Nữ luật sư vượt qua thử thách không tưởng: Leo lên đỉnh núi cao nhất của 2 châu lục trong 20 ngày

Trong 20 ngày, Céline Nha Nguyen – một nữ luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh – đã hoàn thành thử thách không tưởng: chạm đến hai đỉnh núi cao nhất tại châu Âu và châu Đại Dương.

Trong lúc nhà nhà đang vui mừng đón Tết và nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, Céline Nha lại âm thầm lặng lẽ vác hành lý… đi tìm những ngọn núi cao chót vót và “khó nhằn” của thế giới. Mục tiêu đầu năm của cô là trong 20 ngày sẽ leo lên 2 đỉnh núi cao nhất của hai châu lục, một là Elbrus (cao 5.642m – châu Âu) có thời tiết lạnh lẽo, nhiệt độ xuống đến 50 0C, một là Kim Tự Tháp Carstensz (cao 4.884m – châu Đại Dương) có địa hình hiểm trở, vách núi dựng đứng đặc thù. Chỉ cần lướt qua “lý lịch” trích ngang của hai quả núi trên, người ta sẽ bần thần tự hỏi: “Một người phụ nữ ‘mình hạc xương mai’ làm sao leo nổi?”.

Céline Nha Nguyen
– Công việc: Giám đốc Pháp chế và Kinh doanh tại tập đoàn Open Asia
– Tham vọng chinh phục Thất đỉnh (7 ngọn núi cao nhất thế giới). Hiện đã leo được 3 ngọn gồm Kilimanjaro (châu Phi), Elbrus (châu Âu), Kim Tự Tháp Carstensz (châu Đại Dương).
– Thích nhất ngọn núi: Vinson Massif (ngọn núi cao nhất châu Nam Cực – 4.892m)
– Châm ngôn sống: “Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình nhưng phải hành động để biến chúng thành hiện thực”.

 

 

 

 

 

Mỗi năm, Céline Nha đều dành thời gian để leo ít nhất từ 1-2 hai ngọn núi mình yêu thích, và những hành trình của cô đều truyền lửa cho nhiều nhà leo núi khác.

21 tiếng chạm đỉnh cao nhất châu Âu: Đâu chỉ là niềm đam mê mà còn thách thức cả ý chí sinh tồn

Trước Céline Nha, chỉ mới có khoảng 8 người Việt leo lên đỉnh Elbrus thành công vào mùa hè, còn mùa đông Elbrus luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người. Tính đến thời điểm Céline Nha hoàn thành chuyến leo núi Elbrus vào mùa đông thì vẫn có rất ít nhà leo núi là nữ làm được điều này. Cô bộc bạch: “Thời tiết Elbrus vào mùa đông là một khái niệm hoàn toàn khác với mùa hè: môi trường khắc nghiệt, gió to thường xuyên với tốc độ 70km/h giờ và nhiệt độ có lúc xuống đến -50 0C. Đây là một thử thách kinh hoàng với bất kỳ nhà leo núi nào”.

Céline Nha tập luyện trên mặt băng xanh giữa cái lạnh giá buốt trên Elbrus trước khi chạm đỉnh.

Bắt đầu từ lúc 11 giờ đêm, sau 13 tiếng vật lộn liên tục giữa ngày và đêm trong cơn gió mùa đông lạnh thấu xương và rợn người, Céline Nha đã đặt chân lên nóc nhà cao nhất châu Âu vào 12 giờ 15 phút trưa ngày mùng 1 Tết. Chuyến đi liều lĩnh này đem đến cho cô “3 phút ý nghĩa nhất trong đời” khi được thỏa chí ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ trên đỉnh Elbrus và tận hưởng thứ xúc cảm “vượt qua chính mình” quý giá.

Để đảm bảo an toàn cho chuyến Elbrus mùa đông, Céline Nha chọn người đồng hành cùng mình là Chatur Tamang – nhà leo núi chuyên nghiệp trên dãy Himalaya, đã 11 lần leo nhiều đỉnh trên 8.000m, 4 lần leo lên đỉnh Everest và có thể thở mà không cần bình oxy trên Everest, 55 lần chạm đến đỉnh Elbrus.

Đây có lẽ là thách thức lớn nhất trong đời cô, Céline Nha bồi hồi kể lại: “Leo núi trên bề mặt băng rất khác với mặt tuyết, vô cùng trơn trượt và nguy cơ té ngã là rất cao. Bề mặt của Elbrus rất dốc, khoảng 40 độ, những chỗ dốc nhất phải lên đến 500. Chúng tôi chỉ còn cách nối nhau lại bằng một sợi dây leo núi và dùng rìu phá băng để ‘thắng’ lại khi té ngã”.

Những bước chân cuối cùng đến đỉnh Elbrus vào lúc 11 giờ sáng.

Lên đỉnh là một chuyện và xuống núi lại là câu chuyện khác. Dù Céline Nhã đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật cũng như rèn luyện thể lực và kỹ năng leo núi nhưng với một ngọn núi “khó chịu” như Elbrus thì việc trở về chính là một “cánh cửa hẹp”. Cô cho biết: “Tôi đã dành gần như toàn bộ sức lực để leo lên, vì vậy leo xuống là một chặng đường vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể đường leo vào mùa đông không được hỗ trợ dây leo núi cố định – thứ đảm bảo an toàn cho các nhà leo núi và luôn được chăng sẵn vào mùa hè, thời tiết và gió thì không lường được vì bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Céline Nha trở thành người phụ nữ Việt đầu tiên thành công để lại dấu chân trên đỉnh Elbrus trong mùa đông giá rét.

