Nicolas Ghesquiere đã có 15 năm làm việc tại nhãn hiệu Balenciaga (thuộc tập đoàn Kering, tên cũ là PPP, đối thủ của LVMH) với những đóng góp đáng kể, thay đổi toàn bộ cục diện và đưa thương hiệu 96 năm tuổi này trở lại vị trí những nhà mốt dẫn đầu tại Paris. Với tình hình hiện tại, khi rất nhiều tài năng đang rời bỏ chúng ta mà đi như Alexander McQueen tự sát, John Galliano vướng vào scandal “vạ mồm”, Helmut Lang tập trung cho nghệ thuật, Ann Demeulemeester rút lui khỏi giới thời trang, Jil Sander nói lời từ biệt lần thứ ba… thì việc Nicolas Ghesquiere ngay lập tức trở lại với công việc của mình là một điều rất quý giá.
Giám đốc Sáng tạo Nicolas Ghesquiere xuất hiện cuối buổi ra mắt BST Thu Đông 2014-15 của Louis Vuitton
NTK sinh năm 1971 này nổi tiếng là một người nhiều tham vọng. Nữ diễn viên gạo cội Catherine Deneuve từng nói về anh: “Tôi không nghĩ anh ấy sẽ từ bỏ những gì anh ấy thực sự quan tâm.” Và rõ ràng thời trang là điều ưu tiên hàng đầu của anh. Khi còn trẻ, anh đã từng đặt ra quyết tâm sẽ phải được nhận làm tại Jean Paul Gaultier trước sinh nhật 18 tuổi, và điều đó đã thành sự thật. Vào lúc bấy giờ, Jean Paul Gaultier là trung tâm của những thử nghiệm nổi loạn và những trò đùa, trái ngược với những lề thói thông thường. Sau vài năm làm việc tại Gaultier, Ghesquiere đã tách ra hoạt động tự do, phát triển những kỹ năng của mình tại rất nhiều những nhà mốt danh tiếng, trong đó có Thierry Mugler.
Mặc cho bố mẹ muốn anh theo đuổi con đường học vấn đàng hoàng tại những trường dạy về thời trang, Ghesquiere theo đuổi những gì anh thực sự quan tâm, cũng là thời trang nhưng việc “học” qua những công việc dường như hấp dẫn anh hơn là tại trường lớp. Bước ngoặt lớn đến với Ghesquiere vào năm anh 22 tuổi, khi ấy Pierre Hardy – một NTK giày nổi tiếng, hiện đang là NTK trang sức cho Hermès – đã giới thiệu cho anh về một công việc tự do tại Balenciaga. Ngay cả khi những người bạn đã gàn, “Cậu định làm gì với một nhà mốt cũ kỹ đến vậy?”, Ghesquiere vẫn rất quyết tâm về với Balenciaga. Và quyết định này đã đưa anh đến vị trí Giám đốc Sáng tạo của một trong những nhà mốt lâu đời nhất tại Paris khi anh 25 tuổi. Những thiết kế mang đậm ảnh hưởng từ kiến trúc, công nghệ và các bộ môn thể thao được “bung” ra từ trong trí tưởng tượng, óc sáng tạo vô biên của Ghesquiere. Anh mang tới những thiết kế mà không ai có thể nghĩ tới hoặc làm được ngoại trừ chính anh.
BST Thu Đông 2014-15 của Louis Vuitton
Khi Ghesquiere chính thức trở lại với thời trang cùng vị trí mới tại Louis Vuitton, ai cũng cảm nhận được là bất cứ điều gì cũng khả thi vào thời điểm này. Với những gì “người tiền nhiệm” Marc Jacobs đã làm được cho Louis Vuitton, đặc biệt là những BST thực hiện cùng các nghệ sĩ lớn như Takashi Murakami, Richard Prince và Yayoi Kusama, mọi người đều hiểu rằng Louis Vuitton là một thương hiệu không ngần ngại với những thử nghiệm. Nicolas Ghesquiere chưa bao giờ nhận mình là một nghệ sĩ, nhưng anh làm việc như một người nghệ sĩ thực thụ, không bao giờ chạy theo xu hướng và chiều lòng số đông. Những thiết kế của anh thường mang phản ứng “gây sốc” đối với mọi người khi lần đầu nhìn thấy, trông có vẻ “nghịch mắt” đối với nhiều người. Và một khi đã nhìn ra được “vẻ đẹp tiềm ẩn” trong những thiết kế của Ghesquiere, ít ai có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn đối với những bộ sưu tập mà anh thực hiện. “Điều thú vị trong thời trang đó là bạn phải mang đến những sáng tạo mang tính liên quan đến thời đại,” anh nói. “Bạn phải chứng kiến tất cả những khoảnh khắc xung quanh mình. Mọi người thường gọi tôi là một nhà thiết kế theo trường phái ‘futuristic’ – với những thiết kế mang cảm hứng từ tương lai, nhưng đối với tôi tương lai thực chất là hiện tại.”
