Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống dưới nhãn quan tân thời, tái tạo và tái chế các nguyên phụ liệu may mặc, ứng dụng công nghệ 3D vào quy trình thực hành thời trang bền vững, đó là ba gạch đầu dòng quan trọng mà nhà thiết kế Kha Ngô luôn theo đuổi trên hành trình xây dựng thương hiệu KHAAR.
Công nghệ hóa thời trang bền vững
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Thiết kế Thời trang tại trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Kha Ngô đã dành 5 năm tu nghiệp tại Asmara International Limited, công ty thời trang toàn cầu hoạt động ở 13 quốc gia, với vai trò nhà thiết kế trong phòng R&D. Tại đây, Kha có cơ hội tiếp xúc với mô hình tìm hiểu thị trường và xúc tiến đầu tư kinh doanh sản phẩm may mặc chuyên nghiệp. Anh cũng nhận thấy rằng những nhà phân phối đang liên tục cung cấp vật liệu phục vụ các mùa thời trang, dẫn đến sự tồn tại của cả một kho vải thừa. Từ đó, Kha bắt đầu suy nghĩ về con đường làm thời trang bền vững.
Với kinh nghiệm làm việc tại Asmara cũng như thế mạnh xử lý chất liệu bằng các kỹ thuật cơ bản, Kha Ngô thành lập thương hiệu KHAAR vào năm 2022 với mong muốn đóng góp một phần nhỏ nhằm lan tỏa ý nghĩa lớn về việc tái tạo nguồn vật liệu thừa trong thời trang. Trong tên gọi của thương hiệu, “AR” thể hiện hai ý nghĩa: công nghệ thực tế tăng cường và tái chế (augmented reality and recycling).
Mũi tên công nghệ vẫn luôn lao rất nhanh. Từ lâu, công nghệ 3D đã xuất hiện trong ngành thời trang nhằm giảm thiểu hao phí vải trong vấn đề làm mẫu thử. Công nghệ này cũng bắt đầu được các thương hiệu Việt Nam ứng dụng, nhưng chủ yếu dùng để in 3D lên bề mặt chất liệu cứng hoặc tạo ra bộ ảnh thời trang bằng người mẫu ảo. Còn ở KHAAR, công nghệ được tận dụng làm trợ thủ cho toàn bộ quy trình thực hành thời trang bền vững.
Nhờ phần mềm thiết kế thời trang CLO, Kha Ngô có thể trực quan hóa các ý tưởng ngay trên màn hình máy tính. Chỉ bằng những cú nhấp chuột, những dòng lệnh, anh giản lược được nhiều bước quan trọng. Ngoài việc không cần vẽ phác thảo, công nghệ còn giúp nhà thiết kế tiết kiệm rất nhiều thời gian nhờ bỏ qua bước làm mẫu thử – khâu gây ra nhiều hao phí vật liệu trước khi hoàn thiện thành phẩm. Trong thời trang, công đoạn này đòi hỏi độ chính xác cao, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ cũng dẫn đến việc sửa lại toàn bộ bản rập ban đầu và buộc may lại mẫu khác. Nhờ công nghệ 3D, Kha Ngô dễ dàng kiểm soát bản thiết kế, nhanh chóng thay đổi các chi tiết trước khi tiến hành may.
“Trong tương lai, tôi muốn kết hợp công nghệ thực tế tăng cường với trí tuệ nhân tạo để kiểm soát cả quá trình tạo mẫu và chụp hình ngay trong môi trường ảo. Ngoài ra, tôi cũng muốn phát triển dịch vụ kinh doanh B2B, giúp các thương hiệu không đủ nguồn lực công nghệ hóa quy trình thiết kế và sản xuất”, nhà thiết kế Kha Ngô chia sẻ.
Nâng niu giá trị Việt
Vài năm trở lại đây, giới mộ điệu có lẽ đã quen với phong cách neo-folk (dân gian đương đại) nhờ các thiết kế cách tân từ trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, áo chàm, áo lĩnh… Nhà thiết kế Kha Ngô cũng là tín đồ của văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng anh không biến các thiết kế của mình thành phiên bản cách điệu của Việt phục, Kha Ngô diễn giải cảm hứng văn hóa dân gian bằng các chi tiết như cổ áo trụ, tay raglan… Bên cạnh đó, anh còn khéo léo lồng ghép những dấu ấn nghệ thuật gần gũi với người Việt vào thời trang. Năm 2020, anh đã giới thiệu bộ sưu tập thời trang bền vững đầu tiên, lấy cảm hứng từ màn hình analog cũ. Những vệt nhiễu sóng được thể hiện bằng kỹ thuật patchwork các mảnh vải vụn, tạo hiệu ứng pixel chân thực. Bên trên nền vải chắp vá, anh điểm xuyết họa tiết thêu tay tranh Đông Hồ “Quan trạng về làng” và mô-típ in hologram nhằm tạo độ tương phản dưới ánh sáng.
Năm 2024, Kha Ngô đã mang vải tơ dứa dệt thủ công ở Nghệ An vào các thiết kế của mình. Trước đây, sau khi thu hoạch quả dứa, người nông dân thường đốt phần còn lại của cây dứa để chuẩn bị cho mùa mới. Nhưng bây giờ, những phần bỏ đi này được đem phơi khô, sau đó tước thành sợi và dệt thành vải. Loại vải này chứa 28% tơ dứa, còn lại là sợi gai dầu và sợi tơ tằm. Trong tương lai, Kha Ngô có ý định kết hợp với cộng đồng người Chăm và người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập hợp nhiều kỹ thuật may dệt lâu đời để xử lý những miếng vải vụn và tạo ra những tấm vải mới từ tay nghề thủ công.
Tại cuộc thi Sustasia Fashion Prize 2025, nhà thiết kế Kha Ngô đã lọt vào top 8 chung cuộc. Trong bài thi cuối cùng để chọn ra quán quân, anh được ban tổ chức yêu cầu thiết kế trang phục từ chất liệu polyester CELYS – loại vải polyester phân hủy sinh học đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh polyester CELYS, anh còn sử dụng thêm chất liệu da gốc ô liu để hoàn thiện bài thi của mình. Không ngừng thử thách sức sáng tạo bằng cách ứng dụng song song công nghệ và kỹ thuật thủ công truyền thống chính là tinh thần mà nhà thiết kế Kha Ngô hướng tới khi bước chân trên con đường thực hành thời trang bền vững.

LANGUAGE OF ETHICS
Một nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn quản lý Bain & Company đã cho thấy 89% người tiêu dùng mong đợi các công ty thời trang công khai hoạt động bền vững của họ. Không chỉ mẫu mã và chất lượng, giới sành điệu giờ đây còn muốn hiểu rõ các giá trị phía sau trang phục mà họ mang trên người. Chính vì vậy, các thương hiệu xa xỉ buộc phải nỗ lực để chạm đến điểm sâu xa hơn của sự sáng tạo: tính bền vững và đạo đức trong quy trình thiết kế.
Loro Piana: Sự xa xỉ song hành cùng trách nhiệm
Tính đạo đức trong ngành trang sức
NTK Kha Ngô: Bước chậm trong thế giới thời trang nhanh