Mặc dù vậy, chị rất ngại nâng thành “quan điểm”, thành “tuyên ngôn”. Theo chị, mỗi người phụ nữ trong hoàn cảnh của mình sẽ có những hạnh phúc riêng, không nên và không thể áp đặt.
Hà Linh Thư và chị gái
Không phải bỗng nhiên tôi khoác lên mình chiếc áo tự tin
– Khi còn là họa sĩ thiết kế, chị – như từng chia sẻ – chịu sự gò bó về không gian sáng tác nên muốn phá cách và nổi loạn. Vậy khi thiết kế thời trang, được thoải mái, tự do hơn, chị làm gì?
– Thực ra tôi không gặp khó khăn hay khó chịu gì với thời kỳ làm họa sĩ thiết kế báo. Ngược lại, tôi thấy thoải mái với những kỷ luật đó. Thời trang cũng thế thôi, cũng có những quy tắc và kỷ luật riêng dành cho người sáng tạo. Bạn đừng nghĩ thời trang chỉ là sân khấu, nơi người ta trình diễn những trang phục không ai mặc ra đường. Người làm thời trang cũng phải thực hiện những yêu cầu khác, ví dụ, yêu cầu của khách hàng, yêu cầu về thời gian, về xu hướng, về chất liệu…
– Nói về thời trang, chị hay nhắc tới sự mạch lạc về tư duy. Sự mạch lạc này nên hiểu thế nào?
– Đó chính là điều tôi vừa nói với bạn. Thời trang để trình diễn khác, thời trang để ứng dụng khác, thời trang trên sân khấu khác, và thời trang để người ta mặc ra ngoài đường cũng khác.
– Chị cũng là người hay nói về tầm nhìn của những người làm thời trang. Thực ra, theo tôi thấy, ở môi trường Việt Nam hiện nay cái gọi là “tầm nhìn” là sự làm theo các mô hình đã phát triển và thành công trên thế giới. Nếu thay bằng “không lạc hậu” được không?
– Ý hiểu đó cũng đúng, nhưng “tầm nhìn” của chúng tôi không chỉ tầm thường như thế. Tất nhiên, thế giới đã phát triển tới mức nào, nếu mình không biết được họ đang ở đâu thì sẽ bị lạc hậu vài ba chục năm. Nhưng nhìn họ không phải để làm theo họ, vì như thế cũng đồng nghĩa với việc bao giờ mình cũng đi sau. Mình phải có những sáng tạo riêng, có tầm nhìn xa hơn dựa trên hiểu biết đó, và cần có bản sắc nữa.
– Hiện nay, làng thời trang Việt ngày càng có nhiều những nhà thiết kế được đào tạo về thời trang ở nước ngoài, và có những người từng làm việc tại những kinh đô thời trang lớn trên thế giới. So với họ, chị nghĩ mình có những bất lợi gì?
– Tôi chẳng thấy mình có bất lợi gì. Tôi học trong nước, và được học rất bài bản về những điều phải nói là rất hàn lâm. Điều đó cho tôi một nền móng rất vững để có thể tiếp tục xây dựng những gì mình mong muốn. Tôi thấy trong làng thời trang mỗi người một vẻ, tôi khác, họ khác, và mỗi người đều có những lợi thế riêng.
– Chị cũng nói rằng mình là người xuất sắc, từ khi còn học trong trường. Chữ “xuất sắc” nên hiểu thế nào? “Xuất sắc” ở trường học thì tất nhiên khác so với “xuất sắc” ở ngoài đời?
– Sự xuất sắc ấy được trả lời bằng công việc, bằng sự công nhận của mọi người. Mọi thứ là tự nhiên, chứ không phải bỗng nhiên tôi khoác lên mình chiếc áo Tự tin. Nếu tôi không xuất sắc, tại sao bạn lại ngồi đây và phỏng vấn tôi?
Hà Linh Thư và con gái
Những thứ mà người khác cho là hạnh phúc chẳng thuyết phục được tôi
– Chị là người có quan điểm rất hay về con cái. Chị nói rằng: con cái làm chị đẹp thêm, em bé là trang sức cho chị, chứ không phải con cái khiến người phụ nữ bận bịu hơn, mệt mỏi hơn, và bị ràng buộc hơn, như nhiều người than vãn.
– Tôi cũng chẳng biết tại sao. Việc có em bé khiến tôi rất vui, niềm vui khác với niềm vui ngày trước, vì trước kia tôi cũng rất vui vẻ, hạnh phúc.