BST Thu Đông 2014-15 của Louis Vuitton
Dĩ nhiên, không có quyết định nào là dễ dàng cả, đối với cả hai bên. Louis Vuitton là một đế chế khổng lồ với doanh thu ước tính khoảng 9,4 tỷ đô la mỗi năm và Nicolas Ghesquiere chưa bao giờ làm việc với một “gã khổng lồ” như vậy. Nhưng nhà thiết kế người Pháp này là một người cầu toàn, một kẻ cuồng tín tới từng chi tiết và không bao giờ thỏa hiệp – đó hẳn là những gì mà LVMH đang tìm kiếm. “Chúng tôi thích mạo hiểm,” Delphine Arnault nói. Ái nữ của ông chủ LVMH – Bernard Arnault, đồng thời là phó tổng giám đốc tại Louis Vuitton rất tự hào khi công bố quyết định bổ nhiệm Nicolas Ghesquiere vào vị trí Giám đốc Sáng tạo tại Louis Vuitton. Tổng giám đốc của Louis Vuitton, ông Michael Burke cũng đồng tình với những gì Delphine Arnault nói: “Chúng tôi có bổn phận phải duy trì những giá trị chuẩn mực từ những sáng tạo xuất chúng mà Marc Jacobs đã làm được. Chúng tôi cần một người kiệt xuất như Nicolas Ghesquiere. Và dĩ nhiên khó có thể làm công việc của mình một cách nghiêm túc với tư duy an toàn chắc cú được.” Hãy nhớ lại lịch sử của thương hiệu lừng lẫy tại Paris này, 160 năm trước, cậu bé 13 tuổi Louis Vuitton đã bỏ nhà lên Paris để xây dựng ước mơ của mình.
BST Thu Đông 2014-15 của Louis Vuitton
Nói về những kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thời trang, Nicolas Ghesquiere cho rằng: “Tôi đã học được cách không sợ hãi. Phải dũng cảm. Công việc này đòi hỏi bạn phải thuyết phục mọi người liên tục, ở nhiều cấp độ, để đạt được giấc mơ của mình. Tôi học được rằng bạn phải luôn tự tin để làm được những điều ấy.” Câu nói này của Ghesquiere gợi đến một kỷ niệm rất đáng nhớ của anh khi anh vẫn làm việc tại Balenciaga. Trước giờ ra mắt BST mới, toàn bộ đám đông bên trong khán phòng đã ổn định chỗ ngồi, mọi người đang nín thở trông chờ giây phút đèn phụt tắt, nhạc nổi lên và bộ trang phục đầu tiên chuẩn bị bước ra. Nhưng ngay khi buổi diễn chuẩn bị bắt đầu thì một tiếng “rắc” lớn vang lên; một chiếc ghế băng đã bị gãy, một nhà báo đã ngã dập mông. Nhưng không dừng lại ở đó, một tiếng “rắc” nữa vang lên và toàn bộ mọi người bên trong đã rơi vào trạng thái hoang mang tột độ. Ngay lúc ấy, loa vang lên lời xin lỗi tới toàn thể những khách mời có mặt và một lời đề nghị để giải quyết tình thế được đưa ra: mọi người hãy… đứng xem bộ sưu tập mới của Nicolas Ghesquiere thực hiện cho Balenciaga. Trong số những khách mời hôm ấy có cả nữ diễn viên Salma Hayek, vợ của Francois-Henri Pinault – Tổng giám đốc tập đoàn PPR (giờ là Kering) sở hữu thương hiệu Balenciaga. Salma Hayek đã đứng xem buổi diễn hôm ấy với chân phải đang băng bó và cô đang đi trên một đôi sandals đế xuồng. Trong số đám đông đứng xem hôm ấy còn có nữ diễn viên gạo cội Catherine Deneuve, tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour,… Khi buổi diễn kết thúc, tràn ngập khán phòng là tiếng vỗ tay không dứt, những lời tán tụng dành cho Nicolas Ghesquiere mà không một lời phàn nàn nào về sự cố ghế gãy.
Đó đã là những câu chuyện trong quá khứ. NTK Karl Lagerfeld nói về Ghesquiere: “Dĩ nhiên cậu ấy sẽ phải thay đổi ít nhiều, nhưng đó là một anh chàng tài năng và những gì anh ấy có thể làm được rất cần thiết đối với Paris.” Ngay trước buổi diễn bộ sưu tập Thu Đông 2014-15 của Louis Vuitton, để giải đáp những thắc mắc, tò mò về những sáng tạo mới của mình, Nicolas Ghesquiere nói rằng: “Đừng bao giờ quên rằng những gì kinh điển với giá trị bất biến theo thời gian từng là những thử nghiệm mới.”
Bài: Tuấn Anh
Xem thêm: Thời trang ứng dụng (Ready To Wear) và những cú lấn sân ngoạn mục