#OlympicParis2024: “Tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại” Novak Djokovic: “Những năm tháng bom đạn đã tạo nên Nole của ngày hôm nay”

Từng phải đối diện với những lời chỉ trích nặng nề rằng bản thân là “kẻ phản diện” và chưa đủ năng lực để soán ngôi Roger Federer trở thành tay vợt xuất chúng của thời đại. Bất chấp dư luận, giờ đây được mệnh danh là “Golden GOAT” (Greatest of all time” – xuất sắc mọi thời đại) Novak Djokovic từng bước “rẽ sóng” chứng minh vị thế bản thân trên bản đồ thể thao khi liên tiếp chinh phục những đỉnh cao.

Chiến tranh không dập tắt ước mơ

Novak Djokovic sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Serbia, nơi được mệnh danh là hiểm địa của châu Âu trong thập niên 90 của thế kỷ trước bởi chiến tranh xung đột sắc tộc. Trái với nhiều người được sống trong thế giới hoà bình, Djokovic đã phải chứng kiến vô vàn tuyến lửa khốc liệt cùng những hình ảnh đầy đau thương khi còn là một cậu bé. 

Đương kim vô địch quần vợt Olympic 2024 – Novak Djokovic lúc nhỏ.

Năm 1999, Djokovic chỉ mới 12 tuổi, NATO đã tổ chức ném bom vào thủ đô Belgrade và những thành phố lân cận khác của Serbia mà không có sự chấp thuận của Liên hợp quốc. Đối với NATO đó được xem là nỗ lực nhằm ngăn chặn hành động thanh lọc sắc tộc của quân đội và cảnh sát Nam Tư ở Kosovo, nhưng với những người dân như gia đình của Djokovic lại trở thành một cơn ác mộng. 

Mỗi lúc tiếng còi báo động không kích dồn dập vang lên, các gia đình với nhiều thế hệ cùng hàng xóm và bạn bè của Djokovic đều bước xuống một số cửa thép và tầng hầm. “Khi máy bay ném bom, chúng tôi sẽ không biết chúng sẽ rơi ở đâu. Họ ném bom vào bất kỳ chỗ nào, từ cầu cống, trường học, bệnh viện và có rất nhiều phụ nữ mang thai đã thiệt mạng”,  tay vợt người Serbia chia sẻ trong một bài phỏng vấn cùng BBC. 

Dẫu trưởng thành trong hoàn cảnh khốc liệt, nhưng Djokovic vẫn nuôi lớn niềm đam mê cháy bỏng với bộ môn quần vợt. Trong tâm trí anh đều nung nấu một ước mơ, đó là trở thành nhà vô địch quần vợt thế giới. Biết rõ con trai dành tình yêu bất diệt với quần vợt, ông Srđan và bà Dijana – bố mẹ Novak Djokovic đã ở cho anh “tầm sư học đạo” khi chỉ mới 4 tuổi. Cũng chính từ đây, tay vợt người Serbia bắt đầu bộc lộ năng khiếu vượt bậc của bản thân.

“Viên ngọc quý” của làng quần vợt

Mùa hè năm 1993, tay vợt nữ người Nam Tư – Jelena Genčić đã phát hiện tài năng thiên phú của Djokovic khi vô tình nhìn thấy anh tập luyện. Kỹ năng chơi tennis xuất chúng của anh khiến bà phải thốt lên rằng: “Đây là tài năng lớn nhất mà tôi từng thấy kể từ thời Monica Seles” (được mệnh danh là tay vợt số 1 thế giới).

Không chỉ có cựu danh thủ Jelena Genčić bất ngờ, người dạy quần vợt thời điểm ấy của anh, ông Bogdan Obradovic cũng phải kinh ngạc trước những màn thể hiện của Novak Djokovic ngay buổi tập đầu tiên. “Tôi hoàn toàn sốc ngay buổi tập đầu tiên. Cậu ấy giống như một tay vợt chuyên nghiệp ngay từ bước đầu khởi động. Cách Djokovic chuẩn bị mọi thứ từ chai nước, khăn lau và mọi thứ, tất cả đều hoàn hảo. Suốt sự nghiệp huấn luyện của mình, tôi chưa bao giờ thấy điều đó ở một cậu bé còn nhỏ tuổi như thế”. 

