– Chào Duy Lân! Nhìn lại những gì đã qua, thì có thể nói nghề chọn bạn hay bạn đã chọn nghề?
Theo học trường Parsons tại New York, dự định ban đầu của tôi là sẽ theo đuổi ngành trang trí nội thất hoặc thiết kế công nghiệp. Đó cũng là thế mạnh của tôi, do tôi chịu ảnh hưởng từ bố – một kĩ sư và kiến trúc sư.
Kế hoạch là vậy nhưng đến khi chọn môn chuyên ngành ở năm thứ hai, tôi lại muốn thử sức với thời trang. Và rồi tôi học thiết kế thời trang trong 4 năm tại trường Parsons. Tôi thấy ở New York mà không làm thời trang thì tiếc quá, vì thời trang ở khắp mọi nơi, đi đâu cũng thấy, nó có sức sống vô cùng đặc biệt.
– Và bạn đặc biệt yêu thích những đôi giày?
Tôi bắt đầu với việc thiết kế quần áo, nhưng đến khoảng một năm rưỡi cuối khóa học, tôi lại tìm thấy tiếng nói của mình nhiều hơn trong mảng thiết kế phụ kiện. Do đó, tôi quyết định theo hẳn mảng này.
– Bài học quan trọng nhất bạn tích lũy được khi ở Parsons là gì?
Phải luôn luôn chuyển động và chủ động! Thành phố New York và đặc biệt là thời trang sẽ không bao giờ chờ đợi bất cứ ai.
– Mối duyên giữa bạn và Prabal Gurung đã bắt đầu như thế nào?
Tôi làm việc tại Prabal Gurung đến nay đã được hơn 6 tháng. Cơ hội đến với tôi rất tình cờ. Sau khi tôi chấm dứt công việc tại thương hiệu trước đó, một người bạn của tôi, cũng là một trong những nhà thiết kế chính ở Prabal Gurung, có gợi ý tôi tham gia vào quá trình chuẩn bị cho BST Xuân Hè 2018 của hãng, bởi các mẫu giày trong bộ sưu tập đang cần chỉnh sửa mà không ai trong công ty có chuyên môn về giày dép. Sau một tuần giúp họ, tôi được mời ở lại làm tiếp cho mùa sau, chính là mùa Thu Đông 2018 vừa diễn ra.
– Bạn có thể chia sẻ về quy trình làm việc tại Prabal Gurung được không?
Trước mỗi bộ sưu tập, ở Prabal Gurung luôn có một buổi họp chung để phổ biến ý tưởng cho các mẫu quần áo và phụ kiện. Sau đó, tôi sẽ vẽ phác thảo khoảng 50 đến 60 mẫu; tiếp theo là giai đoạn chỉnh sửa, lựa chọn để sản xuất.
– Các mẫu giày trong BST Thu Đông 2018 của Prabal Gurung được thực hiện dựa trên những yếu tố gì?
Cảm hứng chính của tôi được lấy từ bộ tộc mẫu hệ Mosuo ở miền núi Trung Quốc. Những chi tiết như nút thắt, vải buộc và chất liệu của giày đều xuất phát từ trang phục của những người phụ nữ thuộc bộ tộc này. Lựa chọn chất liệu gỗ cho gót giày, tôi cho rằng điều đó thể hiện được sự ấm áp, gần gũi của thiên nhiên. Tôi sử dụng thêm chi tiết kim loại mạ vàng để tăng tính hiện đại cho đôi giày, đồng thời cũng tạo ra sự đồng điệu với những mẫu hoa tai làm bằng kim loại mạ vàng và ngọc trai trong bộ sưu tập. Tôi nghĩ hai chất liệu gỗ và kim loại khi kết hợp cùng nhau sẽ tạo ra sự tương phản ấn tượng.
– Bạn có bao giờ phải đấu tranh để cân bằng tính sáng tạo và tính ứng dụng trong các thiết kế của mình không?
Đó là thử thách không tránh được và cần có trong công việc thiết kế, dù đôi lúc nó khiến tôi đau đầu không ít. Phải làm sao để vừa tận dụng kiến thức được thụ hưởng từ trường lớp, vừa thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng bên cạnh đó lại phải vận dụng óc thực tế và thậm chí tuân thủ theo một số yêu cầu mang tính thương mại mà hãng đưa ra.
– Phong cách thiết kế bạn hướng tới là gì?
Tôi muốn mang đến những thiết kế đơn giản nhưng vẫn bắt mắt và có tính ứng dụng cao. Phụ nữ luôn muốn sở hữu những đôi giày đẹp, “chất”, nhưng vẫn phải dễ đi và không quá phức tạp mà, đúng không?
Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
– Alexander Wang (2013-2014)
– 3.1 Phillip Lim (2015)
– R13 Denim (2016-2017)
– Prabal Gurung (2017 đến nay)