Nữ quyền: Nguồn cảm hứng bất tận của thời trang

Nữ quyền: Nguồn cảm hứng bất tận của thời trang

Thời Trang

Từ những ngày đầu khó khăn đến một tương lai đầy hứa hẹn, ngành thời trang đã thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm từng bước đưa thông điệp nữ quyền trở thành bản tuyên ngôn bất diệt của phái đẹp.

Xuyên suốt khoảng thời gian từ khi phái yếu vùng lên đòi “bình đẳng giới” và cuộc đấu tranh vì “nữ quyền”, thời trang chưa bao giờ là kẻ ngoài cuộc. Ở góc nhìn của các nhà mốt, phụ nữ luôn là trung tâm của vũ trụ sáng tạo. Họ không chỉ là khách hàng chủ yếu mà còn là nguồn cảm hứng bất tận với nhiều khía cạnh để các nhà thiết kế khai phá. Đồng thời, những tên tuổi lớn như Coco Gabrielle Chanel, Vivienne Westwood, Diane Von Fürstenberg , Maria Grazia Chiuri,… ít nhiều khẳng định rằng phái nữ cũng có nhiều đóng góp to lớn cho ngành thời trang.

Ngay cả trong những năm 1960-1970 khi xã hội có cái nhìn gay gắt nhất, ngọn lửa nữ quyền vẫn cứ thế nhen nhóm truyền qua từng thế hệ nhà thiết kế, lần lượt những mẫu váy áo phá cách được ra đời và thổi bùng cuộc cách mạng nữ quyền trong làng mốt thế giới.

Những phát súng tiên phong trong cuộc cách mạng thời trang “nữ quyền”

Chúng ta hay nói về Coco Chanel (tên đầy đủ là Gabrielle Chanel) như một nhà thiết kế huyền thoại đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn vượt thời đại cho vẻ ngoài của nữ giới. Bằng tư duy thời trang thiên bẩm, Coco Chanel giải phóng đôi tay cho phụ nữ bằng chiếc túi 2.55, trao cho phái đẹp vẻ sang trọng, quyến rũ cùng “Little Black Dress” bằng cách cắt ngắn những chiếc váy và đưa những quy chuẩn trang phục nam giới vào thiết kế cho phụ nữ.

nữ quyền
Năm 1926, nhà thiết kế nữ Coco Gabrielle Chanel khiến thế giới phải trầm trồ bởi chiếc váy đen “Little Black Dress”, cùng mẫu túi xách 2.55 cũng là “It-bag” đầu tiên và chính thức nổ phát súng mở màn cho cuộc cách mạng nữ quyền của thời trang kéo dài nhiều thập kỉ sau.

Bước sang giai đoạn cuối những năm 60, cuộc cách mạng nữ quyền nở rộ trên phạm vi toàn cầu. Năm 1966 ghi lại một trong những cột mốc khó quên khác của lịch sử của thời trang, đó là khi Yves Saint Laurent may tuxedo cho nữ giới. Thiết kế gây tranh cãi từ khi mới ra mắt với tên “Le Smoking” đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý.

nữ quyền
Yves Saint Laurent (1936-2008) là một trong những nhà thiết kế đầu tiên đột phá mọi giới hạn về trang phục nữ, mang đến cho phái đẹp bộ Le Smoking dựa trên phom dáng của bộ vest dành cho nam giới.

Vượt qua mọi tường rào về khuôn phép dành cho phái nữ, Le Smoking như lời tuyên bố đầy tự tôn của các chị em khi khoác lên người một thiết kế mà xã hội cho rằng chỉ-dành-cho-đàn-ông. Vẻ kiêu hãnh của bộ trang phục này được xem là biểu tượng bất hủ cho cuộc cách mạng nữ quyền thời bấy giờ và chưa từng vắng mặt trong tất cả bộ sưu tập của Saint Laurent trong suốt 53 năm qua.

le smoking
Bức ảnh người phụ nữ diện Le Smoking đơn độc trên đường phố Paris, lẻ loi nhưng chẳng hề yếu đuối pha lẫn chút trầm mặc với điếu xì gà như thách thức mọi giới hạn của thời trang.

Không thu hút nhiều sự chú ý, Vivienne Westwood đã âm thầm đưa nhiều thông điệp về văn hóa, chính trị và phản ánh cả biến động của xã hội từ thập niên 70 vào trong các thiết kế của bà. “Nữ hoàng của sự nổi loạn” luôn cho rằng mình là kẻ đi ngược lại phong trào nữ quyền nhưng cũng là nhà thiết kế đủ táo bạo để trao cho phụ nữ những bộ trang phục “khác người” với đinh tán, kim băng, dây xích,… Bởi vì với Vivienne Westwood, nữ quyền dưới lăng kính thời trang là khi phái đẹp có thể tùy ý mặc bất cứ thứ gì họ thích, mà không nhất thiết phải là một bộ váy lộng lẫy hay bộ vest nam tính.

Vivienne Westwood
Người ta hay kể về Vivienne Westwood với biệt danh “Nữ hoàng của sự nổi loạn” hay tước hiệu “Huân chương Đế chế Anh” do Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị phong tặng nhưng lại ít ai nói đến cống hiến của bà trong việc sáng tạo cho nữ giới nhiều thiết kế mới lạ, giải phóng họ khỏi những kiểu trang phục nhàm chán. Vivienne Westwood xứng danh là đại diện tiêu biểu cho tuýp phụ nữ không khuất phục trước yếu tố thời đại và đủ liều lĩnh để hiện thực hóa lý tưởng của chính mình.

