NSƯT Thành Lộc: “Chắc Linh nợ nhân gian nhiều hơn tôi”

Thành Lộc – Hoài Linh: Kẻ “cõng hạc” người “đội bia”

Hai “ông hoàng sân khấu”, ông bên Idecaf, ông bên Nụ cười mới, mỗi ông một chiếu. Ông (được cho là) thuộc về chiếu “bác học, hàn lâm”, ông còn lại thuộc về chiếu “bình dân”. Họ có bao giờ xem nhau diễn? Có phục nhau không? Và có điểm chung nào không? Giống và khác, xa mà gần, liệu họ nghĩ gì về nhau, có như những gì truyền thông trước giờ phỏng đoán?

Cũng như bạn, Đẹp vừa tìm thấy câu trả lời, thú vị chưa từng có…

Đọc thêm bài viết: Nghệ sĩ Hoài Linh: “Đét em đi, đại ca!”

Ý tưởng hình ảnh: Hellos/ Nhiếp ảnh: Trọng Đức/ Stylist: Johnny Mạch
Bài: Thư Quỳnh – Thục Khôi



Nghệ sĩ Thành Lộc


Xem Hoài Linh diễn, lắm lúc tôi cũng bò lăn ra cười

– Lâu rồi, trước cả “sự cố hiểu nhầm” Cao Hữu Thiên, tôi nhớ là anh có lần nói: “Tôi từng mang chuông đi đánh xứ người vào thời kỳ vàng son của phong trào chạy show hải ngoại. Nhưng (…) một người nhạy cảm như tôi không thể tìm thấy được vinh quang, thậm chí còn thấy trong đó có vị chua”. Nếu là Hoài Linh, hẳn tôi phật ý lắm, khi phân nửa sự nghiệp của Hoài Linh là ở hải ngoại…

– Đúng là tôi từng nói câu đó, nhưng ở thời điểm đó, nó có ngữ cảnh riêng. Đó là những năm 1980, cái thời mà kiều bào ta ở Châu Âu và hải ngoại nói chung chủ yếu xem hai thể loại phổ biến nhất hồi đó là ca nhạc và tấu hài, nên qua đó, mình không thể diễn được kịch dài như bây giờ. Khán phòng thì thường là nơi người ta có thể vừa ăn uống vừa xem diễn, thành ra ai xem cứ xem, ai ăn cứ ăn. Hiếm hoi lắm mới có được một sân khấu tạm gọi là đúng nghĩa. Thế nên, tôi mới nói “trong đó có vị chua” là vậy.

– Một cách mặc nhiên, nhiều người làm nghề cũng như khán giả thường cho rằng Hoài Linh là đại chúng, bình dân; Thành Lộc là sang trọng, bác học… Anh thấy sao?

– Có lần, Linh nói với tôi: Em xuất thân từ bình dân, lại không được học hành bài bản như anh nên vì thế ít khi khắt khe hơn với những đàn em có cùng xuất thân, hoàn cảnh giống mình. Còn tôi thì ngược lại, trên sàn tập, tôi chính xác là một hung thần. Thế nên, trong nghệ thuật, Hoài Linh cởi mở, dễ chịu bao nhiêu thì Thành Lộc khắt khe, khó chịu bấy nhiêu!

Nhưng một mặt, tôi cho rằng: Được học thì đương nhiên tốt hơn không được học, song cùng lắm, cũng chỉ cho mình cái nền tảng mà thôi. Ăn thua vẫn là năng khiếu trời cho. Chẳng phải nghề này cũng có đầy người được đào tạo bài bản, nhưng thử hỏi, liệu có diễn ra nổi cái duyên trời cho như Hoài Linh không? Nên đừng bao giờ tự vỗ ngực xưng mình là bác học và chê người khác bình dân, vì làm thế, khác nào tự đóng khung và treo giá mình lên. “Giá” ở đây, coi chừng vừa là “giá trị” vừa là “giá treo cổ” đó!

– Từ chỗ mình đang đứng, anh thấy con đường Hoài Linh đi trước giờ thế nào?

– Không thể phủ nhận Hoài Linh là một người có tài. Và Linh lẽ ra còn có thể làm hơn thế, phát tiết được nhiều hơn thế, nếu như cậu ấy biết đầu tư đúng chỗ hơn. Đây, tôi chỉ thấy Hoài Linh đa đoan quá, tự gánh vác lên mình nhiều món nợ đời quá, nhiều ơn nghĩa quá, mà đôi khi đâm ra có phần chểnh mảng một vài chỗ cần trau chuốt…

– Anh không sợ là mình võ đoán sao, khi tình thân giữa hai người rõ ràng là không đủ?

