Nứt gót chân – Bệnh nhỏ, phiền toái lớn

Mất tự tin vì gót sen nứt nẻ


Chị Hoàng Ngọc Lan, 32 tuổi hiện đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty truyền thông ở Q. 3, Tp. HCM quanh năm bị nứt nẻ gót chân mặc dù không làm việc hay tiếp xúc với môi trường bụi bẩn và thường xuyên vệ sinh cá nhân rất sạch sẽ. Đặc biệt, vào mùa hanh khô, các vết nứt ở gót chân của chị càng trở lên trầm trọng, thậm chí chúng còn bị chảy máu, đi lại khó khăn.

Cùng tâm trạng với chị Lan, chị Phùng Mai Thanh, 27 tuổi đang làm nhân viên ngân hàng ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng thường xuyên bị nứt gót chân nên rất sợ mùa đông. Nứt gót chân khiến chị đau nhức, khó khăn trong việc đi lại, thường xuyên mất ngủ, trở lên cáu gắt, thất thường.

BS. Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tình trạng nứt nẻ gót chân có thể xảy ra với tất cả mọi người. Nguyên nhân là do thời tiết hanh khô, vùng gót chân thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên dễ bị nứt nẻ.

Những người mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh liên quan đến tuyến giáp, bệnh nấm chân… cũng dễ bị nứt gót chân. Người có làn da khô cũng thường hay bị nứt nẻ gót chân hơn người có da thường và da ẩm. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không ổn định, thiếu các chất cần thiết, ít rau quả, ít uống nước cũng làm tăng thêm nguy cơ khô nứt chân.

Tuy nứt nẻ gót chân không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng chúng có thể gây ra biến chứng nếu tình trạng kéo dài quá lâu, hoặc khi bị vi khuẩn xâm nhập. Một số trường hợp có thể dẫn đến hoại tử chân.

Để tránh tai biến


BS. Nguyễn Văn Thành khuyến cáo, việc điều trị nứt gót chân chủ yếu là giữ ấm cho đôi chân bằng cách mang giày, tránh tiếp xúc với bụi bẩn, nên massage cho đôi chân của bạn mỗi ngày… Ngoài ra, bạn cần phải bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin, calci, kẽm… Uống từ 1,5-2 lít nước/ngày, vì chúng góp phần quan trọng trong việc bổ sung lượng nước giữ ẩm cho cơ thể và đôi chân của bạn.

Chăm gót tại nhà

Massage gót chân với dầu olive 1 lần/ngày, hoặc bạn có thể thực hiện ngâm chân trong nước ấm có vắt 1 nửa quả chanh. Biện pháp này giúp loại bỏ các tế bào chết ở gót chân, giữ ẩm cho đôi chân của bạn mềm mại hơn. Thực hiện 3 lần/tuần. Nên thường xuyên bôi kem dưỡng da giữ ẩm cho đôi chân của bạn trước khi đi ngủ.

Khi gót chân của bạn đã xuất hiện những vết nứt sâu, gây đau, chảy máu, khó khăn cho việc đi lại thì bạn cần đi khám và điều trị tại các phòng khám chuyên khoa. Tuyệt đối, không nên dùng dao kéo cắt bỏ phần da cứng sần sùi ở vùng chân bị khô nứt. Nếu bạn cắt bỏ lớp da này vô tình sẽ tạo ra những tổn thương ở vùng bị khô nứt, làm cho vùng khô nứt mất đi lớp bảo vệ, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn, thậm chí có thể gây viêm nhiễm nặng, hoại tử…

Ngoài ra nếu bị nứt nẻ, bạn không nên tự ý dùng các loại kem bôi thông thường vào các vết nứt bị hở miệng, chảy máu vì dễ gây nhiễm trùng, chỉ nên bôi trong trường hợp bị khô nứt ở mức độ nhẹ (vết thương chưa gây đau, chảy máu, chảy nước…).

Theo Sức khỏe Gia đình


From the same category