Núi lửa Bromo, thác nghìn dòng Tumpak Sewu và núi lửa "xanh" Ijen: 3 kỳ quan không thể bỏ qua của Indonesia - Tạp chí Đẹp

Núi lửa Bromo, thác nghìn dòng Tumpak Sewu và núi lửa “xanh” Ijen: 3 kỳ quan không thể bỏ qua của Indonesia

Du Lịch

Nhắc đến Indonesia, nơi nhiều người nghĩ đến đầu tiên có lẽ là thiên đường Bali xinh đẹp. Nhưng tôi lại bị thu hút bởi cảnh sắc núi rừng hùng vĩ và hồ nước acid tự nhiên lớn nhất thế giới tại xứ vạn đảo. Và rồi chuyến đi chinh phục núi lửa của tôi bắt đầu, hành trình ấy đã mở ra trong tôi những thế giới thật khác tại Indonesia. 

Để đến được Bromo, tôi phải bay 2 chặng từ Sài Gòn – Kuala Lumpur/Singapore rồi bay tiếp đến Surabaya (Indonesia). Rồi lại di chuyển hơn 3 giờ đồng hồ bằng xe mới đến được làng Ceromo Lawang (Đông Java) – điểm trung chuyển cho những lữ khách nghỉ một đêm, sáng sớm hôm sau chính thức bắt đầu hành trình chinh phục Bromo.

Bình minh trên “vai” núi lửa Bromo

Với chiều cao 2.329m và là ngọn núi lửa đang hoạt động, Bromo là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất ở Đông Java, Indonesia. Ngọn núi lửa thuộc vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru, nằm giữa một vùng đồng bằng gọi là “biển cát”. Thời tiết ở đây khá lạnh nên mọi người cần chuẩn bị nhiều trang phục giữ ấm cho cơ thể. Nhiệt độ buổi đêm nơi đây có thể xuống tới 10 độ C. Từ 2 giờ sáng, hàng trăm xe Jeep chở du khách đi từ trung tâm thành phố Probolinggo (Đông Java) đến đồi KingKong, từ đây, bạn phải mất hơn 1 tiếng nữa mới đến chân đồi KingKong.

Với chiều cao 2.329m và là ngọn núi lửa đang hoạt động, Bromo là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất ở Đông Java, Indonesia.

Nhiệt độ vào buổi sáng chỉ khoảng 5-6 độ C, tôi tranh thủ ăn sáng bằng mì ly và uống chút trà nóng để làm ấm cơ thể. Nếu muốn ngắm trọn cảnh bình minh ở Bromo, đỉnh đồi KingKong nằm phía đối diện sẽ cho bạn khung cảnh đáng trải nghiệm nhất khi bạn được chứng kiến hình ảnh “bình minh trên vai núi lửa” đẹp đến nghẹt thở.

Khoảnh khắc ngọn núi lửa hung hãn khoác lên mình lớp áo màu vàng rực lấp lánh thiết nghĩ xứng đáng để chúng ta ai cũng nên ngắm nhìn một lần trong đời.
Hình ảnh này gợi nhắc tôi về xứ thảo nguyên gió cát bao la rộng lớn, cảm giác vô cùng tự do. Tại đây, bạn có thể đi xe Jeep, leo bộ hoặc cưỡi ngựa đến gần núi lửa.

Tiếp sau đó, xe Jeep đưa tôi băng qua “sa mạc tro” để đến gần chân núi lửa Bromo hơn. Không may cho cả nhóm khi cách đây khoảng 1 tuần, núi lửa Bromo bất ngờ hoạt động mạnh nên du khách không được phép đến gần để ngắm miệng núi lửa đang hoạt động. Nếu là bình thường, bạn sẽ được leo 250 bậc nữa để chứng kiến từng cột khói bay lên và sẵn sàng nuốt trọn những gì rơi xuống. Khi đến đây, đừng quen mang theo khẩu trang để đề phòng những trận gió to cuốn theo rất nhiều bụi.

Thác nghìn dòng Tumpak Sewu tráng lệ 

Thác nước đẹp nhất Indonesia, Tumpak Sewu chỉ cách Bromo khoảng 4-5 tiếng di chuyển bằng ô tô. Nằm giữa Lumajang Regency (quận Pronojiwo) và Malang Regency (quận Ampelgading) ở Đông Java, thác Tumpak Sewu là một cảnh tượng kỳ vĩ với rất nhiều dòng thác chảy từ độ cao 150 mét vào khu vực bán nguyệt, tạo nên một khung cảnh vô cùng tráng lệ.

