Năm 14 tuổi, Tom Daley lần đầu tiên trình làng Olympic thế giới ở bộ môn nhảy cầu. Hơn một thập kỷ sau, anh nổi lên như một hiện tượng mạng vì khoảnh khắc đan len vô tình được người hâm mộ ghi lại ở Olympic Tokyo 2020. Chỉ 4 năm sau, chàng vận động viên người Anh tiếp tục làm nên cơn địa chấn khi “ẵm trọn” chiếc huy chương vàng (HCV) ở Thế vận hội mùa hè. Tom đã trải qua một hành trình dài với đầy thử thách và khó khăn, từ một tài năng trẻ dành niềm đam mê cháy bỏng cho các bộ môn thể thao dưới nước tại CLB bơi lội địa phương, cho đến một ngôi sao tỏa sáng chạm đến những vinh quang.
Sinh năm 1994 tại Plymouth, miền tây nước Anh, Thomas Daley – nay được công chúng biết đến với cái tên Tom Daley, xuất thân trong một gia đình không theo truyền thống thể thao khi có bố là thợ điện và mẹ làm nội trợ “toàn thời gian”. Dẫu vậy, anh nhận sự hậu thuẫn và động viên rất lớn từ gia đình, đặc biệt là ông Robert Daley – bố của nam vận động viên. Daley từng không ít lần khẳng định cha chính là người cổ vũ, niềm động viên lớn nhất trong cuộc sống nhiều mảng tối của mình. Thậm chí, ông sẵn sàng từ bỏ công việc chế tạo điện máy để đưa anh tham gia hầu hết các cuộc thi lặn ở khắp nơi. Vì thế, cha không đơn thuần như một người bạn tri kỷ luôn kề vai sát cánh bên anh, mà còn trở thành nguồn động lực lớn lao để anh vượt qua bao chông gai của cuộc đời.
Anh được mệnh danh là “thần đồng nhảy cầu” khi bén duyên với môn lặn lúc mới lên 4. Năm 7 tuổi, anh tham gia vào CLB bơi địa phương, và vỏn vẹn một năm sau, tài năng của anh đã được phát hiện bởi huấn luyện viên Andy Banks. Kể từ đó, chàng tuyển thủ nhí dần xa nhà và bắt đầu tham gia vào những buổi tập tại nhiều trung tâm huấn luyện ở các thành phố khác nhau.
Thành công gõ cửa khi Tom trở thành tuyển thủ trẻ nhất vô địch giải U18 vào lần sinh nhật thứ 10. Không nản chí vì màn trượt mất chiếc vé vào Commonwealth Games (Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung) năm 2006, Tom Daley gỡ gạc bằng cú “lội ngược dòng” và đạt được những thành tích đáng nể. Sau khi trở thành nhà vô địch dưới 18 tuổi thuộc nội dung nhảy lộn nhào 10m ở bục lẫn 3m bàn đạp trong một giải đấu diễn ra ở Anh, “nam thần Olympic” tiếp tục vô địch nội dung nhảy cầu 10m tại Giải vô địch Anh (năm 2005, 2006 và 2007), giành giải thưởng ‘Nhân vật thể thao trẻ của năm’ của BBC (năm 2007, 2009 và 2010)…
Ra mắt lần đầu tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 chỉ mới hơn 13 tuổi, Tom Daley không chỉ gây chú ý vì là thí sinh trẻ tuổi nhất, mà còn màn thể hiện đầy mãn nhãn ở nội dung nhảy cầu đôi ván cứng 10m dành cho nam. Trong phần trình diễn, anh cùng đồng đội xuất sắc đứng ở vị trí thứ 8, cùng lúc đó, Daley cũng giành vị trí thứ bảy của nội dung nhảy cầu cá nhân 10m. Thừa thắng xông lên, năm 2009, vận động viên người Anh một lần nữa đạt thứ hạng cao nhất tại “Giải vô địch thể thao dưới nước thế giới FINA” cho nội dung nhảy cầu 10m. Một năm sau đó, trong cuộc thi nhảy phối hợp 10m, anh tiếp tục chinh phục thêm hai HC cho đội tuyển Anh tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung 2010.
Sự nghiệp đang dần khởi sắc, thế nhưng một biến cố xảy đến khiến Tom Daley gần như suy sụp. Vào năm 2011, ông Robert Daley qua đời đột ngột vì căn bệnh u não. Nỗi mất mát đó đã để lại một khoảng trống lớn trong cuộc đời của Daley. Dẫu vậy, chàng VĐV người Anh vẫn bình tĩnh vượt qua cú sốc. “Chỉ cần tài giỏi bằng phân nửa cha là tôi đã hạnh phúc lắm rồi” Tom xúc động chia sẻ.
