OAI cho đúng cách - Tạp chí Đẹp

OAI cho đúng cách

Sống

“Em ơi, cho 3 chai X.O nhá!”. “Ui chao, uống để chết hay sao mà gọi nhiều thế, có 7-8 ông, mà sao không gọi vi-ét-âu-pi cho đỡ tiền”, tôi bảo cậu bạn khi chuẩn bị bước vào cuộc liên hoan tổng kết phòng hôm trước Tết. “Cậu ếch thế, hôm nay phải oai.” Rượu cứ thế là rót, người cứ thế là “dzô dzô”, đồ ăn lúc này không quan trọng nữa, món khai vị cũng chưa mấy ai động đũa. Chỉ cấp tập chừng 20 phút là thấy mấy mặt trời mọc, giọng ai cũng bắt đầu cao lên và hầu hết chỉ nói cho bản thân mình nghe.

Chẳng biết có oai hay không, nhưng khi ra về thì đến hai, ba ông không đi nổi xe, phải gọi taxi sau khi đã cho ra bằng hết trước cửa quán, ba, bốn ông còn lại cũng xoắn chân như quẩy.

Dân ta quả là uống rượu dữ! Nhớ cái thời bia đắt hơn rượu, cứ tụ tập một nhóm là thể nào cũng phải làm một tí “nước mưa”, hội hè đình đám thì khỏi phải nói, đương nhiên là tràn cung mây luôn – rượu đế, rượu chanh, rượu càphê, loại nào cũng tốt. Nhưng khi bước sang cái thời kỳ rượu đắt gấp nhiều nhiều lần bia, thiên hạ bắt đầu chơi các loại rượu cognac hay whisky cao cấp, thì cái thói quen uống như hũ chìm vẫn được mang theo như một hành trang không thể thiếu. Đa số vẫn vỗ tay tán thưởng trò nốc rượu trong các cuộc vui, một số có vẻ “sành” hơn thì buông một câu: Phí rượu! Nhưng phí thế nào thì không phải ai cũng trả lời được.

Nhiều đấng mày râu ở nhà rất ít uống rượu, lại có những người cứ ăn tối thì phải làm một hai chén cho… tê đầu lưỡi. Đều đặn, bữa nào cũng thế, và với những đối tượng này thì bổ nhất là rượu thuốc hoặc rượu ngâm-một-cái-gì-đấy. Nhưng nếu “pạc-ti” ngoài quán thì từ lâu đã có một trào lưu là phải chơi rượu Tây cho sành điệu. Thịt chó lòng lợn cũng rượu Tây. Mà cứ phải là loại “nhất chợ” cho đáng mặt anh tài, dù là vào nhà hàng, quán rượu hay sàn nhảy.

Oái oăm là rượu thì cao cấp nhưng lại bị đối xử quá… phũ phàng. Cognac được gọi là “eau-de-vie” – nước của sự sống, thế mà các vị ấy uống như uống nước mưa. Họ coi những dòng tinh chất nho màu nâu óng tới nao lòng với mùi thơm ngất ngây, coi loại rượu bao năm ủ trong các thùng gỗ sồi của các hãng lừng danh thế giới, cũng chẳng khác nào chai rượu nút lá chuối mà ông bác dưới quê vừa mang lên cho buổi sáng.

Hãy bỏ qua chuyện tiền bạc, chỉ nói đến việc thưởng thức thôi đã thấy rõ cái sự uống của nhiều ông đúng là… oai kiểu “kém tắm”. Điều quan trọng đầu tiên – mà nhiều người không thèm quan tâm – là chỉ nên uống cognac theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ. Vừa ăn vừa “tắm rượu” thì đúng là đổ hàng xịn ra sông còn gì.

“Nam vô tửu như kỳ vô phong.” Thực ra câu nói đó của các cụ cũng hơi quá. Không biết uống rượu thì cũng đâu có sao. Có khi còn hay hơn cả việc uống mà không biết là mình uống cái gì và nên uống như thế nào. Và để khỏi bị chê là “bất tri kỳ vị”, thì hỡi các vị thích oai, hãy thử xem cái thứ đồ uống cấp cao này nó như thế nào trước khi uống.

