Triathlon – Duathlon là 2 bộ môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic nhưng chỉ mới phổ biến trong nước từ năm 2015. Bước ngoặt đến vào năm 2019 khi Việt Nam lần đầu tiên có đội tuyển tham dự đấu trường SEA Games và giành ngay huy chương nhờ vào một cô gái nhỏ nhưng đầy tài năng – Nguyễn Thị Phương Trinh.
3 năm sau chiến tích đó, Phương Trinh (25 tuổi) vẫn đang luyện tập không biết mệt mỏi cả 2 buổi trong ngày để hướng đến chinh phục thêm thật nhiều thử thách phía trước. Năm 2019, giới truyền thông đánh giá tấm huy chương đồng của Phương Trinh giành được trên đất Philippines là “quý hơn vàng”, bởi bộ môn Triathlon – Duathlon ở nước ta còn quá mới mẻ và non kinh nghiệm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thành tích mà Phương Trinh giành được đã đánh dấu cột mốc Triathlon – Duathlon tại Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ từ “chơi cho vui” sang chuyên nghiệp. Có lẽ, không quá khi nói Phương Trinh – bằng những sự nỗ lực và thành công của mình – đã góp phần đưa Triathlon – Duathlon Việt Nam sang một chương mới. Năm 2020, Liên đoàn Ba môn phối hợp Việt Nam chính thức được thành lập, tạo nền tảng cho bộ môn này tiếp tục phát triển trong nước. Triathlon – Duathlon được đưa vào danh sách thi đấu ở kỳ SEA Games trên sân nhà. Và sắp tới đây, Triathlon – Duathlon chính thức lần đầu tiên trở thành môn thi đấu chính thức trong Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2022.
Cơ duyên nào đã đưa Trinh đến với Duathlon (hai môn phối hợp) và Triathlon (ba môn phối hợp)?
Thật ra, tôi xuất thân là dân điền kinh. Từ năm 2012, tôi dự thi các giải việt dã cấp huyện, tỉnh ở Gia Lai. 2 năm sau, tôi chuyển sang tập xe đạp cho đội TP.HCM. Tình cờ vào năm 2019, khi đang là sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao, Trinh được các thầy động viên thử sức môn Duathlon, có lẽ do biết tôi đã từng tập và có kết quả tốt ở cả chạy bộ lẫn xe đạp.
Năm 2019 cũng là lần đầu đoàn Việt Nam cử vận động viên thi đấu Duathlon tại SEA Games 30. Lúc tôi bắt đầu tập luyện, đội tuyển gần như chốt sổ danh sách. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi các huấn luyện viên phát hiện thành tích của tôi rất tốt nên đã trao cho chiếc “vé vớt” đi SEA Games. Năm đó, tôi giành huy chương đồng Duathlon lịch sử cho thể thao Việt Nam.
Có lẽ nhiều người chưa cảm nhận được hết sự khốc liệt của Duathlon hay Triathlon. Trinh có thể chia sẻ thêm về những bộ môn thể thao được coi là rất khắc nghiệt này…
Với Duathlon, việc phải thi đấu liên tiếp chạy và xe đạp đòi hỏi ở vận động viên một nền tảng thể lực vượt trội. Theo tiêu chuẩn Olympic, bạn phải chạy 10km, đạp xe 40km rồi tiếp tục chạy rút về đích 5km. Với Triathlon còn khó khăn gấp bội vì có thêm phần bơi. Vận động viên phải bơi 1,5km, đạp xe 40km và chạy nốt quãng đường 10km.
Mỗi nội dung bơi, đạp xe hay chạy khi tranh tài riêng lẻ đã là một thách thức, khi thi đấu liên hoàn, thử thách tăng theo cấp số nhân. Thể lực của vận động viên chắc chắn sẽ bị bào mòn mau hơn. Chưa kể nắng, gió, mưa, gây ra thêm trở ngại trên đường đua. Bởi vậy mà trước mỗi giải đấu, tôi đều phải chuẩn bị duy trì cường độ tập luyện cao và dồn thể lực đến 2 tháng.
Một vận động viên Duathlon hay Triathlon phải chịu sức ép lên cơ thể và tinh thần lớn như thế, đã bao giờ Trinh có ý nghĩ sẽ dừng lại?
Có chứ, nhiều lắm, vì tôi là nữ, và giờ tuổi trong môn này không còn trẻ. Đôi lúc cũng nghĩ: “Hay thôi nghỉ, không tập nữa. Con gái nhà người ta thùy mị, nết na, sắm sửa váy vóc các kiểu, trong khi mình ngày nào cũng chạy ngoài trời tới nỗi da dẻ đen thui”.
Nhưng đó là những suy nghĩ đôi lúc thoáng qua mỗi khi tôi quá mệt. Chừng một ngày sau là mình lại… “ngứa” chân, muốn xỏ giày vào chạy bộ vài cây hoặc leo lên xe đạp vài vòng.
Còn trên đường đua, chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ dừng lại. Khi đã nghe hiệu lệnh xuất phát, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là hoàn thành từng phần thi trong thời gian ngắn nhất. Và bằng mọi giá, tôi phải về đích. Nếu không vượt qua được đối thủ, ít nhất bạn cũng có thể chiến thắng bản thân.
Qua những chia sẻ của Trinh, có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ, can trường của bạn trong khi thi đấu. Còn ngoài đời thường Trinh là người thế nào?
Như nhiều cô gái khác, tôi thích ăn uống, thường ăn vặt. Rảnh rỗi, tôi hay đi coi phim. Tôi cũng… nói nhiều nữa. Mấy em trong đội điền kinh lần đầu gặp mình cứ tưởng mình dữ, khó gần, nhưng chỉ sau vài ngày là phát hiện ra tôi hay đùa, hay giỡn suốt ngày.
