Những ngày vừa qua, từ khóa Olympic Paris 2024 đang trở thành tâm điểm của truyền thông. Trong bầu không khí cả thế giới hướng về Paris để theo dõi các cuộc tranh tài tại Thế vận hội mùa hè năm nay, 5 tựa phim đa thể loại sau đây sẽ giúp bạn cảm nhận rõ sức nóng của đấu trường Olympic cũng như tinh thần nhiệt huyết của các vận động viên trên hành trình theo đuổi giấc mơ. Tất cả hứa hẹn mang đến cho bạn sự phấn khích không thua kém các trận đấu thật sự.
“Eddie the Eagle” là câu chuyện có thật về cuộc đời của vận động viên trượt tuyết người Anh Eddie Edwards. Eddie đã mắc phải chứng khó đi lại bẩm sinh và phải điều trị y tế trong thời gian dài. Nhưng không vì thế mà tình yêu dành cho thể thao của anh thôi cháy bỏng. Suốt thời thơ ấu, Eddie đã luôn khao khát về giấc mơ được đứng trên đấu trường Olympic.
Tuy nhiên, điều kiện sức khỏe không cho phép cộng thêm sự phản đối quyết liệt của mọi người xung quanh, giấc mơ của Eddie như những quả bong bóng sẽ vỡ tan bất kỳ lúc nào. Liệu “chú chim non” Eddie có thể trở thành đại bàng đầy kiêu hãnh, tự do sải cánh bay trên bầu trời bao la, hay ngậm ngùi chấp nhận đó mãi mãi là một giấc mơ xa tầm với?
Xây dựng mô-típ quen thuộc là “vượt chướng ngại vật”, “Eddie the Eagle” không chỉ gói gọn ở sự hài hước và hấp dẫn của dàn cast, phim còn mang đến cho khán giả những phút giây chiêm nghiệm qua các thông điệp “đáng phải ghi nhớ” xuất hiện xuyên suốt thời lượng 106 phút được đan cài một cách tự nhiên vào mạch phim. Thông qua đó, tác phẩm gửi gắm một thông điệp sâu sắc về ý chí: “Trên bước đường của người thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
“I, Tonya” là bộ phim thuộc thể loại hài, châm biếm do đạo diễn Craig Gillespie cầm trịch và khởi xướng bởi diễn viên Margot Robbie. Tác phẩm nằm trong đề cử của giải thưởng Oscar danh giá bởi lựa chọn một hướng đi đầy khác biệt, bất chấp việc đối diện với nhiều tranh cãi khi khai thác một góc nhìn mới về cuộc đời của cựu vận động viên trượt băng nghệ thuật Tonya Harding – người liên quan đến vụ bê bối rúng động năm 1994.
Ngay trước thềm Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Na Uy, nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật Nancy Kerrigan bị một kẻ lạ mặt hành hung đến chấn thương. Kết quả điều tra cho thấy đồng đội của Kerrigan là Tonya Harding có liên quan đến vụ hành hung này. Tuy nhiên, trải qua một cuộc điều tra dài, Tonya không bị kết tội chủ mưu, nhưng bị tuyên án cản trở cuộc điều tra và buộc cô phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao.
Một trong những yếu tố không nhỏ dẫn đến án phạt của Tonya là sức ép từ truyền thông và dư luận. Nếu trong mắt công chúng, Nancy Kerrigan như một nàng thiên nga lộng lẫy, đầy kiêu hãnh và là “người tình” của nước Mỹ với những phẩm chất cao đẹp khiến bao người thầm thương trộm nhớ, thì Tonya Harding không khác gì “cái gai trong mắt” của tất cả mọi người. Người hâm mộ cho rằng cô có tài năng thiên phú, kỹ năng trượt băng xuất chúng nhưng cái tôi quá lớn. Vì thế, cô đã không được lòng hầu hết công chúng và giới truyền thông. Do đó, vụ việc với Nancy Kerrigan nổ ra đã giúp truyền thông “thừa nước đục thả câu” đẩy cô xuống vũng lầy trước sự giận dữ của đám đông.
Tái hiện xuất sắc và chân thật những góc khuất lẫn câu chuyện đằng sau vụ bê bối chấn động, Margot Robbie đã lột tả thành công một Tonya với vô vàn lát cắt cảm xúc dằn xé, đầy mâu thuẫn trong nội tâm. Bên cạnh đó, những cảnh phim dồn dập sẽ mang đến cho người xem góc nhìn sâu hơn đối với sự kiện đã khiến sự nghiệp nữ vận động viên “sớm nở chóng tàn”.
