NTK Ngô Thái Uyên: Khi người ta thiếu gia vị - Tạp chí Đẹp

NTK Ngô Thái Uyên: Khi người ta thiếu gia vị

Sống

Một ngày của tôi thường bắt đầu bằng việc: Dậy sớm, ngồi trước bàn phấn, vừa uống café vừa trang điểm vừa nghe nhạc. Những hôm thức dậy muộn, mẹ soi gương tô mặt vẽ mày, con cái thì níu váy mẹ đòi mẹ cho tham gia làm đẹp. Thỉnh thoảng, sau một ngày bận rộn, tôi nằm nhìn lên trần nhà tự hỏi: “Mình làm để làm gì nhỉ?”. Những lúc ấy, tôi cảm thấy mình nhạt ghê gớm!


Ít kiên nhẫn
Tính đến thời điểm này, tôi đã làm việc trong ngành thời trang được chừng mười năm. Tôi nghĩ ngành này hợp với cá tính của tôi. Thời trang có sự lặp lại về xu hướng với chu kỳ mười năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, dòng chảy luôn có sự dịch chuyển không ngừng. Điều đó bắt buộc người làm ra sản phẩm phải sáng tạo, thay đổi bản thân liên tục để có được những tác phẩm mới. Mà đã ở trong ngành này, việc bạn bị đẩy đi là lẽ tất nhiên, nếu không muốn bị đào thải, thì bạn buộc phải tìm ra cái mới. Ngày nào cũng phải cân đo đong đếm, phải tính toán chi li… dễ khiến con người ta trở nên tủn mủn.

Để giữ được sức sáng tạo trong công việc đòi hỏi nhiều tỉnh táo, tôi cần sự tương hỗ giữa các bộ môn nghệ thuật, đó là chất xúc tác khơi gợi nguồn cảm hứng cho công việc trông có vẻ thực tế song lại cần nhiều đến thẩm mỹ và tinh tế. Do vậy, tôi vẫn dành thời gian cho các bộ môn nghệ thuật có liên quan đến công việc của mình và sẵn sàng dấn thân khi có cơ hội.

Sống theo ý thích
Tôi là người không thể làm được một việc lặp đi lặp lại, mà phải có gì đó khác, mới hơn, có một bước tiến nhất định, nếu không khác về bản chất thì cũng phải khác hình thức. Tính tôi thích cái gì cũng nhanh, khả năng kiên nhẫn kém. Còn nhớ, thời học đại học, khác với bạn bè, tôi thích vẽ bằng acrylic hơn sơn dầu. Đơn giản, acrylic nhanh khô hơn sơn dầu.

Tôi không đủ kiên nhẫn để đợi một bức tranh sơn dầu khô sau một hoặc hai ngày rồi mới được vẽ tiếp hoặc sửa chữa. Thậm chí, tôi không thể chịu nổi việc phải ngồi chỉ ba mươi phút trong tiệm rửa xe, hoặc đợi hàng giờ trong phòng làm thủ tục giấy tờ. Vì thế, khác với dân kinh doanh, tôi thường chấp nhận đi đường vòng – con đường vừa mất nhiều thời gian, vừa hao tốn sức lực – hơn là việc phải ngồi và chờ đợi thời cơ đến. Nhưng tôi lại là kẻ tò mò, thích khám phá nên đã không ngần ngại ghé vào, tìm hiểu hương thơm cỏ lạ ven đường.

Vì thế mà, tôi luôn không thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Nhưng tôi thường tự an ủi, dù đó là những kinh nghiệm hữu ích hay vô dụng đi chăng nữa, thì nó cũng làm cuộc sống của tôi thêm phong phú. Và cái tôi cần là được sống theo ý thích và không cảm thấy nhàm chán.

Có nhiều người chấp nhận sự bình yên kiểu dĩ hòa vi quý, sống theo thói quen, nhưng với tôi, khi bắt đầu cảm thấy quen mắt là tôi lại thay đổi. Cứ hai, ba tháng là tôi sắp xếp, bày trí nhà cửa, thay đổi vị trí vật dụng trong nhà. Ngay cả trang phục của con, tôi cũng thường xuyên mua sắm, thay đổi. Đó không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho con, mà còn là ý thích muốn được nhìn thấy các bé mới lạ trong mắt tôi.

