NSƯT Chí Trung: Không được “cù” tới rốn và tuyệt đối không xuống gót chân

Vẫn biết sân khấu thời buổi này, những điều tử tế khó bán được, nhưng Chí Trung và những “chiến hữu” vẫn quyết đưa Lời thề thứ 9 lên sân khấu. Ngày 22/12 tới, vở sẽ được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cười hềnh hệch cũng có nguyên tắc

– Hiếm khi thấy NSƯT Chí Trung hào hứng với một vở diễn ra mắt khán giả như việc tái dựng Lời thề thứ 9 lần này, đó là vì…?

– Một đồng nghiệp cùng lứa với tôi, khi thấy Đoàn 2 say sưa tập Lời thề thứ 9 đã bĩu môi: Điên à, thời này sao còn diễn Lời thề thứ 9? Tôi giữ câu đó hơn một tháng nay, giờ mới dám nói ra vì đêm ra mắt, tôi đếm khán giả vỗ tay 17 lần. Kết thúc vở diễn, họ chờ chúng tôi ở cửa rạp, mắt đỏ hoe. Tôi “cảm giác” được khán giả, bởi diễn hàng ngàn suất rồi, tôi biết… Và tôi làm vì hiểu khán giả đang cần gì, chứ chẳng vì giải ngân hay giải thưởng nào cả.

 

– Tức là dựng tiểu phẩm hài hay dựng chính kịch với anh cũng là để bán vé?

– Tôi không lý tưởng hóa sân khấu của tôi. Những nhà nghiên cứu gọi sân khấu là thánh đường. Nhưng làm sao nó có thể trở thành thánh đường nếu thiếu tín đồ và dưới hàng ghế khán giả kia có cả con buôn, bà già ăn xin, trẻ em nghèo thất học…? Với tôi, sân khấu là nơi bày bán sản phẩm, chỉ khác đó là sản phẩm văn hóa. Nếu cả khán giả và nghệ sĩ thăng hoa, thì nơi bày bán đó có thể trở thành thánh đường, ngược lại có thể chỉ mãi là gian bày bán sản phẩm. Buổi công diễn Lời thề thứ 9 hay sắp tới là Nhà ô-sin, sân khấu lúc đó là thánh đường. Nhưng ngược lại hàng trăm đêm diễn Đời cười, Phố cười, thì ở đó vẫn là nơi bày bán sản phẩm hoặc là tụ điểm giải trí.

Ở miền Bắc, tôi làm hài nhiều nhất. Nhiều người hỏi nửa đùa nửa thật, nếu cứ cười hềnh hệch như thế mãi, nhỡ gặp gió méo mồm thì sao? Nhiều người không hiểu gọi tôi là dân buôn. Bạn có thể hỏi tôi, tại sao để nhiều người không hiểu thế? Nhưng tôi có chính kiến của mình. Bởi thế, tôi mới thành công.

Tôi và chúng ta cũng của Lưu Quang Vũ nhưng được dựng lại một cách thủ cựu, cũ kỹ như sân khấu của vài chục năm trước mà không cần biết khán giá cần gì. Tôi thì khác. Khi làm bất cứ tác phẩm nào, điều quan trọng đầu tiên với tôi là khán giả có chấp nhận không, khoan nói đến chuyện bán vé. Sau khi được khán giả mới tính tới lợi nhuận.

Lâu nay, tôi hô hào sản phẩm văn hóa phải để giữa chợ, người ta mua nhiều chứng tỏ thông điệp văn hóa được chuyển tải. Nhiều người khác cất nó vào thánh đường, rồi lại bảo: khán giả không hiểu vì… ngu. Nhà hát Tuổi trẻ hiện có bốn đoàn, đoàn của tôi vẫn là nơi dựng và bán vé tốt nhất. Thế chả lẽ khán giả tầm thường hết à?

– Anh quan niệm thế nào về chiều theo thị hiếu?

– Trên người ta có hàng trăm cái huyệt, cù chỗ nào cũng cười. Nhưng tôi vẫn nói với diễn viên của mình rằng, phải cù từ ngực trở lên. Không bao giờ tới rốn, và tuyệt đối không xuống tới gót chân. Đó là nguyên tắc làm hài của Đoàn 2 và của Chí Trung.

