VĐV Lily Zhang được mệnh danh là “tay vợt bóng bàn nữ xuất sắc nhất nước Mỹ” với thành tích 6 lần vô địch quốc gia và 4 lần tham dự Thế vận hội. Ở tuổi 28, cô gái mơ ước được thi đấu trước khán giả quê nhà tại Thế vận hội Los Angeles 2028. Tuy nhiên, trái ngược với cộng đồng người hâm mộ, cha mẹ cô lại không mấy hào hứng với điều này. Mẹ cô cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng thuyết phục con bé dừng chơi và kiếm một công việc ổn định”. Hóa ra, ngay cả VĐV xuất sắc nhất nước Mỹ cũng không thể thoát khỏi áp lực nghề nghiệp từ phía phụ huynh.
Đây là một câu chuyện Olympic đầy thú vị về cuộc xung đột muôn thuở giữa những người theo đuổi đam mê và hội phụ huynh luôn hy vọng con cái ổn định với công việc 9 – 5 (làm việc 8 tiếng/ngày). Bên cạnh việc phải chịu đựng những lời khuyên nghề nghiệp không mấy “hấp dẫn” từ bố mẹ, điều khó chịu nhất là đôi khi Zhang phải thừa nhận họ nói đúng. Ngoài một số trường hợp cá biệt như “huyền thoại thể dục dụng cụ” Simone Biles hay “kình ngư vĩ đại nhất mọi thời đại” Michael Phelps có thể “hái ra tiền” sau thành công tại Olympic, thì vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn người khác phải vật lộn trong làng thể thao. Họ phải bay một mình, săn vé máy bay giá rẻ, đến những nơi xa xôi tham gia các trận đấu quốc tế, cạnh tranh để giành lấy số tiền thưởng và tài trợ ít ỏi. Rủi ro thường trực là một chuỗi trận thua hoặc dây chằng bị đứt có thể đặt dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp. Zhang nói: “Có rất nhiều điều bất ngờ xảy ra và sẵn sàng lấy đi sự ‘ổn định’ của bạn trong nháy mắt”.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là chính Bob Zhang và Linda Liu – cha mẹ của Lily Zhang đã góp phần biến con gái họ thành một ngôi sao bóng bàn. Họ là những người nhập cư từ Trung Quốc, họ luôn muốn truyền môn thể thao “vua” của quê hương mình cho con cái. Vì vậy, trong một căn hộ chật hẹp ở Palo Alto, California, chiếc bàn bóng bàn đã đảm nhiệm hai nhiệm vụ chính – vừa là bàn ăn, vừa là bàn tập.
Vào năm 10 tuổi, Lily Zhang đã được đánh giá như một “thần đồng”, cô bắt đầu dành mùa hè ở Trung Quốc, luyện tập với các đội tỉnh để có cơ hội trở thành “hạt giống” đội tuyển quốc gia. Với cô, việc luyện tập là cơ hội để trau dồi kỹ năng và tìm hiểu bí quyết tại sao Trung Quốc giành được 32 trong số 37 huy chương vàng kể từ khi bóng bàn trở thành môn thể thao Olympic năm 1988. Các vận động viên Trung Quốc tập luyện tới 9 giờ mỗi ngày, gấp bốn lần so với Zhang ở Mỹ. Nhưng đối với cha mẹ cô, bóng bàn chỉ là cơ hội để “ghi điểm” trong hồ sơ ứng tuyển vào đại học. Mẹ cô nói: “Chơi bóng bàn ở trình độ cao sẽ giúp con vào được một trường đại học tốt”. Năm 16 tuổi, cô tham dự Thế vận hội London 2012. Mặc dù thua trận đầu tiên nhưng bố mẹ cô tuyên bố đó là một chiến thắng vang dội. Zhang bộc bạch: “Họ nói ‘Con đã tham dự Thế vận hội, thế là được lắm rồi, giờ tập trung vào việc học đi thôi!’”.
