NTK Nguyễn Công Trí: Lẳng lặng mà thăng hoa

Như đúng tinh thần của triển lãm “Cục Im Lặng” diễn ra cuối tháng 12 vừa qua, NTK Nguyễn Công Trí giữ im lặng và không đồng ý trả lời phỏng vấn nhiều. Anh nhận lời ngồi xuống nói chuyện với Đẹp khi biết bài viết này sẽ lên số báo đầu tiên của năm 2020, cũng là một cách để Đẹp cùng anh nhìn lại chặng đường 20 năm làm nghề.

NTK Nguyễn Công Trí

“Cục Im Lặng” là một sự liều lĩnh

Là một người làm công việc sáng tạo với dấu ấn cá nhân nổi trội, anh có lo lắng không khi các tác phẩm của mình có sự “can thiệp” từ nhiều nghệ sĩ khác?

Tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào 10 nghệ sĩ làm việc với mình lần này. Họ đều là những tên tuổi đã có các thành tựu nhất định và tôi tôn trọng tính sáng tạo của họ. Mọi người rất bận rộn và số lần gặp nhau để bàn bạc chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu chúng tôi làm việc qua email hay video call. Giờ nhắc lại tôi cũng thấy liều. Nhưng điều quan trọng là tôi đã không lầm khi lựa chọn làm việc cùng với họ. Họ sử dụng các BST của tôi để làm nên những tác phẩm mang dấu ấn riêng, cân bằng được cả yếu tố thời trang và nghệ thuật một cách ấn tượng.

Anh đặt ra những tiêu chí gì khi lựa chọn các nghệ sĩ hợp tác cùng mình trong triển lãm này?

Như đã nói, tôi muốn tìm đến các bạn nghệ sĩ có thành tựu và tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của mình. Những tác phẩm của các bạn cũng có sự liên quan đến các BST của tôi (10 BST được đánh số No.1 đến No.10 – PV) và có tính đương đại. Bản thân tôi từng không nghĩ rằng mình có thể kết hợp được với 10 nghệ sĩ cùng một lúc như vậy. Nhà giám tuyển Arlette Quỳnh Anh cũng nói rằng quy mô của “Cục Im Lặng” ngang với 10 triển lãm thông thường.

Hoa hậu H’Hen Niê trong thiết kế thuộc BST “Đi nhặt hạt sương nghiêng”

Tính sáng tạo trong các BST của anh được kết hợp với tinh thần đương đại thể hiện bởi 10 nghệ sĩ tham gia, thế còn tính đại chúng, anh có nghĩ rằng triển lãm của mình thiếu mất khía cạnh này không?

Khi làm triển lãm lần này, tôi cũng không quan trọng chuyện khách mua vé tham quan phải đạt con số bao nhiêu. Đó không phải là sức ép đối với tôi. Tôi cùng ê-kíp của mình không phân định đối tượng là người có gu hay không có gu, người có trình độ hay không có trình độ. Mọi người cứ đến và cảm nhận theo cách của riêng mình. Có những người chưa bao giờ biết đến những loại hình nghệ thuật hay phong cách thời trang trong các BST của tôi vì họ chưa có điều kiện, nhiều khi người ta xem lại thấy thích thì sao? Đặc biệt là giới trẻ với bản tính ham học hỏi, biết đâu sau đó các bạn sẽ có động lực tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về những gì các bạn đã thưởng thức qua triển lãm của tôi.

Sau “Cục Im Lặng”, Nguyễn Công Trí sẽ tiếp tục với triển lãm chứ?

Tôi vẫn còn một ý tưởng triển lãm được ấp ủ từ cách đây 13-14 năm mà chưa thực hiện được. Hiện tại mọi thứ vẫn còn là điều bí mật, nhưng chắc chắn sau “Cục Im Lặng” tôi sẽ bắt tay vào thực hiện dự định còn dang dở kia. Giờ vẫn chưa có ngày cụ thể vì tôi sợ nhân viên của mình cực quá (cười).

NTK Nguyễn Công Trí cùng ê-kíp thực hiện triển lãm “Cục Im Lặng”

Giới trẻ giờ ham chơi quá

Trong hành trình 20 năm của mình, anh chủ yếu tự học để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Anh nghĩ như thế nào về thế hệ các bạn trẻ theo đuổi nghề thiết kế thời trang ở Việt Nam bây giờ, một thế hệ có rất nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi thời trang thế giới?

Đã có rất nhiều người trẻ làm việc cho tôi và tôi nhận ra rằng: giới trẻ bây giờ đa phần thích chơi hơn thích làm. Sinh viên học thời trang ở nước ngoài so với sinh viên học thời trang tại Việt Nam nhiều khi chỉ hơn nhau ở trình độ tiếng Anh và thẩm mỹ một chút thôi, chứ kỹ năng thì đều như nhau cả.

Anh có thể chỉ ra rõ hơn họ còn thiếu những điều gì?

Tôi nghĩ cái dở của các bạn trẻ nằm ngay ở việc chọn ngành học. Thời trang có rất nhiều mảng, hầu hết các bạn đều chọn học thời trang chung chung, mỗi thứ biết một chút và bản thân các bạn không tự đầu tư thời gian, chất xám để tìm hiểu kỹ hơn.