Trinh có cảm thấy phái nữ thường gặp nhiều rào cản hơn để theo đuổi đam mê của mình, đặc biệt trong thể thao?
Đúng vậy. Phái nữ luôn thiệt thòi hơn nam giới. Mỗi tháng, chúng mình phải trải qua những ngày của con gái, đó là những ngày rất mệt mỏi nhất là với người tập luyện thể thao chuyên nghiệp. Đến lúc lập gia đình, không ít người không được chồng cho phép tiếp tục thi đấu. Thậm chí nếu được gia đình hai bên ủng hộ, vận động viên nữ cũng phải chia sẻ nhiều thời gian để lo lắng, chu toàn chuyện nhà song song với tập luyện.
Trinh có thần tượng một vận động viên nữ nào hay không?
Tôi rất thần tượng cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, nữ hoàng xe đạp địa hình của Việt Nam. Sau khi có gia đình, sinh em bé được 6 tháng, cô trở luyện tập và giành huy chương vàng SEA Games. Đến em bé thứ hai, cũng chỉ 7 tháng sau cô trở lại đường đua và tiếp tục giành huy chương Vàng ở sân chơi khu vực. Trước năm 2014, tôi chưa biết gì về xe đạp. Cô đã bắt xe từ TP.HCM ra Gia Lai thăm gia đình và xin cho tôi vào tham gia tập xe đạp. Suốt khoảng thời gian sau đó, tôi ở với cô, được cô chỉ bảo nhiều điều, đặc biệt là thái độ chuyên nghiệp trong luyện tập và thi đấu.
Trước mỗi chuyến thi đấu, Trinh thường chuẩn bị những gì để đảm bảo mọi thứ hoàn hảo nhất?
Trước tiên là kiểm tra xe. Vì phải thi đấu ở tốc độ cao, tôi phải kiểm tra xem xe có cần sửa hay thay thế bộ phận nào không? Hai là chuẩn bị đồ tập và giày chạy bộ. Vài vật dụng khác không thể thiếu là một số loại thuốc tây, thuốc đau bụng bởi phải đi nhiều nơi, ăn đồ ăn lạ, lại khác thời tiết,…
Quan trọng hơn cả là một vật dụng không rời tôi nửa bước – chiếc đồng hồ thể thao Garmin Forerunner series. Mà đúng nghĩa đen “không rời nửa bước”, bởi tôi đeo suốt 24/24, chỉ khi nào cần phải sạc pin tôi mới tháo ra (cười). Đồng hồ sẽ giúp cung cấp nhiều dữ liệu sức khoẻ hữu ích như theo dõi nhịp tim, số phút vận động tích cực, đánh giá hiệu suất tập luyện, lượng calories đốt cháy của cơ thể. Ngay cả khi ngủ, nó cũng giúp mình kiểm soát chất lượng giấc ngủ, độ phục hồi của cơ thể để giúp cho quá trình tập luyện của tôi được hiệu quả hơn, hướng đến những thành tích mới.
Nghe Trinh hào hứng kể về chiếc sport watch, có cảm giác chiếc đồng hồ này đã trở thành người bạn thân thiết, đồng hành cùng Trinh chinh phục nhiều cột mốc trong sự nghiệp?
Đúng vậy. Từ năm 2019 khi bắt đầu chuyển sang tập luyện 2 môn này cũng là lúc tôi sắm một chiếc đồng hồ thông minh thể thao đầu tiên của Garmin, thuộc dòng Forerunner Series dành cho bộ môn chạy bộ và tôi đã sử dụng từ đó đến nay. Trong giây phút giành huy chương tại SEA Games 30 hay vào khoảnh khắc không thể quên trên đường đua SEA Games 31, chiếc đồng hồ Garmin Forerunner này luôn đồng hành trên tay của tôi.
Trong quá trình tập luyện, tôi theo dõi những thông số sức khoẻ hiển thị trên đồng hồ để cân chỉnh cường độ và bài tập rèn luyện hiệu quả nhất. Chẳng hạn như nếu thấy nhịp tim quá cao, tôi sẽ trao đổi với huấn luyện viên để giảm khối lượng các bài tập.
Chiếc đồng hồ luôn tạo cho tôi sự tin tưởng, hệt như sự an tâm khi ở bên một người bạn tốt. Thời lượng pin của nó cực kỳ bền, sử dụng liên tục đến hơn 1 tuần lễ, vì vậy dù tôi thường xuyên tập luyện cường độ cao vẫn không sợ mất nguồn. Đồng hồ cũng kháng nước tốt, giúp tôi ghi lại thông số khi tập bơi cho môn Triathlon. Đặc biệt, tôi khá ưng ý với vẻ ngoài xinh xắn của dòng đồng hồ chạy bộ Forerunner 255S dành cho nữ của Garmin.
Trong thời gian tới, Trinh có những dự định gì?
Tôi đang tập trung hết sức để có thể thi đấu tốt nội dung Duathlon tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc diễn ra tại Quảng Ninh cuối năm nay. Đây cũng là nơi tranh tài để giành suất vào đội tuyển quốc gia cho SEA Games 32.
Cảm ơn Trinh về cuộc chuyện trò, chúc Trinh sẽ đạt thành tích tốt trong những hành trình sắp tới!
Khám phá bộ sưu tập đồng hồ thông minh Garmin dành cho phụ nữ đang được ưu đãi chỉ từ 3,990,000 VND đến hết 23/10 tại đây.
Retouch: Việt Trung