Vừa ngồi xuống ghế tại quán cà phê trong khuôn viên khách sạn Continental cạnh Nhà hát Thành phố, danh hài Bảo Quốc khoe ngay một việc làm mà bản thân cảm thấy rất vui…
“Đắng và ngọt”
– Điều gì mà anh vui mừng như vừa tìm được một sô diễn rất hoành tráng?
– Còn hơn thế nữa! Tôi vừa đi thu âm với em Vũ Hải, một chàng trai mù có giọng hát hay, đã làm dĩa đi bán kèm với vé số nuôi mẹ già. Nhiều nghệ sĩ đã hát ủng hộ Vũ Hải, giúp em thực hiện nhiều bài tân cổ giao duyên. Lần này Vũ Hải mời tôi hát một số nhạc hài: Chuyện tình ao cá, Anh chàng nhà quê, Đám cưới ngoại thành… Hải làm tôi vui vì giữa cuộc sống bộn bề này vẫn có những tâm hồn rất đẹp, đi hát để nuôi mẹ dù đôi mắt mù lòa.
|
NSƯT Bảo Quốc và Vũ Hải – ca sĩ khiếm thị trong phòng thu (ảnh Thanh Hiệp)
|
– Vì sao anh lại thích quán cà phê này?
– Nơi đây yên tĩnh, khung cảnh gần gũi với mỗi người trong nhóm chúng tôi. Cà phê ở đây lại có mùi vị rất Sài Gòn.
– Điều gì anh quan tâm nhất hiện nay khi trò chuyện trong những buổi cà phê với bạn bè?
– Dường như chẳng ai chuẩn bị chủ đề gì trước cả, cứ thảnh thơi sau một ngày làm việc hoặc sau bữa trưa cùng bạn bè nhấp nháp cà phê rồi đi làm tiếp. Tôi thì thường thích nghe chị Ngọc Giàu nói chuyện tiếu lâm cho mọi người cười thật vui, để rồi qua những câu chuyện đó bắt đầu “lý sự” đến cùng và đề cập những vấn đề xã hội mà chúng tôi quan tâm.
– Anh thích uống cà phê đắng từ bao giờ?
– Không nhớ rõ là từ lúc nào nhưng khoảng thời gian mà tôi được ngồi trò chuyện với soạn giả Hoa Phượng. Anh viết tuồng ở quán cà phê cóc trước rạp Quốc Thanh. Trong không gian ồn ào, náo nhiệt, giữa cái nóng oi bức của buổi trưa Sài Gòn, anh nhâm nhi ly cà phê đắng và viết trên giấy bạc gói thuốc lá. Vậy mà, từ cái không gian đó sân khấu đã có nhiều tác phẩm mang chất văn học và nhân văn sâu sắc.
– Để uống được cà phê đắng, anh tập trong bao lâu?
– Tùy theo sự đun nóng của cuộc sống. Bạn có biết vì sao người ta xem trọng việc pha cà phê trong phin bằng inox khác với pha bằng cây vợt được may bằng vải? Độ nóng để đủ liều lượng cho một ly cà phê rất quan trọng, nó giống như sức nóng của hoàn cảnh hun đúc mỗi con người. Tôi không tập mà tự cuộc đời dạy mình phải biết vị đắng để thành công.
Ngày tôi đã có chút tên tuổi, phim ảnh Sài Gòn bắt đầu rộ lên. Tôi được một hãng phim mời ký hợp đồng để quay một vai chính, tất nhiên là vai hài. Thế nhưng, một đàn anh mà tôi xin giấu tên, đã giành vai của tôi bằng cách tự hạ cát-sê xuống chỉ vì không muốn đàn em nổi hơn. Và tất nhiên hãng phim phải mời anh ta. Về nhà tôi suy nghĩ, sao cuộc đời lại đắng như thế và biết uống cà phê đắng.
– Anh có bao giờ đếm xem mình đã qua bao nhiêu cái đắng đó?
