NSƯT Quang Lý: Một thời du ca hoang dại - Tạp chí Đẹp

NSƯT Quang Lý: Một thời du ca hoang dại

Giải Trí

Đó là dấu ấn một thời du ca trên khắp các nẻo đường, rồi những ngày tháng cơ cực phụ vợ may hàng gia công, làm kem chuối, bánh ngọt mà có khi vẫn phải bán cả quần áo của mình để lo cho các con… Nhưng chính những thăng trầm cuộc sống ấy đã làm nên một Quang Lý hôm nay. 

Tôi đến gặp Quang Lý trong buổi sáng cuối tuần, khi đến, anh đang cùng các học trò là nhóm It’s Time luyện thanh ở chính khách sạn cũng là căn nhà hiện anh đang sống cùng gia đình ở con phố nhỏ ngay Q.1, TP.HCM. Tóc anh đã muối tiêu nhưng giọng nói trầm ấm vẫn khiến mỗi lúc quay đi, lòng tôi lại chộn rộn, giống như lại được thấy một Quang Lý của những tình khúc Phú Quang say đắm hiện hình trước mắt.

Và câu chuyện không liên quan đến nhạc Phú Quang đã bắt đầu, kể về một chặng đường sống khác anh đã trải qua để đi đến ngày hôm nay, chưa hề dễ dàng. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu khi các học trò chào thầy ra về, thỉnh thoảng có tiếng trẻ nhỏ xen vào và thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ thỉnh thoảng lại cười liếc yêu chồng.

Thời du ca tự do và hoang dại

– Khi nhắc đến tên tuổi những nghệ sĩ “du ca”, người ta hay nhắc đến Trần Tiến. Nhưng được biết lúc anh mới vào Sài Gòn, anh và nhạc sĩ Trần Tiến chính là một cặp đã cùng nhau lang thang rất nhiều nơi để hát. Anh còn nhớ thuở bắt đầu đặt chân đến mảnh đất này chứ?

– Tôi vào Sài Gòn một mình, để lại vợ con ngoài Bắc, nghĩ là đi đến miền đất mới để tìm cơ hội. Vào thành phố, tôi đầu quân về Nhà hát Bông Sen. Lương cũng chỉ đủ sống qua ngày. Tôi biết anh Tiến từ lâu, tôi từng biểu diễn thành công bài hát “Tạm biệt chim én” của anh ấy nhiều lần trên các sân khấu miền Bắc, nhưng gặp anh Tiến lần đầu ở quán bia, khoảng năm 1985. Anh Tiến bảo tôi hát “Ngẫu hứng lý qua cầu” của anh ấy đi vì giọng tôi hợp với bài đó. Không ngờ bài hát lần đầu tôi biểu diễn đó được nhiều khán giả chấp nhận. Thấy hai anh em có duyên, Trần Tiến rủ tôi cùng đi kiếm xống với anh ấy. Thế là từ đó mỗi người một đàn guitar cùng nhau lang thang mấy năm trời.

Hồi gặp Trần Tiến, tôi rất sợ vì tôi vốn nhút nhát, anh Tiến lại xù xì. Nhưng tiếp xúc mới thấy anh ấy dễ thương lắm, tôi nhận ra cái tình trong anh ấy nên đi theo. Anh Tiến bảo: “Mày trong sáng lắm, tao muốn mày xù xì nữa cơ” nhưng tôi nói: “Chất em thế không thể xù xì theo kiểu của anh được”. Có lần đi diễn, hát bài “Ngọn lửa cao nguyên”, anh ấy bảo tôi mặc áo hở cổ theo kiểu bụi phủi (dù một chút thôi) và đeo cái vòng, hạt to bằng ngón tay do chính anh mua cho. Nhưng tôi hát mà cảm thấy không phải mình nữa. Ngày hôm sau tôi bảo anh ấy: “Em không thể hát khi đeo cái mớ này của anh được” (cười sung sướng).

– Nhạc sĩ Trần Tiến có lần kể về những lần đi hát bị đói. Anh còn nhớ chứ?