Tôi luôn thử họ bằng những nhiệm vụ đơn giản như tháo chỉ sao cho không làm hỏng đồ, rồi vào kho xếp vải và nhớ hết mặt từng loại vải, thuộc được vị trí của các vật liệu trong kho, hỏi tới là phải trả lời được ngay. Hay một công việc khác là lựa hạt cườm. Đó đều là những kỹ năng mà không phải trường lớp nào cũng dạy được cho các bạn, và nhiều bạn trẻ nghĩ rằng không cần phải biết làm những công việc đó.

10 nghệ sĩ hợp tác cùng NTK Nguyễn Công Trí là những tên tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực

Ở Mỹ, tôi chưa là gì cả!

Dự định của anh sau khi hoàn thành triển lãm này là gì?

Tôi sẽ đi Mỹ chào bán BST của mình. Tháng 2 tới tôi sẽ không tham gia trình diễn New York Fashion Week để tập trung cho việc mở rộng thị trường.

Liệu sẽ có một boutique CONG TRI tại New York?

Trước mắt thì chưa. Khi bạn có tiền thì việc mở boutique ở Mỹ vô cùng đơn giản. Rất nhiều cửa hàng ở New York đã đặt vấn đề muốn bày bán đồ của tôi nhưng tôi không muốn làm như vậy. Tôi đã xem một số chỗ nhưng những cửa hàng đó đều nhỏ, diện tích chắc bằng khoảng 1/3 cửa hàng của tôi ở đây thôi. Mỗi giá treo gồm có đồ của 2 nhà thiết kế, mỗi nhà thiết kế trưng bày khoảng 8 bộ. Đó không phải cách tôi muốn giới thiệu những sáng tạo của mình. Tôi muốn tìm những “buyer”, tìm nhà đầu tư để hướng đến một con đường lâu dài.

NTK Nguyễn Công Trí cùng hai chân dài đình đám Hồ Ngọc Hà và Thanh Hằng

Tôi có thể là một nhà thiết kế tên tuổi ở Việt Nam, nhưng ở thị trường New York khốc liệt, tôi không là ai cả. Các thương hiệu thời trang ở đó được đầu tư rất lớn và hoạt động vô cùng chuyên nghiệp. Muốn làm nghiêm túc thì trước hết phải biết lượng sức mình, nhắm không làm được thì thôi, đi du lịch tìm nguồn cảm hứng thiết kế còn có ích hơn.

Khi anh đã mang được BST của mình lên sàn runway rồi thì việc mở rộng kinh doanh theo đà đó là hoàn toàn khả thi chứ?

Trình diễn BST trên sàn runway ở nước ngoài là một chuyện, còn kinh doanh thời trang lại là một vấn đề khác. Đâu phải tự dưng mình may đồ rồi bày bán là tự khắc có người mua? Ở Mỹ có Hiệp hội Nhà thiết kế Thời trang của Mỹ, họ rất chặt chẽ trong việc quản lý những công ty thời trang hoạt động tại đây. Họ có những tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt và chi tiết như quy mô sản xuất, chế độ nhân viên, yêu cầu phát triển bền vững, nguồn gốc nguyên vật liệu… Bản thân bạn là một người hoàn toàn mới, bạn cũng phải được giới thiệu bởi những thành viên trong hiệp hội để từ đó có cơ hội được trình bày trước những thành viên chủ chốt. Đó mới là những bước đầu tiên nhưng không dễ dàng chút nào.

Ninh Dương Lan Ngọc trong thiết kế thuộc BST “Đi nhặt hạt sương nghiêng”

Nhắc đến những sáng tạo của CONG TRI, mọi người thường liên tưởng đến hình ảnh những ngôi sao lớn trên thảm đỏ hay những bộ hình thời trang ấn tượng. Anh nghĩ sao về điều này?

Sau triển lãm “Cục Im Lặng”, trong năm 2020, tôi sẽ ngừng series những BST được đánh số và tập trung làm branding cho thương hiệu CONG TRI. Tôi lấy cột mốc cho thương hiệu CONG TRI là thời điểm tháng 2 năm 2019 với BST đầu tiên được ra mắt ở New York. Những thiết kế và phom dáng của BST này đã được duy trì và phát huy trong BST thứ hai như các bạn thấy vừa qua. Đó sẽ là hình ảnh mà thương hiệu CONG TRI theo đuổi. Tính ứng dụng cũng như những nét đặc trưng trong các thiết kế của tôi sẽ được phát huy một cách tối đa qua các show diễn sắp tới tại Việt Nam.

Việc trình diễn ở New York hay được các ngôi sao hạng A chọn mặc trong thời gian qua đối với tôi là một minh chứng cho khả năng của mình. Mình làm tốt thì sẽ luôn được mọi người ở bất kỳ nơi đâu công nhận và tin tưởng.

Cảm ơn anh và chúc anh một năm mới thật nhiều thành công!

Hoa hậu Tiểu Vy trong thiết kế thuộc BST “Em hoa”

Ảnh: Hoàng Phúc, Phong Nguyễn


From the same category