Sau vai diễn khá ấn tượng trong “Để Mai Tính”, cô diễn viên người Mỹ gốc Việt Kathy Uyên từng nghĩ sự nghiệp điện ảnh của mình sẽ khởi sắc tại quê nhà. Thế nhưng khi chính thức về Việt Nam thì mọi thứ chững lại: không có kịch bản đủ hay, vai diễn chưa đủ cá tính, lời mời đóng phim không nhiều,… khiến Kathy tính đến chuyện quay trở lại Mỹ. “Nhưng tôi tự nói với chính mình, tại sao phải ngồi đợi người khác mang cơ hội đến cho mình mà không phải là chính mình tạo ra nó?”, Kathy Uyên nói về khởi nguyên khiến cô trở thành một biên kịch, chuyên gia hướng dẫn diễn xuất và đạo diễn của sau này.
Kể từ sau vai chính trong phim “Bộ ba rắc rối” (2015), chị gần như vắng mặt trên màn ảnh rộng. Đến bao giờ khán giả mới có thể gặp lại diễn viên Kathy Uyên?
Đến khi có kịch bản hay và một vai diễn khiến tôi không thể chối từ (cười). Thật ra những năm gần đây tâm trí của tôi không chỉ dành cho diễn xuất mà còn nhiều vai trò khác nên tôi tạm thời “án binh bất động”.
Vai trò khác mà chị đề cập đến có phải là đạo diễn và biên kịch cho bộ phim “Chị Chị Em Em”?
Còn có thêm công việc hướng dẫn diễn xuất nữa. Nhiều người không biết chứ tôi là người đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên diễn xuất cho Diễm My 9x (“Cô Ba Sài Gòn”), Kaity Nguyễn (“Em chưa 18”), Ninh Dương Lan Ngọc/ Lê Xuân Tiền (“Gái Già Lắm Chiêu 2”), Hoàng Oanh (“Tháng Năm Rực Rỡ”),…
Tốt nghiệp Đại học California, Irvine chuyên ngành Kinh tế và Nghiên cứu Điện ảnh
Từng đảm nhiệm các công việc sản xuất từ khâu marketing, PR, hay casting cho DreamWorks, Warner Brothers,…
Phim: “Chuyện tình xa xứ” (2009), “Để Mai Tính” (2010), “Âm mưu giày gót nhọn” (2013), “Bộ ba rắc rối” (2015),…
Đạo diễn phim “Chị chị em em” (2019)
Có vẻ như chị đang dần lui về sau ống kính thì phải?
Diễn xuất là đam mê lớn nhất không chối cãi thế nhưng quãng thời gian hoạt động ở Việt Nam tôi không nhận được nhiều cơ hội để năng lượng của mình được tỏa ra 100%. Trước “Để Mai Tính” tôi chưa từng nghĩ mình sẽ phát triển sự nghiệp ở đây. Nhưng rồi thành công của bộ phim giúp tôi nhận được nhiều lời mời quảng cáo, phỏng vấn, chưa kể tôi có dịp được hiểu thêm về quê hương của ba mẹ nên quyết định về hẳn. Tuy nhiên khi mình nghĩ rằng mình đã sẵn sàng thì mọi thứ lại không đi theo đúng lộ trình. Tôi không nói sõi tiếng Việt nên nhân vật tôi đóng ít nhiều có yếu tố Việt Kiều khiến vai diễn bị hạn chế, các kịch bản cũng không đủ sức thuyết phục tôi ra phim trường,…
Thời gian đó tôi cũng nhụt chí lắm nửa muốn về Mỹ nửa muốn ở lại. Thế rồi trong một lần trò chuyện với anh Timothy Linh Bùi (nhà sản xuất, biên kịch phim “Ba Mùa” – PV), anh khuyến khích tôi tập viết kịch bản và tạo nên câu chuyện mà mình muốn kể cho khán giả. Lúc đó tôi tự nghĩ, đúng vậy tại sao phải ngồi chờ người ta làm phim cho mình đóng mà không tự tạo nên một bộ phim mà mình thỏa sức sáng tạo? Và rồi tôi có “Âm mưu giày gót nhọn”. Phim không thành công lắm về mặt doanh thu nhưng ít ra người ta nhìn tôi bằng con mắt khác, không xem tôi là “bình hoa di động” nữa (cười), và đặc biệt giúp tôi tự tin ở khâu biên kịch.
Còn về công việc đào tạo diễn xuất mà chị có đề cập ở trên?
À đó là vào khoảng năm 2015. Trước đó tôi được mọi người nhờ góp ý về cách diễn. Ban đầu chỉ là những trao đổi, trả lời thắc mắc về sau thì nhiều nhà sản xuất, đạo diễn mời tôi trực tiếp hướng dẫn diễn xuất cho các diễn viên. Rồi tôi chợt nghĩ, à tại sao mình lại không có một nơi mà ở đó mình có thể thoải mái chia sẻ với bất kỳ ai có đam mê diễn xuất giống mình những kiến thức mà mình đã học ở trường, những kinh nghiệm thực tiễn mình đúc kết từ mười mấy năm lăn lộn trên phim trường. Vậy là tôi mở lớp dạy diễn xuất nhưng… không ai đăng ký cả. Ủa sao kỳ vậy? (cười). Dù gì tôi cũng được đào tạo bài bản, cũng đóng phim trong nước và nước ngoài cũng nhiều, cũng đạt được giải thường mà. Về sau tôi nhận ra là do mình chưa nghiên cứu và đầu tư kỹ lưỡng, tự dưng không không đi mở lớp mở trường thì người ta cũng không đủ can đảm để trao sự tin tưởng cho mình.