– Có, đói chứ. Chúng tôi đi hát cũng có tiền nhưng thường tiền chỉ đủ để trang trải đến điểm hát sau. Hôm đó đi diễn về được ít cát-sê, anh Tiến bảo: “Thôi người ta không thưởng cho mình thì mình tự thưởng vậy”. Chúng tôi rủ nhau ra quán phở, lẽ ra chỉ được ăn bát phở thường nhưng hôm đó mỗi người thêm một quả trứng, đó gọi là phần thưởng đấy.

– Cách kiếm sống bằng “du ca” ấy của các anh “ổn thỏa” được bao lâu?

– Thực ra nói là kiếm sống cho oách vậy chứ chúng tôi chỉ làm đủ tiền ăn và đủ tiền để tiếp túc đến nơi tiếp theo trong hành trình để hát. Chúng tôi không hát ở tụ điểm mà hát rất nhiều với sinh viên, hát ở nông trường, công trường, hát cho nông dân cũng có và không hề có tiền. Lần đến hát cho nông dân ở một xã ngoài Bắc, có củ khoai, củ sắn gì đó mình ăn xong lại hát tiếp cho họ nghe ngay trên thửa ruộng các bác ấy đang cày. Thời đó chả ai khá được, đủ cho con ăn học là may nhưng cuộc sống phơi phới.

Tôi còn nhớ mãi lần chúng tôi đến biểu diễn ở một nông trườn cao su tại Đồng Nai, anh giám đốc đã cho tụi tôi một chiếc ô tô Jeep và bảo: “Thôi cho hai thằng mày không cứ lang thang mãi bằng cái xe cà tàng quá”. Lúc đó hai anh em thường đi cái Vespa cổ của anh Tiến.

– Quãng thời gian đó có ý nghĩa thế nào với anh?

– Nó góp phần tạo nên một Quang Lý của hôm nay. Tôi vẫn nghĩ ẩn sau phong cách biểu diễn tĩnh tại trên sâu khấu có cái chất tự do và hoang dại của du ca, rất gần với tự nhiên. Và để bài ca được sống thì mình luôn phải hát đời hơn nữa.

Phải bán cả quần áo để lo cho con

– Học nhạc từ năm 12 tuổi, anh đã trở thành ca sĩ hát chính từ khi nào?

– Tôi vẫn nhớ đêm đó chúng tôi biểu diễn ở Hải Phòng, ca sĩ chính được chỉ định hát bài “Thành phố hoa phượng đỏ” nhưng không may hôm đó anh bị ốm đột ngột nên ban tổ chức đã ủy thác trọng trách người trở thành soloist (hát đơn) chính sẽ là tôi. Năm đó tôi 23 tuổi. Tôi đã khóc vì hạnh phúc. Trở thành soloist thời 30-40 năm trước đối với đa phần nghệ sĩ đều là ước mơ cháy bỏng, tôi cũng không ngoại lệ.

– Vậy mà nghe nói đã có lúc anh suýt bỏ nghề hát. Vì sao vậy?

– Cuộc đời đã xô đẩy mình về nhiều hướng. Tôi lấy vợ rồi sinh con, cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn, có khi đi hát kiếm tiền nuôi thân cũng không đủ. Cuối những năm 80, nghệ sĩ ở đâu cũng khó khăn lắm. Tôi phụ vợ may hàng gia công, làm kem chuối, bánh ngọt bỏ mối ở chợ nhưng vẫn không đủ sống. Có thời kỳ phải bán đến cả cái quần, cái áo đi biểu diễn để lo cho con. Đó cũng là thời gian đau khổ nhất trong đời tôi. Thất vọng cực điểm vì cuộc sống, tôi quyết định bỏ nghề, kiếm một công việc nào đó để lo cho gia đình. Tôi đem hồ sơ nộp vào Công ty Cung ứng Tàu biển Sài Gòn.

Nhưng nộp đơn xong rồi, được họ nhận vào làm thì trên đường về tôi cứ vừa đi vừa khóc. Đêm ấy tôi thức trắng, cứ giày vò mình mãi. Tôi đã khóc rất nhiều. Và giọt nước mắt ấy đã thức tỉnh tôi: “Mình sinh ra để hát, đó mới là năng khiếu thiên bẩm, mình đâu hợp với công việc khác”. Tôi thấy mình điên quá. Cùng lúc đó trong tôi bắt đầu sáng lên một ý nghĩ, tiền nhiều, xe đạp đẹp chỉ là thứ phù phiếm ngoài mình. Và hôm sau tôi trả lời họ không đi làm nữa.

