NSƯT Ngọc Huyền: Anh Trung nói “Anh yêu em” mỗi ngày

Nhà NSƯT Chí Trung – Ngọc Huyền nằm ngay sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Căn hộ tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng bởi mọi đồ vật đều được bài trí rất gọn gàng, ngăn nắp, con trai đi học xa nên anh chị lại là vợ chồng son.

Tại cửa hàng kinh doanh trang phục trẻ em, NSƯT Ngọc Huyền kể lại chuyện tình của chị với tâm trạng bồi hồi, xúc động. Anh chị chưa bao giờ có ý định chuyển đi nơi khác dù bây giờ, khả năng tài chính có thừa. Tôi ngầm hiểu, chị nói vậy không phải chỉ vì ngôi nhà nằm giữa thủ đô mà đây còn là nơi chứng kiến mối tình sâu đậm của họ hơn 30 năm qua. Cùng trải qua bao sóng gió, ngọt bùi từ lúc mới về một nhà cho đến khi đã lên chức bố mẹ vợ, tình yêu của anh chị dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thở ban đầu.

Bị kiểm điểm vì… yêu

Anh Chí Trung là mối tình đầu và duy nhất của tôi. Hồi ấy, tôi và anh ấy cùng thi đỗ vào Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh Trung hồi ấy rất đẹp trai, hào hoa, nhiều cô thích nhưng với tôi thì chẳng là gì. Còn anh Chí Trung sau này có kể rằng: “Thấy Huyền xinh gái nhưng bướng, ghét nhất là cái mặt lúc nào cũng vênh vênh nên anh quyết tâm chinh phục”.

Chẳng biết có phải vì biết anh Trung thích tôi hay không mà mỗi khi đi đâu chơi, tốp bạn cứ đùn đẩy tôi ngồi xe anh ấy. Thế rồi, chúng tôi thích và yêu nhau lúc nào không hay. Chỉ biết rằng từ khi yêu anh ấy, tôi có biệt tài nói dối. Nhà tôi ở cạnh rạp chiếu phim trên phố Huế nên hai đứa thường hẹn hò xem phim. Có lần, mẹ phát hiện ra cặp vé liền tra vấn. Nói dối quen rồi thành ra như một phản xạ, tôi bảo đó là vé của Ngọc, cô bạn cùng đoàn.

Bố mẹ tôi cấm đoán rất gắt gao vì muốn tập trung vào việc học. Không những vậy, lãnh đạo nhà trường cũng rất nghiêm khắc. Một lần, có bạn nhìn thấy tôi và anh Trung nắm tay nhau trên phố, thế là cả đoàn biết, chúng tôi phải làm bản kiểm điểm hứa trước ban lãnh đạo là không yêu nhau nữa. Vậy mà cứ hết bản kiểm điểm này đến bản kiểm điểm khác, chúng tôi vẫn không bỏ được nhau. Bố mẹ tôi sau năm năm cấm đoán, cuối cùng cũng “đầu hàng” trước hai đứa.

Sau bảy năm yêu nhau, năm 1986, chúng tôi làm đám cưới. Hồi ấy, chú rể nghèo lắm, đến bộ comple cũng phải đi mượn của bạn. Đám cưới nghèo nhưng rất vui. Tiền mừng cưới tính ra được một chỉ vàng, vợ chồng tôi chạy ngay đi mua chiếc radio về để đầu giường nghe.

Nghĩ về ưu điểm của nhau

Cuộc sống nghệ sĩ thời bao cấp khó khăn lắm. Như bao gia đình khác, không ít lần chúng tôi mâu thuẫn chỉ vì cơm áo gạo tiền. Đôi khi chỉ vì con ốm, không có tiền mua sữa cho con, vợ chồng tôi cũng giận nhau. Tính anh Trung lại nóng, gia trưởng nên tôi đành phải tự an ủi, mình là phụ nữ, nhịn một tí cho yên lành. Ông trời phú cho tôi cái tính hay quên, chẳng giận ai được lâu huống hồ là chồng mình. Hơn nữa, anh Trung lại hài hước, dù lỗi thuộc về anh ấy nhưng không bao giờ anh ấy nói “Anh xin lỗi em”. Anh Trung cứ nhìn thẳng vào mặt tôi, nói những câu bâng quơ hoặc tán tỉnh vài câu, thế là tôi hết giận, cười ngay được.