Thiếu gia vị
Có lẽ không riêng gì tôi, chẳng ai muốn được tiếp xúc, trò chuyện với những con người nhạt nhẽo, tôi cũng không ngoại lệ. Với tôi, phụ nữ thiếu gia vị là người không biết họ muốn gì nhưng cứ tỏ ra mình muốn và biết nhiều thứ. Họ sẽ là người luôn kể những câu chuyện buồn tẻ, không có chiều sâu và nhảy cóc từ chuyện này sang chuyện khác.

Còn đàn ông, người buộc tôi phải nói đi nói lại mãi một chuyện hoặc chứng kiến sự bất biến của họ trong một thời gian dài, sống theo thói quen, cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có như là một món ăn thiếu muối. Thêm nữa, người đàn ông không biết được người phụ nữ của mình mong muốn điều gì, không nắm bắt được những chuyển biến tâm lý của họ để thay đổi sao cho phù hợp cũng là những người đàn ông không thú vị.

Người ta sợ cưới vì sợ nhạt
Trước quyết định sinh con mà không cần kết hôn, đôi lúc tôi tự hỏi mình phải chăng tôi sợ hôn nhân là mồ chôn tình yêu? Thật ra, mọi người sợ cưới vì sợ tình cảm của hai người sẽ nhạt dần theo thời gian và những vụn vặt của cuộc sống, còn tôi không sợ kết hôn nhưng sợ sống với một người biết quá ít về tôi. Và thông thường với tôi, lời đề nghị xảy đến khi câu chuyện tình yêu còn mới thì… Bởi lẽ, tôi là một người rắc rối. Chính môi trường của ngành thời trang cũng như công việc thiết kế khiến người ta hay để ý đến chi tiết, quá tinh ý.

Phụ nữ như thế thì khó có được một mái ấm hạnh phúc bởi, đàn ông sẽ cảm thấy không thoải mái vì nhất cử nhất động của anh ta đều bị lộ. Người khác mưu cầu có một cuộc sống hôn nhân ấm êm, bình yên, nhưng tôi lại đòi hỏi hai người khi sống chung phải biết sáng tạo, biết dành nhiều thời gian để chia sẻ, chấp nhận và thay đổi thói quen sinh hoạt vì nhau.

Sáng tạo ra một sản phẩm chỉ cần dựa vào cảm xúc (mỹ thuật) hoặc trí óc (thời trang), nhưng sáng tạo trong cuộc sống gia đình là phải biết sáng tạo cả cảm xúc. Do vậy, quá trình này cần có cái bắt tay của trái tim lẫn khối óc. Nhưng suy cho cùng, vợ chồng cũng chỉ là người dưng khác họ, đòi hỏi đối phương phải đối xử với mình bằng cả trái tim cũng khó. Sự hy sinh, yêu thương khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo này chỉ có ở những mối quan hệ huyết thống mà thôi.

Trước và sau khi có con, tôi vẫn giữ sự tùy hứng trong sinh hoạt. Chẳng hạn, tôi rất thích vào bếp, nấu cho con và mình, nhưng không phải ngày nào tôi cũng chuẩn bị đủ các món cơm canh, mà có ngày nấu một món Tây, cũng có bữa ba mẹ con cùng đi ăn bên ngoài. Ngay cả việc đưa con đi chơi cũng không nhất nhất tuân theo lịch cuối tuần. Có vẻ, các bé bị ảnh hưởng tính tùy hứng của mẹ, vì thi thoảng, bé trai xin nghỉ học để được mẹ đưa đi chơi.

Con cái đã làm mẹ thay đổi phần nào khi buộc tôi phải tuân theo thời gian biểu của bé trong việc tắm rửa, ngủ nghỉ. Có lẽ, do tình thương dành cho con nên tôi không cảm thấy chán khi phải tuân theo những thói quen đó của bé. Thật may, bé con của tôi là một đứa trẻ lắm trò. Kể cả trong việc tắm, bé cũng làm mẹ bất ngờ mỗi ngày bằng những trò do bé nghĩ ra. Trẻ con như một cái cây đang lớn, mỗi ngày lại mọc thêm một cái lá, nảy một cái mầm và một bà mẹ như tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, thú vị khi dõi theo sự thay đổi, phát triển của con.


Bài: Ngọc Ái – Ảnh: Phạm Hoài Nam

Thực hiện: depweb

19/09/2008, 16:46