Khó mà nói chắc chắn rằng cognac xuất hiện từ khi nào, chỉ biết là có câu chuyện kỳ thú thế này: Sau khi rời quân ngũ, một người đàn ông tên là Chevalier de la Croix quyết định bắt đầu làm rượu vang. Đêm nọ, ông nằm mơ thấy Quỷ dữ đến lấy linh hồn đi và ném ông vào thùng nước sôi, nhưng ông chẳng hề hấn gì nên Quỷ lại ném ông vào thùng lần nữa. Tỉnh giấc, Chevalier quyết định áp dụng quy trình “sôi kép” đó vào việc sản xuất rượu và thấy rằng lần chưng cất thứ hai đã nâng chất lượng của rượu vang thêm rất nhiều. Ông mang hai thùng chứa hai loại rượu đi gặp các thầy tu Renorville, uống hết thùng đầu và để lại thùng thứ hai chờ lần hội ngộ tới. Nhưng tới 15 năm sau họ mới gặp lại nhau, khi các thầy tu quay lại thăm Chevalier. Tất cả đều bất ngờ khi thấy rượu có vị hoàn toàn khác. Và cognac ra đời.

Cũng cần nói thêm rằng chỉ có rượu làm ra từ loại nho trắng trồng tại 6 khu vực xung quanh thị trấn Cognac của nước Pháp – La Grande Champagne, la Petite Champagne, les Borderies, les Fins Bois, les Bons Bois, les Bois Ordinaires – thì mới được gọi là rượu cognac.

Có một số cách uống cognac theo kiểu cách tân (dùng ly bầu loại thấp hoặc ly to, pha với soda, tonic hoặc đá chẳng hạn) nhưng cách truyền thống nhất và chuẩn nhất – đặc biệt là đối với những người thử rượu – vẫn là dùng loại ly pha-lê hình bông hoa Tulip. Hình dáng hơi bầu ở bên dưới và miệng nhỏ hơn ở trên của loại ly này giúp lưu giữ toàn bộ mùi hương của cognac và chỉ cho phép mùi hương tỏa ra dần dần khi uống. Đương nhiên, ly phải thật trong.

Uống cognac mà dốc thẳng vào họng thì đúng là phụ công người làm. Có phải nước giải khát hay bia đâu mà cốc chưa chạm bàn đã vội làm một hơi cạn tới đáy, rồi một tay quệt ngang lớp bọt trên ria, ngụm cuối chưa trôi qua họng đã kêu “Vại nữa!” Cứ phải từ từ, qua đầy đủ các công đoạn.
Theo lời khuyên của các chuyên gia về loại rượu này, sau khi rót chừng 20-25ml vào ly thì hãy nhìn vào rượu bởi màu của nó nói lên rất nhiều điều: màu rơm vàng là rượu hơi “trẻ”, vàng sẫm là lâu năm hơn, rồi đến các màu chứng tỏ “thâm niên” hơn là hổ phách, nâu hung, v,v… Công đoạn đánh giá chất lượng tiếp theo là ngửi. Mùi hương đầu tiên mà ta cảm nhận được khi chưa lắc ly gọi là “montant”, thông thường là các mùi hoa hoặc quả như ly, diên vĩ, hồng, nhài, đào, nho, hạt dẻ, quả mộc qua… Lắc nhẹ ly, rồi kéo ly đến gần – lúc bấy giờ mới thấy hương vị thực sự của rượu cognac. Công việc còn lại là thưởng thức bằng vị giác, nhưng nhớ là nhấp từng ngụm nhỏ, thả lỏng người, để cho dòng rượu chảy từ đầu lưỡi xuống họng. Thế mới gọi là biết chơi chứ!

Nhưng nói gì thì nói, chuyện uống rượu nên theo gu của mỗi người, và tùy mỗi loại cần có cách thưởng thức cho phù hợp. Uống rượu không phải để oai, mà muốn oai cũng phải cho đúng cách./.

Thực hiện: depweb

12/04/2005, 16:34