Ngồi lại cùng Li Lam sau khi BST “Lamscape” vừa được ra mắt, nhà thiết kế cho biết cô vẫn đang rất bận rộn vì show diễn chỉ là cái cớ để gặp gỡ tất cả mọi người, còn mỗi ngày đối với Lam đã là những ngày lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. “Mỗi buổi sáng thức dậy, Lam luôn tự hỏi bản thân: Hôm nay mình sẽ phải làm gì để thỏa mãn cho những người phụ nữ ngoài kia?” – Li Lam chia sẻ.
– Mới đó đã là 11 năm, từ 2008 đến giờ, Li Lam có vẻ đã khác xưa nhiều nhỉ?
– Hiện tại, tôi thấy sự nữ tính của mình nồng nàn hơn trước rất nhiều. Cách làm trang phục của bây giờ cũng khác xưa. Đồ của Li Lam không còn trên giường hay ra đường mà còn dành cho những buổi dạ tiệc đòi hỏi sự thanh lịch và sang trọng, thậm chí cả những dịp trọng đại nữa.
– Để đi được chặng đường dài như thế, hẳn Li Lam cũng từng nhiều lần “thay da đổi thịt”?
– Phong cách thì tôi vẫn thay đổi từng ngày nhưng nó không giống kiểu quay ngoắt “180 độ” giống như cởi chiếc áo này, rồi khoác lên người một độ đồ khác. Theo tôi, thước đo chính xác về sự thay đổi phải xuất phát từ bên trong. Khi đó, cảm xúc chính là nhân tố quyết định tất cả.
– Nghe nói chị vẫn thường xuyên gặp gỡ và có những buổi tiệc rượu bên những người phụ nữ. Đó có phải là cách giúp chị làm mới cảm xúc bên trong mình và sáng tạo?
Đúng là có một nơi chốn riêng để tôi ngồi lại hàn thuyên cùng bạn bè và khách hàng. Tôi tìm được sự thấu hiểu và đồng điệu bởi những người phụ nữ xung quanh mình. Họ đa phần là những người rất mạnh mẽ, kiên cường và sở hữu nhiều tố chất đáng để mình học hỏi. Nhưng thú thật, tôi sẽ bị ngộp nếu phải gặp gỡ quá nhiều người. Phần lớn năng lượng của mình nên ưu tiên dành cho công việc.
– Nhiều người cho rằng làm trong ngành thời trang sẽ dễ bị cô đơn, chị có phải là trường hợp như thế?
Tôi không nghĩ riêng trong ngành này, mà ở bất kì lĩnh vực nào, nếu bạn muốn đứng trên đỉnh và là duy nhất thì phải chịu được nỗi cô đơn. Tôi không định nghĩa nó là loại cảm xúc tiêu cực hoàn toàn. Cô đơn có khi lại là chất xúc tác cho cảm hứng duy mỹ, giúp tôi đào sâu đến tận đáy cảm xúc và tìm được những điều thú vị tiềm ẩn bên trong mình.
Là phụ nữ mà, thỉnh thoảng tôi vẫn biết buồn vu vơ chứ (cười) nhưng tôi nghĩ mình đủ bản lĩnh để “chơi đùa” với nỗi cô đơn. Mỗi người cũng thể hiện nó một cách khác nhau. Có người sẽ bộc lộ bằng sự quằn quại nhưng một số khác lại chọn khép kín hơn. Nhưng mà, chẳng ai thích cô đơn đâu!
– Có bao giờ chị đem nỗi buồn vào thiết kế của mình?
– Rất nhiều. Nhưng không có nghĩa là ai nhìn vào bộ đồ cũng thấy được Li Lam đang buồn. Chỉ những người phụ nữ tinh tế khi mặc chiếc áo đó sẽ cảm nhận được. Người làm sáng tạo còn trách nhiệm với công việc của mình nữa, chứ không thể lúc nào cũng cho phép cảm xúc lấn át lí trí.
– Những bộ váy áo của chị thường được làm bởi rất nhiều chất liệu khác nhau, điều chị muốn nói lên ở đây là gì?
– Tôi thích kết nối linh hồn của những mảnh vải. Có khi tôi sử dụng đến 50 loại vải đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ai cũng bảo ý tưởng này thật điên rồ nhưng hoàn toàn là sự thật.
– Từ khi nào chị có ý tưởng này?
– Cái tính thích ghép nối này chắc có lẽ đã ăn vào máu của tôi từ khá lâu rồi. Niềm vui khi được tự tay phối ngẫu, kết đôi cho những linh hồn của từng mảnh vải thực sự gây nghiện đấy! Chính nó giúp lửa sáng tạo trong tôi chưa bao giờ bị “chết”. Cũng nhờ vậy mà từ điển của Li Lam mãi mãi không có khái niệm chán.
– Trong những chuyến đi tìm chất liệu ở các quốc gia, chị còn thu hoạch được gì khác?
– Với tôi thì đó là những chuyến du ngoạn trên tâm thế hết sức thoải mái. Điểm dừng chân gần đây nhất là tiểu sa mạc Mandawa ở Ấn Độ. Mọi thứ ở đó thật sự quá khắc nghiệt với người dân nhưng tôi thấy họ vẫn tỏa sáng. Tôi cảm nhận được qua cách các chàng trai, cô gái ăn mặc với những thửa lụa sặc sỡ. Ngay cả người ăn xin nhìn cũng thấy đẹp nữa! Sức sống mãnh liệt đó thực sự truyền cho tôi nhiều cảm hứng.
