“Nữ hoàng chấm bi” Yayoi Kusama – Ôm ấp những tổn thương tinh thần để tạo ra nghệ thuật vĩnh cửu

Dù đã ở tuổi 95, nhưng Yayoi Kusama vẫn tiếp tục sáng tạo và để lại dấu ấn mạnh mẽ trong thế giới nghệ thuật. Nghệ sĩ đương đại người Nhật nổi tiếng với các tác phẩm sắp đặt – tương tác, điêu khắc, tranh vẽ và nghệ thuật trình diễn. Trong nhiều thập kỷ qua, nữ nghệ sĩ tài ba đã xây dựng nên những thế giới 3D – hữu hạn về mặt kỹ thuật nhưng vô hạn về mặt thẩm mỹ – mang tính độc bản độc đáo, cũng như truyền tải thông điệp phá vỡ mọi giới hạn trong nghệ thuật lẫn cuộc sống.

Nghệ thuật đa sắc hình thành từ “bóng ma tâm lý”

Sinh ra vào năm 1929, Yayoi Kusama lớn lên tại Matsumoto (Nhật Bản) trong một gia đình trung lưu khá giả, nhưng thiếu thốn tình yêu thương. Thời thơ ấu của bà bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cơn bão đạn chiến tranh, đồng thời bị kìm kẹp bởi người cha lăng nhăng và người mẹ độc tài, có xu hướng ngược đãi, thường xé nát những bức vẽ của Yayoi. Không chỉ vậy, niềm đam mê nghệ thuật của Yayoi cũng bị bó buộc trong môi trường mà bà cho là “quá nhỏ bé, quá hèn hạ, quá phong kiến ​​và quá khinh thường phụ nữ”. Từ những trải nghiệm đau thương trong quá khứ, Yayoi Kusama dần phải chịu đựng nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và ảo giác. Bà kể rằng bà thấy mình và căn phòng phủ đầy những mô hình chuyển động. Chúng sinh sôi lên gấp bội, nuốt chửng mọi thứ xung quanh, thậm chí là bản thân bà.

“Pacific Ocean” (1958) là một trong những bức tranh đầu tiên có liên quan đến chứng ảo giác của Yayoi Kusama.

Khi trưởng thành, những vấn đề sức khỏe tâm lý đã trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Yayoi Kusama. Nghệ thuật giúp bà trốn chạy khỏi hiện thực về gia đình và tâm trí của chính mình khi gặp ảo giác. Các sáng tác nghệ thuật của Yayoi mang đậm tính cá nhân, lột tả rõ nét thế giới nội tâm, bắt đầu bằng những mô hình lặp đi lặp lại. “Tôi không muốn chữa trị các vấn đề về tâm lý. Thay vào đó, tôi muốn sử dụng chúng như một động lực tạo ra nghệ thuật của mình. Nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ ảo giác mà chỉ tôi có thể nhìn thấy. Tất cả các tác phẩm bằng phấn màu đều là sản phẩm của chứng rối loạn thần kinh ám ảnh”, Yayoi Kusama bộc bạch.

Không gian nghệ thuật vô hạn của “nữ hoàng chấm bi”

Yayoi Kusama nổi tiếng với loạt “Phòng gương vô cực” và họa tiết chấm bi mang tính biểu tượng. Các tác phẩm của bà gắn liền với quả bí ngô, hoa, chấm bi, gương kính… Và chúng thường được tạo nên từ những mảng màu tươi sáng, mang nét vui tươi, thậm chí là khôi hài, nhưng cũng có tính chất ảo giác, gợi lên trải nghiệm đi sâu vào nội tâm.

