (hay còn được gọi là Suni Lee) đã xác lập thành tích mới tại Olympic năm nay. Cùng Simone Biles và đội tuyển nữ Hoa Kỳ giành HCV đồng đội và HCB nội dung cá nhân toàn năng tại Paris, tổng số huy chương Olympic của cô hiện đã là 6, gồm 2 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ… Thế nhưng, trước đó chỉ hơn 1 năm, cô đã phải giải nghệ tạm thời vì áp lực thể chất lẫn tinh thần, tưởng chừng như không thể tiếp tục theo đuổi bộ môn này.

Nuôi dưỡng đam mê từ chiếc cầu thăng bằng “nhà làm”

Suni Lee là người Mỹ gốc Hmong, Lào. Khi còn nhỏ, cô sớm bộc lộ năng khiếu nhào lộn. Bố dượng của cô, đồng thời là người tiếp lửa sự nghiệp của Suni đã làm chiếc cầu thăng bằng ở trong sân vườn. Cô gái sinh năm 2003 hằng ngày tập luyện và tham gia trung tâm đào tạo St.Paul vào năm 6 tuổi. Năm 12 tuổi, Suni đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi do tổ chức chính phủ USA Gymnastics thực hiện. Chiến thắng này đưa cô tiến vào đội tuyển trẻ U.S vào năm 2017. Cùng năm, Suni và đồng đội vô địch giải Quốc tế Gymnix. Bản thân Suni còn đoạt HCB khi về nhì nội dung xà kép ở tuổi 14. 

Năm 2019, Suni khắc tên trên 3 chiếc huy chương danh giá ở giải đấu quốc gia. Trước những bước tiến này, cô được chọn vào đội tham gia kỳ Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Đồng đội của Suni là VĐV kỳ cựu Simone Biles, đàn chị hơn cô 6 tuổi và là chủ nhân của 7 chiếc huy chương vàng Olympic.

Tại cuộc thi, Sunisa Lee đã vượt qua Simone để trở thành Quán quân với số điểm 57,433, dẫn trước 0.135 so với Á quân người Brazil – Rebeca Andrade. Đoạt tấm HCV ngay lần đầu tham dự Olympic ở tuổi 17, đây là một bàn thắng đầy vẻ vang và tự hào với cô gái trẻ. Chưa dừng lại, cô còn tạo nên lịch sử khi là người gốc Hmong đầu tiên đứng hạng nhất tại môn thể dục dụng cụ ở Thế Vận hội. 

Tuy nhiên, chiếc HCV của Suni cũng nhận phải nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, nhiều người hâm mộ lâu năm của môn thể dục dụng cụ đặt kỳ vọng nhiều hơn ở Simone Biles, tuyển thủ đã rút khỏi vòng chung kết toàn năng do bị chấn thương. Suni vừa bị áp đặt “chỉ có thể nhận HCB”, vừa bị khán giả đánh giá khắt khe hơn sau chiến thắng này. “Tôi nhận ra rằng, họ chỉ xem chúng tôi là người nổi tiếng. Họ chưa cảm thông nếu chúng tôi mắc sai phạm vì họ không coi VĐV là người bình thường”, Suni bày tỏ. Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi chỉ khoảng 4 tháng sau, cô mắc các bệnh nghiêm trọng và buộc gác lại sự nghiệp.

7 tháng chiến đấu để trở lại làm VĐV thể dục dụng cụ 

Tháng 2/2023, Suni trở thành một người khác chỉ sau một đêm ngủ. Cô tỉnh dậy với cổ chân sưng phồng, nhưng Suni không mấy để tâm vì cho rằng cơ thể bị ảnh hưởng từ bài tập cường độ cao. Buổi sáng tiếp theo, Suni hoàn toàn sụp đổ khi từ gương mặt, cánh tay, đôi chân và toàn bộ cơ thể đã biến dạng. “Người tôi bị phù ra… và tôi đã tăng khoảng 18kg”, Suni kể lại. Sự thay đổi này khiến cô không thể đu xà vì ngón tay đã bị sưng phồng. 

Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán Suni bị dị ứng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng này này kéo dài hơn 2 tuần, cô đã buộc phải dừng tập luyện để điều trị. Không chỉ tay chân bị phù nề, mà Suni còn bị nóng lạnh đột ngột, đau đầu và chuột rút. “Tôi không thể khép sát 2 đùi lại, hay vặn các ngón tay của mình”, Suni tâm sự. Tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ khi Suni phát hiện các dấu hiệu này liên quan đến suy giảm chức năng thận.  

Những thay đổi về cơ thể kéo theo hoài nghi về năng lực bản thân. Suni lo lắng rằng mình sẽ không thể đáp ứng được kỳ vọng của khán giả, nhất là sau chiến thắng tranh cãi tại kỳ Olympic Tokyo 2020. Bên cạnh đó, những lời đàm tiếu trên mạng xã hội, hay bị người lạ bám đuôi càng khiến cô thêm áp lực và rối trí.

