Nữ quyền - Tạp chí Đẹp

Nữ quyền

Sống

Thông cáo báo chí từ Viện Goethe về một cuộc triển lãm: Dù có chính đáng đến mấy thì các vấn đề của giới và tình dục vẫn ngọng nghịu và ngại ngùng trong cách diễn đạt của đại đa số chúng ta, những công dân của một nước chưa trải qua cuộc cách mạng tình dục. Ở đó, sức ép nghẹt thở của đạo đức Nho giáo còn tàn dư cho đến hôm nay… Ở giữa vùng sáng tối, các nữ công dân luôn phải thay đổi tính cách để trình diễn một số vai khác nhau trong những hoàn cảnh điển hình. Dù vẻ bề ngoài cho ta thấy người phụ nữ Việt Nam hôm nay đã được cởi trói rất nhiều…

Một trạng thái xung đột âm ỉ: Muốn – Không. Phun – Bóp. Mót – Nhịn. Phớt – Ngầu. Thèm – Nín. Sướng – Ngẫn. Hét – Lặng. Điên – Thất thần… 

 

Giải phóng – trước hết bằng sex?

Phong trào giải phóng phụ nữ diễn ra trong nghệ thuật một thập niên gần đây (ở Việt Nam) mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và để hô hào cho nữ quyền, rất nhiều nghệ sĩ đưa sex vào tác phẩm, coi đó là sự giải phóng. Sex xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật là chuyện bình thường song cũng không cần thiết phải liên hệ nó với nữ quyền. Nữ quyền là quyền lợi của phụ nữ, cũng như quyền lợi của trẻ em, người già, người tàn tật. Xã hội càng văn minh, con người càng được bình đẳng và được nhiều quyền, từ quyền chung chung như dân quyền cho đến quyền cụ thể như bản quyền. Tình dục thì cũng là một trong những quyền lợi của phụ nữ, nhưng vấn đề là ở đây không ai cấm cản việc phụ nữ phô bày dục tình bạo liệt để chúng ta thấy cần thiết phải đòi quyền.

Đàn ông thì luôn có xu hướng hạn chế và chèn ép phụ nữ nhiều thứ, khiến cho phụ nữ mất cả quyền bình đẳng. Nhưng riêng với vấn đề dục tình thì không có đấng mày râu nào muốn cấm cản phụ nữ để mà chúng ta phải… đấu tranh đòi quyền lợi và đòi giải phóng. Trong phòng ngủ, thậm chí bạn có muốn múa cột, tạo dáng theo tạp chí Playboy, biến thành ngựa cái hay nghĩ ra những ý tưởng quái đản nhất thì cũng không có ông chồng hay người tình nào (dù là một ông đến từ quốc gia Hồi giáo khắt khe nhất) ngăn cản bạn, chỉ là không khuyến khích bạn phô bày dục tình mạnh mẽ với người trong thiên hạ mà thôi. Cũng không có “xã hội” nào có mặt lúc đó để lên án bạn. Vì vậy, việc kêu gọi giải phóng và đòi cách mạng là không cần thiết. (Có cấm, có đô hộ mới phải giải phóng và cách mạng chứ). Tuy nhiên, đúng là nếu chúng ta bỗng dưng muốn cởi quần áo chụp ảnh thì đành phải liên hệ việc cởi với môi trường và bảo vệ động vật (thà không mặc gì còn hơn mặc áo lông thú), hoặc muốn vẽ cái vật kia thì nên liên hệ nó với vấn đề “giải phóng”, “cách mạng”…, còn nếu tự nhiên làm thế mà không vì lý do gì thì cũng kỳ.

Đừng để mất quyền tự quyết

Nhiều lúc chúng ta vẫn nhầm lẫn về quyền bình đẳng giới. Đôi khi người ta quên mất cái quyền lợi tối thượng nhất của con người ấy là quyền tự quyết (chứ đừng xoáy nó vào quyền lợi của Thị Mầu hay quyền phụ nữ phải được làm bộ trưởng, thủ tướng). Mà nhiều phụ nữ thì bỏ qua quyền tự quyết từ lâu rồi, hoặc vốn dĩ đã không có nên lâu ngày đâm quen. Không có, không biết thì lấy đâu mà đòi hỏi. Thậm chí, bảo không có còn cãi là tôi có, thậm chí có đầy.