Thà làm gái quê

– Những đoàn kịch nhà nước thì vẫn thường sống nhờ vào bầu sữa ngân sách và các anh cũng không phải quan tâm nhiều lắm tới việc “tay bo” với thị trường?

– Lời thế thứ 9 là vở diễn xã hội hóa, không có một xu, một hào nào của nhà hát. Trong khi thực tế, đã có những vở được đầu tư 600 triệu đồng. Tại sao lại lôi chuyện tiền ra ở đây? Lúc thăng hoa, ai cũng là ông hoàng, bà chúa. Nhưng kể ra, không có tiền cũng rất phiền.

Nói chuyện bếp núc, tiền đầu tư cho một vở diễn, lớn nhất là tiền “phần mềm”. Đó là tiền cho tác giả, đạo diễn. Nếu đạo diễn làm kiểu “một cục” thì còn ghê gớm hơn. Còn tiền cụ thể vào trang phục, vào cái bục, cái bệ một vài chục triệu, chẳng thấm vào đâu.

– Những khoản chi “phần mềm” chỉ xảy ra với những sân khấu ở miền Bắc – nơi người ta cần những đạo diễn có danh, có quyền dựng vở cho mình để đi thi lấy huy chương?

– Không có vô tận đâu, nó chỉ có hạn định. Nhà hát tôi ở trong tình trạng “mua dây buộc mình”. Nhà nước chỉ đầu tư tiền cho một đoàn thì lại kéo thành bốn đoàn. Tôi ở riêng là vì “bố mẹ” có “nhà mặt tiền” ở 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội đấy. Nhưng không thể vì “thằng Trung” khỏe thì cho nó ba tuần còn một tuần kia, ba đoàn khác chia nhau.

Lúc xin cơ chế tự hạch toán, chúng tôi bỡ ngỡ lắm. Lúc đó, nhà hát còn gửi theo 15 triệu đồng, tặng tiền rạp của 5 suất diễn, còn tiền bồi dưỡng tự lo. Bạn không biết đâu, mỗi đêm diễn, dù có mưa bão, dù có là ngày tận thế mà không thu đủ 10 triệu đồng thì diễn viên của tôi không có được 200.000đồng để sống.

– Anh có phải là “trùm” bầu show sân khấu ở phía Bắc?

– Ông trùm không đúng về câu chữ.

– Thế chắc hẳn là con buôn?

– Khi hạch toán nghệ thuật, tôi đưa chất con buôn vào. Tôi không chọn những tác phẩm để sướng riêng mình mà cần phải có thặng dư để có tiền bồi dưỡng cho anh em. Sau hôm công diễn Lời thề thứ 9, một giám đốc công ty truyền thông nói rằng, có xem nhiều vở hay của Đoàn 2, nhưng đoàn không biết PR để nâng vở của mình lên. Tôi nói điều này đúng, nhưng nó không xác với hoàn cảnh của tôi bây giờ. Làm sự kiện, trong khoảnh khắc xong phải kiếm lời ngay. Trong khi tôi phải sống với sân khấu này 4 năm, 10 năm, 20 năm nữa… Tôi xem sân khấu của mình như một cô gái quê, thi thoảng tôi tô một chút má hồng cho hấp dẫn. Không phải tôi không biết cách trát thẳng phấn son vào mặt cô ấy. Hôm nay xinh, ngày mai xinh nhưng những ngày sau nữa, lại phải trát thêm vào…

Tôi là người làm event đầu tiên ở Hà Nội khi các công ty quảng cáo chưa ra đời. Tôi thừa biết phải làm gì để các thứ được chú ý. Nhưng nếu cứ đánh bóng mà diễn viên không lớn lên, nhu cầu khán giả không có thì đó chỉ một liều doping mà thôi.

Tại sao ta phóng nóng lên làm gì? Nếu tôi làm vài buổi, quảng cáo, PR, băng-rôn rợp trời ngay. Nhưng đây là đường dài. Sau đó tôi làm gì, chẳng lẽ cứ trát mãi phấn son dày cộm lên. Thà để cô gái quê mộc mạc, đẹp dần lên trong mắt khán giả.

Âm mưu mở Nhà hát Tuổi trẻ ở Sài Gòn

– Anh là một nghệ sĩ khá tỉnh táo?

– Quá tỉnh táo luôn. Tôi tỉnh táo đến độ mấy ngày nay tôi bối rối vì quyết định của nhà hát muốn “đôn” tôi lên chức phó giám đốc.