Có giai đoạn tôi phải chăm sóc em bé nên không đi giày cao gót, vậy là nhà báo viết rằng tôi tuyên ngôn “từ bỏ giày cao gót”. Không, tôi vẫn đi giày cao gót bình thường. Thực ra đó là một giai đoạn thôi, có lúc tôi thích thế này, có lúc lại thích thế khác, nhưng tinh thần chung là vui vẻ. Tôi rất thích một bài thơ viết về đỉnh Olympus, trong đó có câu: “Nỗi buồn chỉ thoáng qua, niềm vui là vĩnh viễn”.
Có những thứ trong cuộc sống tôi có quan điểm riêng, ví dụ, tôi cho rằng phải trung thực, phải tử tế, phải làm việc nghiêm túc… nhưng những thứ khác thì không. Tôi chẳng bao giờ nói rằng phụ nữ phải độc lập thì mới hạnh phúc, hay chăm con thì phải từ bỏ giày cao gót, phải giản dị. Tôi nghĩ rằng mỗi người phụ nữ sẽ có những cách riêng, những con đường riêng của mình để đạt được hạnh phúc.
– Hà Linh Thư là người sinh ra đã luôn lạc quan, vui vẻ, hay đây là kết quả của một quá trình cố gắng?
– Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải tận hưởng cuộc sống. Thêm nữa, mình cũng phải biết hoàn thiện bản thân hàng ngày. Trong Phật giáo có nói tới việc vừa tu tâm vừa tu thân, không ai sinh ra đã hoàn hảo cả, chính vì thế người ta mới đề cao giáo dục – thứ làm mọi người tốt đẹp hơn. Giáo dục ở nước mình như thế nào thì bạn đã biết, nên mình phải học nhiều để biết cư xử, biết sống, chứ không phải học để có một tấm bằng.
Những thứ này chẳng ai dạy ai được, phải tự làm thôi, không thể nghe lời khuyên của ai được mà phải tự làm, sai cũng được, trải nghiệm rồi sẽ có cách. Sai thì mới biết là mình đúng.
Hà Linh Thư và mẹ
– Quan điểm của chị về hôn nhân thế nào?
– Có vẻ như trong tình yêu và hôn nhân, với nhiều người, sự tin cậy là thứ được đặt lên hàng đầu, nhưng với tôi, thế chưa đủ. Tôi cần nhiều thứ khác nữa để có tình yêu, và từ tình yêu mới dẫn tới hôn nhân. Tin nhau chưa đủ, mà còn phải say mê nhau, phải chia sẻ được với nhau nhiều điều trong cuộc sống, dành cho nhau sự trân trọng, yêu thương, và cả sự tâm đầu ý hợp để trải nghiệm và hưởng thụ cuộc sống…
– Chị có thấy mình đòi hỏi hơi cao?
– Đúng rồi, vậy nên cho tới giờ tôi vẫn chưa thỏa hiệp, nên tôi vẫn chưa lập gia đình. Có thể tôi đòi hỏi cao, có thể tôi muốn sự hoàn hảo, mà cuộc sống thì chẳng có gì hoàn hảo cả, và vì thế có thể tôi chẳng bao giờ đạt được những gì mình mong muốn. Nhưng tôi vui vẻ với điều ấy, không đạt được thì thôi. Tôi cũng thích thú với thực tại mà.
– Chị có bao giờ nghĩ, một gia đình, có thể chưa được hoàn hảo như mong muốn, nhưng vẫn tốt hơn là chỉ có một người mẹ?
– Không, nếu nghĩ thế thì tôi đã lập gia đình. Tôi chẳng nghĩ cái gì tốt hơn cái gì cả. Đừng bắt mọi người ra đường đều phải trang điểm, hay bắt mọi người phải hạnh phúc với việc có chồng, có con. Có người thích có nhiều con, có người chỉ thích một đứa, có người không lập gia đình như tôi và một số người khác… và điều đó không có nghĩa rằng tôi kém hạnh phúc hơn ai.
Bây giờ tôi có nói là tôi hạnh phúc hay không hạnh phúc, thì cũng chẳng ai tin. Và những thứ mà người khác coi là hạnh phúc thì cũng chẳng thuyết phục được tôi. Quan trọng là mỗi người ở trong hoàn cảnh của họ có vui không.
Bài: Linh Hanyi
Nhiếp ảnh: Mạnh Bi
Trang điểm: Cao Tuấn Đạt
Trang phục: Hà Linh Thư
>>> Có thể bạn quan tâm: Cô gái trẻ bước vào showbiz từ năm 8 tuổi và dính scandal năm 19 tuổi. 10 năm sau, người đời mới chịu mở dần cho Hoàng Thùy Linh những cánh cửa của điện ảnh – truyền hình – báo chí mà trước đó đã đóng sập lạnh lùng. Có lẽ, sự nỗ lực mà Linh miệt mài làm việc trong suốt thời gian qua đã có kết quả!