– Để làm gì? Nghề tôi mang lại tiếng cười cho mọi người nên cái đích đến của tôi luôn là sự lạc quan, hy vọng. Và giống như uống cà phê, sau cái đắng bao giờ cũng là vị ngọt đến bất ngờ.
– Ngoài đắng, anh có thích ngọt không?
– Thực tế thì hảo ngọt sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường sau này, còn nghĩa khác hảo ngọt sẽ tự mình ru mình ngủ. Tôi có thói quen thích nghe lời phê bình hơn.
– Lời phê bình cũng có năm bảy đường, anh thích đường nào?
– Đi thẳng vào vấn đề. Tôi ghét vòng vo lắm.
– Nhưng cuộc sống vốn cần những điều tế nhị?
– Thì hãy tế nhị với việc khác, còn phê bình nghệ thuật phải nói đúng “tim đen”. Ngày tôi được trao giải Thanh Tâm với vai Hiệp sĩ mù, có bài báo thời đó ám chỉ tôi diễn dở, chỉ vì con bầu nên mới “mua giải”. Tôi tìm gặp ngay anh ký giả, đề nghị được nghe lời phê bình để thọ giáo cái dở trong vai diễn. Anh ta không nói được, không chỉ ra được cái dở của tôi mà cứ bám vào cái cớ mẹ tôi làm bầu. Tôi không phục điều đó! Nếu đã phê bình phải nêu rõ những cái chưa tốt để nghệ sĩ còn học hỏi và khắc phục nhược điểm.
|
NSƯT Bảo Quốc trong vở Cánh đồng gió – Sân khấu kịch Phú Nhuận (ảnh Thanh Hiệp)
|
– Anh quan niệm thế nào về một bài báo khen và một bài báo chê?
– Bài chê theo đúng nghĩa lý luận phê bình là một bài khen. Tôi vẫn thường nói với các cháu mình hãy đọc những bài phê bình để thấy mình có trách nhiệm hơn với nghề. Khi tôi diễn vai Nhan Tấn trong vở Nỏ Thần tham gia Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010, hầu hết các bài báo đều khen. Nhưng đọc qua tôi thấy chưa có bài nào nhìn thấu được cái tầng cảm xúc mà tôi đã diễn cho một Nhan Tấn mưu mô, xảo quyện khiến các danh tướng của An Dương Vương bị đánh bại.
– Nói vậy anh có vẻ nghi ngờ trình độ thẩm định của các báo mảng sân khấu?
– Tôi chỉ khoanh vùng ở khâu lý luận phê bình sân khấu, thiếu những cuộc đối thoại về một tác phẩm, một vai diễn giữa nghệ sĩ và người viết hiện nay.
– Chi hội lý luận phê bình của Hội Sân khấu TPHCM đã hướng tới công việc này. Đúng là rất cần những hội thảo như thế nhưng rồi liệu có phải chỉ để ngồi lại khen nhau?
– Theo tôi vấn đề quan trọng là đề dẫn của mỗi kỳ hội thảo. Sân khấu thiếu vắng kịch bản hay, gai góc, nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội nhưng lại không có những cuộc đối thoại nào để giúp cải thiện tình hình. Tôi nghĩ, nếu có những buổi trực tuyến đối thoại giữa các nghệ sĩ, bạn đọc… thì sẽ ra nhiều vấn đề.
Tôi ngại nhất là các phóng viên trẻ chưa am hiểu về việc phê bình nhưng khi viết thì đưa cái tôi của mình vào bài viết. Một lần đọc bài báo thấy một phóng viên trẻ viết “Giang nhà ta lúc này giỏi phết!” hàm ý nói NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng vở mới hay. Tổ ơi! Sao lại có thể ăn nói ngang hàng phải lứa như thế khi tôi biết người viết bài đó mới ngoài 20 tuổi? Trong khi với chúng tôi anh Giang là một đàn anh.
“Tấm ga trải giường kỷ niệm”
– Anh sinh ra trong gia đình có “nghề”. Hẳn đây là lợi thế cho sự nghiệp của anh?