– Đúng là gần đây, khi cùng ngồi ghế nóng Vietnam’s Got Talent, tôi mới có dịp được nghe Linh tâm sự nhiều hơn về những trăn trở, khát vọng làm nghề trước nay vẫn nằm trong con người tưởng chừng như vô tư lự đó. Cậu em tôi tiếng là không lập gia đình nhưng trên thực tế lại phải lo lắng cho rất nhiều người thân, mà có những cái lo phải có tiền mới trang trải được. Thành ra, Linh phải hy sinh khá nhiều. Trong đó, phần nào, có cả nghệ thuật, khi không phải lúc nào Linh cũng được làm những thứ mình thích.

Trở lại với từ “bình dân” bạn nói ở trên. Quả đúng Hoài Linh là một nghệ sỹ rất nổi tiếng trong giới giải trí nhưng lại luôn gắn với hai chữ “bình dân”. Dĩ nhiên, “bình dân” trong ý tứ của tôi không hề hàm ý khinh khi, giễu cợt một chút nào, vì nghệ thuật, nói cho cùng, cũng từ dân gian mà ra. Chỉ là, tôi luôn nghĩ, một khi đã là một nghệ sỹ làm nghề chuyên nghiệp, thì đến một lúc nào đó, đạt đến một tầm nào đó rồi, người ta có quyền nghĩ đến và mơ đến những tầng bậc cao hơn, xa hơn thế một chút. Nhưng đến khúc đó, đoạn đó, thì Linh lại chọn rẽ sang một hướng khác, không giống tôi nghĩ, nếu tôi là cậu ấy. Nên tôi e nếu lúc nào đó giả sử Linh muốn quay lại là nghe chừng hơi khó nhọc đấy, hơi mắc mớ ở khúc đó. Dù vẫn biết, vầng hào quang mà Linh có là hoàn toàn không dễ, với bất kỳ ai.

– Đồng ý, ở Idecaf, hay một sân khấu ở dạng “thánh đường nghệ thuật” nói chung, thì Thành Lộc đích thị là một ông vua. Nhưng nếu đi diễn tỉnh, thì Hoài Linh chắc chắn sẽ ăn đứt Thành Lộc. Nghệ thuật, vì thế, rất khó nói đâu sang, đâu hèn?

– Đúng vậy! Một tô bún riêu bán ở nhà hàng máy lạnh, còn tô kia bán ở vỉa hè, chưa chắc tô nào ngon hơn tô nào, vì đôi khi, còn là cảm giác, khẩu vị. Cũng như không thể nói, chính kịch sang hơn hài kịch được, thế không lẽ cả cái nhà hát Molière bên Pháp là rẻ tiền sao? Rồi nội ngay trong cái chuyện giả gái, dù có thể là với hai ý đồ nghệ thuật khác nhau, nhưng cả tôi và Linh, ai nấy cùng đều chỉn chu đó chứ! Xem Hoài Linh diễn, lắm lúc tôi cũng phải bò lăn ra cười! Hỏi Hoài Linh diễn có duyên không, tôi chắc chắn giơ cả hai tay: Thưa, duyên quá! Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ diễn khác. Và tôi tin khi xem tôi diễn, Linh cũng sẽ nghĩ như vậy.  

– Nó cũng tựa như cái sự “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa Đông y và Tây y đấy nhỉ?

– Tôi từng bị căn bệnh gai cột sống, Tây y bó tay mà Đông y chữa khỏi đây nè! Tôi cũng biết, ở bên trời Tây, người ta đã vận đến giác hơi để chữa bệnh. Chẳng phải khoa học tiến bộ đã thừa nhận thành tựu của Đông Tây y kết hợp rồi sao? Trong nghệ thuật, tôi nghĩ cũng vậy. Chỉ là, đôi khi có thể vì một chút “sĩ diện nghề nghiệp” mà người ta không chịu công khai thừa nhận nhau thôi, nhưng trong thâm tâm thì vẫn thầm cảm phục.      

Tôi từng từ chối những lời mời béo bở

– Cảm giác của anh khi nghe Hoài Linh gọi là “đại ca” và xưng là “tiểu đệ”? Đó đơn giản là cái duyên xã giao ở một người sẵn máu hài hước, hay còn là cả một sự “biết mình, biết người” ở đây?