Thác nghìn dòng Tumpak Sewu nhìn từ trên cao.
Để đến gần chân thác, bạn phải trekking hơn 1 tiếng 30 phút đường rừng với độ dốc lên đến 90 độ và khá trơn trượt. Bạn cũng phải băng qua những con thác nhỏ, men theo lối mòn cũ cặp bên những vách đá… Một đôi giày có độ bám tốt sẽ thích hợp với hành trình này.
Khi xuống tới thác, hãy mặc thêm áo khoác để tránh những cơn mưa phùn do dòng nước từ thác hất ra.

Xuống dưới chân thác rồi, một bức tranh diễm lệ và hùng vĩ chính là món quà dành cho sự vất vả của bạn. Những dòng nước trắng xóa chảy mạnh mẽ và đầy ngẫu hứng bên cạnh mảng xanh của cây rừng, vừa bình yên nhưng vẫn đầy sự phóng khoáng. Ngẩng mặt lên nhìn bầu trời từ dưới chân thác, tôi thấy mình thật sự nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn.

Mục sở thị ngọn lửa xanh bí ẩn của núi lửa Ijen

Trong hàng chục núi lửa trên đảo Java (Indonesia), Ijen (2.799m) được biết đến như một nơi vừa nên thơ, hùng vĩ và cũng đầy bí ẩn. 12 giờ trưa, tôi xuất phát đến chân núi, và mất thêm 2 giờ đồng hồ nữa để trekking lên miệng núi.

Với vẻ ngoài rộng lớn và kỳ vĩ, miệng núi lửa Ijen được ghi nhận có bán kính 361m, diện tích bề mặt là 410m2, sâu 200m và có thể tích 3.600m3. Nước hồ màu xanh lam, có nồng độ axit sulfuric cao. Nơi đây cũng là mỏ khai thác lưu huỳnh sử dụng nhiều lao động với công cụ khai thác mỏ thô sơ.

Cũng như hàng trăm du khách đến đây, tôi đến Ijen không chỉ vì cảnh tượng hùng vĩ, mà còn muốn tận mắt ngắm nhìn ngọn lửa xanh phát ra từ mỏ quặng lưu huỳnh và chiêm ngưỡng màu xanh ngọc bích huyền ảo của hồ axit nằm lọt thỏm trong miệng núi. Vì chủ yếu leo đường dốc và mất khá nhiều thời gian, nên các bạn cần rèn luyện thể lực thật tốt. Trong trường hợp không đủ sức khỏe để trekking, bạn có thể sử dụng taxi ở đây với khoản tiền không hề rẻ.

Toàn bộ khung cảnh trở nên rõ nét và rộng lớn hơn trong mắt tôi. Những ngọn núi xa xa đang tô điểm thêm cho cảnh vật vốn đã là một kiệt tác của tạo hóa này.
Leo bộ đường núi cao, dốc, lạnh và thiếu oxy khiến tôi cảm thấy không hề dễ chịu nhưng khi nhìn thấy khung cảnh choáng nhợp này, mọi khó khăn đều xứng đáng.
Hồ Ijen hiện lên với màu xanh lơ nhàn nhạt, như một mảng màu lớn đang loang dần trên bảng vẽ.

Trên đỉnh núi, bạn sẽ được trang bị mặt nạ khí để tránh hít phải mùi lưu huỳnh nồng nặc. Tại đây, bạn cũng sẽ bắt gặp những người thợ mỏ đang gánh từng gánh quặng lưu huỳnh ra khỏi núi lửa để bán làm quà lưu niệm.

Ở khu vực này người ta lắp đặt các đường ống bằng sứ để dẫn khí lưu huỳnh từ trong lòng núi lửa. Gặp nhiệt độ lạnh, khí lưu huỳnh chuyển sang thể rắn. Những người thợ mỏ sẽ đập nhỏ từng khối lưu huỳnh và chuyển ra khỏi miệng núi lửa. Trung bình, mỗi thợ mỏ vận chuyển khoảng 200kg lưu huỳnh ra khỏi miệng núi lửa mỗi ngày. 

Những người đàn ông này dùng cây gỗ tròn làm đòn gánh kẽo kẹt hàng chục kg lưu huỳnh xuống chân núi và đặc biệt là không hề có trang phục bảo hộ, hay mặt nạ phòng độc để cản bớt mùi nồng nặc của lưu huỳnh. Việc tiếp xúc với nồng độ lưu huỳnh dioxit cao gây phơi nhiễm mạn tính, dẫn đến khó thở, tắc nghẽn đường thở, làm suy yếu chức năng, hoặc thậm chí là tử vong. Thế nhưng đối với những người dân địa phương nơi đây thì điều đó lại không quan trọng bởi những khối lưu huỳnh kia chính là miếng cơm manh áo của họ.

Tác giả: Tuyết Nhung

21/10/2019, 16:00