– Tôi có ba điều bất hạnh trong đời, đó là sự ra đi của ba tôi – nghệ sĩ Năm Nghĩa (mất năm 1959), má tôi – bà bầu Nguyễn Thị Thơ (mất năm 1988) và chị tôi – cố NSƯT Thanh Nga (mất năm 1978). Một thanh niên mới lớn bước vào đời, tôi có được sự may mắn và thuận lợi của một con nhà nòi bầu hát, có sẵn gánh hát nhà để tạo điều kiện cho mình được hát. Nhưng gánh nặng áp lực đó khủng khiếp lắm!
Một vai diễn dở thay cho lời góp ý thì người trong đoàn sẵn sàng mỉa mai: “Con của bầu mà hát dở vậy sao?”, hoặc ca trật một chữ, mọi ánh mắt nhìn về phía ba má tôi như để mắng vốn. Khi tôi mất đi những điểm tựa, một mình bước vào đời, tôi phải cố hết sức để trụ vững.
|
Cố NSƯT Thanh Nga và chồng – ông Phạm Duy Lân (ảnh Thanh Hiệp) |
– Trong cuộc đời anh sợ nhất điều gì?
– Tiếng còi xe cứu thương. Gia đình tôi gặp chuyện chia ly kinh khủng đều từ phòng cấp cứu. Ba tôi mất trong bệnh viện. Ông bệnh lao phổi do lao tâm khổ trí quá lớn cho gánh hát mà ông vừa làm bầu, vừa làm thầy tuồng, vừa làm kép hát. Cái đêm ông thổ huyết mà chết là đêm đang viết kịch bản cho tôi diễn. Những trang kịch bản ba tôi viết dở dang chưa kịp lăng-xê con mình làm kép, bị dính đầy máu và nước mắt của ông.
Anh hai tôi – NS Hữu Thìn (ba của Hữu Châu, Hữu Lộc) cũng cấp cứu ở nhà thương và qua đời sau đó. Rồi chị Thanh Nga và anh rể Phạm Duy Lân bị bắn chết và sau này là Hữu Lộc bị tai nạn giao thông qua đời cũng từ khoa cấp cứu của bệnh viện.
– Từ nỗi bất hạnh anh rút ra điều gì cho cuộc sống của danh hài hôm nay?
– Tôi đi trên một con đường thuận lợi rồi bỗng dưng mất tất cả theo từng giai đoạn. Nếu ba tôi còn sống, ông đã hướng tôi trở thành một kép chánh. Hồi đó trong đoàn hát từ đại ban cho đến trung ban, tiểu ban, đào kép chánh quan trọng lắm. Tôi chuyển sang diễn hài khi biết chính mình kém hơi ca, sự ngân nga không đủ mùi để đi vào những vai thương cảm. Chị tôi – cố NSƯT Thanh Nga lúc đó cũng khuyên tôi nên rẽ hướng.
Năm 1988 mẹ tôi bệnh nặng qua đời. Trong cuộc sống này tôi xem mẹ là thần tượng. Vì mẹ tôi là một người phụ nữ giỏi đúng nghĩa. Chồng mất năm bà ngoài 30 tuổi, vẫn ở vậy nuôi một đàn con, rồi lo toan đoàn hát. Mẹ tôi mất đi lúc tôi đang đi diễn phục vụ ở ngoại thành, hay tin về đến nơi thì mẹ tôi đã tắt thở. Để có được một danh hài Bảo Quốc, sức mạnh truyền đến tôi nghị lực để phấn đấu không ngừng đó là nỗi bất hạnh từ cái chết của ba tôi, mẹ tôi và chị tôi.
– Anh nhớ kỷ niệm nào sâu sắc nhất về mẹ?
– Một tấm ga trải giường màu trắng. Không ai tin ngày tôi và bà xã – Nguyễn Thu Thủy dọn nhà ra riêng, tài sản vợ chồng trẻ chỉ có mấy bộ quần áo, gối, mền, mùng và mẹ tôi cho một tấm ga giường để bọc tất cả lại. Lúc đó, đoàn hát đã ngưng hoạt động, gia cảnh nhà tôi bắt đầu thiếu trước hụt sau. Sau năm 1975 các đoàn đều phải vào tập thể, dưới sự quản lý của nhà nước. Tôi bắt đầu chuyển sang tấu hài cùng Duy Phương hàng đêm ở các tụ điểm văn hóa. Vì tôi không muốn hoàn cảnh khó khăn mà mẹ phải gồng gánh nuôi vợ con của tôi nữa nên xin ra ở riêng.