“Tôi sẽ chứng minh bản thân với cả thế giới rằng những điều vĩ đại có thể bắt đầu vỏn vẹn với một chấm bi”

Vào những năm 1950, Yayoi Kusama chuyển đến New York định cư, tìm không gian vẫy vùng trong nghệ thuật, và tình yêu với họa tiết chấm bi cũng nảy nở trong khoảng thời gian này. Dù việc hòa nhập vào một nền văn hóa mới luôn không dễ dàng, song Yayoi vẫn mang trong mình sự quyết tâm đầy mãnh liệt: “Tôi sẽ chứng minh bản thân với cả thế giới rằng những điều vĩ đại có thể bắt đầu vỏn vẹn với một chấm bi”. Đối với bà, Trái Đất của chúng ta chỉ là một chấm bi giữa hàng triệu ngôi sao trong vũ trụ. Bằng cách thêm dấu chấm vào nghệ thuật của mình, Yayoi Kusama đã làm cho chúng và bản thân hòa vào nhau, trở thành một phần của vũ trụ rộng lớn hơn. Qua đó, Yayoi muốn đánh thức sự tỉnh táo trong mỗi người qua những tác phẩm của mình. Đó là mỗi khi nhìn vào vũ trụ “chấm bi” bao la, ta cũng sẽ soi chiếu chính mình để hiểu rõ giá trị tồn tại của bản thân.

“Obliteration Room” (2002) – một trong những tác phẩm sắp đặt nổi tiếng nhất của nghệ sĩ đương đại người Nhật.

Nếu chấm bi tượng trưng cho sự liên tục vô tận và vũ trụ bao la, thì không gian vô cực của “nữ hoàng chấm bi” tượng trưng cho sự kết nối của cuộc sống, tựa như một mạng lưới rộng lớn, không bị đứt đoạn từ “Infinity Nets” đến “Infinity Rooms”. Triển lãm đầu tiên của bà ở New York được mở tại Phòng trưng bày Brata vào tháng 10/1959 với 5 bức tranh trên vải dài hơn 9m, mỗi bức là một tấm lưới khổng lồ được tạo thành từ những hoa văn mắt lưới và chấm bi gọi là “Infinity Nets”. Một số bức đã được bán, trị giá khoảng 200 USD ở thời điểm đó. Đến năm 2022, Untitled (Nets) – một trong những bức “Infinity Nets” được bán đấu giá 10.5 triệu USD, con số kỷ lục đối với một nữ nghệ sĩ còn sống.

“Infinity Nets” là loạt tranh đầu tiên mà Yayoi Kusama thực hiện triển lãm sau khi đến New York vào năm 1958.

Năm 1965, Yayoi Kusama đã tạo ra phiên bản đầu tiên của “Infinity Mirror Room” – Phalli’s Field. Kết hợp giữa ánh sáng và sự phản chiếu của gương, Yayoi đã biến những nét vẽ trong những tác phẩm trước đây trên giấy thành một trải nghiệm nhận thức. Những căn phòng này đều được xây dựng có chủ đích, tạo nên không gian vũ trụ tĩnh lặng, hay dẫn đến một mê cung cô đơn với những đốm sáng nhấp nháy, mong muốn người xem đồng cảm với cuộc đời đầy đau thương của bà. Trong suốt sự nghiệp của mình, nữ nghệ sĩ đã tạo ra hơn 20 “phòng gương vô cực” riêng biệt, cùng những môi trường ảo ảnh của không gian vô tận.

Triển lãm sắp đặt “Infinity Mirror Room” – Phalli’s Field (1965).

 

Thông điệp từ các “cuộc chiến tinh thần”

Dù là một nghệ sĩ được đánh giá cao trong giới nghệ thuật New York, song Yayoi Kusama vẫn phải vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm và sức khỏe kém tái phát do cường độ làm việc cao. Đứng trước nhiều áp lực, Yayoi quyết định trở về Tokyo vào năm 1973, và sống tại bệnh viện tâm thần Seiwa từ năm 1977. Dẫu vậy, bà vẫn tiếp tục đắm chìm vào sáng tác nghệ thuật 8 giờ/ngày trong quá trình tiếp nhận điều trị y tế. Năm 1993, Yayoi Kusama trở thành đại diện Nhật Bản đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân tại Venice Biennale. Đây là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự quay trở lại nghệ thuật của bà. Triển lãm trưng bày một loạt các tác phẩm của nữ nghệ sĩ trong giai đoạn 1960, cùng tác phẩm sắp đặt “phòng gương bí ngô” (1991). Nhiều tác phẩm của bà được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên thế giới như MoMA (New York), Trung tâm Pompidou (Paris) và Tate Modern (London).