Chị giải quyết khúc mắc đó như thế nào?
Tôi nghiên cứu về tình hình diễn xuất chung của diễn viên Việt Nam, cái họ thiếu và cái họ cần là gì. Sau đó tự soạn giáo trình và chia nội dung giảng dạy ra từng cấp bậc phù hợp với khả năng của từng người. Cái khó là làm sao giúp diễn viên Việt Nam hiểu và áp dụng được kỹ thuật diễn xuất của Hollywood một cách nhuần nhuyễn. Giờ thì mọi chuyện ổn hơn rồi. Ban đầu tôi chỉ có Kathy Uyen Acting Studio gồm các workshop nhỏ về diễn xuất, giờ thì với sự hỗ trợ của anh Thanh Bùi tôi mở được A.C.T Academy, là nơi không chỉ dành riêng cho những diễn viên hay đạo diễn với niềm đam mê điện ảnh mà còn là nơi cho tất cả mọi người đến và khám phá cảm xúc của bản thân để có thể tự tin thể hiện chính mình khi đứng trước ống kính máy quay, sân khấu, và trong cuộc sống.
Chị nghĩ sao khi nhiều người cho rằng cơ hội dành cho phụ nữ trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, không nhiều?
Tôi không đồng ý. Bởi, như tôi đã nói, cơ hội không đến với mình thì mình phải tự tạo ra. Thay vì ngồi đó than thở, kêu ca, thậm chí biểu tình đòi công bằng thì mình phải nỗ lực, tự tin và mở con đường riêng. Chưa kể điện ảnh hay truyền hình là lĩnh vực có rất nhiều vị trí như đạo diễn, diễn viên, biên kịch, phục trang, dựng phim,… Hoàn toàn không thiếu cơ hội và thử thách cho tất cả mọi người chứ không riêng gì phụ nữ. Chị nhìn tôi đây. Hồi mới vào nghề, ai cũng bảo tôi đừng làm diễn viên khổ lắm chọn công việc nào nhàn hạ thôi. Tôi mặc kệ. Ngày ngày nhờ ba chở đi casting mấy chục bộ phim mãi mới được một vai be bé. Hồi mới về Việt Nam tôi không nói rành tiếng Việt ai cũng ngại giao vai cho tôi. Rồi không phải vai diễn, bộ phim nào của tôi cũng thành công tuyệt đối. Nhưng tôi làm được thì ai cũng làm được cả. Vấn đề là phải có tự tin và kiên trì theo đuổi đến cùng.
Quay trở lại với bộ phim đầu tay trong vai trò đạo diễn của chị, “Chị chị em em”. Dường như tham vọng của chị với bộ phim này không chỉ gói gọn trong chuyện tình tay ba kịch tính với đầy âm mưu, thủ đoạn?
Tôi không biết mọi người có phát hiện ra điều này không nhưng trong khá nhiều bộ phim Á Đông thì cảnh làm tình khiến tôi… bị ức chế lắm. Vì lúc nào phụ nữ cũng ở thế bị động và họ không thật sự tận hưởng khoảnh khắc đáng lẽ ra phải mang lại sự khoái cảm, hạnh phúc cho họ. Ngay cả trên giường mà còn như vậy huống gì là ngoài xã hội. Vì vậy tôi muốn thay đổi vị trí của người phụ nữ trên màn ảnh rộng. Tôi muốn đưa họ lên “kèo trên”, làm chủ cuộc chơi, trao trả quyền lực xứng đáng thuộc về họ, cả trong cuộc sống, công việc lẫn các mối quan hệ. “Chị chị em em” là bước thể nghiệm đầu tiên.
Nghe có vẻ như phim của Kathy Uyên sẽ mang nặng màu sắc nữ quyền thì phải?
Cũng không hẳn đâu. Tôi không thích làm phim giáo điều hay “đao to búa lớn”. Chỉ là ở Việt Nam một thời gian tiếp xúc với nhiều chị em tôi nhận ra phụ nữ Việt Nam nhiều người thông minh, giỏi giang nhưng lại không chịu bộc lộ, cứ giấu cá tính mình vào bên trong. Và tôi muốn đưa những điều đó ra bên ngoài để chứng minh rằng phụ nữ Việt Nam rất tài năng. Phụ nữ trong phim của tôi không hi sinh cho một ai cả, họ sống thật với bản thân mình. Họ không hoàn hảo nhưng có màu sắc riêng. Họ không phải chịu bất kỳ một áp lực nào cả mà tỏa sáng bằng chính nội tâm bên trong.
Vậy sau “Chị chị em em” chị đã sẵn sàng cho dự án tiếp theo chưa?
Hiện giờ trong đầu tôi chỉ có “Chị chị em em” thôi (cười). Thật ra tôi có khá nhiều ý tưởng nhưng đợi “Chị chị em em” xong xuôi tôi mới bắt đầu thực hiện. Có thể tôi sẽ làm một bộ phim về một nhóm phụ nữ với những cá tính, màu sắc khác nhau. Nó không hoàn hảo và đẹp đẽ như “Sex and the city” đâu mà sẽ rất thật, rất đời. Thông qua đó khán giả sẽ thấy được phái đẹp Việt rất mạnh mẽ, quyền lực và hấp dẫn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.