Mấy chục năm rồi, tôi vẫn khâm phục anh Trung ở chỗ anh rất thương vợ con. Những năm đầu cưới nhau, con còn nhỏ, suất diễn ít, anh ấy xoay đủ nghề để nuôi gia đình, từ buôn bán xe máy ngoài chợ trời đến buôn đường dài, rồi mở viện ảnh cưới. Thế nên, có những lúc giận anh ấy tưởng “chết đi được” nhưng nghĩ về những ngày gian khó, những ưu điểm của anh ấy, tôi lại bỏ qua.

Hồi tôi mang bầu, người ta đến tai tôi rằng anh Trung quen biết, thân mật với cô nọ cô kia. Tôi cũng ghen, nghĩ rằng không thể sống thế này được. Nhưng bình tĩnh, tôi nghĩ ai cũng từng có suy nghĩ “ngoài chồng, ngoài vợ”, người nghệ sĩ lại càng dễ rung động, nhạy cảm. Hơn nữa, tôi hiểu anh Trung cũng như tôi, trong sâu thẳm luôn có ý thức xây dựng, gìn giữ gia đình.

Những lúc như thế, tôi hay nghĩ về những điều tốt đẹp chúng tôi đã có với nhau. Nhờ đó mà những khuyết điểm, sai lầm của anh ấy khi đó lại trở nên nhỏ bé.

Nếu để “kể tội” thì anh Trung nhiều tội lắm. Anh ấy vụng về, chả lãng mạn chút nào, còn tôi thì ngược lại. Từ khi yêu nhau đến giờ, anh ấy chẳng biết mua cho vợ cái áo hay trang sức gì cả. Ngày xưa tôi cũng hay giận dỗi vì cái tính vô tâm của anh ấy. Dần dần, hiểu nhau rồi tôi lại chẳng lấy đó làm to chuyện. Thế nên, giữa chúng tôi, “chiến tranh lạnh” xảy ra, nếu có, cũng không bao giờ quá ba ngày.

Chưa một ngày buông tay

Nhiều người nói Chí Trung – Ngọc Huyền là biểu tượng của cặp vợ chồng hạnh phúc. Nghe vậy, tôi chỉ cười. Đến giờ này, dù hạnh phúc là có thật nhưng chưa bao giờ tôi dám thở phào, buông tay. Ngược lại, tôi luôn nghĩ, mỗi ngày đều phải tự làm mới mình để giữ được hạnh phúc vẹn tròn. Có thể vì thế mà hai vợ chòng đều chẳng cảm thấy già. Hàng ngày, chúng tôi vẫn cười đùa, tán tỉnh nhau như thời mới yêu. Câu tôi nghe không bao giờ chán dù hàng ngày anh Trung luôn nói, đó là: “Anh yêu em nhiều lắm!”.

Bây giờ, cuộc sống đầy đủ, con cái lớn khôn, hạnh phúc tạm thời được cho là viên mãn nhưng vợ chồng tôi vẫn thường xuyên “ôn nghèo kể khổ” để cả hai trân trọng những gì đang có. Có khi, hai vợ chồng đi công tác, được ở khách sạn sang trọng nhưng vẫn nhắc nhau về cái thời cả đoàn đi lưu diễn, nằm úp thìa trong không gian chật ních… Hình như, cái khó cái khổ từng trải qua giúp chúng tôi gắn bó hơn.

Không bao giờ nói chia tay

– Khi cãi vã, vợ chồng Ngọc Huyền – Chí Trung không xưng hô “cô – tôi” hay dọa chia tay, bỏ nhau. Anh chị không kể những chuyện này với bố mẹ hai bên, dù nhà mẹ Ngọc Huyền cách nhà chị vài bước chân. Khi con gái đi lấy chồng, chị cũng chia sẻ điều này để con lấy đó làm kinh nghiệm sống.

– Mỗi người hãy bớt đi cái tôi để chấp nhận cá tính, sở thích riêng của người kia. Chí Trung mê sưu tập đồ cổ, dù rất tốn kém nhưng Ngọc Huyền vẫn chiều chồng. Thấy anh mê Facebook, chị không thích nhưng dần dần lại bị chồng “lôi kéo” vào mạng xã hội này.

– Không bao giờ để tình trạng người lăn ra làm, người ngồi xem ti vi. Anh Trung sẵn sàng lau nhà, rửa bát khi chị Huyền bận công việc hoặc vắng nhà.

 

Bảo Phương


Theo Thế giới văn hóa


From the same category