#OlympicParis2024 - Những thiếu sót khiến Thế vận hội “mất điểm” trong mắt VĐV: không điều hòa, thiếu đồ ăn, và gường ngủ "cứng như đá" - Tạp chí Đẹp

#OlympicParis2024 – Những thiếu sót khiến Thế vận hội “mất điểm” trong mắt VĐV: không điều hòa, thiếu đồ ăn, và gường ngủ “cứng như đá”

Sống

Với tổng chi phí xây dựng lên tới 1.85 tỷ USD, làng Olympic Paris 2024 được kỳ vọng sẽ trở thành “mái nhà” hoàn hảo cho gần 14.000 VĐV trong những ngày diễn ra Thế vận hội. Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng thực tế, ngôi làng này lại không phát huy được hiệu quả đúng như mong đợi khiến không ít người cảm thấy thất vọng.

Không có điều hòa 

Mùa hè năm nay có lẽ sẽ trở thành một kỉ niệm đáng quên trong tâm trí của nhiều VĐV Olympic khi họ đang phải trải qua những ngày tháng nắng nóng, oi bức mà không có điều hòa. Lý do là bởi Paris đã cam kết về một Thế vận hội “xanh” vậy nên những chiếc điều hòa chắc chắn sẽ không xuất hiện tại ngôi làng Olympic. Thay vào đó, nước chủ nhà hứa hẹn phòng của các VĐV vẫn sẽ được làm mát nhờ có các vật liệu cách nhiệt hiệu suất cao, rèm che nắng, cùng hệ thống làm mát địa nhiệt. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, nước Pháp đã không đảm bảo được lời hứa của mình. Bernadette Szocs, một VĐV bóng bàn người Romania, cho biết cô và các đồng đội của mình đã phải mở cửa sân thượng suốt đêm với hy vọng có thể giải tỏa phần nào cái nóng. “Ở đây không có máy lạnh, một cái quạt thì không thể đủ được.”

Không nhận được những điều kiện vật chất tốt nhất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích của các VĐV.

Trước đó, ủy ban Olympic quốc tế đã tuyên bố rằng tất cả tòa nhà tại ngôi làng sẽ đạt nhiệt độ mục tiêu là 23-26 độ C vào các đợt nóng cao điểm. Thế nhưng, có vẻ như lời đảm bảo này hoàn toàn không đủ sức thuyết phục những quốc gia lớn và giàu có. Các đoàn thể thao đến từ Anh, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada, Ireland, Hy Lạp và Úc đều tuyên bố rằng họ sẽ trả tiền cho các thiết bị điều hòa không khí của riêng mình. Trong đó, đoàn Olympic Úc thậm chí còn cho biết họ sẵn sàng chi hơn 100.000 USD để tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV. “Chúng tôi không đến đây để đi dã ngoại, chúng tôi đến đây để chinh phục thành tích cao” – Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic Úc, ông Matt Carroll chia sẻ. 

Hiện tại, chỉ có 2.700 máy điều hòa được lắp đặt trong khi làng Olympic có tới 7.000 phòng, do đó vẫn còn tới ⅔ số VĐV đang phải vật lộn với cái nóng khó chịu ở Paris.
Đồ ăn khan hiếm

Điều gì đang chờ đợi các VĐV Olympic bên trong phòng ăn có sức chứa tới 3.500 chỗ ngồi? Đó là 40.000 bữa ăn được phục vụ mỗi ngày dựa trên 4 chủ đề ẩm thực gồm Pháp, châu Á, Châu Phi – Caribe và ẩm thực thế giới. Đó là quầy salad với hơn 30 sự lựa chọn khác nhau, quầy thịt nướng, khu phô mai, quầy bánh mì, tiệc buffet đồ ăn nóng, quầy tráng miệng và nhiều loại trái cây tươi… Mặc dù nghe có vẻ như một thiên đường ẩm thực thứ thiệt, song trải nghiệm thực tế lại khác xa khi các VĐV Olympic không hề hài lòng với đồ ăn được phục vụ tại Paris. Tay vợt người Úc Daria Saville đã đưa ra đánh giá thẳng thắn về đồ ăn của làng Olympic trên TikTok. Cô chia sẻ rằng đồ ăn “hết rất nhanh”“thịt luôn hết đầu tiên”. Không chỉ thế, “thức ăn cũng hơi nguội”“thiếu gia vị”, do đó nhiều đêm Daria chỉ ăn mỗi phô mai và bánh mì. 

Điều kiện đồ ăn tại làng Olympic Paris 2024 đang phải nhận không ít ý kiến trái chiều.
Tay vợt người Úc Daria Saville đã thẳng thắn nói về những hạn chế của nước chủ nhà Pháp trong 1 series trên TikTok

Trong làng Olympic cũng có đầu bếp Michelin phục vụ thức ăn cao cấp nhưng theo Daria, những đĩa thức ăn này rất nhỏ. “Chúng rất tuyệt, nhưng bạn phải ăn khoảng 14 đĩa mới thấy no”.  Các VĐV thường cần hàng ngàn calo mỗi ngày để duy trì mức năng lượng trong suốt quá trình luyện tập và đảm bảo hiệu suất cao nhất trong cuộc thi quan trọng. Điển hình như kình ngư người Mỹ Michael Phelps, anh từng tiết lộ rằng mình đã ăn tới 12.000 calo/ngày trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội 2008. 

