“Khoảnh khắc bố tôi đem những chiếc khung thêu cũ ra làm củi, tôi nghĩ mình cần làm một điều gì đó”. Cứ thế, chị từ bỏ công việc làm báo, tìm lại sức sống cho nghề thêu, cũng là tìm kiếm những điều mới mẻ cho tâm hồn tưởng như đã chai sạn của mình.
Sinh năm 1983
Từng là phóng viên Ban Thời sự – Đài Tiếng nói Việt Nam
Người sáng lập Xưởng thêu tay Tú Thị
Chị tự nhận xét mình là người thế nào?
Tôi là một kẻ nhút nhát, thích đi du lịch bụi, thích ngồi một mình, đọc sách và viết lách về những điều nho nhỏ trong cuộc sống.
Nghề thêu trong tâm trí chị gắn với những kí ức gì?
Tôi sinh ra ở Quất Động, ngôi làng có truyền thống 300 năm làm nghề thêu, có nghĩa là đã tiếp xúc với nghề từ khi còn trong bụng mẹ. Lúc bắt đầu nhận thức được rồi, tôi nhớ nhất những buổi chiều tà ngồi nghe tiếng kim chạm vào nền vải, nghe tiếng thì thầm của bà và mẹ bên khung, khoảnh khắc ấy luôn ở một góc nơi trái tim tôi. Sau này, khi nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp, nghề thêu cũng lụi dần do ngày càng thưa thớt đơn đặt hàng. Một ngày gần dịp Tết Nguyên đán 2016, khi về thăm nhà, tôi nhìn thấy bố đang mang những chiếc khung cũ ra làm củi. Tôi tiếc, đem cất đi nhưng ông bảo: “Có ai thêu nữa mà giữ hả con?”. Lúc ấy tôi nghĩ mình cần làm một việc gì đó để giữ lại cái nghề này.
Bằng cách nào chị thuyết phục được người làng trở lại với nghề?
Tôi không cần phải thuyết phục hay lôi kéo ai. Khi tôi về quê và mở xưởng, người làng kéo đến đầy nhà. Đó là chị bán cá, cô bán rau… ai ai cũng kể vanh vách về nghề, về những tiếc nuối khi phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo. Tôi biết rằng mạch nguồn của làng nghề không hề mất đi mà vẫn âm ỉ cháy trong mỗi người, việc của mình là phải khơi dậy ngọn lửa đó.
Câu đầu tiên chị nghe được từ chồng mình khi quyết định nghỉ việc để mở xưởng thêu Tú Thị?
“Anh ủng hộ và sẽ giúp đỡ em một vài công việc nhà!”. Tôi biết ơn anh ấy bởi những điều đơn giản như thế.
Những lúc bất đồng, anh ấy cũng “giúp đỡ” chị trong việc làm hòa chứ?
Chồng tôi là người khá hài hước và suy nghĩ tích cực, còn tôi lại bảo thủ và nhiều nguyên tắc. Có lần bận việc, tôi hỏi chồng: “Hôm nay ai đón con hả anh?”. Anh ấy biết tôi bực nên nói đùa: “Con ai người ấy đón”. Cách hóa giải của anh là biến cuộc tranh luận thành điều nhẹ nhàng hơn. Ở bên anh, tôi luôn có cảm giác như đang ngồi xem chương trình “Gặp nhau cuối năm” vậy. Có khi cơn giận mới nhen nhóm lên là tôi đã phải bật cười. Thế nên có bao giờ tôi giận quá lâu được đâu?
Chị có đang học hay làm quen với một điều gì mới?
Sao bao năm trì hoãn thì bây giờ tôi đang học chơi guitar. Cảm giác khi làm quen với một điều gì đó mới mẻ rất đặc biệt, giống như mình đang đi trên đoạn đường quen thì phát hiện ra một ngõ nhỏ đầy hoa. Khi bạn tưởng tâm hồn mình đã cằn cỗi lắm rồi, hóa ra vẫn còn một góc lung linh và tươi mới như thế.
Trong tất cả những nơi từng qua, đâu là vùng đất mà chị dành nhiều thiện cảm nhất?
Hội An của xứ Quảng. Đối với tôi, Hội An giống như một cô gái hiền dịu, nữ tính, cởi mở và dễ thương với những câu chuyện bình dị. Ở đây mọi thứ đều vừa phải, nhỏ xinh, thậm chí tôi từng nghĩ sẽ chuyển tới nơi này sống một mình trong vài năm để làm mới bản thân.
Thật đấy, và… để lại chồng con chị ở Hà Nội?
Tôi vẫn đang cố gắng sắp xếp. Lúc ấy, tôi có thể đi đi về về giữa Hội An và Hà Nội, nghe những người xung quanh tỉ tê vài ba câu chuyện thú vị, không còn nhu cầu về vật chất và sống một cuộc sống tối giản.
10s Q& A
Ai là người ảnh hưởng đến suy nghĩ của chị nhiều nhất?
Bà nội tôi.
Thứ giá trị đầu tiên chị tự mua cho mình?
Một chiếc ví bằng da thật, tôi mua khi mới đi làm. Đến giờ tôi vẫn giữ dù nó đã quá cũ không dùng được nữa.
Việc điên rồ nhất từng làm?
Nghỉ việc để mở xưởng Tú Thị.
Nếu đói bụng sẽ muốn ăn gì?
Cơm với cá kho do chồng làm.
Câu mà chồng chị nói với chị nhiều nhất?
Hôm nay em thích ăn gì, anh nấu!
Bài: April – Ảnh: Vie An