NSND Trần Hiếu: Nuối tiếc... vì không thể trở thành nhà toán học như Ngô Bảo Châu - Tạp chí Đẹp

NSND Trần Hiếu: Nuối tiếc… vì không thể trở thành nhà toán học như Ngô Bảo Châu

Sao

Ở tuổi này, đầu óc của tôi nhớ nhớ quên quên khủng khiếp. Tôi quên tên học trò mình, quên những người thân trong gia đình, nhưng tôi tuyệt nhiên không quên lời bài hát. Tôi nhớ lời bài hát đầu tiên năm 6 tuổi, tôi nhớ cả một bài hát do một người Ai Cập chỉ cho dù không hiểu lời bài hát viết gì cho đến những bài gần đây. Vì thế, tôi cho rằng âm nhạc với mình thật sự là một định mệnh”, NSND Trần Hiếu dành cho TTVH & Đàn Ông một buổi trả lời phỏng vấn dài hơi và đầy cảm xúc. Ở đó, ông mở ra một cánh cửa cho các khán giả bước vào cuộc đời ca hát trải dài hơn nửa thế kỷ của mình.

– Vì sao là một nghệ sĩ, nhưng thần tượng của ông lại là một… dũng sĩ (Samson, người hùng có sức khỏe vô địch trong Kinh Thánh – PV)?

– Vì khi sinh ra, tôi đã là một chú bé đặc biệt. Người đỡ cho mẹ tôi cũng chính là bạn của mẹ. Hai mươi năm sau khi đỡ tôi ra đời, người đỡ ấy đến thăm. Bà vỗ vai tôi và nói: “Suốt hai mươi năm qua mẹ chưa đỡ một đứa bé nào vượt cân con cả, đến bằng cân con cũng không có. Mày là vô địch đấy”.

Hồi bé tôi rất khỏe. Đến năm 16 tuổi thì tôi được đi học võ vì khi ấy tôi tham gia phong trào “học sinh kháng chiến”, phải học võ cho khỏe để còn… đánh tây chứ (cười). Không chỉ khỏe mà tôi còn học rất giỏi, rất chăm. Bố tôi là nhà giáo, thành ra tôi rất có ý thức. Lúc còn đi học toàn là đứng nhất nhì ba trong lớp. 

Bộ phim “Samson” trình chiếu tại Hà Nội vào tầm năm 1952 thì phải. Trong bộ phim ấy, Samson là một hình tượng to khỏe, hào hiệp. Hình ảnh ấy mau chóng tạo được ấn tượng rất mạnh lên tâm hồn tôi. Tôi nhập tâm đến mức vẽ cả hình Samson lên tường nhà mình. Tôi lấy ảnh mẫu trên báo và theo đó lấy than mài ra mà vẽ. Sau này khi đã lớn lên, sau rất nhiều năm tôi quay trở lại và vẫn nhìn thấy bức hình ấy. Samson trong phim hay cởi trần, tôi cũng bắt chước cởi trần ra sông chơi.  

Có thể nói Samson là ấn tượng của tuổi thơ, cả tôi và cả Tiến (nhạc sĩ Trần Tiến – em trai NSND Trần Hiếu) nữa. Nhân vật ấy đã chấp cánh cho tôi một ước mơ, ước mơ trở thành một con người khỏe mạnh, một người hào hiệp, bảo vệ và giúp đỡ mọi người. 

– Vậy mà nhiều người cứ ngỡ là ông thần tượng Samson là vì ông ấy… nhiều vợ và bạn gái chứ?

– À, tôi không để ý chi tiết ấy. Phim ấy cũng không nói chi tiết ấy. (Cười).

– Ông vừa nói đến chi tiết ở trần ra sông chơi, phải chăng đấy là sông Hồng gắn liền với tuổi thơ của ông và người em trai Trần Tiến?

– Đúng vậy. Nhà tôi ở gần sông Hồng, chỗ tôi ở ngày ấy gọi là Ngõ Gạch, lại ở cuối phố nên từ nhà đi ra sông Hồng chỉ tầm khoảng 200 mét. Ngày ấy, sông Hồng không phải là… sông như bây giờ. Nó có một bãi cát ở giữa, từ bên này thành phố ra bãi cát ấy thì chỉ cần lội là đến được, không cần phải bơi.
Năm 1952, tôi 16 tuổi thì Tiến mới 5 tuổi. Hai anh em tôi thường xuyên ra đấy chơi. Kỷ niệm của hai anh em với con sông ấy rất sâu đậm. Sau này khi đã lớn,Tiến nhớ lại kỷ niệm ngày ấy mà viết thành bài “Ngẫu hứng sông Hồng”. Trong bài ấy có đoạn: “Một ngày mùa thu đưa cha qua sông. Một ngày dòng sông đầy nắng và gió”, kỳ thực không phải là đưa cha mà là theo anh qua sông.