Thời gian sau đó, cô gần như bỏ bóng bàn. Nhưng trong thời gian theo học năm nhất tại Đại học California, Berkeley, cô cảm thấy cuộc sống của mình thiếu đi một điều gì đó. Và cô muốn nghỉ một năm để tập luyện cho Thế vận hội tiếp theo. Tất nhiên mẹ cô đã không đồng ý và gạt đi: “Con đã đến Thế vận hội London, thế là đủ rồi”. Bà Liu cho biết mâu thuẫn này xuất phát từ cả khoảng cách thế hệ và văn hóa: “Chúng tôi là những bậc phụ huynh Trung Quốc truyền thống, chỉ muốn con cái tập trung vào việc học, đi làm và trở thành một cô gái bình thường”.
Huấn luyện viên kỳ cựu của đội tuyển Mỹ – Jun Gao cho biết quan điểm này đã kết thúc sự nghiệp thể thao của nhiều VĐV bóng bàn gốc Á đầy triển vọng khác ở Mỹ. Cô chia sẻ: “Rất nhiều phụ huynh châu Á giống như cha mẹ Lily Zhang. Đó cũng là lý do tại sao bạn thấy rất nhiều người chơi tài năng, bất kể trai hay gái, sau khi tốt nghiệp đại học đều nói lời tạm biệt với sự nghiệp thể thao của mình”.
Zhang hiểu lý do tại sao bố mẹ cô lại gay gắt như vậy, đơn giản vì cả hai muốn cô giống họ, trở thành nhân viên công nghệ của Thung lũng Silicon. “Họ đã có một cuộc sống khó khăn ở đây, nỗ lực hết mình và cố gắng thành công để thực hiện giấc mơ Mỹ”. Nhưng cô cũng có ước mơ riêng về việc phát triển cùng Đội tuyển Mỹ, ngay cả khi điều đó đi ngược lại với mong muốn của bậc sinh thành. “Trở thành VĐV bóng bàn chuyên nghiệp làm tôi hạnh phúc, vì đây là một trong những niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không muốn Lily Zhang của 30, 40 năm sau cảm thấy hối tiếc vì đã không nắm bắt cơ hội”, cô thẳng thắn chia sẻ.
Sau một thời gian đấu tranh tư tưởng, bố mẹ cô đã dịu lại. Bố cô là ông Bob Zhang nói: “Thôi được rồi, đó là quyết định của con gái”. Sau khi “chấp nhận” sự thật, bố mẹ cô ủng hộ sự nghiệp của con bằng cách cho cô ở nhờ trong lúc “gap year”, trả tiền vé máy bay thi đấu và cổ vũ cô tại Thế vận hội Rio 2016, nơi cô cải thiện thành tích đáng kể so với kỳ thi tại London. Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng tâm lý học, cô trở lại Olympic năm 2021 và đạt được thành tích tương tự như ở Rio. Sau đó, cô tham gia các giải đấu chuyên nghiệp, sẵn sàng bay một mình, không có huấn luyện viên hay đồng đội, đến các cuộc thi với số tiền thưởng không cố định.
Là hạt giống thứ 19 và tay vợt bóng bàn hàng đầu của Mỹ ở Paris, Zhang đã trở nên nổi tiếng. Khi hàng trăm vận động viên Mỹ đang ở trên thuyền trong buổi lễ khai mạc, “thiên tài giới bóng rổ” Stephen Curry đã đưa Zhang và các đồng đội đến gặp ngôi sao bóng rổ trẻ tuổi Anthony Edwards và “cảnh báo” rằng những người phụ nữ này sẽ đánh bại anh trong trận đấu bóng bàn. Lúc đó, Edwards nghi ngờ và nói: “Tôi không tin đâu”.
Hôm thứ Hai vừa rồi, cô đã chứng minh tại sao nhận định đó hoàn toàn khả thi. Khi Edwards quan sát trên khán đài, Zhang tung ra hai cú thuận tay tuyệt đẹp để đánh bại Bruna Takahashi của đội Brazil và tiến vào vòng 16 đội diễn ra vào ngày thứ Tư. Bố mẹ của Zhang cũng tự hào dõi theo khi cô giành được chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp Olympic của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã thay đổi quan điểm. Mẹ cô vẫn liên tục nhắc nhở: “Làm vận động viên bóng bàn không ổn định”. Zhang cười và chia sẻ: “Họ vẫn hay hỏi, ‘này, con sẽ làm gì sau Thế vận hội Paris? Kế hoạch tìm việc của con là gì?’”.