– Vì sao chị không dùng chất liệu thổ cẩm, dệt thêu trong nước mà lại chọn bôn ba khắp nơi để tìm kiếm như vậy?
– Đa phần các làng nghề trong nước có phong cách thêu mang hơi hướng công nghiệp, hoặc sản xuất hàng loạt mẫu gần giống như nhau. Tôi thì không thích như thế. Với vải Ấn Độ, tôi nhìn thấy và cảm nhận được sức hút từ tâm linh nữa. Mỗi hoa văn, đường kim mũi chỉ đều có cái hồn của nó và đó là thứ tôi muốn có trong thiết kế của mình.
– Gu thẩm mỹ của chị khá đặc biệt, cả về cách ghép nối chất liệu hay tin vào linh hồn của thiết kế. Tư duy sáng tạo này là của riêng chị hay chịu ảnh hưởng bởi một tên tuổi nào khác?
– Khi mới vào nghề thì tôi cũng tìm tòi và học từ nhiều người lắm. Bây giờ thì chỉ đơn giản: Tôi là chính tôi. Nhưng tôi cứ có cảm giác rằng đã có một cô Lam nào đó bên trong mình làm nên tất cả những thứ này. Nào là vẽ thiết kế, chọn màu sắc, chất liệu rồi lên ý tưởng phom dáng,… tôi nghĩ là nhờ người phụ nữ tên Lam đó chứ không phải mình (cười).
– Nghe cứ như là một nhân cách khác của Li Lam?
– Cũng có thể. Tôi vẫn thường xuyên đào sâu vào nội tâm của mình, tự chất vấn để đặt ra các câu hỏi cho bản thân khi thiết kế rồi đi tìm lời giải đáp. Nhưng tôi không xem nó như một vấn đề tâm lý mà coi đây là sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Quan trọng là bạn đủ kiên nhẫn và có khả năng khai thác nó hay không mà thôi.
– Nội tâm của phụ nữ đúng là không hề đơn giản nhỉ…
– Người ta hay nói đàn bà là “lắm chuyện”. Tôi phải thừa nhận là lắm chuyện thật! Bên trong họ là cả một bầu trời chứa đựng cả những điều khác thường lẫn phi thường. Cái cảm giác sức sáng tạo của mình không bao giờ đủ để đáp ứng nhu cầu của phụ nữ nó càng khiến tôi thêm khao khát chinh phục. Thậm chí, mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến chính là tự hỏi hôm nay mình có thể làm gì để thỏa mãn cho những người phụ nữ ngoài kia?
– Là một người đàn bà suy nghĩ cho đàn bà sẽ sâu sắc hơn đúng không?
– Phụ nữ tìm đến tôi vì họ thấy mình được yêu. Tôi không chỉ đo được những đường cong mà còn hiểu họ muốn gì. Như vừa nói, nội tâm đàn bà con gái phức tạp lắm! Có những chi tiết nho nhỏ như thu gọn chỗ này, khoét một chút ở chỗ nọ chỉ có đàn bà mới hiểu nhau mà thôi.
– Nhưng đồ của Li Lam lại rất ít khi có đường cắt xẻ để giúp phụ nữ khoe dáng?
– Cảm nhận về đường cong của phụ nữ giúp tôi thăng hoa trong từng thiết kế. Tuy vậy, tôi không nghĩ phô bày da thịt quá đà bằng cách cắt xẻ là ý tưởng hay để thể hiện sự gợi cảm. Phụ nữ cần đường cong nhưng không nên lệ thuộc vào nó. Một chút e ấp sẽ khơi gợi người khác khám phá hơn là trưng trổ hết ra ngoài.
– Vậy người phụ nữ dưới góc nhìn của chị đặc biệt như thế nào?
– Đơn giản thôi. Họ là những người biết yêu, biết ghét, có buồn, có vui. Nhưng điều quan trọng nhất là họ luôn biết thưởng thức cuộc sống, trao tặng cho bản thân những gì đẹp đẽ nhất dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Đàn bà xứng đáng được làm đàn bà theo đúng bản ngã của họ.
– Thế còn sự giải phóng mà chị gửi gắm trong BST mới của mình – “Lamscape” mang ý nghĩa như thế nào với phái đẹp?
– Nó xuất phát từ khát khao được giải thoát cho những người đàn bà phải tuân theo những khuôn khổ mà xã hội đặt ra, đơn cử là việc họ phải gò bó cơ thể trong chiếc áo ngực. Chất liệu làm nên món đồ này hầu như lúc nào cũng dày cộm, nhưng nếu không mặc sẽ bị lời ra tiếng vào. Chính lúc đó, Tôi cho rằng cuộc giải phóng cho phụ nữ bắt đầu từ chuyện quần áo là thiết thực nhất. Khi phụ nữ được mặc món đồ họ thích, sự thoải mái sẽ tăng thêm tự tin, đó là lúc họ đẹp nhất. Mà theo tôi, phụ nữ luôn luôn xứng đáng được tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng mình.
– Cảm ơn Li Lam đã chia sẻ!