– Trong một bài viết về ông, nhạc sĩ Trần Tiến có kể lại chi tiết ông từng hát giữa mưa bom. Chắc ông không thể quên những ngày tháng mà “tiếng hát át tiếng bom” ấy?

– Trong thời chống Mỹ thì đấy là một chuyện… rất thường. Chỗ nào bom đạn khốc liệt thì nghệ sĩ sẽ đến. Với cá nhân tôi, bên cạnh giọng hát thì tôi còn có sức khỏe rất tốt nữa. Thành ra ở những khu vực nóng bỏng của chiến tranh mà ta gọi là tuyến lửa thì tôi đến hát rất nhiều lần (và bị thương hai lần).
Ở tuyến lửa, không có sân khấu, không có micro, không có ánh sáng. Ban đêm, tôi đứng trên một cái gò cứ thế mà… hát không, ở dưới người nghe rọi đèn pin lên xem mình hát. Những ngày tháng ở tuyến lửa là một sự thử thách của cuộc đời mà ở đó, tôi đã hoàn thành phần nào giấc mơ của chàng Samson mà mình thần tượng: đó là phục vụ nhân dân, hát cho nhân dân. 

– Con đường nào đã dẫn đưa Trần Hiếu học rất giỏi và đánh nhau cũng rất cừ ấy trở thành nghệ sĩ đầu tiên trong gia đình?

– Con đường mang tôi đến với âm nhạc kể ra rất buồn cười. Bởi khi còn bé, tôi không hề có một chút ý định gì với chuyện ca hát, cho dù đến bây giờ tôi vẫn thuộc như in “Bài hát của sói con” từ thuở mới có 6 tuổi. Nhưng đấy chỉ là ngêu ngao hát cho vui thế thôi, chứ không có mơ mộng gì. Đến khi chuẩn bị lên đại học tôi vẫn còn mơ làm nhà toán học.

Suốt thời gian phổ thông, tôi học toán rất giỏi. Khi ở trường Chu Văn An, bạn bè và thầy cô gọi tôi và bốn người bạn khác là nhóm “ngũ hổ” về toán trong trường. Thế nên khi nộp đơn đi thi đại học, tôi đăng ký ngay vào khóa đầu tiên Tổng hợp toán mà không hề do dự. Tuy nhiên, khi ấy Bộ giáo dục cho biết nước nhà hiện đang còn thiếu sinh viên cho hai ngành là mỏ và sư phạm. Giữ vai trò trong chấp hành đoàn, tôi là người thông báo tin này cũng như động viên các bạn đăng ký vào hai ngành còn thiếu ấy. Nói chưa đủ, tôi làm gương luôn bằng cách bỏ Tổng hợp toán mà đăng ký vào mỏ cho dù đấy không phải là nguyện vọng của mình.

Ngành mỏ tuyển 470 sinh viên, tôi đậu luôn hạng 7 dù không hề chuẩn bị thi cử gì cả. Học được vài tháng thì trường trung cấp âm nhạc tuyển sinh khóa đầu tiên vào cuối năm 1955, mời chuyên gia nước ngoài về dạy đàng hoàng. Quý Dương mới rủ tôi: “Tao biết mày đang học mỏ, nhưng tao muốn mày đi thi với tao đi thi cho vui”. Vui thì… đi thôi. Kết thúc kỳ thi ấy Quý Dương đậu hạng nhì, trong khi tôi đậu… thủ khoa. Tôi lại nói với Quý Dương: “Thôi, tao thi xong với mày cho vui rồi đó. Giờ mày học đi, tao nhường mày làm thủ khoa”. 

Ngày trường khai giảng khóa đầu tiên, các giáo viên chả thấy bóng dáng ông thủ khoa đâu. Họ mới hỏi Quý Dương và tìm đến tận nhà tôi, thuyết phục tôi trước, sau là thuyết phục gia đình cho tôi nhập học. Họ nói Việt Nam đang rất cần những tiếng hát sánh tầm thế giới. Tôi mới nghĩ đây không còn là vấn đề sở thích nữa mà là chuyện… quốc gia rồi. Với một thanh niên lý tưởng và mang hoài bão… Samson, tôi quyết định bỏ đại học để về học trung cấp âm nhạc.