Làm quản lý sẽ mất đi một nghệ sĩ vì có nhiều công việc mệt mỏi, phải chăm lo cho nhiều người, thậm chí phải ngồi ở nhà hát 8 giờ vàng ngọc, phải trực, phải ký tá… mà không thể đi với bạn bè những cuộc nhậu qua trưa và gục mặt xuống bàn làm việc lúc 2h chiều.

Tôi cũng nhận được lời cảnh báo: Cẩn thận bài học như NSND Lê Hùng. Bác ấy là nghệ sĩ, cứ đi suốt. Nhưng đi mãi thì cũng không thể quên vai trò giám đốc của mình. Về nhà hát trong tình trạng quáng quàng, nghe vài “quân sư quạt mo” nên đưa ra quyết sách sai lầm, phun ra những lời vàng ý ngọc mà toàn vàng giả, ngọc giả. Tình thế đó khiến những người rất thân thiết như Lê Khanh – mẹ nuôi của con anh Hùng, tôi  – đệ tử ruột của Lê Hùng, buộc lòng đến phút cuối cùng là phải trở cờ đứng dậy. Thế mới xảy ra chuyện lùm xùm quanh “ghế” Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Chúng tôi đau xót vì anh Hùng. Cái khó của nhà quản lý là cần có tâm, tầm thì quá đủ rồi, nhưng phải biết bám trụ với anh em, ăn cùng nồi cơm với anh em. Khó vô cùng.

Tôi là người không sống khác được vì thế tôi đang bối rối. Tôi đang là nghệ sĩ, có thể nói huyên thuyên. Nhưng khi là phó giám đốc thì chắc không có thời gian ngồi đây tiếp chuyện bạn hoặc từ chối trả lời ngay từ đầu.

– Để có một Chí Trung của ngày hôm nay, anh đã nắm bắt những cơ hội của mình như thế nào?

– Tôi có hai cơ hội đã để trôi qua. Cách đây hơn 10 năm, tôi thường xuyên tổ chức event ca nhạc. Mỹ Linh hát cho người ta lấy cát-sê bảy triệu đồng, thì hát cho tôi chỉ lấy một triệu vì Linh hát cho tôi từ lúc cát-sê vài trăm ngàn. Hồi đó, Bằng Kiều còn xin tôi hát với Mỹ Linh một câu… Rồi Quang Linh, Long Nhật…  Họ muốn tôi lập công ty quảng cáo. Nhưng nếu tôi mở công ty, tôi sẽ mất nghề.

Nấc chuyển đổi khác, ba năm trước, tôi muốn vào Sài Gòn mở sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ ở TP.HCM. Tôi đã gặp Phước Sang đặt vấn đề. Sang đồng ý cho thuê lại rạp Nam Quang. Theo điều tra, 800.000 – 1 triệu người Bắc sống ở Sài Gòn. Lúc tuyên bố mở tụ điểm, danh sách giơ tay đông lắm. Vì thế, tôi có hướng sửa rạp, thuê một căn nhà bốn tầng cho đoàn ở, thậm chí mua cả nhà ở Phú Mỹ Hưng định chuyển cả gia đình vào… Nhưng khi mọi việc xong hết, quay ra rủ đoàn, thì có mỗi một người giơ tay là người sắp… bỏ vợ. Nói chung, mọi người vẫn ngại thay đổi thói quen.

Hồi đó, tôi ấp ủ mong muốn làm một sân khấu kịch Bắc “xịn” ở TP.HCM. Tôi vẫn đùa Hồng Vân làm kịch Bắc “nước lã”. Còn Nhà hát Tuổi trẻ cũng mang tiếng thỉnh thoảng du Nam, nhưng diễn chán rồi ra, rồi cũng vẫn ngơ ngác không biết khán giả cần gì…

 

– Năm nay, khán giả có còn gặp anh trong vai Táo Giao thông không?