– Phải bán cả quần áo, việc này thật chứ?

– Thật chứ. Đồ đi diễn của nghệ sĩ tụi tôi mỗi năm theo tiêu chuẩn bao gồm: một bộ vest đen, một đôi giày đen, một cái quần đen và một chiếc áo lót trắng mặc ở trong. Đồ đi diễn này không thể bán. Nhưng một lần, tôi có ông bạn rất thân, trước đây tốt lắm, nhưng một lần thua cờ bạc, anh ấy đến mượn tôi quần áo biểu diễn, nói là để đi đám cưới. Tôi cho mượn rồi anh ấy mang đến gán cho hiệu cầm đồ. Đến ngày đi diễn, tôi mới hốt hoảng tìm anh ấy mới vỡ lẽ. Tôi cuống cuồng tìm đủ số tiền để chuộc lại bộ đồ. Ngày đó khổ lắm, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

– Thời gian cơ hàn đó kéo dài bao lâu?

– Khá lâu. Khó khăn bám theo chúng tôi một thời gian khá dài, suốt những năm 80. Từ thập kỷ 90 tôi mới thấy nghề của mình đủ sức lo cho gia đình tốt hơn.

Sự sống đã cho tôi thành tôi hôm nay

– Người hát tình ca vốn lãng mạn và đào hoa, riêng anh lại nói rất chung thủy với vợ mình. Chị ấy hẳn có gì đặc biệt?

– Mỗi người một tâm một tính, vợ tôi cũng lãng mạn, tuy không có năng khiếu hay đam mê quá lớn với âm nhạc. Chúng tôi cùng lớn lên ở Hải Phòng, yêu nhau từ sự bâng quơ lúc tuổi trẻ. Tôi và vợ cũng xa nhau mấy lần. Khi ở Bắc, tôi làm ở Hà Nội, vợ tôi ở Hải Phòng. Đoàn tụ được một thời gian ngắn ở Hải Phòng, tôi lại đi Sài Gòn. Vậy là cũng mất 7-8 năm sống xa nhau đấy. Nhưng sự xa cách và khó khăn trong cuộc sống làm chúng tôi thấm thía, hiểu cho nhau nhiều hơn.

Sự chung thủy của người phụ nữ tôi nghĩ là rào cản lớn nhất để tránh cho mình phạm vào những sai lầm. Nhưng chính sự chung thủy ấy tôi cũng tin là do số phận mình được hưởng mà thôi.

– Nhưng một người có cơ hội gặp nhiều phụ nữ đẹp như anh, chẳng lẽ không có phút xao lòng?

– Có chứ, tránh sao được. Nhưng vì sự dao động mà phá hủy mọi thứ mình có hay quên đi người phụ nữ đã trao hết tuổi thanh xuân cho gia đình mình, cuộc sống của mình thì tôi không làm.

– Con anh có ai theo nghiệp cha không?

– Tôi có hai con, con trai lớn làm ngân hàng, con gái đang ở nước ngoài. Các con lớn lên tôi đều cho đi du học, có bằng master (thạc sĩ) cả. Không đứa nào theo nghề ba nhưng chúng đều biết chơi piano và thích nhạc. Tôi nghĩ vậy là đủ.

– Giờ anh đã… già, dù muốn dù không thì Quang Lý của “Thuyền và biển” không còn làm mưa làm gió ở các chương trình ca nhạc nữa. Có nhiều thời gian trống hơn, anh làm gì với nó?

– Tôi dạy cho các em ở nhà của mình. Nghe các bạn trẻ hát cũng làm mình vui hơn.

– Nhận dạy một nhóm nhạc mới chưa có gương mặt nào sáng giá là It’s Time, anh nhìn thấy điều gì ở các bạn trẻ này?

– Mỗi đứa một quê, không nhà không cửa vào thành phố tự bươm chải, tôi thấy thương lắm. Trước kia chúng tôi mặc dù khổ lắm nhưng vẫn có một chỗ dựa vững chắc đó là nhà nước. Còn cuộc sống giờ khá hơn, nhưng ngược lại với những đứa trẻ nghèo, tự bươm chải chính ra lại vất vả hơn ngày trước rất nhiều. Tôi hỏi các em có thực sự yêu công việc này không, có sẵn sàng đi lên bằng đôi chân mình không, vì chỉ có cách đó mới giúp các em sống được với nghề.

