Cứ mỗi 4 năm, người hâm mộ thể thao lại được chứng kiến những cuộc giao tranh kịch tính giữa các vận động viên trên toàn thế giới tại Thế vận hội. Tại kỳ Olympic năm nay, Việt Nam tự hào có 16 đại diện, trong đó có 12 tuyển thủ nữ và 4 tuyển thủ nam sẽ tranh tài tại Paris.
1. Nguyễn Huy Hoàng, 2000 (VĐV Bơi lội): Sinh ra và lớn lên bên làng sông Gianh, Quảng Bình, chàng “kình ngư số 1” Việt Nam còn được gọi với biệt danh là “Rái cá sông Gianh”. Cùng bố đi đánh cá từ nhỏ, Huy Hoàng sớm bộc lộ tài bơi lội và gia nhập đội bơi ở quê nhà năm 2011, và 2 năm sau được gọi vào đội tuyển quốc gia. Sau 4 năm khổ luyện, anh giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games 2017. Khi đạt thành tích chuẩn A – 7 phút 51, 44 giây ở nội dung 800m tự do nam, Huy Hoàng đã giành tấm vé tiến vào Olympic ở đồng nội dung thi. “Phía trước còn nhiều đỉnh cao để chinh phục, và tôi tin mình sẽ cố gắng hết sức thi đấu trong năm 2024 để ghi được dấu ấn”, kình ngư chia sẻ.
2. Trịnh Văn Vinh, 1995 (VĐV Cử tạ): Văn Vinh là đô cử chủ lực hiện tại khi đã đưa Việt Nam liên tiếp 6 lần tham gia Olympic ở nội dung cử tạ. Anh bén duyên với môn thể thao này từ năm 13 tuổi sau khi xem màn thi đấu của đàn anh hàng xóm tại Bắc Ninh, kiêm lực sĩ kỳ cựu Hoàng Anh Tuấn. Trong quá trình luyện tập, nhiều lần anh muốn từ bỏ vì cử tạ quá khắc nghiệt. Thế nhưng, nhờ nhiều yếu tố – sự động viên của người thân, mục tiêu trở thành Hoàng Anh Tuấn thứ hai, và mong muốn giúp cải thiện điều kiện tập luyện cho các vận động viên cử tạ, Văn Vinh đã can đảm ở lại. Năm 2017, anh đánh bại Đương kim Á quân để đoạt chiếc HCV tại SEA Games 2017. Sau 7 năm, lực sĩ giành tấm vé vào Olympic 2024 ở nội dung 61kg nam nhờ vào thành tích top 10 vòng loại.
3. Lê Đức Phát, 1998 (VĐV Cầu lông): Xuất thân từ con nhà nòi với bố là cựu vận động viên quyền anh, tay vợt đa tài này lại chuyển hướng sang môn cầu lông vì sợ… bị đấm. Anh tập chơi từ năm 6 tuổi, và quyết định trở thành vận động viên chuyên nghiệp ở tuổi 16. Vào 4 năm sau, Đức Phát lọt top 150 thế giới (2018). Năm 2022, anh tụt xuống hạng 464 vì không thể thi đấu quốc tế do đại dịch. Không từ bỏ, chàng trai Đồng Nai đã khép lại năm 2023 ở hạng 83, trong khi con số khởi đầu là 300. Đầu năm 2024, tay vợt ban đầu an toàn trong top 30 Olympic, nhưng sau đó rớt vào top 40 vì chữa trị chấn thương trong 3 tháng. Với 90 phút lội ngược dòng trong một cuộc đấu tháng 2, Đức Phát đã lọt top 34/38, top 72 thế giới và giành tấm vé vào Olympic với nội dung cầu lông đơn nam.
4. Lê Quốc Phong, 2000 (VĐV Bắn cung): Cung thủ gốc Vĩnh Long là một cái tên mới trong bộ môn bắn cung. Anh bắt đầu tập luyện từ năm 14 tuổi và nhận nhiều huy chương trong nước. Khác với các vận động viên còn lại, Quốc Phong chưa từng tham gia bất kỳ giải đấu SEA Games thuộc cấp độ châu Á trước đó. Anh đã chứng tỏ tài năng của mình qua 3 trận đấu thuộc vòng loại Olympic. Với thành tích hạng 4 thế giới ở ngay lần đầu thi giải quốc tế, Quốc Phong đã giành tấm vé vào Olympic và được nhận xét là “cung thủ bình tĩnh và chuẩn xác”. Ngày 25.7, anh đã thi đấu nội dung một dây cung cá nhân nam. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận chưa khả quan với tổng 652 điểm và xếp hạng 47/64 vận động viên tham dự.
