Nữ tính hoá thời trang nam: Cuộc cách mạng hàng thập kỷ xoá nhoà lằn ranh về giới

Hãy quên đi những chiếc áo thun, áo sơ mi trơn màu cùng những bộ vest với phom dáng cổ điển, thời trang nam đang dần phá bỏ định kiến giới bởi những thiết kế được nữ tính hóa.

Đàn ông thì phải mặc quần

Xuyên suốt nhiều thế hệ, hình tượng nam giới gắn liền với sự mạnh mẽ, quyền lực và kìm nén xúc cảm. Không chỉ tạo ra tiêu chuẩn sai lệch về cách hành xử, điều này còn đè lên vai nam giới một áp lực nặng nề. Trước làn sóng nữ quyền vào những năm 1980 khiến nhiều người đàn ông cảm thấy lạc lõng, không xác định được vai trò của mình trong xã hội, Shepherd Bliss đã khởi xướng một cuộc giải phóng đàn ông khỏi những ràng buộc của định kiến. Kể từ đó, nhiều phong trào nam quyền đã diễn ra với mong muốn tái định nghĩa về phái mạnh.

Nhưng dường như cuộc đấu tranh đòi quyền được yếu mềm của cánh đàn ông không nhận được sự ủng hộ nhiều như cuộc đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ ở phái đẹp. Bằng chứng là cho đến ngày nay, khi phụ nữ được thản nhiên mặc vest và làm CEO thì rất nhiều người đàn ông vẫn bị kỳ thị nếu lỡ thích màu hồng hay ở nhà làm nội trợ. Tác giả Alison Lurie từng viết trong cuốn “The Language of Clothes”: “Chức năng cơ bản nhất của trang phục là để phân biệt giữa nam và nữ”. Theo đó, một cách phổ biến nhất, váy dành cho phụ nữ, còn đàn ông thì phải mặc quần.

Bộ sưu tập thời trang nam Thu Đông 2020 của Gucci

Trong lần lên bìa tạp chí Vogue hồi tháng 12/2020, nam ca sĩ người Anh Harry Styles ngay lập tức làm dấy lên những cuộc tranh luận khi khoác trên mình một chiếc váy xếp ly dài lấp lánh và áo tuxedo màu đen điệu đà của nhà mốt Gucci. Nhà bình luận chính trị Candace Owens đã chia sẻ trên trang Twitter cá nhân của mình rằng trang phục của Harry Styles là một cuộc tấn công trực diện vào xã hội và kêu gọi hãy mang những người đàn ông nam tính trở lại.

Chiếc váy không giết chết sự nam tính

Đó không phải lần đầu tiên Harry Styles chơi đùa với thời trang và thách thức những chuẩn mực xã hội. Bảo vệ gu thẩm mỹ của mình, anh chia sẻ: “Tôi mặc váy không phải vì chiếc váy khiến tôi trông đồng tính, dị tính hay lưỡng tính, mà vì tôi nghĩ nó trông thật ngầu”. “Nếu không mặc một món đồ nào đó chỉ vì đó là đồ cho phái nữ, bạn đã tự đóng lại cả một thế giới thời trang tuyệt vời”, Harry Styles nói thêm.

Harry Styles trên tạp chí Vogue tháng 12/2020

Lịch sử đã chứng minh việc mặc váy không khiến đàn ông đánh mất đi sự mạnh mẽ của mình. Đàn ông Ai Cập từ thuở sơ khai từng quấn khăn, đóng khố. Thời Hy Lạp cổ đại, các chàng trai mặc váy cùng áo choàng lệch vai. Ở phương Đông, nam giới của nhiều quốc gia như Ấn Độ, Myanmar vẫn mặc váy và áo choàng dài cho đến tận ngày nay.

Tháng 7 vừa qua, tài tử Brad Pitt đã gây bất ngờ cho người hâm mộ khi mặc áo khoác và chân váy linen tới buổi ra mắt phim “Bullet Train”. Phong cách thời trang mới này khác hẳn với style cổ điển, lịch lãm thường thấy của anh.