– Thường thì tôi thấy Hoài Linh rất tự tin khi giao tiếp với đồng nghiệp và nếu như không nhầm thì phần nhiều cậu ấy đứng vào vị trí cao hơn họ một chút. Nhưng với tôi, Linh cư xử có phần khác hơn đấy. Vì hẳn là về tuổi đời lẫn tuổi nghề, đúng là tôi có đi trước Linh một quãng. Bởi thế, trong lời lẽ ý tứ, giữa những câu chuyện về nghề nghiệp, vẻ như Linh luôn tỏ ý khiêm nhường, lùi lại một chút…

– Nếu nói Thành Lộc là một chiếc áo rất sang nhưng luôn luôn phải ủi, thì Hoài Linh là một chiếc áo (có thể) không sang bằng nhưng lại rất thoáng mát và thích nhất là không phải ủi, anh thấy có trúng?

– Cũng có lúc tôi mặc một chiếc áo không ủi, thậm chí tự tay tôi còn vò nhàu nó. Các bạn không để ý, trong Vietnam’s Got Talent, Hoài Linh thậm chí còn quần là áo lượt hơn cả tôi sao. Rồi ngay cả trong cái sự ăn cũng vậy. Hoài Linh quanh năm suốt tháng chỉ chơi độc mỗi món kho quẹt. Còn Thành Lộc thì chính ra mới là thằng dễ nuôi nè, vì cái gì hắn cũng ăn được hết. Rồi thì trong nghệ thuật, có lúc hắn khiến người ta phải im phăng phắc, nhưng cũng có lúc hắn lại khiến người ta phải cười như nắc nẻ. Chải chuốt có cách của chải chuốt, mà thô ráp cũng có cách của thô ráp! Và nghệ thuật, đúng ra, là phải có tất cả: có cái nghiêm ngắn, chỉn chu, thì lắm khi cũng phải có cái bông phèng, “tự nhiên chủ nghĩa”. Có như thế, nghệ thuật mới đến được gần cuộc sống.  

– “Kẻ giàu thì không sang, người sang thì không giàu” – Tôi đánh liều nói vậy, anh có thấy chướng tai không?

– Dạ đúng, tôi không giàu. Tôi chỉ đủ ăn. Tôi cũng từng từ chối những lời mời béo bở về mặt tài chính. Còn Linh thì có lúc không nỡ chối, trăm sự cũng chỉ bởi cái tình với người thân, vì bổn phẩn làm người mà cậu ấy khó nhọc và tự nguyện mang vác. Kể mà nói nợ nhân gian thì chắc Hoài Linh nợ nhiều hơn tôi. Điều đó làm tôi thương quý người bạn của tôi nhiều hơn.   

  Dù thuộc về hai thị phần khán giả khác nhau nhưng dẫu gì thì ngai vàng cũng chỉ nên có một vua thôi nhỉ! Đã bao giờ vì thế mà anh phải ngửa cổ kêu giời: “Trời đã sinh ra Lộc sao còn sinh ra Linh” không vậy?

– Bạn biết vì sao sân khấu phía Bắc bấy lâu nay gần như tê liệt không? Chính là vì họ quá một màu. Trong khi, sân khấu phía Nam thì hết sức đa dạng, vừa có Hoài Linh lại vừa có Thành Lộc. Bạn không mừng cho chúng tôi thì thôi, sao cứ phải lo giùm vậy!

– Hai con người cùng đáng yêu làm vậy, vì sao tới giờ này vẫn lẻ bóng đi về thế nhỉ?

– Tụi này lắm khi còn cô đơn được là còn mừng đó! Trong nghề này, tôi có quen mấy người chưa từng biết cô đơn, buồn khổ là gì, y như rằng diễn dở ẹc. Ông trời ổng công bằng vậy đó, không cho ai hết, cũng không lấy đi của ai tất cả.

– Hoài Linh nhận con nuôi, còn Thành Lộc thì không. Không lẽ anh cần sự cô đơn đến thế sao?

– Dạ không. Thứ nhất là tôi không có tiềm năng về kinh tế. Thứ hai là trước nay, tôi vốn không có thói quen chống cự nỗi buồn. Giờ tôi tròn 53 tuổi rồi, đã quá quen với việc được tự chủ, tự quyết đời mình rồi nên giờ ai biểu tôi cô đơn hay đòi về sống cùng nhà với tôi là tôi khó chịu lắm đó…

logo


From the same category