Thế nhưng bất chấp tất cả, sau 6 tháng điều trị, Suni Lee tạo bất ngờ khi quay trở lại sân thi đấu. “Tôi muốn chứng minh rằng bản thân có thể vượt qua những thử thách khó nhằn nhất. Tôi mong rằng điều này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người kiên trì theo đuổi ước mơ”, Suni nhấn mạnh.

Rõ ràng đây không phải chuyện đơn giản, để trở lại làm Suni Lee khoẻ mạnh của ngày trước, cô đã phải tập luyện rất nhiều về cả thể chất lẫn tâm lý. Suni đã thay đổi suy nghĩ từ “Tôi cố gắng chinh phục Olympic Paris 2024” thành “Tôi cố gắng vì tôi muốn trở lại tập luyện ở vai trò một VĐV thể dục dụng cụ”. Khi tinh thần cô thoải mái hơn, cơ thể của cô dần được thả lỏng và quay lại trạng thái ổn định, dù căn bệnh của Suni rất hiếm gặp và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. 

May mắn mỉm cười với cô khi vào tháng 1/2024, Suni nhận thông báo đủ điều kiện tham gia kỳ Olympic Paris 2024. Đồng thời, bác sĩ điều trị cũng đã tìm ra những phương pháp hạn chế căn bệnh tái phát. “Tôi biết tôi cần phải làm gì và sinh hoạt theo phác đồ điều trị nào. Tôi sẽ ưu tiên cho sức khỏe tinh thần. Tôi chiến đấu vì bản thân tôi, không phải vì bất kỳ ai khác”, Suni phấn khởi chia sẻ. Bài học mà Suni nhận ra là hãy biết yêu thương và chấp nhận bản thân. Tấm huy chương không phải là động lực thúc đẩy cô, mà cô phải cố gắng hơn mỗi ngày vì chính bản thân mình. 

Màn thể hiện hoành tráng tại đường đua Olympic Paris 2024

Sau khi nhận tin tham gia Olympic Paris 2024, Suni bắt đầu tập luyện 8 tiếng/ngày. Lần này, cô muốn thử sức ở một động tác mới và trở thành VĐV đầu tiên hoàn thành thử thách này. Theo đó, Suni sẽ thực hiện kỹ năng Jagger xoắn toàn thân, với cú nhào lộn về phía trước và xoay người ở tư thế nằm sấp. Nếu thành công, kỹ năng này sẽ được đặt theo họ của cô là “The Lee”. 

Đồng thời, tại giải đấu vô địch Mỹ đầu năm, Suni giành tấm HCB ở nội dung cầu thăng bằng. Chưa dừng lại ở đó, cô còn đứng nhất ở nội dung xà kép, và về nhì ở nội dung toàn năng tại cuộc thi thử Olympic tại Mỹ. Đến với Olympic 2024, Suni lần nữa đồng hành với “Huyền thoại thể dục dụng cụ” Simone Biles. Cả hai tiến vào vòng chung kết toàn năng để thi đấu các nội dung xà kép, cầu thăng bằng, nhảy bật ngựa và bài thi sàn tự do. Sau cùng, Simone đạt 59,566 điểm và trở thành Đương kim Quán quân, còn Suni đứng hạng Á quân với điểm số là 56,132. 

Chiến công của 2 tài năng nước Mỹ tạo nên nhiều cột mốc mới tại Olympic. Đây là lần đầu tiên nội dung chung kết toàn năng chứng kiến màn cạnh tranh giữa 2 Quán quân Olympic đến cùng một quốc gia. Bên cạnh đó, chiến thắng này còn đánh đấu lần thứ tư Mỹ vô địch môn thể dụng dụng cụ ở nội dung đồng đội. Trước đó, Mỹ từng vô địch các kỳ Olympic Atlanta 1996, London 2012 và Rio 2016. Lần này tại Paris 2024, Mỹ đạt 171,296 điểm để vượt mặt Ý (165,494), quốc gia đã lội ngược dòng ngoạn mục để nhận giải bạc kể từ lần cuối cùng vào 96 năm trước. 

Trở lại ước mơ Olympic, Sunisa Lee vẫn chưa thể tin vào chiến thắng của mình. Cô không chỉ hoàn thành tốt 1 nội dung, mà còn trụ lại tới cùng để tham gia vòng thi toàn năng gồm 4 bốn nội dung phối hợp. “Tôi và các đồng đội đã tập luyện rất chăm chỉ để có thể đại diện quốc gia tham dự kỳ Olympic năm nay. Đã rất nhiều lần tôi muốn từ bỏ, nhưng tôi may mắn vẫn có những người luôn yêu thương và động viên để tôi có thể làm tốt hơn mỗi ngày”, nữ vận động viên 21 tuổi bày tỏ.

Tác giả: Minh Anh

05/08/2024, 14:00