NTK Hedi Slimane: Quyền lực từ chiếc quần skinny

Nỗi ám ảnh dai dẳng với dòng nhạc rock and roll, thái độ bất cần và vô lo của tuổi trẻ cùng những buổi chiều ngập nắng gió tại California đã tạo nên nét đặc trưng cho phong cách sáng tạo của Hedi Slimane. Chưa từng và cũng không hề có ý định sáng lập thương hiệu của riêng mình, nhưng dấu ấn mà Hedi Slimane để lại tại những nhà mốt ông từng làm việc chưa bao giờ bị nhầm lẫn. Khởi đầu sự nghiệp tại Yves Saint Laurent, tuy nhiên dấu mốc vàng son trong sự nghiệp của ông lại gắn liền với Dior Homme – dòng thời trang nam của nhà mốt Christian Dior. Sau BST Thu Đông 2000, Hedi Slimane rời YSL, từ chối cả lời mời trở thành Giám đốc Sáng tạo của Jil Sander để gia nhập Dior Homme và làm nên lịch sử tại nơi này.

hedi-slimane-4
Năm 2001, Hedi Slimane trở thành Giám đốc Sáng tạo của Dior Homme, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên với những thiết kế quần skinny gây chấn động giới thời trang

Với nguồn lực tài chính gần như bất tận của Dior Homme, không còn có gì nằm ngoài tầm với của Hedi Slimane. Tại nhà mốt này, ông khởi đầu cuộc cách mạng định nghĩa lại thời trang nam giới với “con át chủ bài” là chiếc quần skinny. Khác với định nghĩa về vẻ nam tính truyền thống gắn liền cùng hình ảnh những gã trai lực lưỡng xuất hiện nhan nhản trên sàn diễn thời trang khi ấy, người đàn ông Dior Homme cuốn hút với vẻ đẹp phi giới tính bí ẩn. Kiểu dáng ôm sát, tôn vinh nét đẹp mình dây khác lạ cộng hưởng cùng phong cách rock and roll cá tính đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Không chỉ cuốn hút những khách hàng nam giới, các thiết kế rock-chic của Hedi cũng khiến phái đẹp phải xiêu lòng. Không mấy bất ngờ khi trong danh sách dài những khách hàng nổi tiếng của Hedi, ngoài những quý ông nổi loạn như David Bowie hay Mick Jagger còn có cả những phụ nữ cá tính và phong cách như Madonna hay Nicole Kidman.

Năm 2002, doanh thu của Dior tăng 41% – chính nhờ một phần không nhỏ công lao của Hedi Slimane. Cũng năm ấy, Hedi Slimane trở thành nhà thiết kế thời trang nam đầu tiên nhận được giải Nhà thiết kế quốc tế xuất sắc của CFDA – giải thưởng cao quý từ Hiệp hội Nhà thiết kế thời trang Mỹ. Tạo nên di sản đồ sộ và tầm ảnh hưởng khó bì kịp chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, Hedi Slimane gây bất ngờ khi rời khỏi Dior Homme vào năm 2007. Nhiều nhà mốt lớn sẵn sàng trải thảm đón mời, nhưng Hedi Slimane lại chọn cách ở ẩn để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh.

hedi-slimane-3
BST dành cho nam giới mùa Thu Đông 2000 của Yves Saint Laurent

Chiếc máy ảnh đen trắng đầu tiên mà Hedi có được ở tuổi 11 đã mặc định cách nhìn của ông với nhiếp ảnh. Trong sự tương phản đơn sắc cao độ, những bức ảnh của Hedi Slimane đã mô tả tuổi trẻ với những cảm xúc không thể đặt tên. Không ít lần xuất hiện trang trọng trên những tạp chí thời trang và nghệ thuật danh tiếng, các tác phẩm nhiếp ảnh của Hedi Slimane tiếp tục truyền tải cảm quan nghệ thuật đến công chúng ngay cả khi ông tạm rời xa ánh đèn sàn diễn. Từng tuyên bố tình yêu của mình dành cho nhiếp ảnh và thời trang đều ngang bằng nhau, Hedi Slimane đã không để người hâm mộ phải ngóng chờ quá lâu sự trở lại của mình trên sàn diễn thời trang quốc tế.

Bất ngờ hơn cả việc rời bỏ Dior Homme chính là việc ông quay về với nhà mốt đã khởi đầu cho tất cả – Yves Saint Laurent. Năm 2012, Hedi Slimane một lần nữa trở thành Giám đốc Sáng tạo của YSL, nhưng lần này, ông toàn quyền đảm nhiệm cả mảng thời trang nam và nữ. Với tên gọi mới Saint Laurent, hình ảnh thương hiệu Pháp lâu đời được Hedi Slimane làm mới hoàn toàn. Không chỉ thiết kế, mà từ chiến dịch quảng cáo cho đến sàn diễn, cửa hàng và cả logo đều có sự tham gia của vị giám đốc nghệ thuật quyền lực. Saint Laurent của 2012 khác hẳn với Dior Homme 2007, và dĩ nhiên còn khác xa Yves Saint Laurent của những năm cuối thập niên 90. Nhưng điều duy nhất vẫn nguyên vẹn chính là tầm nhìn của Hedi Slimane và sức hấp dẫn trong những thiết kế của ông đối với khách hàng thuộc mọi màu da, giới tính và lứa tuổi.

hedi-slimane-5
BST Xuân Hè 2016 của Saint Laurent dành cho nữ

Sau khi biến Saint Laurent trở thành một cỗ máy in tiền cho tập đoàn Kering, “bàn tay Midas” của Hedi tiếp tục hướng đến một thương hiệu khác: Céline thuộc tập đoàn LVMH – đối thủ đáng gờm của Kering. Vốn được đánh giá rất cao bởi khách hàng lẫn giới phê bình nhờ vào những thiết kế tối giản của giám đốc sáng tạo Phoebe Philo, Céline là một thử thách không dễ dàng ngay cả với Hedi Slimane. Nổi tiếng “cứng đầu” và chưa bao giờ thỏa hiệp quan điểm sáng tạo của mình, Céline được dẫn đầu bởi “ông hoàng rock-chic” Hedi Slimane sẽ là một ẩn số khó đoán. Nhìn vào bảng thành tích chói lọi của Hedi Slimane, Céline trong thời gian tới chắc chắn sẽ không để tín đồ nào của thời trang và nghệ thuật phải thất vọng.

hedi-slimane-1
BST Xuân Hè 2007 của Dior Homme

 

THE INFLUENCE

Không phải đến thời kỳ của mạng xã hội khái niệm “tầm ảnh hưởng” mới được phổ biến rộng rãi. Sự ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang đã trở thành một trong những tiêu chuẩn tiên quyết cho vai vế, vị thế cũng như để đo lường mức độ thành công. Tầm ảnh hưởng có thể đến từ rất nhiều khía cạnh và đều có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đó có thể là quan điểm sắc bén được thể hiện qua từng câu chữ không nhượng bộ, là những thiết kế thể hiện cá tính khó trộn lẫn. Cũng có khi, sức ảnh hưởng được tạo ra từ những điều khó gọi tên nhưng không thể phủ nhận.

Đọc thêm
– Suzy Menkes: Sức ảnh hưởng từ ngòi bút
– Kim Kardashian West: Hiện thân của hashtag #influence


From the same category