Một số nghệ sĩ của đoàn Thanh Minh Thanh Nga cũ đã tố mẹ tôi là bầu gánh bóc lột, quay ngược lại sự cưu mang, giúp đỡ tận tình của mẹ tôi khi họ còn cơ hàn. Tôi nhớ hoài cái lần mẹ tôi được Sở Văn hóa Thông tin TPHCM thời đó mời lên họp. Mẹ tôi ngồi bất động nghe những lời cáo buộc vu khống của một số người. “Xin thưa, thời nào thì đoàn hát cũng cần nghệ sĩ có tên tuổi. Dẫu có diễn miễn phí không bán vé thì tính chất ngôi sao của một đoàn hát vẫn phải duy trì. Tôi đặt nghệ thuật lên hàng đầu, không vì cá nhân một ai. Còn nếu anh chị nào cảm thấy không thể ở lại tiếp tục cống hiến cho nhân dân thì xin hãy chuyển sang đoàn khác” – mẹ tôi mạnh dạn tuyên bố.
|
Toàn gia đình NSƯT Bảo Quốc trong ngày tổ chức lễ sinh nhật 60 tuổi của anh tại nhà riêng (ảnh Thanh Hiệp) |
– Nhưng có nhiều lời đồn thổi rằng mẹ của anh rất hà khắc với đào kép thời đó?
– Người ta đồn bà hà khắc, ngay cả với con cái. Không đúng! Mẹ tôi chỉ khó khi trên sân khấu mà thôi. Thời đó bà bầu Thơ và bà bầu Kim Chưởng khét tiếng là kỷ luật cao. Buổi sáng tập tuồng lịch 9 giờ thì 7 giờ 30 mẹ tôi đã ngồi ở bộ ván gỗ ăn trầu. Tập tuồng mà chểnh mảng, đào kép không tập trung là mẹ tôi lên tiếng nhắc ngay. Hồi đó mỗi diễn viên về đoàn đều ký hợp đồng, chuyện cạnh tranh khắc nghiệt lắm. Chuyện bắt đào, bắt kép, thối tiền công-tra (hợp đồng) ra tòa, lên báo là chuyện thường ngày. Nếu không có nguyên tắc làm việc, không có qui định của riêng đoàn mình thì sẽ không quản lý và điều hành một gánh hát có đến hàng trăm nồi cơm. Người ta đồn về mẹ tôi có những điều oan khiến cho gia đình tôi rất buồn. Nhưng thôi, mẹ tôi đã ra đi thanh thản thì hãy để bà thanh thản…!
“Bà xã” là tình đầu của tôi!
|
NSƯT Bảo Quốc và vợ trong ngày sinh nhật lần thứ 60 (ảnh Thanh Hiệp) |
– Anh gặp chị Thu Thủy trong dịp nào? Thời trẻ chắc anh cũng đào hoa lắm?
– Hồi đó tôi hiền lắm. Mới lớn mà, đi học về là quăng cặp chạy ra hẻm đá banh. Đến giờ cơm chưa thấy tôi về mẹ tôi cầm cây roi ra sân trống đầu hẻm quất mấy cây mới chịu buông trái banh. Tôi bị đòn hoài chỉ vì cái tật ham đá banh. Khi ba tôi mời cố nhạc sĩ NSƯT Út Trong đến nhà dạy kèm tôi học ca, tôi chúa ghét cái giờ học ca theo nhịp đờn, cứ nhóng nhóng xem hết giờ chưa để đi…đá banh.