– Nếu một ngày nào đó các em vẫn phải đi theo cách thị trường, nổi lên bằng những chiêu trò ngoài âm nhạc, anh sẽ thế nào?

– Mỗi thời đại có một cách suy nghĩ khác nhau. Nhưng nếu phải dẹp tất cả cái tôi của mình để đi theo đồng tiền thì đó là điều không nên. Thêm nữa, tôi nhìn thấy mình của ngày xưa ở các em nên tôi muốn truyền cho các em ít nhiều kinh nghiệm của mình.

– Bây giờ một ngày bình thường của ca sĩ Quang Lý diễn ra như thế nào?

– Đơn giản lắm: Sáng tôi đi tập thể dục, tắm rửa rồi đi ăn sáng với gia đình. Uống cà phê xong, có chương trình với đài truyền hình tôi đi làm việc với đài, thỉnh thoảng tập các chương trình biểu diễn ở Nhà hát TP.HCM. Thời gian rảnh tôi đi chơi với bạn bè hoặc ở nhà chơi với cháu.

– Vào Sài Gòn nhiều năm rồi nhưng có vẻ như anh vẫn giữ nhịp sống chầm chậm của người Bắc? Gặp anh tôi thấy thời gian như ngưng lại!

– Tôi sinh ra ở Thái Lan nhưng bản thân hội tụ được rất nhiều bản sắc của quê nhà qua những câu chuyện kể của mẹ. Ngày xưa tôi ở Hải Phòng, nhà gần biển nên tâm hồn bay bổng. Khi còn trẻ, khoảng 12 tuổi tôi lao xe trên bãi cát và hát “rống” lên ở đó cùng đám bạn. Rồi khi đất nước chiến tranh, tôi được đi qua nhiều vùng đất gian khó, được hát trên những mảnh đất nhiều thương đau.
Tôi nghĩ những cuộc thiên di: từ Hải Phòng ra Hà Nội rồi từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Thái Lan về Việt Nam cũng giúp tôi có thêm nhiều vốn sống để hát cho ra những cảm xúc trong mỗi bản tình ca.

Sự sống đã cho tôi thành tôi hôm nay. Tôi chưa bao giờ vội vã trong bất cứ quyết định nào.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.


 

Quang Lý sinh năm 1951 ở Thái Lan. 9 tuổi anh theo gia đình về Việt Nam, định cư ở Hải Phòng, học nhạc ở Hà Nội nhưng sau đó lại vào Sài Gòn sinh sống. Quang Lý là một trong những giọng ca được yêu thích nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ sau năm 1975.

Những ngày đầu sự nghiệp, Quang Lý công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng. Đầu những năm 70, anh tham gia Đoàn văn công Đài phát thanh Giải phóng. Đến năm 1983, Quang Lý đưa gia đình vào TP.HCM rồi làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen đến nay. Anh cũng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện TP.HCM và từng ngồi ghế Hội đồng nghệ thuật chương trình Sao mai – Điểm hẹn.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết về Quang Lý như sau: Sở hữu giọng hát đẹp đến hiếm hoi, NSƯT Quang Lý vẫn là một bảo đảm thuần nhã, trữ tình cho sự thể hiện các ca khúc danh tiếng của những tiếng sóng, của những dòng sông trôi”.

Quang Lý nổi tiếng với những bản tình ca kháng chiến và các ca khúc trữ tình: Thuyền và biển, Tình ca, Tình ca Tây Bắc, Gửi em ở cuối sông Hồng… Đặc biệt giọng ca Quang Lý còn gắn với nhiều ca khúc nhẹ nhàng của nhạc sĩ Phú Quang.

Sau nhiều năm hát ca khúc của nhạc sĩ khác, đầu tháng 11-2009, NSƯT Quang Lý đã ra mắt album Cung trầm với các sáng tác của chính mình.

 

Kim Sen 

Theo Mốt & cuộc sống

Thực hiện: depweb

24/07/2012, 14:04