NTK Nguyễn Công Trí: “Tôi cân bằng hơn”

Chuyên đề: Những cái bắt tay

Trái với vẻ ảm đạm của 2012, ngành nghệ thuật-giải trí Việt Nam năm qua sôi động với đầy đủ màu sắc và phân tầng rõ rệt. Xin điểm qua 4 cái bắt tay tiêu biểu cho các lĩnh vực khác nhau, để tổng hợp một cái nhìn đầy hy vọng vào những gì đã và sẽ diễn ra.

Bài cùng chủ đề:

– Đường xa, Mây trắng lại bay về
– Nhạc sĩ Nguyên Lê: “Trong âm nhạc tôi “lai” giữa truyền thống và hiện đại
– Nghệ sĩ xiếc Tuấn Lê: “Tôi cần phải biết gốc gác của mình!”
– NTK Nguyễn Công Trí: “Tôi cân bằng hơn”

Hai lần sang Anh triển lãm, một show thời trang cá nhân khiến ai xem về cũng cảm thán “Có tầm!”, thậm chí xuất hiện dày đặc trong chương trình truyền hình thực tế tìm người mẫu không phải trên ghế giám khảo, mà trên trang phục của người bạn thân đồng thời là “nàng thơ” lâu năm – Thanh Hằng… 2013 quả là một năm quá sôi động của Công Trí.

– Xin bắt đầu bằng chuyện năm ngoái, BST No.4 của anh được triển lãm trong khuôn khổ London Fashion Week. Trái với suy nghĩ của nhiều người, anh trở về và không tuyên ngôn tuyên bố gì cả. Tại sao vậy?

– Tôi định khi nào tham gia đủ 10 Fashion Week như vậy nữa rồi tuyên bố luôn một lần cho hoành tráng. Chỉ lo lúc đó không biết các báo còn có hứng giật title giùm tôi không nữa (cười).

– Cơ hội ấy có thay đổi suy nghĩ, quan điểm gì trong anh không?

– Trước đây, tôi nghĩ hơi cực đoan: thế giới thời trang thì nhất thiết phải hào nhoáng, ồn ào. Sau chuyến đi này, tôi có phần thay đổi cách nghĩ của mình, đạt được trạng thái cân bằng hơn.

– Tôi thấy quá trình sáng tạo của Công Trí chia ra mấy giai đoạn khá rõ rệt. Thời kỳ Công-Trí-Thổ-Cẩm: làm “thời trang bản sắc Việt Nam” bằng cách ứng dụng chất liệu và họa tiết dân tộc, một cách làm thường gặp ở những NTK trẻ thời ấy. Tiếp đến là thời kỳ Công-Trí-Hướng-Ngoại, là cách làm mà như anh từng nói là “thà làm kẻ cắp thông minh còn hơn sáng tạo ngu xuẩn”. Sau nữa là Công-Trí-Hout-Couture cùng Công-Trí-Thị-Dân, thể hiện rõ rệt nhất ở series các BST được đánh số song hành cùng sự phát triển của KIN by Cong Tri. Có sự kiện nào đặc biệt dẫn tới mỗi lần chuyển mình không? Hay là quá trình vận động tự nhiên của sáng tạo?

– Cho tôi đính chính một chút là tôi chưa bao giờ có thời kỳ “làm ‘thời trang bản sắc Việt Nam’ ứng dụng chất liệu và họa tiết dân tộc”. Nếu có, chỉ là trong một vài mẫu nào đó, trong một bộ sưu tập nào đó thôi.

Sự lựa chọn từ đầu về khuynh hướng sáng tạo, và cả những vận động, thay đổi của tôi trong thiết kế cho đến thời điểm này, đều trên quan điểm nhất quán là không nhất thiết phải “Việt Nam” là phải theo kiểu “thổ cẩm” hay gì gì đó… Tôi nghĩ, chỉ cần hướng đến sự độc đáo, khác biệt cho người mặc, bằng chính khối óc và bàn tay của người Việt làm thì đó đã là Việt Nam rồi. Hơn nữa, theo quan điểm của người làm kinh doanh thời trang chuyên nghiệp, tôi cũng bắt buộc các thiết kế của mình dù dán nhãn “Made in Vietnam” nhưng vẫn phải bắt kịp xu hướng, và không tách khỏi những tiêu chuẩn chung của thị trường thời trang thế giới.

Công Trí & Thanh Hằng

Công Trí và “nàng thơ” Thanh Hằng

– Theo anh đó có phải con đường tất yếu phải đi qua của mỗi NTK trẻ? Chấm thi nhiều, anh thấy thế hệ trẻ bây giờ với những sự nhảy cóc giai đoạn rõ ràng, có phải là lợi thế không?

– Nhảy cóc bao nhiêu đi chăng nữa thì sau đó vẫn phải nhảy bình thường. Thị trường, các cuộc thi thời trang tạo nhiều điều kiện hơn để các bạn NTK trẻ được biết đến, áp lực của việc vượt qua bước “được biết đến” ấy có khi lại còn nhiều hơn là một người vô danh làm thời trang.

– Công Trí thời trẻ có nông nổi và bốc đồng không?

– Có. Có nhiều việc làm nghĩ lại thấy mắc cỡ, nhiều việc thấy vui. Bây giờ không biết làm sao tìm lại cái năng lượng đó (cười).

– Đã 14-15 năm kể từ khi Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ thời trang, 10 năm từ khi Đẹp Fashion show ra mắt, sau đó gần đây là hàng loạt show thời trang chuyên nghiệp lớn nhỏ, chưa kể các cuộc thi tìm kiếm nhà thiết kế… Nhưng truyền thông và đại chúng vẫn chỉ nhắc tới quanh quẩn vài cái tên. Theo anh, vấn đề ở đây là gì?