Đường xuống núi khắc nghiệt hơn Céline Nha tưởng tượng, khi trong bão gió mịt mù cô phải lê từng bước chân tê cóng với cơn nhức xương âm ỉ, thỉnh thoảng lại thở nấc lên vì thiếu oxy, say độ cao. Cuối cùng Céline Nha đã thành công xuống trạm căn cứ vào lúc 7 giờ 30 phút tối cùng ngày. Người Việt đầu tiên để lại dấu chân trên đỉnh Elbrus trong mùa đông giá rét lại không phải là người đàn ông có sức vóc vạm vỡ phi thường, mà chính là một người phụ nữ có vẻ ngoài mảnh mai. Khép lại ký ức đầy giá lạnh về Elbrus nhưng Céline Nha chưa thật sự nghỉ ngơi khi cô lại tiếp tục đến với hành trình tiếp theo.

 

Kim Tự Tháp Carstensz: 15 giờ cheo leo giữa khe núi và trên những vách đá gai góc

Theo Céline Nha, Carstensz không phải là lựa chọn của nhiều người vì nó chỉ dành cho dân chuyên nghiệp. Đây cũng là một nơi phức tạp vì lý do chính trị và an ninh. Đến tận hôm 24/2/2019, mới có người Việt Nam đầu tiên và cũng là bạn của cô leo thành công. Cô là người Việt thứ hai và là người phụ nữ Việt đầu tiên vượt qua ngọn núi gai góc này vào ngày 26/2/2019 sau 15 tiếng treo mình lơ lửng trên vách đá trong ngày lên đỉnh.

Céline Nha (áo vàng) và những người bạn đồng hành trong chuyến leo Kim Tự Tháp Carstensz – đỉnh cao nhất của châu Đại Dương.

So sánh sự nguy hiểm và độ khó của hai ngọn núi này, cô cho biết: “Xét theo điều kiện thông thường, Carstensz sẽ nguy hiểm hơn vì tất cả thành bại đều phụ thuộc vào kỹ thuật leo núi cá nhân, nhưng do trước đó tôi leo Elbrus vào mùa đông: không có dây leo núi cố định, phải di chuyển trên mặt băng và không có sẵn cứu hộ, nên Elbrus nguy hiểm hơn. Nếu Elbrus dùng rìu phá băng và trekking thì Carstensz là leo núi đá đúng nghĩa, tôi đã leo trên những vách đá thẳng đứng từ basecamp (nơi tiếp lương thực và nước uống dành cho những người leo núi) lên thẳng đỉnh”.

Một trong những khoảnh khắc cừ khôi của Céline Nha mà bất kỳ ai cũng phải e ngại và thán phục.

Có lẽ một trong những khoảnh khắc nguy hiểm nhất mà khi chứng kiến trái tim ai cũng phải “đánh rơi một nhịp” chính là việc Céline Nha từ tốn đi trên sợi dây vắt ngang qua khe núi. Chia sẻ về trải nghiệm “điên rồ” này, cô đáp nhẹ hẫng: “Thật ra đi trên dây không nguy hiểm vì đã có dây an toàn giữ mình lại, nếu có rớt cũng chỉ treo lơ lửng. Chỉ có một điều hơi đáng lo là vì nó quá cao, cheo leo giữa núi và dễ trơn trượt do tuyết rơi và đóng băng trên mặt dây”.

 

Cùng là hai ngọn cao nhất của hai châu lục khác nhau, mỗi nơi đem đến cho Céline Nha những cảm xúc đặc biệt khó quên: “Có thể nói Elbrus vào mùa đông có vẻ đẹp của một nàng công chúa đang ngủ nhưng tiềm tàng nguy hiểm, còn Carstensz là một nơi độc đáo không dễ gì tìm thấy trên Trái đất này. Nó là ngọn núi đá nhô hẳn lên trên một hòn đảo, khác hẳn với các ngọn khác trong ‘Thất Đỉnh’ ”.

Céline Nha và bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ tại Carstensz.

Tình yêu và sự trân trọng của cô dành cho những ngọn núi nhiều đến mức, cô không dùng từ “chinh phục” để nói về những trải nghiệm đáng ngưỡng mộ ấy: “Tôi không dám dùng từ ‘chinh phục’ để chỉ việc leo lên một đỉnh núi, có chăng chỉ là chinh phục bản thân và dành lòng biết ơn vì ngọn núi đã ‘chấp nhận’ mình, cho phép mình có một khoảnh khắc được đứng trên đỉnh và chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt vời từ điểm cao nhất của hai châu lục”.

Một lần nữa, người phụ nữ “mình hạc xương mai” Céline Nha đã thành công đặt chân lên nóc nhà của châu Đại Dương.
Tips leo Elbrus vào mùa đông dành cho các quý cô:
-Rèn luyện thể lực: Leo cầu thang 3 lần/tuần, mỗi lần đi thang bộ từ 150-200 tầng lầu, luyện ở phòng gym 2 lần/tuần.
-Theo học các khóa huấn luyện leo núi để học các kỹ thuật bài bản. Ở Việt Nam, học ở CLB Everest với anh Nguyễn Mậu Linh – người Việt đầu tiên leo Everest. Bên cạnh đó, cũng nên tham gia các khóa huấn luyện ở nước ngoài để trau dồi các kỹ năng chuyên sâu.

From the same category