5. Võ Thị Mỹ Tiên, 2005 (VĐV Bơi lội): Nàng kình ngư nhỏ tuổi nhất người Long An đã bén duyên với bơi lội từ năm 10 tuổi. Dù xuất thân từ gia đình làm nông, Mỹ Tiên lại sở hữu tài năng bơi lội và được huấn luyện viên chiêu mộ qua cuộc thi. Cô từ thành viên đội bơi trẻ Long An trở thành đại diện Việt Nam dự giải các nhóm tuổi Đông Nam Á 2019 sau 4 năm tập luyện. Mỹ Tiên khoác áo đội tuyển Quốc gia và được kỳ vọng nối tiếp 2 đàn chị Lê Thị Mỹ Thảo và Nguyễn Thị Ánh Viên. Tại Olympic, Mỹ Tiên sẽ tranh tài ở nội dung 200m hỗn hợp. Đây cũng là nội dung duy nhất mà Olympic đặc cách cho cô tham gia, với điểm số là 775 điểm được dựa trên thành tích thi quốc tế từ năm 2023 đến nay.
6. Nguyễn Thị Thật, 1993 (VĐV Xe đạp): Cua rơ người An Giang đến với bộ môn đạp xe khá trễ ở tuổi 15 sau khi rẽ hướng từ bộ môn điền kinh. Mặc dù xuất phát chậm hơn các đồng đội, cô nhanh chóng hoàn thành khối lượng bài tập vận động là 300km/tuần. Sự tiến bộ này không chỉ đến từ tố chất, mà còn là đam mê và nỗ lực bền bỉ. Thành tích mở màn của Thật tại SEA Games năm 2013 là tấm HCĐ. Kế đến, cô trở thành chủ nhân của tấm HCV ở 5 kỳ SEA Games liên tiếp. Ngoài ra, Thật còn giành 3 tấm HCV giải vô địch đường trường châu Á (2018, 2022 – 2023). Kết quả này cũng đưa Thật và Việt Nam lần đầu tiên tiến vào Olympic 2024 ở nội dung đường trường.
7. Trịnh Thu Vinh, 2000 (VĐV Bắn súng): Xạ thủ người Thanh Hoá cũng là một tuyển thủ “đá chéo” sân. Năm 14 tuổi, cô được tuyển chọn tham gia đội tuyển điền kinh Công An Nhân Dân. Tập 3 năm nhưng không có thành tích tốt, Thu Vinh được gợi ý thử sức ở bắn súng. Sau 3 tháng tập luyện, cô được chọn vào đội tuyển. Bắn súng không yêu cầu thể lực nhiều như các môn đối kháng, đổi lại cần sự tập trung cao độ. Hai bên vai của Thu Vinh phát triển không đều, nhưng cô vẫn cảm thấy hài lòng với bộ môn mình theo đuổi. Cô tham gia Olympic 2024 nhờ kết quả top 5 vòng loại giải vô địch thế giới 2023, đồng thời là tấm HCV 10m súng ngắn hỗn hợp tại giải vô địch châu Á 2024. Ngày 28.7, Thu Vinh dừng chân tại hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
8. Lê Thị Mộng Tuyền, 2003 (VĐV Bắn súng): Xạ thủ đến từ TP.HCM được gọi vào Đội tuyển Bắn súng TP.HCM từ năm cấp Hai. Cô vốn nhút nhát nên thử đi tập bắn súng phong trào, và đây cũng là cơ duyên đưa cô trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Năm 2019, Mộng Tuyền được chọn vào nhóm trọng điểm tham dự SEA Games 31. Cô phá vỡ kỷ lục toàn quốc ở nội dung 100m bắn súng trường ngắn và đoạt 3 HCV tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Năm ngoái, xạ thủ đoạt hạng 5 tại Giải vô địch bắn súng châu Á, mở ra cơ hội tham gia Olympic 2024. Ngày 28.7, Mộng Tuyền đạt 621,1 điểm và xếp hạng 40/43 xạ thủ ở nội dung 100 bắn súng trường ngắn nữ.