“Battle of the Sexes” là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật vào những năm 1970 do bộ đôi đạo diễn Jonathan Dayton và Valerie Faris chỉ đạo. Phim xoay quanh cuộc đời phi thường của nhà vô địch tennis Billie Jean King (Emma Stone). Vào năm 1972, cô gái trẻ Billie thách đấu với cựu số một thế giới Bobby Riggs (Steve Carell) kiêu ngạo và luôn xem thường phụ nữ.
Trong khi Riggs luôn cho rằng phụ nữ chỉ được chào đón để nhặt bóng, thì Billie Jean King đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa phân biệt giới tính vào thời kỳ giải phóng phụ nữ còn sơ khai. Quyết cho đối thủ “tâm phục khẩu phục”, Billie đã khiêu chiến bằng một trận đấu tennis lịch sử. Và màn so tài này đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh về bình đẳng giới. Có thể nói, “Battle of the Sexes” không đơn thuần là một bộ phim thể thao, mà còn là cuộc chiến của quyền lợi và công bằng, cũng như đấu tranh cho những giá trị lẫn quyền lợi đích thực của con người.
Péle đã từng nói rằng: “Tôi muốn có một hình ảnh để lại cho thế hệ con cháu của mình. Khi chúng lớn lên, chúng sẽ không chỉ biết về tôi, về những bàn thắng tôi đã lập công, mà còn cả nhiều thứ khác”. Vì thế, tháng 02/2021, “ông lớn” Netflix đã quyết định phát hành bộ phim tài liệu tái hiện toàn bộ cuộc đời của Péle với nhiều góc khuất cùng những bí mật chưa từng được tiết lộ trong quá khứ.
Bộ phim được dẫn dắt bởi chính Péle và bắt đầu bằng hành trình từ khi ông còn là một cậu bé dành tình yêu đặc biệt cho túc cầu, đến lúc ông trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất thế giới. Xuyên suốt 108 phút, ngoài việc nhìn lại sự nghiệp rực rỡ của huyền thoại Péle, người xem còn được lắng nghe câu chuyện về Brazil. Cùng với những pha ghi bàn kỳ diệu và vô cùng mãn nhãn của ông, khán giả được bước lên chuyến tàu thời gian quay trở về giai đoạn lịch sử đầy biến động suốt thập niên 60 của vùng Nam Mỹ. Từ đó, khán giả nhận ra rằng thể thao đã có sức ảnh hưởng như thế nào đến vận mệnh của một dân tộc.
Với nhiều khán giả đại chúng, George Foreman là cái tên quá đỗi xa lạ, tuy nhiên những người hâm mộ quyền anh đích thực, chẳng ai không biết đến loạt thành tích đáng nể mà võ sĩ sinh năm 1949 đã tạo dựng trong suốt 3 thập kỷ thi đấu chuyên nghiệp của mình. Ông đã hai lần bảo vệ thành công danh hiệu vô địch hạng nặng thế giới trước lúc thua Muhammad Ali vào năm 1974.
Sau màn thất bại đó, George Foreman trở thành một Mục sư Cơ đốc giáo. Tưởng chừng sự nghiệp thi đấu võ sĩ của ông sẽ khép lại, bỗng 10 năm sau, George Foreman quay trở lại gỡ gạc và giành chức vô địch hạng nặng thêm một lần nữa. Đồng thời, ông xác lập kỷ lục trở thành nhà vô địch lớn tuổi nhất giành chức vô địch quyền anh hạng nặng thế giới với thành tích chung cuộc là 76 trận thắng, trong đó có 68 trận hạ gục và 5 trận thua. Hơn nữa, ông cũng từng đoạt huy chương vàng Olympic năm 1968 diễn ra tại Mexico. Ngoài ra, George còn được tạp chí The Ring xếp vào 25 võ sĩ quyền anh vĩ đại nhất trong lịch sử.
Chính sự kiên định của ông đã truyền cảm hứng biết bao người yêu thể thao và các nhà làm phim. Đầu tháng 4/2023, đạo diễn tài năng George Tillman Jr. đã cho ra mắt bộ phim kể về cuộc đời của George Foreman. Khác với những tác phẩm về quyền anh trước đó, “Big George Foreman” mang đến một sắc thái lãng mạn, bóng bẩy và đầy hào nhoáng. Phim cũng khéo léo gọt giũa đi sự nặng nề và gai góc của các mô-típ thể thao thường thấy, từ đó khán giả có thể khám phá cuộc đời và sự nghiệp của tay đấm huyền thoại.
Nguồn ảnh: Tổng hợp