Nước mắt cha mẹ già nuôi con trong cũi sắt

Đóng cũi sắt nuôi con

Đó là hoàn cảnh của bà Đào Thị Ái (SN 194)1 và ông Nguyễn Văn Bút (SN 1938) ở thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Năm 1961, ông Bút bị bệnh phong, phải vào điều trị ở bệnh viện da liễu Văn Môn – Thái Bình. Lúc đó, bà Ái làm y tá ở đó. Vì thương hoàn cảnh ông Bút không có ai đến chăm sóc nên hằng ngày, bà thường xuyên qua lại, động viên, chăm sóc ông.

 

Anh Nguyễn Văn Hợp trong cũi sắt đã hơn 3 năm nay

Năm 1970, ông Bút khỏi hẳn bệnh, được ra viện, hai ông bà đã tổ chức đám cưới. Bà xin nghỉ y tá, về quê làm ruộng. Còn ông làm trưởng ban văn hóa, tham gia đoàn chèo của huyện.

Năm 1971, bà Ái sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Hợi. Bốn năm sau, vào năm 1975 thì sinh cậu con trai Nguyễn Văn Hợp.

Anh Hợp sinh ra bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Lớn lên, anh là một thanh niên ngoan ngoãn, tu chí làm ăn, được bà con xóm làng rất quý mến. Anh đã từng vào Gia Lai, Kom Tum, rồi lên Quảng Ninh làm nghề xây dựng để có tiền về tự đóng gạch, xây nhà cho bố mẹ già.

 

Sổ điều trị ngoại trú tâm thần của anh Nguyễn Văn Hợp

Chuyện chỉ bắt đầu vào cuối năm 2003, khi anh đi làm ở Quảng Ninh về thì thường xuyên chửi bới, rồi đánh đập bất cứ ai. Ông bà Bút đưa anh xuống Thái Bình khám thì bệnh viện kết luận anh bị tâm thần phân liệt.

Sau đó là suốt thời gian mà đôi vợ chồng già này đã khốn khổ vì anh. Suốt 5 năm trời (từ 2003 đến 2008), anh điều trị ở bệnh viện tâm thần Thái Bình không khỏi, ông Bút đã xin cho con về nhà để chữa chạy ở nhà.

Không ngờ về nhà, bệnh của anh Hợp càng nặng hơn. Đến nay, cả ông Bút và người dân thôn Nhuệ vẫn chưa hết bàng hoàng về câu chuyện năm 2008, anh Hợp trèo lên tầng 2 nhà bác Anh, giằng lấy cháu nhỏ Linh, con chị Hằng ném xuống sân. Nhưng may sao cháu bé chỉ bị thương nhẹ.

Sau lần đó, ngày nào anh Hợp cũng ngồi ở cổng, cứ thấy cô gái nào đi qua là đuổi đánh. Trong làng có bao nhiêu công tơ điện, anh đập phá hết. Ngay cả bà Ái cũng bị nhiều lần đánh vẹo cột sống, gãy xương sườn, còn ông Bút có lần bị đánh vỡ đầu, phải khâu đến 16 mũi.

Không còn cách nào khác, năm 2009, ông bà Bút đành phải thuê người đóng cũi sắt để nhốt cậu con trai vào đó.

“Thương con lắm, nhưng không biết làm thế nào được. Nếu không nhốt cháu thì nó sẽ còn gây họa cho bà con xóm làng” – ông Bút nói.

Nước mắt chảy ngược

Từ đó, suốt hơn 3 năm trời, đôi vợ chồng già phải thay nhau chăm sóc cậu con trai trong cũi sắt. Ông Bút đã dành cả gian nhà lớn cho con. Còn ông thì dọn xuống ở dưới căn bếp nhỏ. Hằng đêm, chỉ có bà ngủ trên nhà để tiện chăm sóc cho con, và…nghe con chửi bới.

 

Ông Nguyễn Văn Bút

Mỗi bữa, ông bà lại đưa cơm, nước cho con qua ô cửa sổ nhỏ. Có lần, bà Ái còn bị anh Hợp rình giữ được tay bà rồi vặn gãy tay. Bát đũa ăn xong, anh Hợp đều đập phá hết.

“Mỗi lần đưa cơm cho con là một lần thay bát đũa mới. Tính ra nó đã đập không biết bao nhiêu bát đũa rồi!” – ông Bút chia sẻ.

Cũng từ ngày phải nuôi con trong cũi sắt, ông bà phải phục vụ cậu con trai từ những việc vệ sinh cá nhân nhỏ nhất.

Từ ngày phải đóng cũi nuôi con, hầu như không đêm nào ông Bút chợp mắt được quá hai tiếng. Ông kể: “Ngày mới nhốt nó vào cũi, nó khôn lắm. Nó cứ bảo là: “Con chẳng có bệnh tật gì mà bố mẹ nhốt con lại thế này”. Đau xót vô cùng anh ạ. Bao đêm, vợ chồng tôi có ngủ được đâu. Tôi chỉ có một thằng con trai! Vậy mà bây giờ phải nhốt nó, như nhốt một con thú ở trong nhà”.


Hằng ngày, đôi vợ chồng già vẫn đưa cơm, nước cho anh Hợp qua ô cửa sổ này.

Biết bao đêm, ông bà đã phải thức trắng để nghe tiếng chửi bới, tiếng hát hò của cậu con trai.

“Mỗi ngày ít nhất nó cũng bị lên cơn một lần. Có đêm, cả nhà đang ngủ thì nó tỉnh, cứ thể lôi cả nhà ra mà chửi. Chán chửi thì hát hò, gõ bát đũa, song sắt ầm cả nhà. Anh bảo, thế thì có cha mẹ nào đành lòng ngủ cho được!” – ông Bút kể.

Gia cảnh ông Bút bây giờ cũng rất khó khăn. Cả gia đình đều trông cậy vào hơn sào ruộng. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng hai ông bà vẫn phải nắng mưa ngoài đồng để kiếm từng hạt thóc nuôi con.

Điều mà ông Bút lo nhất là vợ chồng ông đã tuổi già xế bóng, nếu qua đời thì không biết lấy ai chăm sóc cho anh Hợp.

Hơn bao giờ hết, gia đình ông Bút đang cần những tấm lòng hảo tâm xa gần giúp đỡ. Địa chỉ liên hệ: Ông Nguyễn Văn Bút, thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Số điện thoại: 0366336228  


Theo Vietnamnet

From the same category