Đến năm 1976, Diane von Fürstenberg là cái tên kế tiếp làm nên lịch sử bởi chiếc váy quấn huyền thoại. Thiết kế đã phá vỡ mọi khuôn khổ về một bộ váy cho nữ giới và trở thành cơn sốt tại Mỹ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước châu Âu. Thiết kế này là món đồ nhất định phải có mọi cô gái trong những năm cuối thập niên 70, gây ấn tượng bởi vẻ quyến rũ tinh tế và mang đến cho các cô gái vẻ ngoài phóng khoáng, tự tin.

Diane von Fürstenberg
NTK Diane von Fürstenberg (trái) đã tạo ra mẫu váy quấn với thiết kế hết sức tôn dáng, giúp phụ nữ tự tin khoe đường nét cơ thể, vừa đủ sự quyến rũ nhưng vẫn kín đáo và tinh tế.

Chính thức tạm biệt sự gò bó, Diane đã trao cho phụ nữ một bộ váy không giới hạn độ tuổi hay dáng người mặc. “Theo tôi, váy quấn có tính ứng dụng khá cao. Từng có lúc chúng được mọi người mặc như ‘đồng phục’ vậy. Tôi dễ dàng thấy vài chục người phụ nữ mặc váy quấn trong một tòa nhà bất kể già hay trẻ, gầy hay béo, giàu hay nghèo” – Diane von Fürstenberg tự hào khi nói về bộ váy quấn giúp nâng tầm vóc dáng của phụ nữ.

 

Câu chuyện được viết tiếp bởi các thế hệ kế thừa

Đi qua thời kì đầu đầy gian nan của cuộc cách mạng nữ quyền, thời trang ngày nay vẫn giữ nguyên sứ mệnh tôn vinh phái đẹp bởi sự góp sức từ những tên tuổi hàng đầu trong ngành như Saint Laurent, Louis Vuitton, Riccardo Tisci, Prabal Gurung,… Trong số đó, đáng kể đến là sự kiện Dior chính thức bổ nhiệm NTK Maria Grazia Chiuri làm Giám đốc Sáng tạo trong tháng 07/2016, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được ngồi vào chiếc ghế “cầm cân nảy mực” của nhà mốt nước Pháp trong suốt 7 thập kỉ kể từ khi thành lập vào năm 1946.

Maria Grazia Chiuri
Maria Grazia Chiuri từng có những thành tựu đáng nể tại Fendi, Valentino nhưng khi làm việc ở Dior thì bà mới thực sự tạo nên sự bùng nổ với nguồn cảm hứng chủ đạo là nữ quyền. Mỗi tuần lễ thời trang là mỗi lần giới mộ điệu được chiêm ngưỡng tác phẩm sáng tạo từ Maria Grazia Chiuri với chủ đề quyền lực của phụ nữ.
Dior Thu Đông 2018
Show diễn ra mắt BST Thu Đông 2018 của Dior được bày trí với những khẩu hiệu hùng hồn về nữ quyền như “Nữ quyền”, “Nhân quyền”, “Tôi là một người phụ nữ”,… được in ngay cổng ra vào.
nữ quyền
BST Dior Thu Đông 2019 vừa ra mắt vào tháng 2 mới đây cũng được Maria Grazia Chiuri nhấn mạnh tinh thần nhất quán về thông điệp nữ quyền của nhà mốt nước Pháp. Sàn diễn được trang trí bởi các chữ cái hình người phụ nữ khỏa thân, một bài thơ về cuộc lật đổ chế độ mẫu hệ và mẫu áo thun in dòng chữ “Sisterhood Is Global” mở màn cho BST để tô đậm tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa những người phụ nữ trên toàn thế giới.
Trước đó, NTK Prabal Gurung cũng từng tạo tiếng vang với BST áo thun trắng đen in hàng loạt biểu ngữ như “Phụ nữ là tương lai”, “Chúng tôi sẽ không im lặng”, “Cuộc cách mạng không biên giới”,… Theo NTK người Nepal chia sẻ, đây là BST truyền cảm hứng từ hình ảnh người mẹ đơn thân tảo tần nuôi anh khôn lớn, sức mạnh từ nghị lực của phụ nữ đã im đậm trong tâm trí của anh ngay từ thời ấu thơ. Prabal Gurung cũng cho rằng thời trang sẽ là công cụ đủ khả năng giúp thông điệp nữ quyền lan tỏa sâu rộng hơn trong công chúng.
NTK Prabal Gurung khẳng định nữ quyền có sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong cách anh thiết kế trang phục cho phái đẹp.

Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi nhà mốt truyền tải thông điệp nữ quyền theo cách của riêng mình nhưng tất cả đều hướng đến vẻ đẹp của những người phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ và tràn đầy niềm kiêu hãnh. Cứ thế, nữ quyền vừa trở thành một phần không thể thiếu của thời trang vừa là nguồn cảm hứng để sáng tạo cho các nhà thiết kế, như Prabal Gurung từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn về BST Thu Đông 2017 của anh: “Với tôi thì nữ quyền không phải là một đề tài mang tính xu hướng. Đây là một cuộc chiến liên tục. Nhưng chúng ta (các nhà thiết kế) có nền tảng, có khán giả của riêng mình. Chúng ta nhiều điều kiện đặc biệt. Vì vậy mà tôi cực kì say mê với những gì mà mình đang theo đuổi. Hơn bao giờ hết, chính trị và thời trang nên hợp sức cùng nhau“.

Thực hiện: Hoàng Giáp

14/03/2019, 11:00