NSƯT Thành Lộc: Hoài bão dở dang đã được gửi vào Đức Vĩnh - Tạp chí Đẹp

NSƯT Thành Lộc: Hoài bão dở dang đã được gửi vào Đức Vĩnh

Sao

Vui mừng trước hiện tượng Đức Vĩnh – cậu bé vừa giành ngôi Quán quân Vietnam’s Got Talent 2014, người được cho là “có bóng dáng của một thần đồng”, nhưng sau đó, giám khảo Thành Lộc lại trăn trở trước một “bài toán khó đến buồn lòng” khác: Sẽ đi về đâu, những em bé nghèo, là tài năng nhí của nghệ thuật truyền thống, khi hoa hồng của game show không có ý định trải dài đến thế.


Đức Vĩnh được các anh chị thí sinh công kênh khi trở thành người chiến thắng

Màn hóa thân của Quán quân Vietnam’s Got Talent 2014 Đức Vĩnh trong trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “rằng hay thì thật là hay”, nhưng liệu có ổn chăng, theo anh, khi bắt một em bé mới 8 tuổi mà đã học cách liếc mắt đưa tình lẳng lơ như vậy?  

“Tôi có cảm giác kiếp trước của Vĩnh hẳn phải là một cố nghệ sỹ nặng lòng lắm với nghệ thuật truyền thống và còn mang trong mình nhiều hoài bão dang dở nên mới “gửi gắm” hết cả vào Vĩnh. Nhưng để nói, sau Got Talent, Vĩnh còn đi tiếp được hay không thì còn cần đến cả một sự “nặng lòng” hơn thế của nhà quản lý… Một bài toán khó đến buồn lòng!”

– Ý bạn là không nên cho con nít đóng vai người lớn chứ gì? Thế còn người lớn đóng vai con nít thì sao? Có phải là bất công quá không, khi chúng ta luôn tự cho mình cái quyền bắt một đứa trẻ không được làm điều nó thích, còn người lớn thì được? Đồng ý là không nên, nếu đó là trong một nhà hát dành riêng cho thiếu nhi. Nhưng đây là một cuộc thi dành cho rộng rãi đối tượng người thi, người xem kia mà? 

Và đã là thi thố, lại là cuộc thi tìm kiếm tài năng, thì rõ ràng thí sinh phải làm được một điều gì đó hơn người, vượt lên trên khả năng và ngoài sức tưởng tượng của khán giả thì mới mong giành được chiến thắng chớ! Còn nếu như chui vào một bộ đồ, hóa trang thành con chó, con mèo đeo nơ và hát những bài hát ngộ nghĩnh, đứa con nít nào cũng hát được thì cầm chắc sẽ bị đánh rớt ngay từ vòng gửi xe rồi. Phải là những đề ra khó nhằn thì thí sinh mới có cơ hội phô diễn hết tài năng của mình chớ!

Bản chất của nghệ thuật là không giới hạn, tài năng không đợi tuổi nên đừng nhìn vào tài năng bằng con mắt khe khắt, giáo điều!

Đức Vĩnh trình diễn trên sân khấu trong đêm chung kết

– Chẳng phải dư luận từng bức xúc vì một “bé Châu thần đồng” thổn thức ôm ngực đòi “trả nợ tình xa” sao? Hay thoáng như phương Tây mà còn lên tiếng phản đối việc một “siêu mẫu nhí” với những màn đánh mông điệu nghệ. Chiếc “vé đi tuổi thơ” phải chăng đang bị làng giải trí (đặc biệt là truyền hình thực tế) đánh cắp, với đủ mọi bao biện?

Cố nhiên là tôi cũng không thích bé Châu phải “trả nợ tình xa”; không tán thành mấy màn yêu đương vờ vịt, những ca khúc não tình mà người ta bắt trẻ con phải gân cổ hát để kiếm tiền. Và theo như tôi hiểu, việc công chúng phương Tây lên tiếng phản đối vụ “siêu mẫu nhí” cũng là vì không đồng ý với việc người lớn đã bắt trẻ con phải lao động quá sớm.

“Bản chất của nghệ thuật là không giới hạn, tài năng không đợi tuổi nên đừng nhìn vào tài năng bằng con mắt khe khắt, giáo điều!”
Nhưng nếu như đó là một sân chơi thì lại không thành vấn đề. Bằng chứng là có hẳn một cuộc thi dành cho trẻ em, dạng như Gương Mặt Thân Quen, để các em được thỏa thích bắt chước các thần tượng của mình. Hay như giả dụ, để trẻ con hát một bài như “Việt Nam quê hương tôi” (mà hồi giờ vẫn được xem là bài người lớn), bạn thấy có dễ thương không? Dễ thương quá đi chứ! “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi…” – cùng là một câu hát, nhưng trẻ con hát, nó sẽ mang một vẻ đẹp khác hẳn.

Nghệ thuật và giải trí được phép làm những điều mà pháp luật không cấm, nhưng công chúng thì luôn có quyền ủng hộ hay phản đối, thậm chí tẩy chay. Cái gì không phù hợp với thị hiếu, tự nó sẽ bị đào thải, nên theo tôi, chúng ta không cần phải quá lo lắng.

Đức Vĩnh và mẹ sau cuộc thi đều khóc vì xúc động.

– Truyền hình thực tế đã đưa đến bao cuộc đổi đời, nhưng đôi khi cũng làm khó ngay chính những “chiếc vòng nguyệt quế”. Với những gì Đức Vĩnh đã làm được ở Vietnam’s Got Talent 2014, anh có nghĩ cơ hội dành cho “Quán quân nhí” này sẽ rộng mở?

– Vietnam’s Got Talent vốn dĩ không phải là sân chơi dành cho những người nổi tiếng, cũng không phải là nơi cung cấp tài năng cho showbiz, mà bất kỳ một người lao động nào nếu có một khả năng đặc biệt nào đấy cũng có thể tìm thấy cho mình niềm vui được “làm khác, sống khác” so với những ngày thường của họ. Rồi sau đó, có thể ai sẽ lại về nhà nấy và sống tiếp những ngày thường bình dị của họ, như chưa từng tỏa sáng. Chẳng hạn như Trần Đức Kiên – Quán quân Vietnam’s Got Talent 2013, sau giây phút đăng quang, lại vui vẻ trở về với công việc luật sư của mình mà không nhất thiết phải lao vào showbiz. Để rồi khi trở lại sân khấu Got Talent như đêm chung kết vừa rồi, tôi thấy cậu ấy còn hát hay hơn cả trước.

Với trường hợp của Đức Vĩnh, tôi cho rằng, còn hơn cả tài năng, ở cậu bé này như thấp thoáng bóng dáng của một thần đồng. Cứ như thể có ai đó đã “nhập” vào cậu ấy vậy. Tôi có cảm giác kiếp trước của Vĩnh hẳn phải là một cố nghệ sỹ nặng lòng lắm với nghệ thuật truyền thống và còn mang trong mình nhiều hoài bão dang dở nên mới “gửi gắm” hết cả vào Vĩnh. Nhưng để nói, sau Got Talent, Vĩnh còn đi tiếp được hay không thì còn cần đến cả một sự “nặng lòng” hơn thế của nhà quản lý… Một bài toán khó đến buồn lòng!

Bài: Thư Quỳnh

Ảnh: Ban tổ chức


logo 

Thực hiện: depweb

07/04/2015, 18:16