Lúc đầu tôi không thích ông Minh
– Cơ duyên nào đưa anh đến với vai ông Minh trong bộ phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp” của đạo diễn Vũ Trường Khoa?
– Tôi tham gia khá nhiều phim của Vũ Trường Khoa nên cứ có vai nào phù hợp là Khoa mời tôi ngay. Khi tôi đang ở Quảng Trị để quay phim “Thầu Chín ở Xiêm” thì Khoa gọi điện cho tôi, mời tôi đóng vai ông Minh, vì theo lời Khoa không có ai phù hợp hơn. Khoa đồng ý sẽ quay những cảnh không có tôi trước vì tôi không về kịp. Sau đó, Khoa gửi kịch bản để tôi nghiên cứu.
NSƯT Trung Anh (áo đen) trong một cảnh quay phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp”
– Nghe nói anh đã “thò tay” vào sửa kịch bản cho đạo diễn, thực hư chuyện này thế nào?
– Lúc đầu, đọc xong kịch bản tôi không thích nhân vật ông Minh một chút nào. Tôi thấy đây là một nhân vật không nhất quán, thậm chí còn có một chút gì đó nhỏ nhen và không xứng đáng là trụ cột gia đình cho lắm. Tôi có đề nghị với đạo diễn Vũ Trường Khoa là nếu vẫn muốn tôi tham gia thì phải đồng ý sửa kịch bản theo góp ý của tôi. Tôi muốn nhân vật phải có lai lịch rõ ràng. Cuối cùng Khoa đồng ý và tôi chính thức tham gia diễn xuất.
“Gương mặt khắc khổ thế này, có bao giờ đóng được vai trẻ tuổi đâu”
– Lần đầu đóng cặp với NSƯT Thanh Quý, một diễn viên gạo cội lại hơn tuổi trong vai chồng – vợ, anh có bị áp lực không?
– Người áp lực không phải là tôi mà là chị Thanh Quý (cười). Khi mà biết đóng cặp với tôi, chị Thanh Quý giãy nảy và không đồng ý. Chị e ngại, vì hơn tuổi tôi nên sợ lên hình sẽ già hơn. Cuối cùng, chính tôi là người đã thuyết phục chị nhập vai, vì khó ai có thể diễn thành công hơn chị vai bà vợ ông Minh. Phải nói thực, chị Quý đóng có hồn, chuyên nghiệp và rất đáng yêu.
– Anh có bao giờ tự hỏi tại sao các đạo diễn luôn mời anh đóng cặp với những nữ diễn viên hơn tuổi mình (từ Minh Châu, Lan Hương đến Thanh Quý)?
– Vì tôi có ngoại hình già, mặt lại nhiều nếp nhăn (cười). Mặc dù kém tuổi các chị nhưng khi lên hình thì trông tôi bao giờ cũng già hơn các chị nhiều. Ví như khi tôi đóng cùng với chị Minh Châu trong phim “Nếp nhà”, trông chị Châu rất trẻ trung còn tôi thì… Mà bạn biết đấy, khuôn mặt khắc khổ có bao giờ đóng được vai trẻ hơn tuổi đâu.
Các đạo diễn thường “đóng đinh” tôi với các vai diễn hiền lành, ngoại hình già nua hoặc nhân vật có đời sống lam lũ, sóng gió. Chưa có đạo diễn nào mời tôi vào vai đại gia, quan chức hay người sung sướng bao giờ.
– Nghệ sĩ mà cứ diễn mãi những vai “đo ni đóng giày” rất dễ một màu và gây nhàm chán cho khán giả. Anh có nghĩ vậy?
– Tôi luôn muốn các vai diễn của mình đa dạng, nhưng biết sao được, đó là quyền của đạo diễn. Đạo diễn ở Việt Nam họ luôn muốn sự an toàn, có nghĩa thấy diễn viên nào phù hợp ngoại hình với một kiểu vai nào đó, cứ thế họ mời mà thường không dám mạo hiểm cho diễn viên thử sức.
Nhưng nếu nhận xét tôi “một màu” thì cũng không đúng hẳn, vì mỗi nhân vật là một số phận khác nhau, nên khó có chuyện vai nào cũng giống nhau được. Còn về chuyện nhàm chán thì khán giả mới là những người có câu trả lời.
– Chưa một lần hóa thân thành nhân vật phản diện, nhưng có vai diễn nào khiến anh cảm thấy mình được lột xác chưa?