9. Nguyễn Thuỳ Linh, 1997 (VĐV Cầu lông): Cơ duyên đưa tay vợt đến với cầu lông là nhờ chầu chè ngọt ngào của ông ngoại. Còn nhỏ, ông đã hứa với cô rằng, với mỗi cái tâng cầu, ông sẽ mua cho cô một cốc chè. Nhờ vào đó, Thuỳ Linh nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi cầu lông đến hiện tại. Năm 14 tuổi, cô lên đội tuyển quốc gia và lọt top 100 vào năm 2016. Tay vợt ghi nhận nhiều thành tích tốt liên tiếp, đặc biệt là 2 lần đại diện Việt Nam tham dự Olympic (2020, 2024). Để có được thành công này, cô từng gặp nhiều áp lực thời gian đầu khi chỉ ngồi ghế dự bị, hay không thể nối tiếp đàn chị Vũ Thuỳ Trang. Hiện tại, cô không có huấn luyện viên đồng hành mà chỉ tham gia các giải đấu một mình.
10. Võ Thị Kim Ánh, 1997 (VĐV Quyền anh): Võ sĩ người An Giang đến với quyền anh vào năm 15 tuổi. Trước đó, cô gái năng động này theo đuổi môn đẩy gậy nhưng không khả quan. Nhờ vậy mà cô có cơ duyên gặp gỡ huấn luyện viên và bắt đầu tập luyện quyền anh. Với lợi thế sải tay dài, tính cách mạnh mẽ và ý chí không từ bỏ, Kim Ánh tiến bộ vượt bậc và đoạt giải chỉ sau 1 năm tập luyện. Cô giành tấm HCB đầu tiên tại giải trẻ quốc gia 2013, và được phong đẳng cấp kiện tướng với tấm HCĐ giải cúp năm 2017. Năm 2020, cô nâng lên thi đấu hạng 54kg và vô địch giải Boxing Thái Lan mở rộng 2022. Với thành tích top 4 vòng loại nữ, võ sĩ đã thẳng tiến tới Olympic để tranh tài nội dung 54kg nữ. Ngày 28.7, Kim Anh dừng lại sau khi thua sít sao võ sĩ trẻ người Ấn.
11. Hà Thị Linh, 1993 (VĐV Quyền anh): “Bà mẹ 2 con” người Lào Cai bén duyên với quyền anh từ năm 15 tuổi. Trước đó, cô tập luyện 1 năm trong đội tuyển của trường với môn bóng chuyền. Khi được huấn luyện viên tuyển chọn vào đội boxing Hà Nội, cô đã đồng ý vì lý do muốn “thoát nghèo”. Linh là con gái út của gia đình làm nông gồm 3 người con. Vì vậy, cô đã quyết tâm theo boxing và lên Hà Nội khổ luyện. Sau 2 năm, võ sĩ được gọi lên đội tuyển quốc gia. Năm 2013, cô đoạt tấm HCV SEA Games nội dung 64kg nữ ngay năm đầu tham gia. 10 năm sau, cô giành tấm HCV thứ 2 và tiến vào Olympic ở nội dung 64kg nữ. Cô dễ dàng tiến vào vòng 1.8 với chiến thắng áp đảo võ sĩ người Tonga vào trận đấu ngày 27.7.
12. Hoàng Thị Tình, 1994 (VĐV Judo): Võ sĩ người Thanh Hoá bắt đầu với môn điền kinh, sau đó rẽ hướng sang judo khá trễ ở tuổi 15. Phải mất 4 năm sau, Tình mới ghi nhận thành tích đầu tiên là chiếc HCĐ giải vô địch trẻ toàn quốc 2013. Dù xuất phát muộn so với đồng đội, tấm HCĐ này đã mở ra cơ hội để Tình tiếp tục với judo. Năm 2016, cô đoạt tấm HCV quốc tế đầu tiên sau khi ép hạng thi đấu từ 51kg xuống 48kg. Thành công không dễ đến, sau tấm HCV đầu tiên ở SEA Games 2019 với môn võ khác là kurash, Tình mới đoạt 2 tấm HCV với judo vào năm 2022, 2023. Với thành tích top 10 châu Á, võ sĩ đã nhận tấm vé đến Olympic ở nội dung 48kg nữ. Ngày 27.7, Tình thua 0-1 trước võ sĩ người Tunisia, xếp cao hơn cô gái Việt Nam 48 bậc tại Liên đoàn Judo thế giới.
