Nữ doanh nhân tin rằng muốn tạo ra hạnh phúc thì phải dám đóng vai phản diện

Tôi biết đến Thanh Nguyễn thông qua loạt video “Monday Motivation”, chuỗi video truyền đi những cảm hứng tích cực trong công việc và cuộc sống. Tính đa nghi trong tôi luôn tò mò về việc liệu có lần nào chị “bó tay” khi phải kết nối với một ai đó, và câu trả lời của chị đã khiến tôi có một cái nhìn khác về hạnh phúc, về việc nuôi dưỡng “bình năng lượng” trong mỗi người.

– Chị từng nói: “Nếu muốn hạnh phúc thì phải dám ác”. Điều này có thể hiểu như thế nào?

Tôi nghĩ rằng trong một vài trường hợp, muốn tạo ra được hạnh phúc thì phải dám đóng vai phản diện. Bạn thấy người khác có điều gì không tốt, hãy lựa lời nói thẳng, cho dù họ không muốn và có thể giận mình. Một người bạn, đồng nghiệp hay người sếp tốt là người dám hành xử dựa trên mong muốn cuối cùng để những người họ yêu quý nhận ra sai lầm. Nếu họ chỉ quen nghe lời ngọt ngào, đôi khi ta buộc phải đưa ra một “cái tát” khiến họ thức tỉnh.

– Người dám ác cũng là người dám bị ghét phải không?

Đúng, suy nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ yêu mình là một ảo tưởng. Ta phải chấp nhận sẽ mất mối quan hệ với người đó trong thời điểm này, hoặc nhìn họ mãi chìm đắm vào vũng lầy của chính họ.

THANH NGUYỄN
– Sinh năm 1979
– Tốt nghiệp ngành Kinh tế trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
– Từng giữ vị trí Quản lý thương hiệu tại tập đoàn Unilever Vietnam, Giám đốc thương hiệu cao cấp của Unilever khu vực châu Á
– Người sáng lập và CEO cổng thông tin tuyển dụng việc làm ww.caravat.com
– Người sáng lập và điều hành cộng đồng việc làm Happiness Officer Anphabe

– Quay trở lại câu chuyện hạnh phúc chốn công sở, đồng ý rằng hạnh phúc là một yếu tố cần thiết để mọi nhân viên thấy thoải mái, nhưng tôi nghĩ khái niệm ấy có vẻ quá cảm tính so với những thứ thực tế như mục tiêu tăng trưởng, điều luôn đè nặng lên vai những người lãnh đạo…

Hãy thử nhìn rộng ra, mỗi nghề đều có một bất lợi riêng nhưng chúng ta vẫn có thể vượt qua những khó chịu đó để chọn và yêu công việc của mình, tôi gọi đó là hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc không phải điều gì quá cảm tính mà có thể được chứng minh thông qua mức độ gắn kết với tổ chức, công việc và động lực làm việc, tất cả những yếu tố đó sẽ chuyển thành nỗ lực cố gắng cho thành công chung, sự trung thành. Giống như trong quan hệ tình cảm, dễ quá thì mau nhàm chán, còn nếu hai người có sự gắn kết, nỗ lực vì nhau khi ngoài kia vẫn còn nhiều “mối ngon” hơn thì mới có hạnh phúc bền lâu.

– Chị nghĩ sao về những người ưu tiên lương thưởng hơn sở thích? Họ có hạnh phúc với công việc của mình không?

Nhu cầu có lương cao, điều kiện làm việc tốt là hoàn toàn chính đáng. Tôi không cho rằng hạnh phúc phải đi liền với cực khổ, nhưng nếu chúng ta ý thức được con đường dài thì sẽ có cách đầu tư và lựa chọn thông minh hơn. Hạnh phúc phải cao hơn tiền bạc. Ngày hôm nay bạn nhảy sang một chỗ mới vì lương cao hơn chỗ cũ 3 triệu, ngày hôm sau lại nhảy sang nơi khác vì 5 triệu. Sau một thời gian, con đường công việc của bạn sẽ chỉ đi ngang, thậm chí là đi xuống. Trong khi nếu bạn cam kết đi đường dài với công việc ban đầu, 3 năm sau bạn sẽ có nhiều hơn vài triệu.

– Chị nói rằng hạnh phúc cao hơn tiền bạc, nhưng nếu không có tiền, liệu có hạnh phúc?

Khi nói về hạnh phúc, tôi nghĩ nó nằm ở ba tầng với ba chữ P.