– Tôi không biết tiêu chí như thế nào thì sẽ được truyền thông nhắc, và làm thế nào để truyền thông không chỉ nhắc quanh đi quẩn lại với vài cái tên. Tuy nhiên, tôi có thể nói trong những năm gần đây, sáng tạo và ý thức làm nghề chuyên nghiệp của các nhà thiết kế trẻ ngày càng tốt hơn. Tôi thấy khá vui khi trong những năm qua, chúng ta bước đầu đã dần hình thành thị trường thời trang có tính cạnh tranh, với nhiều thương hiệu cũ lẫn mới. Tất cả đều ý thức hoàn thiện hình ảnh rất cao, thiết kế cập nhật với xu hướng thời trang thế giới hàng năm, chứ không đứng ra riêng lẻ nữa. Dưới con mắt của người làm nghề, tôi thấy nhiều tín hiệu lạc quan trong thực tế hơn là những gì báo chí nói đến.

– Có cảm giác thời gian trước anh… “ngủ quên” hoặc “ở ẩn”. Chuyện gì khiến anh quyết định trở lại bùng nổ với một show riêng và hai BST ra mắt cùng lúc?

– Đó chỉ là những giai đoạn khác nhau trong chiến lược kinh doanh chung của tôi. Giai đoạn vừa rồi là một giai đoạn tôi tập trung vào đối tượng khách hàng khác, chinh phục mục tiêu khác, chứ không gắn liền hình ảnh thương hiệu của mình với nghệ sĩ, và những sự kiện bề nổi (nên mọi người cảm giác có vẻ tôi đang “đi ngủ” cũng đúng). Nhìn lại, cá nhân tôi lại thấy trong những năm qua, sức làm việc của tôi tăng gấp nhiều lần. Chính quá trình làm việc này giúp tôi có được nhiều sự chuẩn bị cần thiết, quan trọng cho việc mở rộng và phát triển thương hiệu sắp tới đây.

– Tại sao bây giờ anh mới “Cảm ơn Sài Gòn”?

– Có lẽ tôi nên nói lời cảm ơn này từ lâu rồi. Dù sao, muộn còn hơn không.

– Nhiều người nhận thấy những “bè phái” rõ ràng trong làng thời trang Việt. Anh chưa bao giờ phát ngôn gì thể hiện điều đó nhưng chuyện vẫn… vậy. Phải hiểu là anh ngấm ngầm chấp nhận nó, hay người ta… nghi oan?

– Tôi có ê kíp làm việc của mình gồm bạn bè, cộng sự thân thiết, gắn bó nhiều năm. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu và đạt được hiệu quả công việc nhất khi làm việc cùng nhau. Như vậy có được gọi là “ bè phái” không? (cười). Còn chuyện “bè phái” thì tôi cũng đã chia sẻ với các bạn thiết kế trẻ như một lời cảnh tỉnh rồi, nó không giúp bạn có sức mạnh thực sự và bền bỉ, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo.

– “Bè phái” xét về mặt nào đó cũng có tính tích cực, anh có nghĩ thế không? Ít nhất nó tạo động lực cho những người làm sáng tạo.

– Tùy vào mỗi ngành nghề. Còn những người làm sáng tạo lấy đó làm động lực thì những tác phẩm đó nhuốm nặng màu trào lưu mà thôi.

– Người nghệ sĩ có thường “bi kịch hóa” cuộc đời mình?

– Vì họ nghĩ công chúng hay thích “bi kịch” nên phục vụ cũng nhiệt tình. Liều lượng thì có người vừa đủ, có người hơi thái quá nên thành sến (cười). Dù sao, tôi cũng đánh giá cao những người như vậy, họ có ý thức nghề nghiệp đó chứ.

– Quý bà và quý cô, ai là người chịu chi cho các tác phẩm của anh hơn?

– Cái này thì không đo chính xác được. Nhu cầu làm đẹp của tuổi nào cũng là không biên giới. Sự chịu chi của họ chỉ tùy thuộc vào một điều duy nhất: sản phẩm của tôi đáp ứng được nhu cầu của họ ở mức nào.

– Gắn bó với nhau đã lâu, trong đêm “Cảm ơn Sài Gòn” vừa qua Thanh Hằng không chỉ là vơ-đét mà còn đóng vai trò chỉ đạo đêm diễn. Điều gì ở Thanh Hằng tạo cảm hứng cho anh? Điều gì giúp hai người có thể gắn bó lâu dài như vậy?

– Bạn bè khen nhau ở đây ngại quá. Cho tôi nói một lý do quan trọng nhất về sự gắn bó thôi nhé: “Vì ta cần nhau”.

– 2013 là một năm đầy dấu ấn của Công Trí. Còn 2014?

– Là một năm đầy thử thách vì như chị nói, tôi đã trải qua một năm “đầy dấu ấn”.

– Kế hoạch Bắc tiến của anh thực hiện đến đâu rồi?

– Tôi chỉnh lại kế hoạch của mình một chút, thay vì “Bắc tiến” ngay bây giờ thì tôi phải “Nam chinh” cho thật tốt cái đã. (cười) 

 

Bài: Thục Quyên

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Không ít danh ca trả giá cho cả đời hát mà chẳng có được một âm chất Việt Nam, dù họ bỏ công nghiên cứu từ xẩm xoan cho đến quan họ, ca trù, chầu văn. Tùng Dương (lại may sao!) được Trời cho, chỉ cần mở miệng là đã đậm đặc Việt Nam, ăm ắp phương Đông.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng! 

From the same category