“Ở trường cô dạy em thế!”

Thái Mỹ Phương, Đẹp Online, xem xiếc, mua vé xem xiếc

Ảnh minh họa: Thái Mỹ Phương

Nâu Nóng:  Tối qua vừa cho bọn trẻ con đi xem xiếc, ôi giời các ông tướng thích lắm! Mỗi tội, không ngờ vé xem xiếc bây giờ đắt phết nhỉ, gấp mấy lần xem kịch!

Đen Đá:  Bao nhiêu mà đắt?

Nâu Nóng: Một vé thì chả đến nỗi nào nhưng hai cái trở lên là cũng ra vấn đề phết đấy! Tiền trăm chứ chả đùa!

Đen Đá: Xem tại rạp, lại nhằm suất cuối tuần thì đắt rồi! Sao không cho chúng nó xem ở trường đi cho rồi, hàng “bán sỉ” giá mềm hơn hẳn, chỉ mất có mấy chục ngàn. Mà xem có bạn có bè, chúng nó càng khoái! Mình cũng đỡ mất công tha lôi… Lợi đủ đường!

Nâu Nóng: Gớm, con nhà bác là học trưởng điểm, đời sống tinh thần nó cao! Chứ con nhà em học trường làng, đến cái nhà vệ sinh còn chả sạch, làm sao dám mơ đến chuyện xiếc về trường!

Đen Đá: Nhầm nhé, chính trường làng mới hay có xiếc về, chứ trường phố, dân người ta bão hòa rồi, đừng tưởng bán tấm vé mấy chục ngàn mà dễ! 

Nâu Nóng: Đắt rẻ đâu chả biết, nhưng nói thật với bác, mỗi lần dắt xe vào trường con mà thấy người ta “đăng đàn” bán sữa, bán vé, bán đủ thứ chả liên quan gì đến giấy bút sách vở… là không biết sao em thấy ngứa mắt cực! Sao bây giờ vào trường bán gì cũng dễ thế! Trong khi mình đằng thằng là phụ huynh học sinh đây, mà có lần muốn vào ngó trộm con học một lần cho biết mà cũng bị bảo vệ mời ra ngay lập tức…

Đen Đá: Chuyện! Trường học bây giờ nhiều “bí mật” lắm! Đây như trường con tôi, tiếng là có camera trực tuyến, mà mò vào cũng có xem được gì đâu. Chả thấy con, toàn thấy… muỗi.

Nâu Nóng: Có cô không khéo ở lớp cũng chả dạy mấy đâu bác, lên camera kiểu gì! Đấy, vừa mới qua khai giảng, ngó bộ “trời yên bể lặng”, vãn bóng thanh tra, kiểm tra là lại thấy hô hào học thêm rồi đấy, trong khi suốt ngày kêu mệt. Công nhận cô “mê” dạy thật!

Đen Đá: Học thêm là phải rồi! Vì giờ ở lớp, các cô đâu chỉ dạy mà còn phải tiếp các đoàn bán sữa, bán báo, bán vé xem xiếc, chụp ảnh… nữa! Việc như núi chứ chả đùa! Làm thế, trường vừa được tiếng chăm lo học sinh, lại được “hoa hồng hoa hiếc” nữa chứ, một công đôi việc quá còn gì!

Nâu Nóng: Tưởng qua đầu năm học là tạm yên, dè đâu lâu lâu lại có một cái “trát” mời đóng tiền, kẹp vào vở con, về mở ra ngứa mắt là! Công nhận nhà trường dạo này “quan tâm” con em mình quá cơ, hết lo con không đủ sữa uống, lại lo con không có báo đọc, không có xiếc xem, lại còn cả những bức ảnh “để đời” nữa chứ!

Đen Đá: Chả bù cho lúc tuyển sinh, cái cánh cổng trường sao mà hẹp, thế mà lúc tiếp các “đoàn công tác”, cái cổng trường ở ta nó lại rộng thế không biết!

Nâu Nóng: Vâng, rộng! Mỗi rộng lòng thì không! Đấy, hôm rồi, chả vừa có vụ cô giáo lên loa phát thanh báo: “Để đảm bảo công bằng cho những bạn đã đóng tiền, đề nghị các em chưa đóng tiền ngồi yên trong lớp, không được ra sân xem xiếc” là gì! Thế mà ông còn xui tôi chờ xiếc về trường. Này, một khi đã ưa làm tổn thương nhau như thế nhé, thì có mà mười ngàn, tôi cũng chả mua! 

Đen Đá: Suốt ngày đến đón con muộn như cô thì có bao giờ kịp làm cái gì! Nói đi phải có nói lại, nhiều phụ huynh cũng “chầy bửa” chết đi được ấy chứ! Đến tiền học, tiền ăn cho con mà còn tháng quên, tháng nhớ, khiến các cô cũng đâm khó xử. Thà là vì hoàn cảnh khó khăn thì lại còn đi một nhẽ!

Nâu Nóng: Chả biết thời này là thời nào mà hàng tháng phụ huynh còn phải đứng xếp hàng dài cổ để đóng tiền ăn, tiền học cho con, cứ như ngày xưa bố mẹ mình xếp hàng mua gạo vậy. Nhiều hôm muộn cả giờ làm. Thề với ông là tôi ngán nhất cái khoản đấy! Sao không cho chuyển khoản luôn cho rồi?

Đen Đá: Trường làng mà cũng đòi bon chen hiện đại hóa đấy hử, còn khuya nhé! Việc của trường làng là… phối hợp với các đoàn xiếc, vận động phụ huynh mua vé, còn ai không mua thì sẽ chơi trò “dằn mặt”: Có 40 ngàn mà các vị cũng tiếc thì đừng trách chúng tôi làm con cháu các vị tổn thương nhé!

Nâu Nóng:– Trực quan sinh động để dạy cho trẻ biết uy lực của đồng tiền đấy nhỉ! Kể mà trong đám trẻ bị nhốt ấy, về sau lớn lên biết biến kỷ niệm thành sức mạnh, tức chí bấm chí, không khéo lại thành doanh nhân thành đạt chứ chả đùa!

Đen Đá: Sợ là có lúc doanh nhân ấy lại lớn tiếng miệt thị anh em công nhân: “Chúng mày không ăn thì về, dân nhà quê chúng mày mà cũng đòi ăn ngon à!”, chỉ vì “điều hay ấy chúng em được biết chính cô dạy em thế!”…

Thư Quỳnh (nghe lén)





From the same category