Tầng đầu tiên là “pleasure”: sự đầy đủ về điều kiện. Rất nhiều người mới chỉ hình dung được hạnh phúc ở tầng này. Đặc trưng của loại hạnh phúc này là phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, khi những yếu tố này mất đi, hạnh phúc cũng sẽ mất đi, lúc ấy ta lại có xu hướng đi tìm những thứ tương tự để thấy hạnh phúc. Tìm được rồi, những điều kiện đó cũng không thể đảm bảo rằng ta sẽ hạnh phúc hơn. Như khi ta đang đói, ăn một bát mì ta thấy ngon, ăn bát thứ hai niềm vui đó giảm xuống, đến bát thứ ba ta thấy chán. Nếu chỉ mãi chạy theo những điều kiện để tìm kiếm hạnh phúc thì rất nguy hiểm. Như chán đời thì nghiện ăn, chán vợ thì có bồ, nghiện cảm giác nghe lời ngọt ngào thì không có khả năng nghe những lời khó nghe nhưng cần thiết.

Tầng thứ hai là “passion”: những gì ta giỏi, đam mê. Việc theo đuổi đam mê đến cùng bất chấp có tiền hay không sẽ mang đến cho bạn cơ hội thành công.

Tầng cuối cùng là “purpose”: có định hướng. Phải làm sao để hướng những thứ mình giỏi đến việc phục vụ cộng đồng, tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Không ai trả tiền cho bạn để bạn cảm thấy mình đang tạo ra giá trị, mà ngược lại, bạn phải tạo ra giá trị, bạn có được thành công khiến người khác trả tiền.

– Chị đang đóng vai trò là người kết nối nhân sự, đã có trường hợp nào khiến chị không muốn kết nối chưa?

Sẽ không có người nào mà tôi không muốn kết nối, chỉ có người khiến tôi cảm thấy “bình năng lượng” của mình chưa đủ đầy để truyền sự tích cực cho họ mà thôi. Nếu gặp người như thế, tôi sẽ về nhà “tu luyện” thêm “nội công” trước khi sẵn sàng đối mặt với họ.

Trước đây tôi rất sợ nghe các chị em nói rằng: “Tôi đã hy sinh cả cuộc đời cho gia đình nhưng chồng thì bồ bịch, con lại không yêu thương tôi”. Hạnh phúc không phải là cái bánh để khi chia cho người khác thì ta buộc phải mất đi hạnh phúc của mình. Chúng ta phải luôn đặt hạnh phúc ở thế chủ động, phải luôn làm bản thân hạnh phúc trước tiên và học cách nhân lên sự hạnh phúc ở mỗi người xung quanh.

– Từng nhận được nhiều danh hiệu trong nghề, khi ở nhà, đâu là “danh hiệu” chị thích nhất?

Ở nhà, hai con gái sẽ gọi tôi là “super-mom”, vì tôi là người luôn tay luôn chân làm gì đó. Hết giờ đi làm thì về nhà dọn dẹp, nấu ăn, không bỏ qua các sở thích cá nhân như vẽ tranh, cắm hoa, chơi thể thao.

Còn với chồng mình, tôi chẳng biết anh ấy sẽ gọi tôi là gì nữa, nhưng chắc sẽ là người bạn thân nhất của anh, vì chúng tôi vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện hàng ngày, cùng nấu ăn và có thời gian riêng để hẹn hò với nhau.

Nhiều người thường hỏi tôi cách cân bằng công việc với cuộc sống. Hỏi như thế có phải ngụ ý rằng chỉ khi về nhà ta mới có cuộc sống, còn công việc là một cái gì đó “non-live”? Hóa ra chúng ta đi làm mà không coi là mình đang sống sao? Cho nên tôi yêu luôn cả công việc để thấy mình vui vẻ. Khi bạn đủ yêu tất cả những gì mình đang làm, cơ thể sẽ sản sinh lượng hormone hạnh phúc, cung cấp đủ năng lượng để bạn làm mọi việc. Tôi tin vào luật hấp dẫn.

10s Q&A

Nếu được sở hữu một siêu năng lực, chị chọn gì?

Không gì cả, những sức mạnh ấy là sức mạnh ngoại hiện, còn tôi thích sức mạnh nội tại hơn.

Mẫu đàn ông lý tưởng của chị?

Người có thể ở bên một người phụ nữ mạnh mẽ và vẫn tự tin rằng mình là một nửa tuyệt vời của cô ấy.

Số điện thoại chị hay liên lạc nhất?

Chồng tôi.

Câu mở đầu khi anh ấy bắt máy?

Anh yêu!

Một việc chị ghét nhưng vẫn phải làm?

Làm sếp.

Sản xuất: Hạnh Nguyên
Nhiếp ảnh: Samson Nguyễn
Trang điểm & làm tóc: Khang Huỳnh


From the same category