Tôi gặp bà xã tôi lúc đó đi học về, cô là nữ sinh Gia Long, mặc áo dài duyên lắm. Vì ở chung xóm nên hàng ngày gặp nhau đá lông nheo rồi cười mỉm, sau đó lấy can đảm mời đi uống nước mía. Nàng chịu, thế là qua ly nước mía quen nhau luôn. Cứ cuối tuần hẹn nhau đi chơi, tôi chở nàng bằng xe đạp, phải hẹn nhau một quãng rất xa nhà lúc đó nàng mới leo lên xe tôi. Ba tháng nhưng chưa bao giờ nắm được bàn tay. Chúng tôi cứ hẹn hò, hò hẹn cho tới ngày tôi thổ lộ với gia đình và hai bên gặp nhau, rồi làm đám cưới. Ngày đó gia đình bên bà xã tôi cũng nghi ngờ cái tính nghệ sĩ đào hoa, rồi con em họ sẽ khổ nên có người phán: “mày ưng làm vợ nghệ sĩ chỉ 6 tháng thôi thì nó đã bỏ mày rồi!”. Vậy mà đến hôm nay đã 40 năm chung sống rồi, chúng tôi vẫn rất yêu nhau.
– Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình anh nghĩ gì về hạnh phúc của người nghệ sĩ?
– Khó khăn để phải vượt qua không lớn bằng việc thông cảm, chia sẻ. Trái tim nghệ sĩ mẫn cảm lắm, lại là nghệ sĩ hài. Vợ tôi khéo léo nên hiểu được điều này mà ít khi tạo thêm áp lực cho tôi. Mỗi mình cô ấy gánh chịu để lo chu toàn trong ngoài, lo cho con, cháu. Chuyện gì khó xử lắm mới nói với tôi. Nhưng không vì thế mà tôi lơ là trách nhiệm, hạnh phúc là cả hai cùng biết lắng nghe và chia sẻ.
– Một thời anh đứng ra làm phim để lăng xê Hồng Loan, lúc đó ý kiến của chị như thế nào?
– Vợ tôi ủng hộ. Tôi làm bộ phim “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”. Hồng Loan đóng vai chính thời đó. Nhưng phải nhìn nhận là lúc đó chưa đủ duyên để Hồng Loan tạo được cú đột phá.
– Nhiều người trong giới nhận xét cái duyên anh quá lớn lấn lướt con mình?
– Để nổi tiếng trong nghệ thuật cái duyên chưa đủ, phải có quá trình rèn luyện và phấn đấu. Sau này Hồng Loan chuyển sang diễn cải lương, được bà con khán giả yêu thích tôi mừng lắm, nét diễn của con giống má ba Thanh Nga. Trong live show 50 năm góp với nhân gian một tiếng cười của tôi tổ chức năm 2011 vừa qua, Hồng Loan được khen khi xuất hiện với vai Điêu Thuyền trong Phụng Nghi Đình. Đó là thành quả của quá trình rèn luyện.
– Bà xã của anh có bao giờ góp ý về cách sống, cách diễn và những ứng xử của anh?
– Cô ấy rất kín đáo trong cách thể hiện quan điểm sống và chúng tôi hiểu nhau nên không có gì phải khó khăn khi nói về những điều chưa hài lòng về nhau. Tôi là một nghệ sĩ hài nhưng ở nhà thì tôi rất nghiêm túc với cuộc sống. Tôi thích sự ngăn nắp, đơn giản và không thích chạy theo hình thức mà xem thường nội dung. Bà xã tôi đồng quan điểm với tôi về điều này nên trong cuộc sống không có việc gì là khó giải quyết khi chúng tôi nghĩ về nhau.
– Anh yêu bà xã ở đức tính nào nhất?
– Sự tiết kiệm. Thời lương thực thành phố chúng ta khó khăn sau những năm đầu thống nhất, cô ấy vẫn lo chu toàn bữa ăn cho các con. Tôi yêu vợ tôi ở sự chu đáo và biết thương yêu, chăm sóc chồng con.
|
NSƯT Bảo Quốc và vợ chuẩn bị thức ăn đãi khách trong ngày tổ chức sinh nhật 60 tuổi (ảnh Thanh Hiệp)
|
– Sở thích giải trí của anh những lúc rảnh?