– Tôi thành công với Táo Giao thông nhiều lắm rồi, trước cả khi anh Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Hơn ai hết, tôi hiểu sau đỉnh cao là triền dốc. Với một vai diễn thì cũng chả cần phải so sánh đỉnh cao hay triền dốc làm gì, phải không? Nhưng vai diễn đó chỉ mang lại tiếng cười hể hả mà không làm thay đổi gì thói quen xã hội. Đấy là chưa kể đến việc phải đi nói xấu một người bạn mà tôi rất yêu quý là anh Đinh La Thăng. Tôi và anh ấy chơi với nhau hơn 30 năm, từ khi còn nghèo rũ rượu như nhau, lúc anh ấy là Bí thư Chi đoàn công trường 5 – Sông Đà. Trước khi anh Thăng làm bộ trưởng, tôi đã không hứng đóng nữa. Tôi xin Đỗ Thanh Hải cho Táo Giao thông thắt cổ chết trên thiên đình nhưng không được.

Chuyện vui là có lần anh Thăng hỏi tôi, anh có dốt toán đâu mà trong Gặp nhau cuối năm, Táo Giao thông lại tự nhận dốt toán. Tôi bảo, chả lẽ lại bảo là giỏi toán, ai tin?

Nói vui vậy chứ Táo quân là nơi tôi đi làm thuê, cũng không phải “của nhà trồng được” như kịch của nhà hát. Vì vậy năm nay chưa biết có được mời không nên cũng chưa trả lời được câu hỏi này.

Ở nhà vợ là nhất, đến nhà hát là bét

– Cha anh (ca sĩ, NSND Quý Dương), có vẻ rất nghiêm túc, nghệ thuật của ông cũng vậy nhưng anh có vẻ lại khác hẳn ông cụ?

– Bố tôi mất rồi. Nếu cụ còn sống, tôi sẽ trả lời.

– Con anh thì sao, có tiếp nối truyền thống của gia đình?

– Chúng có duyên hài hước nhất định, đứng nhô cao hơn đám đông dù không muốn. Có những gia đình có tố chất lãnh đạo, tố chất thu hút. Đó là định mệnh, là thiên nhiên. Tôi không biết bố tôi có phải người đầu đàn không, nhưng mãi đến cuối đời mới được phong NSND. Con trai tôi có tố chất, nhưng muốn làm ngược lại, không muốn bị cái bóng của bố mẹ trùm lên. Hai đứa con tôi đều tìm cách “lạng lách” rất xa. Ngồi trong gia đình là bố con, hẳn nhiên. Nhưng giữa đám đông, hay sự tung hô thì chúng không muốn hét lên rằng chúng là con Chí Trung đây. Con gái tôi cũng rất thông minh, làm ở một công ty mà lương khởi điểm gấp 7 lần lương của bố sau 34 năm công tác. Chúng yêu nghệ thuật nhưng không bao giờ nghĩ sẽ theo cái nghề khốn khổ này. Đó cũng là may mắn với gia đình tôi. Nếu mà theo, giờ đứng nép ở sân khấu song nước mắt lưng tròng thì tôi chết mất.

– Anh có ra lời khuyến cáo với con?

– Tất cả sự giáo dục đều một tay vợ tôi (NSƯT Ngọc Huyền – PV) lo hết. Nhà tôi có ba người chịu sự “đô hộ” của vợ: con gái, con trai và bố chúng. Mọi việc trong nhà, ăn gì, mặc gì, học hành con cái… do huyền quyết. Nhưng ra khỏi nhà, đến cơ quan, thì nhất là bét, tôi không nhìn Huyền là đứa nào hết. Huyền ở đoàn tôi, nhưng không phải một quý bà trong cơ quan. Với tôi, nếu Huyền đến muộn 1-2 phút thì bị tôi mắng ngay, thậm chí đuổi ra ngoài. Đúng là còn khắc kỷ hơn những người khác.

– Anh không chỉ đóng nhiều vai: nghệ sĩ, quản lý, mà còn đa diện cả trong mối quan hệ gia đình?

– Cái này gọi là duy lý. Ngày xưa ra chợ trời buôn nhà, buôn xe, buôn cả su hào, ép lốp kiếm tiền lo cho gia đình, nhưng cứ ra đến chợ là tôi không bao giờ bàn chuyện nghệ thuật. Có người hỏi: A, Trung dạo này diễn vở gì, thì nhất định tôi không trả lời. Hay đến nhà hát, có người hỏi, này có con xe… thì tôi cũng không bao giờ nói chuyện. Tôi biết phân định bản ngã của mình một cách rõ ràng. Nhiều khi phải khoanh vùng mọi mối quan hệ, kẻ cả quan hệ vợ chồng.

Hà Chi

Theo Thể thao & Văn hóa


From the same category