13. Trần Thị Nhi Yến, 2005 (VĐV Điền kinh): Tuyển thủ người Long An sinh ra trong một gia đình công nhân. Nhi Yến từng thuộc tuyển bóng chuyền của tỉnh, nhưng sau đó sớm bộc lộ tài năng nhảy xa. Do các chấn thương khi tập luyện, cô đã rẽ hướng sang chạy tốc độ. Tháng 6.2022, cô tập luyện thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc 2022 và đoạt 1 HCV, 1 HCB sau 6 tháng. Năm 2022, cô giành tấm HCV ở Đại hội thể thao toàn quốc, nội dung 100m nữ với thành tích 11 giây 75. Tại ASAID 19, con số này giảm xuống 11 giây 58, sau đó rút xuống 11 giây 40 và đưa cô lọt top 20 để thi đấu thế giới. Tuyển thủ nhỏ tuổi nhất đoàn thể Việt Nam nhận suất đặc cách vào Olympic với nội dung chạy 100m nữ.
14. Đỗ Thị Ánh Nguyệt, 2001 (VĐV Bắn cung): Xạ thủ trẻ người Hưng Yên từng đặt chân đến Olympic 2020. Trước khi đến với bắn cung, Ánh Nguyệt từng theo đuổi bộ môn bóng rổ nhưng không thành vì phải vận động liên tục. Sau khi được gợi ý sang bắn cung, cái khó khác lại tìm đến là phải đứng yên với sự tập trung cao độ. Mặc dù vậy, xạ thủ không từ bỏ. Cô từng tham gia Olympic 2020, song kết quả không như kỳ vọng đã ảnh hưởng phong độ và khiến tay bị run trong thời gian dài. Về sau, cô giành tấm HCĐ châu Á và ghi nhận thành tích tốt ở các giải đấu quốc tế. Với số điểm tích luỹ để lên tới thứ hạng 17 thế giới, Ánh Nguyệt lần nữa đặt chân tới Olympic 2024. Ở trận đấu ngày 27.7, cô xếp hạng 37/64 và sẽ thi đấu vòng 64 vào ngày 30.7.
15. Nguyễn Thị Hương, 2001 (VĐV Canoeing): Tay chèo Vĩnh Phúc bắt đầu thể thao với môn đẩy gậy, sau đó chuyển lên tỉnh khi đổi sang môn đấu vật. Đội tuyển giải tán, Hương được huấn luyện viên chiêu mộ gia nhập đội chèo thuyền. Cô liều lĩnh nhận lời dù không biết bơi. Hương phải nỗ lực gấp đôi, từ tập bơi, luyện thể lực, tập kỹ thuật,… Năm 2017, cô được đại diện thi đấu toàn quốc. Hương giành tấm HCB đồng đội ở lần thi đầu tiên trong sự nghiệp. Kế tiếp, cô vô địch hạng cá nhân tại SEA Games 2019 khi chỉ mới 18 tuổi. Đến nay, tay chèo đạt tổng 8 HCV SEA Games ở nội dung cá nhân và đồng đội, đồng thời hạng 2 vòng loại châu Á. Kết quả này mở ra tấm vé tiến vào Olympic ở nội dung thuyền đơn nữ C1 – 200m.
16. Phạm Thị Huệ, 1990 (VĐV Rowing): Người chị cả của đoàn thể từng 2 lần đạt đủ điều kiện tham gia Olympic 2016 và 2020. Tuy nhiên đến năm nay Huệ mới có cơ duyên được đại diện thi đấu tại Olympic. Cô theo đuổi môn rowing (chèo thuyền) từ năm 18 tuổi. Sau 3 năm, Huệ giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games ở tuổi 21. Đến nay, tay chèo Quảng Bình đã sưu tầm tổng 3 HCB, 2 HCĐ giải ASIAD, và tổng 21 HCV ở các giải châu Á. Dù thi đấu trên đường đua chung kết vòng loại Olympic ở tuổi 34, Huệ không nản lòng và bứt phá ở 8 phút quyết định. 8 phút này đổi lại 8 năm chờ đợi Olympic, và Huệ đã xuất sắc lọt top 5 vòng loại để tiến đến ước mơ của mình. Ngày 28.7, “bà mẹ 2 con” giành quyền vào vòng tứ kết Olympic khi đứng hạng nhì nội dung thuyền đơn hạng nặng.