Trần Hùng, một cái tên không còn xa lạ trong làng mốt Việt Nam những năm gần đây, là một trong những gương mặt NTK nổi trội đi theo con đường thời trang bền vững và cũng là nhà mốt Việt hiếm hoi hướng đến thị trường nước ngoài hiện nay. Trên hành trình tìm về giá trị nguyên bản của cái đẹp thông qua việc sử dụng chất liệu vải tự nhiên, tận dụng nguồn vải vụn và vải từ BST trước, các sáng tạo của Trần Hùng mang lối thiết kế duy mỹ rất riêng, vừa kiêu sa lại vừa gợi cảm. Dù được dàn mỹ nhân từ Á sang Âu vô cùng ưa chuộng các thiết kế của mình nhưng anh cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là: mình đã để lại dấu ấn gì trong lòng giới mộ điệu.
Chào anh Trần Hùng! Nói về phong cách thiết kế, 3 tính từ nào có thể gói gọn kim chỉ nam trong phong cách thiết kế của Trần Hùng từ lúc bắt đầu đến nay?
Classic – Elegant – Sexy (Cổ điển – Sang trọng – Gợi cảm). Tôi ít khi thiết kế đồ thiên hẳn theo phong cách futuristic, gai góc vì tôi tập trung vào việc xử lý chất liệu. Song song đó, tôi cũng ra mắt một vài bộ cắt xẻ táo bạo để nhấn nhá cho BST nhưng không vì thế mà mất đi sự sang trọng, thanh lịch vốn có của thương hiệu TRVN HUNG.
Là một trong số NTK Việt đi theo con đường thời trang bền vững, đây có phải là đam mê của riêng anh hay chỉ là theo đuổi xu hướng thời trang tương lai?
Thời trang bền vững là đam mê ngay từ đầu của tôi. Từ cuộc thi thời trang đầu tiên (Go Green), tôi đã sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, cắt ghép những miếng vải vụn lại với nhau, tới nay cũng đã 13 năm rồi.
Khi ra mắt một BST, tôi có rất nhiều vải vụn, những mẫu không thể bán được cũng sẽ trở thành hàng tồn kho. Bài toán đặt ra là phải làm thế nào để xử lý chúng. Trong quá trình thiết kế, tôi thường sử dụng chất liệu vải lụa tơ tằm như organza, satin, chiffon, habutai, gấm, mikado, taffeta… hoặc tái chế hàng tồn kho cho các thiết kế của BST mới.
Anh định nghĩa như thế nào về “bền vững”?
Với tôi, bền vững không chỉ là môi trường mà trong cả quá trình thiết kế, không có gì dư thừa, lãng phí. Như tôi đã nói, những thiết kế mùa cũ có thể dùng để thiết kế ở mùa mới. Ngay cả công việc phát triển về truyền thông hay kinh doanh cũng thế, tôi cùng êkip phải tính toán làm sao để không bị lãng phí. Nhân sự cũng vậy, nhiều người nghĩ thuê nhiều nhân viên hơn một chút thì công việc thoải mái hơn, riêng tôi thì tuyển đủ thợ vừa vặn với khối lượng công việc của mình.
Về các BST, tôi luôn giới thiệu những mẫu có thể mặc ở các mùa sau mà không sợ lỗi mốt. Những BST cách đây khoảng 5 năm, thậm chí là BST gần như là đầu tiên của tôi, đến tận bây giờ, khách hàng vẫn đặt mua. Tôi nghĩ có rất nhiều thứ để mình thiết kế nhưng phải làm sao cho ít nhất khoảng 30% BST cũ không bị lỗi thời ở những mùa mốt sau. Đó là điều mà tôi vẫn luôn suy nghĩ mỗi khi làm BST mới.
Nói về thời trang bền vững, người ta hay nhắc đến sự thân thiện với môi trường, vậy theo anh, nếu chỉ tập trung vào thiết kế thân thiện với môi trường liệu có làm hạn chế sức sáng tạo của NTK?
Tôi nghĩ đó cũng là thách thức cho sự sáng tạo của NTK. Đương nhiên, việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường cũng có mặt hạn chế so với những chất liệu khác. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu ý tưởng cả. Cái khó là thiết kế đồ mới từ những chất liệu của mùa trước. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn biến tấu làm sao mỗi mùa là một cái mới. Ví dụ như năm đầu, tôi thêu trên chất liệu organza; năm thứ hai, tôi cắt những miếng vải vụn của organza từ mùa đầu tiên để tạo thành những bông hoa đính lên đồ; đến BST mới thì cũng là những chất liệu dư thừa đó nhưng tôi cắt thành dây đính thành họa tiết.
Xuyên suốt sự nghiệp thiết kế của anh, anh thích tạo nên xu hướng hay tìm về giá trị nguyên bản nhất của cái đẹp?