– Tôi uống cà phê với bạn bè, còn ở nhà thì xem bóng đá. Tôi là cổ động viên của bóng đá VN mà. Hễ có trận nào hay do đội tuyển mình thi đấu trong khu vực, tôi gác tất cả công việc để cùng bà xã đi cổ vũ.
Tôi còn có sở thích sưu tầm hình ảnh gia đình, tôi và bà xã sắp xếp ngăn nắp lại từng giai đoạn hình ảnh của gia đình. 40 tấm ảnh kỷ niệm ngày cưới theo từng năm. Tôi nghĩ, hiếm có ai có được bộ sưu tập như tôi, ngày cưới thì phải chụp một tấm ảnh, từ lúc chỉ có hai chúng tôi đến lúc có con cháu và một đại gia đình.
“Với tôi, tiếng cười không phải cuộc chơi!”
– Anh là một danh hài, anh nhìn về tiếng cười của sân khấu hôm nay như thế nào?
– Sự sa đà khi có quá nhiều lập luận cho rằng kịch ngày nay phải vui vui, nhẹ nhàng mới ăn khách. Chính sự lập luận thiếu cơ sở đó đã dẫn đến hàng loạt sân khấu chọn vở kém chất lượng, cho ra đời nhiều vở kịch chưa tương xứng với sự đầu tư. Một dạo sân khấu xã hội hóa bung ra rồi co cụm lại, khán giả vắng… Tất cả chỉ vì họ định nghĩa tiếng cười chưa đúng.
– Theo anh, để tiếng cười vừa đúng hướng vừa hấp dẫn khán giả, cần làm cách nào?
– Làm theo các đại ban xưa. Mỗi đoàn hát là một phong cách, một thể loại. Gánh của bà bầu Thơ là tâm lý xã hội gia đình, gánh Dạ lý hương thì tình cảm hôn nhân, triết lý thời đại; gánh Kim Chung thì kiếm hiệp, hương xa; gánh Kim Chưởng võ lâm truyền kỳ, Hương Mùa Thu thì ca vũ nhạc kịch cải lương… Các sân khấu kịch hiện nay bị trùng phong cách nhiều nên khán giả không thích một số vở diễn trùng lắp đề tài. Đặc biệt là các vở khai thác tiếng cười. Theo tôi trò diễn bị lấn lướt nhiều hơn là những điều mà nội dung, hình thức của vở kịch muốn truyền tải đến người xem.
Sân khấu tấu hài đã tự làm cho mình nghèo đi khi thiếu kịch bản, có cái diễn hơn 10 năm, cứ đêm nào khán giả cũng xem họ diễn với bấy nhiêu tiểu phẩm như thế. Có sân khấu tấu hài đã đóng cửa mãi mãi là như thế. Khán giả luôn cần cái mới và tiếng cười không thể bị xem như một cuộc chơi.
– Có khi nào anh hối hận vì đã không theo nghề cầu thủ mà theo nghề diễn viên?
– Đôi khi bản thân mình không thể chọn hướng đi cho mình. Cái đó gọi là định mệnh và tôi khó tránh được định mệnh đời mình. Định mệnh sắp bày cho tôi theo nghiệp chọc cười, định mệnh cho tôi gặp những bất hạnh trong đời để từ bi kịch mà biến thành ưu điểm của nghề. Tôi chú tâm đi vào việc khai thác tiếng cười trong sáng đúng nghĩa. Vậy là đủ khi người ta nhắc đến Bảo Quốc chọc cười không bao giờ dung tục.
– Ngoài Hồng Loan, Hà Linh, anh có kỳ vọng đến việc cháu nội là nghệ sĩ Gia Bảo hiện nay vừa là bầu, vừa là diễn viên và sáng tác kịch bản hài?