Ngoài việc nghiêm túc tập luyện và chăm chỉ từ lúc còn là một cậu bé, Novak Djokovic rất cứng rắn theo đuổi mục tiêu số một thế giới mà bản thân đặt ra. Lên 6 tuổi, anh nói lời tạm biệt với người thầy Bogdan Obradovic, gia nhập vào Học viện quần vợt của Jelena Genčić. Trải qua 6 năm huấn luyện, Genčić nhận thấy tài năng của cậu học trò nhỏ quá khủng khiếp, cần phải được đi nước ngoài phát triển sự nghiệp, thay vì cứ mãi ở “trường làng”. Sau đó, bà lập tức liên hệ cho Nikola Pilić – cựu VĐV quần vợt người Croatia, để chuyển anh sang học viện quần vợt Pilić ở Oberschleißheim (Đức). Trong vòng 4 năm bồi dưỡng, Novak đã tiến bộ vượt bậc. Anh nhanh chóng chứng tỏ bản thân trên đấu trường quốc tế. Năm 14 tuổi, nam tay vợt chính thức góp mặt ở các giải đấu quốc tế, trở thành nhà vô địch châu Âu các nội dung đơn – đôi và đồng đội ở mọi lứa tuổi.

Đạt thành tích “vô tiền khoáng hậu”

Xuyên suốt hai thập kỷ theo đuổi sự nghiệp quần vợt, Novak Djokovic khiến công chúng phải nể phục trước những thành công lẫn các kỷ lục mà anh đã “bỏ túi”. Năm 2006, Novak đánh bại cựu vô địch quần vợt Olympic – Nicolas Massu, giành được danh hiệu ATP đầu tiên tại giải Hà Lan mở rộng diễn ra ở Amersfoort. Chiến thắng này không chỉ mang lại danh hiệu quan trọng, mà giúp tay vợt người Serbia leo lên vị trí thứ 36 trên bảng xếp hạng thế giới. 

Năm 2007, anh khiến làng quần vợt thế giới bùng nổ khi đánh bại ba tay vợt hàng đầu thế giới gồm Andy Roddick, Rafael Nadal và Roger Federer tại giải Canada mở rộng. Sự xuất sắc của Novak Djokovic đã làm ngôi vị của hai “ông hoàng” Nadal – Federer đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tại giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2008, Djokovic tạo cơn địa chấn khi chiến thắng trước đương kim vô địch Roger Federer ở trận bán kết. Không chi vậy, anh còn giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, chính thức chấm dứt sự thống trị chuỗi 11 lần vô địch liên tiếp của “vua” tennis Federer. 

Nole cùng chiếc cúp Grand Slam đầu tiên.

Năm 2010, Novak Djokovic chính thức đứng chung hàng ngũ cùng bộ đôi Nadal – Federer trong danh sách “Big Three”, nhóm ba tay vợt đã thống trị quần vợt nam hơn một thập kỷ. Chưa dừng lại ở đó, mùa giải tennis năm 2011, công chúng một phen đứng ngồi không yên bởi Noval đoạt liên tiếp 3 chức vô địch Grand Slam lần lượt ở các giải Úc Mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng. Kỷ lục trên đã giúp anh vươn lên số 1 thế giới và lập tức soán ngôi Federer – Nadal sau 10 năm thống lĩnh bản đồ quần vợt.

Những năm sau đó, tay vợt số 1 thế giới tiếp tục giữ vững ngôi vương khi luôn dẫn đầu các tour du đấu trong các giải đấu lớn và giải Masters. Bên cạnh đó, Novak cũng liên tục giành 4 trên 5 chiếc cúp ATP Finals từ giai đoạn 2012 -2015. Ngoài ra, anh còn lập kỷ lục 3 lần liên tiếp vô địch Úc mở rộng, vô địch Wimbledon lần thứ 2, đoạt thêm 3 Grand Slam và vô địch Grand Slam đầu tiên trên sân đất nện. 

Sự nghiệp đang trên đà phát triển, nhưng tay vợt sinh năm 1987 bất ngờ tuyên bố phải chấm dứt tạm thời vì chấn thương khủy tay trong trận tứ kết Wimbledon 2017 với Tomas Berdych. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng, anh đã trở lại sân đấu gỡ gạc và mang về danh hiệu Wimbledon thứ tư. Vài tháng sau đó, tại trận chung kết giải Mỹ mở rộng, Nole gây ấn tượng với màn hạ gục nhà vô địch 2009 – Juan Martin del Potro, xuất sắc “ẵm” trọn danh hiệu Grand Slam thứ 14. 

Năm 2020, Novak Djokovic cùng đội tuyển Serbia tham dự ATP Cup diễn ra tại Úc. Ở trận chung kết gặp Tây Ban Nha, anh đã hạ gục đại kình địch Nadal. Không những thế, Nole còn thành công đưa đội tuyển chạm đến chức vô địch ở kỳ ATP Cup này. Tuy nhiên, đến năm 2022, Novak trải qua những thách thức khiến anh bỏ lỡ giải đấu Úc mở rộng, vì vướng vào tranh cãi gay gắt về vấn đề tiêm chủng. Tuy nhiên, may mắn nhanh chóng mỉm cười với Nole khi anh giành chức vô địch Wimbledon lần thứ 7, sau màn thi đấu căng thẳng với Nick Kyrgios trong trận chung kết. Chiến thắng này đã giúp tay vợt nâng tổng con số Grand Slam lên 21, vượt qua kỷ lục của đàn anh Roger Federer. 