– Đó là vai Trữ – một người điên trong phim “Mê lộ”. Để hóa thân vào một nhân vật bị sang chấn tâm thần sau khi ở chiến trường trở về, tôi đã phải bỏ rất nhiều công sức, thậm chí, tôi phải xin giấy giới thiệu của Đài Truyền hình Việt Nam, sang Trâu Quỳ tìm hiểu cuộc sống của những người tâm thần, để hóa thân thành một bệnh nhân điên thích hợp nhất. Lúc đó, nhiều người cản vì sợ, nhưng tôi vẫn quyết đi và cuối cùng tôi đã gặt hái được thành công.
– Khi anh lồng ghép yếu tố hài vào các vai diễn vốn tưởng không hài, như ông Minh trong “Hôn nhân trong ngõ hẹp” hay vị thủy thủ già trong vở kịch “Hàng xóm chung cư”, thì anh thấy dấu ấn cá nhân của mình thể hiện ở chỗ nào?
– Đó là để tạo ra cho vai diễn một sự duyên dáng thôi. Tất nhiên không có chuyện diễn viên muốn làm gì thì làm, mà bao giờ cũng phải dựa trên chất liệu kịch bản có sẵn, vì “có bột mới gột nên hồ” chứ. Tôi đưa một chút khác biệt vào trong các nhân vật mà mình đóng, vì tôi thực sự không muốn bỏ phí bất cứ một chất liệu nào sẵn có. Yếu tố hài cũng vậy, đó là một chất liệu tưởng chừng như không tồn tại và không quan trọng đối với khắc họa tính cách tâm lý nhân vật ông Minh hay vị thủy thủ già nhưng lại giúp người xem cảm thấy thoải mái và dễ tiếp cận hơn.
Vợ chưa bao giờ phàn nàn vì đồng lương ít ỏi
– Nhiều người cho rằng kịch mục miền Bắc đang thảm hại, còn tổng thể sân khấu miền Bắc thì được ví là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” khi so sánh với sân khấu miền Nam. Có lẽ vậy, những người làm sân khấu như anh cuối cùng đều “chạy” về phim truyền hình tìm cách sống. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sân khấu, anh nghĩ gì?
– Đổ hết tội cho kịch mục là không phải đâu, vì thực tế là, có nhiều vở diễn sân khấu rất hay nhưng khi bán vé thì không ai mua. Tất nhiên chuyện thiếu kịch bản hay cũng có, nhưng tất cả chỉ là một trong nhiều lý do để sân khấu miền Bắc đi xuống, trong đó, việc quản lý và tâm lý khán giả cũng vô cùng quan trọng.
Tất nhiên nếu so sánh với thu nhập của các nghệ sĩ sân khấu miền Nam thì các nghệ sĩ miền Bắc sẽ thêm buồn. Nhưng văn hóa tiếp nhận, tư duy, thói quen của người miền Nam khác rất nhiều với người miền Bắc, nên nếu sân khấu Bắc có dựng vở giống Hồng Vân, Thành Lộc đã làm, cũng chưa chắc đã có người xem.
Tôi yêu sân khấu, yêu hơn cả điện ảnh. Với tôi, sân khấu mới là nơi tôi đi về, đam mê và sống chết, còn điện ảnh hay phim truyền hình chỉ là phương cách tạm mưu sinh cuộc sống mà thôi. Tất nhiên, dù chỉ là sự rẽ ngang, nhưng đã làm phải làm tốt nhất những vai đã nhận, vì nếu làm dở thì lần sau chẳng ai mời mình nữa, lấy gì mà sống (cười buồn).
– Nghề diễn nghèo vậy, có bao giờ vợ anh tỏ ý phiền lòng không?
– Vợ tôi tuyệt nhiên không bao giờ phàn nàn về đồng lương hay cát sê ít ỏi của chồng. Mặc dù cô ấy không phải là diễn viên nhưng lại rất thông cảm với tôi. Cô ấy là một người hâm mộ các vai diễn của tôi.
– Với một người luôn phải xa nhà vì đi diễn như anh, thì trong gia đình, ai là người chăm lo và dạy dỗ con cái?
– Đúng là tôi là người ít có thời gian chăm sóc con cái. Công việc dạy dỗ con bao nhiêu năm qua đều là do vợ. Con cái ngoan ngoãn, học giỏi tôi phải gửi lời cảm ơn tới cô ấy.
– Ông Minh trong “Hôn nhân ngõ hẹp” dù bảo thủ, cực đoan nhưng vẫn là người chồng, người cha tốt. Còn anh tự thấy mình là người đàn ông như thế nào trong gia đình?
– Một người cha nghiêm khắc và một người chồng tốt.
-Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài: Sơn Minh Khê
Ảnh: Nhân vật cung cấp