– Gia Bảo phát huy được vốn liếng diễn hài và tạo ra một sở trường cho riêng mình đó là điều đáng khen. Trong việc biểu diễn tôi có góp ý, trong sáng tác tôi có điều chỉnh và kể cả khi lên sàn tập Gia Bảo cũng học hỏi ở tôi nhiều điều. Vì từ lúc còn nhỏ mỗi khi đi tập kịch hai ông cháu đèo nhau trên xe gắn máy, đi khắp nơi, kể cả buổi tối đi diễn Gia Bảo cũng có thời gian dài chở tôi đi diễn. Nên cháu học được nhiều ở cá tính và cách diễn, cách ứng biến của tôi để áp dụng sau này. Tôi kỳ vọng như không quá chủ quan, vì như thế cháu tôi sẽ tự mãn. Nghề này tự mãn là tự sát.
– Giữ cho bản thân người nghệ sĩ không sa vào tứ đổ tường là một việc làm khó. Anh làm gì để tránh sa ngã?
– Tôi không dính vào những thói hư vì tôi xác định ở đời còn nhiều cái vui hơn mấy thứ đó. Tốt nhất là không thử thì không dính.
– Nhưng trước những bông hồng đẹp, không lẽ trái tim anh không rung động?
– Có chứ, nhưng tôi liên tưởng đến gai của nó nhiều hơn sự khoe sắc. Hơn nữa tôi có một bông hồng lúc nào cũng là của tôi rồi, tham làm gì cho đau.
– Anh có dự định sẽ làm một bộ phim về chân dung nghệ thuật và cuộc đời của chính mình?
– Chưa nghĩ đến điều đó. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm hồi ký thành phim, vì thời gian này tôi tập trung cho việc biểu diễn các vở kịch mới hỗ trợ Gia Bảo khi cháu tiếp nhận sân khấu số 7 Trần Cao Vân, phối hợp với thương hiệu IDECAF dựng một số vở hài kịch. Cũng như tôi gắn với Nhà hát Thế giới trẻ để cùng các đạo diễn trẻ diễn các vở kịch dài có đề tài chung quanh tuổi teen, lứa tuổi mà cần sự chia sẻ, cảm thông và những định hướng về mặt giáo dục giới tính.
– Nhiều nghệ sĩ hài diễn vai giả gái rất thành công? Anh nhận xét như thế nào về loại vai này?
– Mỗi người có mỗi thế mạnh, không phải ai giả gái cũng đẹp. Hồi đó Sân khấu Vàng có dựng vở Giấc mộng đêm xuân, trong đó có vai anh hậu đài mê hát, tập tuồng giả gái để diễn cho ông bầu xem. Tôi đã vào vai diễn này, sau đó Phước Sang cũng đã từng đóng vai này. Phải nói đó là một thể loại khó, nếu làm không khéo sẽ lố bịch. Nhưng theo tôi thì nếu cái gì quá lạm dụng sẽ bị nhàm và tự đào thải. Việc Hoài Linh nhìn lại và tuyên bố rút không diễn vai giả gái nữa đó là một quyết định mà tôi nghĩ em đã suy nghĩ rất nhiều.
– Công ty của Gia Bảo sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm 60 năm thương hiệu Thanh Minh Thanh Nga?
– Đó là kế hoạch, vì sao khi Vũ Minh làm chương trình Gìn vàng giữ ngọc với sự xuất hiện của một gia tộc gắn bó với nghề hát: Minh Tơ, Thành Tôn, Khánh Hồng, Thanh Tòng, Thành Lộc có sự tham gia của Bạch Lê, Thanh Bạch từ Pháp về, Điền Thanh, Bạch Lý từ Úc qua, Gia Bảo cũng định tổ chức chủ đề kỷ niệm 60 năm của thương hiệu mà bà bầu Thơ đã cả đời tâm huyết. Tuy nhiên đến nay vẫn là dự án, vì trong tình hình kinh tế khó khăn việc tìm kiếm tài trợ rất khó. Do đó phải chờ đủ duyên mới làm chương trình ý nghĩa này. Đó là đêm diễn mà các nghệ sĩ thành danh từ Thanh Minh, Thanh Nga sẽ có mặt để cùng ôn lại một chặng đường lịch sử của sân khấu cải lương miền Nam.
– Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện chân thành và đầy ý nghĩa nhân văn.
(Theo Người lao động)