Bước sang năm 2023, tay vợt người Serbia đã có một hành trình “đạp gió” ngoạn mục. Anh giành tới 3/4 Grand Slam của năm, góp mặt vào danh sách tay vợt nam sở hữu nhiều Grand Slam nhất lịch sử. Đồng thời, “mở khóa” thành công 3 giải Grand Slam, san bằng kỷ lục Grand Slam của Rafael Nadal. Thừa thắng xông lên, trong trận chung kết Pháp mở rộng, Djokovic đánh bại Casper Ruud để giành Grand Slam thứ 23 và trở thành tay vợt đầu tiên vô địch mỗi giải Grand Slam ít nhất 3 lần. Hơn thế nữa, tại giải đấu US Open 2023, Novak tiếp tục thể hiện phong độ đáng kinh ngạc của mình khi đánh bại Medvedev ở trận chung kết chỉ sau 3 set, qua đó giành chức vô địch thứ tư tại Mỹ mở rộng và gia tăng kỷ lục Grand Slam lên con số 24, hơn Rafael Nadal hai danh hiệu. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Novak Djokovic đang nắm giữ 69 danh hiệu lớn (bao gồm 24 Grand Slam, 6 ATP Finals và 39 ATP Master 1000). Hơn nữa, anh còn nắm giữ kỷ lục nhiều tuần giữ vị trí số 1 thế giới nhất với 390 tuần và trở thành người có số lần vào chung kết Grand Slam nhiều nhất là 35 lần. Bí quyết giúp Nole có thể thực hiện những thành tích đáng nể trên, theo như anh chia sẻ là: “Những ngày tháng trưởng thành trong bom đạn đã tạo nên Nole của ngày hôm nay”.

Chinh phục đỉnh Olympic

Dù bước sang ngưỡng tứ tuần, nhưng ngọn lửa đam mê trong Novak Djokovic chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhờ vậy, anh đã chạm đến giấc mộng chinh phục Olympic mà bản thân luôn khao khát. Vào ngày 04/08, đương kim số 2 thế giới đã có màn chạm trán bất phân thắng bại với ngôi sao đang lên Carlos Alcaraz. Trận chung kết quần vợt đơn nam Olympic Paris 2024 đã kéo dài tới 3 tiếng bởi Djokovic đã gặp khá nhiều thử thách khi đối mặt với những cú thuận tay rất nặng cùng lối chơi đa dạng, khó đoán của  Alcaraz. Tuy nhiên, tay vợt Serbia nhanh chóng phát huy tối đa thế mạnh trả giao của bản thân. Qua các lượt đấu “cân tài, cân sức”, song vẫn chưa tìm ra chủ nhân cho chiếc HCV danh giá. Vì thế, Novak Djokovic và Carlos Alcaraz đã bước vào loạt tie-break trong cả 2 set đấu. 

Cuộc chạm trán căng thẳng giữa Novak và Carlos. Nguồn ảnh: Thể thao & Văn hóa

Tại đây, Nole đã nhanh chóng thể hiện bản lĩnh ở cả hai loạt đấu tie-break. Anh có màn khởi đầu vô cùng ấn tượng, Alcaraz cũng giữ vững phong độ ổn định và theo sát nút. Ngay sau đó. ở lượt tie-break đầu tiên, tay vợt sinh năm 1987 có màn lội ngược dòng ngoạn mục với chiến thắng 7-3. Chiến thắng set thứ nhất đã tiếp thêm động lực cho Nole ở set thứ 2. Với phong độ cao hơn, Djokovic bứt phá hạ gục đối thủ một cách dễ dàng mở ra tỷ số 7-2. Và kết quả trận đấu khép lại với chiến thắng chung cuộc 2-0. 

Ngay khi trận đấu kết thúc, Novak Djokovic đã không giấu nổi niềm xúc động mà bật khóc nức nở, chia vui cùng bạn bè, ban huấn luyện và gia đình. “Tôi nghĩ khoảnh khắc bản thân cầm cờ cho Serbia tại Olympic London là điều tuyệt nhất trong đời. Nhưng giờ đây cảm giác này còn vượt xa hơn thế.”, nhà vô địch Olympic Paris bày tỏ. 

Ở tuổi 37, có lẽ đến anh cũng không thể tin rằng bản thân đã chinh phục được thế trận đầy thử thách của Thế vận hội và chạm đến giấc mơ vô địch. Với chiếc HCV Olympic Paris 2024, Novak Djokovic đã hoàn thành mảnh ghép cuối cùng trong bộ sưu tập thành tích “vô tiền khoáng hậu” của mình. Sau thành công vang dội của Thế vận hội, Novak Djokovic sẽ hướng tới giải Mỹ mở rộng, cũng là giải Grand Slam cuối cùng trong năm 2024.


From the same category