Tác phẩm sắp đặt “Phòng gương bí ngô” (1991) của Yayoi Kusama. Sau chấm bi, bí ngô là họa tiết xuất hiện phần lớn trong các bức vẽ, tác phẩm điêu khắc và sắp đặt của bà.

Không chỉ tiên phong trong nghệ thuật, Yayoi Kusama còn bộc lộ khả năng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, thiết kế, viết lách, điện ảnh và thời trang. Bộ phim thử nghiệm “Kusama’s Self-Obliteration” (1967) cùng đạo diễn Jud Yakult, do Yayoi sản xuất và đóng chính, đã mô tả quá trình Yayoi vẽ chấm bi trên mọi thứ xung quanh. Tác phẩm thắng giải tại Cuộc thi phim thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 ở Bỉ, Liên hoan phim Maryland lần thứ 2 và giải nhì tại Liên hoan phim Ann Arbor. Yayoi Kusama cũng từng tạo nên màn đột phá ở địa hạt thời trang khi hợp tác với nhà mốt Louis Vuitton vào năm 2012, được tờ Guardian ca ngợi “có lẽ là sự hợp tác nghệ thuật và thời trang lớn nhất từ ​​trước đến nay”. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ cho nền nghệ thuật, năm 2006, Yayoi Kusama được trao giải thưởng Praemium Imperiale của Hiệp hội Nghệ thuật Nhật Bản cho hạng mục “Hội họa”, và Giải thưởng Thành tựu trọn đời quốc gia.

Louis Vuitton và Yayoi Kusama tái hợp vào năm 2023, tiếp tục trình làng những thiết kế mang đậm tính nghệ thuật và kỹ thuật chế tác tinh xảo.

Nhìn lại hành trình làm nghệ thuật không ngừng nghỉ, Yayoi Kusama cho rằng, “sáng tạo nghệ thuật là một hành trình đơn độc”. Vì sự cô đơn này, bà đã khao khát chia sẻ các tác phẩm của mình với công chúng. Năm 2017, bà thành lập bảo tàng Yayoi Kusama tại Nhật Bản, do Quỹ Yayoi Kusama điều hành. Bảo tàng trưng bày các tác phẩm, tài liệu liên quan nhằm tôn vinh, quảng bá nghệ thuật của nữ nghệ sĩ. Không chỉ vậy, Yayoi cũng mong muốn những vị khách đến đây thưởng lãm có thể hiểu hơn về các vấn đề sức khỏe tâm lý, thông qua những “cuộc chiến tinh thần” mà bà đã trải qua. Hơn hết, bà muốn gửi gắm thông điệp về nền hòa bình thế giới và tình yêu thương nhân loại.

Một góc trưng bày của bảo tàng Yayoi Kusama.

Trải dài hơn sáu thập kỷ, hành trình nghệ thuật của Yayoi Kusama là hiện thân của sự bền bỉ, khác biệt, đổi mới không ngừng, vượt qua mọi ràng buộc, thách thức từ gia đình, xã hội để theo đuổi và sáng tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. “Bất kể tôi có thể đau khổ vì nghệ thuật của mình như thế nào, tôi cũng sẽ không hối tiếc. Đây là cách tôi đã sống cuộc đời mình, và đó là cách tôi sẽ tiếp tục sống”, trích lời nữ nghệ sĩ từ cuốn hồi ký “Infinity Net: Tự truyện của Yayoi Kusama”.


From the same category