Mới đây nhất, nam diễn viên Timothee Chalamet đã trở thành tâm điểm tại buổi ra mắt phim “Bones and All” khi xuất hiện trong bộ trang phục của Haider Ackermann với quần dài màu đỏ thẫm và áo cổ yếm hở lưng cùng màu.

Timothee Chalamet tại buổi ra mắt phim “Bones and All” tháng 9/2022

Trên thực tế, ngày càng nhiều nam giới ở Mỹ và châu Âu tìm mua những món trang phục của nữ như áo croptop, váy bút chì, giày búp bê… Trên TikTok, các video có từ khóa #boysinskirts thu hút hơn 250 triệu lượt xem, #meninskirts cũng đạt hơn 70 triệu lượt xem. Những con số này cho thấy sự nữ tính trong thời trang nam đang nhận được luồng quan tâm không hề nhỏ.

Cũng như phụ nữ từng đấu tranh để được tự do mặc những bộ quần áo thoải mái, thuận tiện cho công việc lao động giúp ích xã hội, nam giới đang dần muốn xóa bỏ lằn ranh giới tính bằng thời trang linh hoạt. Hẳn chúng ta chưa thể quên chiếc váy phao đen phủ đến gót chân của Ezra Miller hay chiếc đầm nhung Billy Porter diện đến lễ trao giải Oscars khiến giới mộ điệu sửng sốt suốt một thời gian dài. Sau Billy Porter, có Harry Styles, Jaden Smith, Timothee Chalamet…, những nam nhân này liên tục càn quét thảm đỏ lẫn các tờ tạp chí danh giá nhằm thay đổi bộ mặt thời trang nam đương đại.

Billy Porter trong chiếc đầm nhung đen tại lễ trao giải Oscars 2019

Bắt đầu từ Tuần lễ Thời trang nam Xuân Hè 2018, những thiết kế phi giới tính của các nhà mốt Vivienne Westwood, Edward Crutchley… đã cho thấy một sự nhen nhóm chuyển mình của ngành thời trang. Theo thời gian, từ những thương hiệu độc lập đến những ông lớn như Saint Laurent, Louis Vuitton, Dior, đặc biệt là Gucci dưới thời Alessandro Michele đều đang hòa mình vào làn sóng xóa nhòa ranh giới nam – nữ.

Bộ sưu tập thời trang nam Thu Đông 2020 của Gucci

Tại Tuần lễ Thời trang Milan mới đây, ta có thể thấy sự linh hoạt của thời trang nam qua bộ vest lụa màu hồng phấn từ nhà mốt Brioni, những chiếc váy jeans nhà Fendi, hàng loạt chiếc áo ren điệu đà từ thương hiệu Dolce & Gabbana… Không chỉ trên sàn diễn, hình ảnh những người đàn ông để tóc dài, đeo trang sức và mặc những chiếc áo xuyên thấu cũng xuất hiện một cách thường xuyên hơn trong cuộc sống thường nhật.

“Nếu muốn, bạn có thể vẽ nên một thế giới mà ở đó, chúng ta được tự do thoát khỏi những khuôn mẫu, được nuôi dưỡng bằng chính niềm hân hoan và vẻ đẹp của nó”, Ezra Miller chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.

Có lẽ vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thời trang phi giới tính được chấp nhận và phổ biến rộng rãi. Chặng đường này dài bao lâu không ai biết được, nhưng có một điều chắc chắn, thời trang vẫn sẽ tiếp tục thách thức và khơi gợi trí tò mò bằng cách vượt qua các chuẩn mực xã hội như nó đã và đang làm.

MỘT THẾ GIỚI KHÔNG KHUÔN MẪU

Thời trang được hình thành và định nghĩa bằng những khuôn mẫu và phom dáng nhất định, nhưng cũng chính thời trang đã tạo ra những điều mới mẻ, phá vỡ mọi tiêu chuẩn bó buộc.

– “Tuyên ngôn thời trang phái mạnh” – suit có còn giữ vị thế độc tôn khi neo-tailoring thống lĩnh làng mốt?
Nữ tính hoá thời trang nam: Cuộc cách mạng hàng thập kỷ xoá nhoà lằn ranh về giới
Chuẩn mực “khuôn vàng thước ngọc” trong thời trang cao cấp đối với đàn ông ngoại cỡ


From the same category