Vấn đề diễn ra từ những việc nho nhỏ thôi. Tỷ dụ sáng nay, tôi gọi điện cho một cô bạn. Tôi bảo đang tổ chức một chuyến đi Thượng Hải – đảo Jeju cho các gia đình và rất muốn rủ gia đình bạn đi cùng. Sau khi đưa ra hàng loạt lý do và bị tôi phủ nhận, cô đành thú nhận rằng nếu hỏi ý kiến chồng thì có đến 99% chồng cô sẽ không đồng ý. Cần phải nói rằng gia đình bạn tôi rất giàu có và lần nào thấy tôi khoe tớ vừa đi lướt sóng ở Kuta về, vừa đi tắm biển ở Nice thì cô ấy lại thốt lên “Sao mà cậu sướng thế”. Như vậy là loại trừ khả năng kinh tế ở đây hay việc chính bản thân cô ấy không thích di chuyển. Tôi thì luôn ngạc nhiên khi một người phụ nữ muốn hay không muốn một điều gì đó (chính đáng) mà lại không thể tự quyết định được.

Nhiều lần tôi để ý thấy một đồng nghiệp của mình phải đi làm rất xa, tận 10 cây số. Tiết dạy đầu là 7h15, (chuẩn bị theo lịch học mới còn là 6h30), có lẽ cô ấy luôn phải dậy từ 4h30-5h sáng để đưa con đi học rồi vội vàng tới trường trong tiết trời giá rét trên những con đường đầy bụi và tắc nghẽn giao thông. Chiều lại tất tả đi về đón con. Đi đi về về mất tới 2 tiếng. Tôi băn khoăn hỏi chồng chị làm ở đâu. Bảo cũng ngay gần đây thôi. Tôi gần như reo lên, vậy sao chị không bán cái nhà ấy đi và chuyển đến gần đây tiện cho cả hai vợ chồng, cái nhà của chị ở đấy đủ để mua 2 căn hộ chung cư ở Mỹ Đình ấy chứ. Cô ấy bảo em nói như dễ lắm, chị bảo nhiều lần rồi mà anh ấy không muốn thế. Tôi buột miệng thốt lên, bụng đã thấy tức anh ách “Thế chẳng lẽ trong nhà chị không có quyền gì à?”. Cô ấy cười nhạt rồi nói lảng sang chuyện khác. Còn tôi thì đang nghĩ đến ông chồng hành vợ ngày vài tiếng trên đường đi làm đến rạc cả người chỉ vì cứ yêu ngôi nhà cũ.

Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp nữ của tôi luôn phải xin phép chồng về những việc rất chính đáng như đi học, đi du lịch, đi công tác, thậm chí cả đi tập thể thao chứ đừng nói đến những việc lớn như chuyển công tác (chuyển nghề) hay chuyển nhà. Đã có xin phép thì tất nhiên phải đi kèm với không cho phép. Rất nhiều chị chia sẻ về nỗi khó khăn khi phải nịnh, phải thuyết phục chồng cho phép đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Có chị kể chuyện bạn mình muốn đi học tiến sĩ thì trong thời gian làm luận án tiến sĩ tối nào cũng phải… ru chồng ngủ rồi mới dám ngồi vào máy tính làm việc và rất nhiều câu chuyện ly kỳ khác liên quan đến việc phụ nữ làm tiến sĩ. Thậm chí, có người còn đưa ra “ranh” ngôn được sáng tác bởi các đấng mày râu: “Trên đời chỉ có ba loại người. Loại người thứ nhất là đàn ông, thứ hai là đàn bà, và thứ ba là phụ nữ làm tiến sĩ”. (Tôi thì trước đó mới chỉ được nghe câu đố: Vừa già vừa xấu/ Suốt ngày xào nấu/ Đố là con gì? – Là con… cao học). Có người còn khẳng định chắc nịch: “Bạn nói 99% đàn ông không muốn phụ nữ làm tiến sĩ là không phải đâu. Mà là 100% đấy”.

Trong khi đó, tôi chưa thấy một ông chồng nào muốn đi học, đi du lịch, đi công tác, đi dự tiệc… lại phải băn khoăn, day dứt về việc xin phép vợ. Họ cứ muốn là họ làm thôi, còn việc hỏi ý kiến vợ chỉ mang tính chất thông báo. Ngược lại, hồi còn học ở lớp tiếng Ý, có một cô bạn học cùng lớp cho biết cô ấy đi học không phải vì thích tiếng Ý mà vì chồng cô ấy muốn thế và cô đi học để… cho chồng vui. Nhiều phụ nữ nhầm lẫn việc ông chồng cứ nộp đủ tiền lương hàng tháng để mặc vợ chi tiêu, muốn mua gì thì mua tùy ý gọi là quyền tự quyết và kiêu hãnh nói rằng trong gia đình họ muốn làm gì thì làm nấy.

Bài: Di Li

 

Thực hiện: depweb

11/09/2013, 16:28