Vượt qua nỗi đau, năm 2012, Tom Daley trở lại đấu trường Olympic London tham gia chinh chiến ở nội dung nhảy cầu cá nhân 10m và thành công mang về HCĐ cho Vương quốc Anh. Tuy kết quả không như mong đợi, nhưng đây trở thành kỳ Thế vận hội đáng nhớ nhất của anh bởi đó sẽ là bước đệm đánh dấu cho những “cú hích” ngoạn mục trong tương lai.
Vào tháng 3/2018, Tom bị chấn thương ở vùng não trong quá trình tập luyện và không thể bơi trong vòng một tuần, nhưng rất may anh đã dần phục hồi kịp thời để chuẩn bị bước vào thế vận hội Tokyo năm 2020. Cùng với VĐV Matty Lee, Tom đã xuất sắc giành lấy HCV đầu tiên ở phần thi phối hợp và 01 HCĐ ở nội dung 10m cá nhân nam. “Khi còn trẻ tôi không nghĩ bản thân có thể đạt được thành tựu. Còn giờ đây, tôi trở thành nhà vô địch Olympic”, Tom Daley chia sẻ sau chiến thắng. Từ đây, anh chàng dần nhận được sự chú ý nhiều hơn đến từ đông đảo khán giả quốc tế.
Sau Olympic Tokyo 2020, tưởng chừng như sự nghiệp của “thợ lặn” Tom Daley ngày càng thăng hạng, bỗng anh bất ngờ tuyên bố giải nghệ vì chướng ngại tâm lý từ chấn thương. Thế nhưng, trong một chuyến thăm Bảo tàng Olympic và Paralympic Hoa Kỳ ở Colorado Springs vào năm 2023, Tom nhận ra rằng mình chưa sẵn sàng dừng lại khi xem đoạn video đầy cảm hứng về tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Anh chia sẻ “Khi rời khỏi bảo tàng đó, có điều gì đã thay đổi khiến tôi không nghĩ mình đã sẵn sàng giải nghệ. Đặc biệt là lúc con trai nói: ‘Con muốn thấy bố lặn tại Thế vận hội'”.
Tom cho biết hai thiên thần nhỏ đã truyền cảm hứng để anh quay lại bơi lội và thi đấu tại Paris. Được biết, đến với Thế vận hội lần này, anh đã chuẩn bị với khoảng 14 – 15 tháng luyện tập: “Thật sự rất khó khăn khi vừa tập luyện, vừa phải dành thời gian cho con cái. Dù vậy, ông xã đã ủng hộ tôi rất nhiều”.
Trở thành người được chọn cùng với VĐV chèo thuyền Helen Glover, Tom Daley là người cầm cờ Vương quốc Anh tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 dọc theo sông Seine. Đánh dấu màn tái xuất kể từ khi nhận HCV cùng với VĐV Matty Lee tại Olympic Tokyo 2020, Tom Daley và VĐV Noah Williams đã giành lấy tấm HCB trong kỳ Thế vận hội năm nay. Dù có thể được xem là chương cuối của anh trong sự nghiệp, nhưng với chiếc HCB đầu tiên, Tom tự tin chia sẻ: “Chỉ cần nhìn thấy gia đình và người thân trên khán đài, dù chưa chiến thắng, tôi đã cảm thấy mình như chạm đến đỉnh vinh quang”
Dù là một VĐV nhảy cầu chuyên nghiệp, nhưng công chúng vẫn nhớ đến cái tên Tom Daley nhiều hơn qua hình ảnh đan len “mọi lúc mọi nơi”. Không chỉ là thú vui dịp COVID, đam mê này dường như đã trở thành sự nghiệp thứ hai của anh. Tom đã hợp tác với nhiều nhà mốt hay người nổi tiếng để hỗ trợ và tôn vinh cho nhóm người yếu thế trong xã hội đặc biệt là cộng đồng LGBTQIA+. Chẳng hạn, trong chiến dịch chào mừng tháng Tự hào của năm 2022 cùng với Ami Paris, Tom đã sử dụng số tiền thu được từ chiến dịch để quyên góp cho Kaleidscope Trust, một tổ chức từ thiện của Anh nhằm bảo vệ quyền của những người LGBTQIA+. Nhờ sự ưu ái của truyền thông mà tâm huyết của anh dành cho cộng đồng cũng dần chạm đến nhiều người, đơn cử là diễn viên Gillian Anderson, đã trực tiếp mời anh “thợ lặn” đan cho mình một chiếc mũ để diện trong bộ phim đình đám “Sex Education”. Sau đó, cả hai đã đấu giá những món đồ này để gây quỹ cho một tổ chức từ thiện LGBTQ+ do Tom lựa chọn.