Nếu mọi người để ý thì có thể thấy mỗi BST tôi làm, tôi đều cố gắng đi cùng với xu hướng của thế giới. Giống như bây giờ, thế giới chuộng mốt màu vàng nhưng gam màu này tôi đã làm hơn 1 năm trước rồi. Tôi nghĩ đó cũng là một thế mạnh của mình trong việc tạo ra xu hướng gì đó.
Để làm được như vậy, tôi phải trải qua quá trình nghiên cứu rất kỹ càng. Nghiên cứu ở đây không phải là xem nhà mốt khác đang làm gì thì mình làm theo mà còn rất nhiều dự đoán về màu sắc, phụ kiện, phom dáng hay sự kiện nào sẽ lên ngôi nữa. Có rất nhiều tài liệu tham khảo trên mạng hoặc tạo tài khoản trong một trang web chuyên về xu hướng để nắm bắt một cách dễ dàng.
Những “nàng thơ – chàng thơ” của thương hiệu TRVN HUNG là những ai?
Tôi không phải là người hay tìm những nàng thơ, chàng thơ mới mẻ. Những ai đã đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu tiên, tôi vẫn luôn trân trọng và cố gắng để có thể hợp tác với tất cả mọi người. Một số dự án bắt buộc phải lựa chọn những gương mặt phù hợp nhưng không vì thế mà bỏ lại người cũ. Có người hỏi tôi rằng chọn người cũ hoài không sợ khách hàng nhàm chán sao. Nhưng nếu đã làm thời trang thì thứ người ta quan tâm đến phải là quần áo chứ (cười).
Là một trong số ít NTK Việt hướng đến thị trường nước ngoài và là thành viên của Hiệp hội Thời trang Anh quốc, chắc hẳn anh rất tự tin với các sáng tạo của mình?
Đối với tôi, điều quan trọng là làm đúng mục tiêu của mình, thị trường mục tiêu của tôi vẫn là thị trường quốc tế. Bất kỳ cơ hội nào giúp thương hiệu TRVN HUNG phát triển ở thị trường này thì tôi đều nắm lấy. Ai mà làm ra “những đứa con tinh thần” mà không tự tin. Từ những ý tưởng trong mường tượng, dần dần tự tay làm chúng hiện ra ngay trước mắt đúng như mong muốn của mình, tôi thật sự tâm đắc với những gì mình đã làm được. Thật ra, để phát triển ở nước ngoài là một chiến lược dài hơi, mặc dù thấy rất nhiều người nổi tiếng nước ngoài ưa chuộng thiết kế của tôi nhưng tôi vẫn phải phát triển nhiều hơn nữa.
Anh thường thiết kế trang phục bằng việc sử dụng lại vải vụn, liên kết các mảnh vô cùng tỉ mỉ, vậy anh đã gặp khó khăn gì trong quá trình thiết kế?
Thật ra cũng không quá khó khăn đâu. Những công việc này đều nằm trong khả năng của tôi. Cái khó ở đây là xử lý kỹ thuật sao cho khéo léo vì phải ghép những mảnh nhỏ lại với nhau, việc này giúp triệt tiêu những đường cắt xẻ để tạo thành một tổng thể gần như không có đường ghép nối trên trang phục của mình.
Có thể thấy các thiết kế của anh vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính ứng dụng, vậy thì làm thế nào mà anh có thể dung hòa chúng vào từng thiết kế của mình?
Khi bắt đầu thiết kế, tôi đều trả lời cho các câu hỏi như mẫu thiết kế này có thỏa mãn được mình không, khách hàng có thích hay không, mẫu này dùng để làm gì, hay là sử dụng kỹ thuật gì cho một thiết kế như thế này. Đến khi nào tôi tìm được lời đáp cho tất cả câu hỏi đó thì sẽ ra được một mẫu thiết kế. Có những mẫu tôi cảm thấy rất ưng ý, nghĩa là nó thỏa mãn cái tôi của mình, nhưng tôi lại đặt ra câu hỏi là làm đồ đó để làm gì, khách hàng có thích mẫu đó không. Đến giờ, tôi đã khá tiết chế sự bay bổng của mình, không làm những thứ xa vời thực tế nữa. Trong các BST, cũng có những mẫu làm thỏa mãn đam mê của tôi nhưng chỉ chiếm số lượng rất ít, phần chủ đạo vẫn là các thiết kế mang tính ứng dụng cao.
Thành tựu lớn nhất sau nhiều năm làm nghề của anh là gì?
Tôi nghĩ thành tựu lớn nhất của mình là được mọi người nhớ đến cái tên “Trần Hùng”. So với việc được gia nhập Hiệp hội Thời trang Anh, được các ngôi sao quốc tế chọn đồ TRVN HUNG xuất hiện trên thảm đỏ hay báo chí thì việc được mọi người nhớ đến tên mình, nhận được sự yêu mến từ mọi người mới là điều đáng trân trọng nhất (cười).
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!