Với lựa chọn protein hạn chế cùng hàng dài người xếp hàng chờ đợi và đồ ăn hết rất nhanh, các VĐV của đội tuyển Anh đã quyết định bỏ qua khu ẩm thực. “Không có đủ một số loại thực phẩm nhất định: trứng, thịt gà, một số loại tinh bột, và chất lượng thực phẩm cũng không tốt, nhiều khi VĐV ăn phải thịt chưa chín”, giám đốc Hiệp hội Olympic Anh Andy Anson nói với The Times. Ông cũng chia sẻ thêm rằng các đầu bếp riêng đã phải được “triệu hồi” khẩn cấp để đảm bảo các VĐV tuyển Anh có đầy đủ thức ăn.

Được mệnh danh là cái nôi của nền ẩm thực châu Âu song nước Pháp lại đang mang đến cho các VĐV Olympic một trải nghiệm ăn uống đáng thất vọng.
Những chiếc giường “cứng như đá”

Không cung cấp những dịch vụ thoải mái nhất, làng Olympic Paris 2024 hướng đến một không gian bền vững và thân thiện với môi trường. Do đó, các VĐV sẽ ngủ trên những chiếc giường gấp được làm bằng bìa các tông – loại vật liệu bị than phiền là “cứng như đá” và không lý tưởng cho mục đích nghỉ ngơi, thư giãn. VĐV bóng nước người Úc Matilda Kearns chia sẻ rằng cô đã phải đi mát-xa để phục hồi chấn thương do ngủ trên nệm “Lưng tôi gần như bị gãy”, Matilda viết trên mạng xã hội sau đêm đầu tiên ở làng Olympic. Tuy nhiên chỉ 48 giờ sau đó, đoàn thể thao Úc đã mua thêm nệm phủ và gối cho các VĐV của mình.

Những chiếc giường các tông thân thiện với môi trường được sử dụng trong Thế vận hội Olympic 2024 tại Paris.

Không than phiền nhiều, VĐV thể dục dụng cụ người Mỹ Frederick Richard đã nhanh chóng đặt mua hẳn một chiếc nệm mới và giao tới làng Olympic Paris. “Tôi muốn được ngủ thoải mái như thể đang ở trong phòng của chính mình”, Frederick nói. Mặc dù là thành viên duy nhất trong đội mang theo nệm đến làng Olympic nhưng việc làm của nam VĐV có lẽ đã “truyền cảm hứng” cho nhiều người khác, trong đó có huấn luyện viên của đội thể dục dụng cụ Mỹ Jess Graba. “Richard đã đặt mua một chiếc nệm và giao đến làng. Bây giờ tất cả chúng tôi cũng đang nghĩ về việc đó”.

Di chuyển bất tiện

Tại Thế vận hội Olympic 2024, những vấn đề xoay quanh phương tiện di chuyển cũng phải nhận về không ít lời phàn nàn. Các VĐV không được hưởng bất kỳ chế độ đãi ngộ VIP nào trong việc di chuyển. Họ phải sử dụng xe buýt hoặc tàu điện ngầm công cộng ở Paris để đến sân vận động. Do đó, một số đoàn đã cân nhắc chuyển VĐV của mình đến các khách sạn gần địa điểm thi đấu hơn. Theo tờ Korea Times, sáu VĐV bơi lội Hàn Quốc đã rời làng Olympic và chuyển đến một khách sạn cách bể bơi chỉ 5 phút đi bộ. Quyết định này giúp họ tránh việc phải di chuyển đường dài trên những chiếc xe buýt nóng bức vì không có điều hòa và bị đóng kín cửa sổ. 

Các VĐV thường được bắt gặp trong tình trạng mệt mỏi sau khi di chuyển trên những chuyến xe đông đúc, nóng nực.
Vấn nạn trộm cắp 

Theo tờ Le Parisien, kể từ khi các VĐV chuyển đến ngôi làng Olympic đã có ít nhất năm đơn khiếu nại về hành vi trộm cắp. Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 27/7 khi một huấn luyện viên của đội tuyển khúc côn cầu Úc khiếu nại về việc thẻ ngân hàng của mình đã bị đánh cắp để thực hiện các giao dịch đáng ngờ với tổng số tiền là 1.500 AUD. Ngay ngày tiếp theo (28/7), sự việc tương tự lại được ghi nhận khi một cầu thủ bóng bầu dục của đội tuyển Nhật Bản đã bị trộm mất nhẫn cưới, vòng cổ và tiền mặt với tổng giá trị ước tính lên đến 3.000 Euro. 

Làng Olympic – địa điểm đúng ra phải là nơi nghỉ ngơi an toàn cho 14.000 VĐV, đang liên tục chứng kiến hàng loạt vụ trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, ngôi làng Olympic không phải là nơi duy nhất diễn ra các vụ trộm. Vào tuần trước, Javier Mascherano huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá Olympic Argentina, đã báo cáo rằng một số cầu thủ của ông đã bị cướp ngay trước thềm trận đấu ra mắt. “Hôm qua, bọn trộm đã đột nhập vào nơi tập luyện và lấy đi đồ đạc của cầu thủ Thiago Almada, bao gồm một chiếc đồng hồ và một số trang sức”

An ninh tại Paris, trước hay trong thời gian diễn ra Olympic, vẫn luôn là một vấn đề lớn mà nước Pháp chưa thể bảo đảm được.

Tác giả: Nhi Trương

06/08/2024, 08:10