Đấy là một quyết định khiến tôi hứng chịu biết bao lời chỉ trích, đặc biệt là từ mẹ tôi. Bà không thể hiểu nổi vì sao con trai mình có thể bỏ đại học để đi học trung cấp âm nhạc. Nhưng tôi cứng đầu lắm, lúc ấy chỉ tin việc mình làm là đúng, là tuân theo tiếng gọi của non sông. Vả lại tôi cũng đâu có thích ngành mỏ mà mình học, trong khi ngành toán mình thích thì lại không được thi. Trong sự mâu thuẫn ấy, đột nhiên xuất hiện một giải pháp trung hòa là âm nhạc, hoàn toàn không ngờ đến thì lại thủ khoa. Tôi chợt nghĩ: có thể đấy là… số mệnh, là ý Trời chăng.


Thời gian đầu, tôi phải giấu mẹ việc bỏ mỏ để theo âm nhạc. Mẹ tôi có một cửa hàng ở ngay trước nhà, đi đến đại học mỏ thì rẽ phải, đi trường nhạc thì rẽ trái. Sáng nào bà cũng ngồi canh xem thằng Hiếu nó đi đâu, đâu có biết là tôi xách cặp tử tế đi đến trường mỏ nhưng giữa chừng lại ngoặt sang đường khác để học nhạc. Về nhà, tôi cũng chẳng dám hát hò gì về sợ mẹ nghi (những lúc phải tập hát thì tôi… chui vào toalét). Cứ thế, đến khi kết thúc trung cấp thì tôi lại… thủ khoa.

Trong buổi lễ ra trường, tất nhiên là thủ khoa phải hát trước trường. Nào ngờ buổi lễ ấy em gái tôi có đến xem. Tối về nó mách mẹ thấy anh “Hiếu thủ khoa” đứng hát trước trường, mẹ tôi tẩn cho một trận nên thân.


– Còn con đường của Trần Tiến thì sao?

– Khi Tiến lớn khôn và quyết định đi hát thì tôi đã nổi tiếng rồi. Tiến thấy anh trai mình đi đây đi đó hát thì cũng thích lắm. Tôi vừa ra trường thì cũng được giữ lại làm thầy, nên tôi dạy cho Tiến hát. Được một thời gian thì Tiến cảm thấy việc hát là không ổn bởi hai anh em quá giống nhau, từ giọng hát cho đến cả gương mặt. Nếu vậy Tiến đi sau thì chỉ mãi là em của Hiếu mà thôi. Vì cảm thấy chán nên Tiến xin phép bỏ hát để học sáng tác. Từ trung cấp, Tiến học thêm 4 năm đại học khoa sáng tác nữa. Chung trường với Tiến còn có Phó Đức Phương, cả hai đều là những sinh viên xuất sắc lúc bấy giờ. Đấy là một ngã rẽ đúng đắn, bởi một nhạc sĩ Trần Tiến sẽ có vị thế cao hơn là một ca sĩ Trần Tiến. 

Sau này, con gái tôi (Trần Thu Hà) cũng thế. Hà thích hát nhưng cũng chọn cho mình một con đường riêng, không giống bố cũng chẳng giống chú. Đấy có lẽ là tính cách đặc trưng của giòng họ nhà Trần. 


– Và trên những con đường riêng ấy, có một giai đoạn mà Trần Tiến… quẹo về và cứu ông thoát khỏi ngõ cụt?

– Đúng vậy. Sau giải phóng, trong khi sinh hoạt văn nghệ miền Nam cực kỳ sôi động thì miền Bắc vẫn cứ hát nhạc đỏ. Để âm nhạc miền Bắc thay đổi và bắt kịp miền Nam thì cần một người tiên phong. Khi ấy, trước mắt tôi là một quang cảnh hãi hùng. Trần Hiếu, Trung Kiên, Quý Dương, Quang Hưng…, một loạt những nghệ sĩ nổi danh thời trước đứng trước một bờ sông cuồn cuộn sóng. Bờ bên kia là nhạc nhẹ, là một cách hát khác. Các nghệ sĩ bên này nói với nhau: “Thôi, có lẽ mình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi. Thôi thì cứ giữ cách hát cũ vậy”.

Chỉ có một mình Trần Hiếu là không chịu ở lại, gã quyết vượt qua những con sóng để sang bờ bên kia. Và gã không đi một mình mà còn rủ theo Quang Thọ và Thúy Hà cùng đi. Cuộc vượt sông ấy có thể nguy hiểm, nhưng có chết cũng phải… lết sang bờ bên kia.


– Nghe có vẻ như đấy là một ý tưởng… vĩ đại?

– Vì tôi nghĩ nếu chọn con đường ở lại, hát những bài đã cũ, thế nào âm nhạc miền Bắc cũng chết. Mà quả thực là âm nhạc đang thoi thóp vào thời điểm ấy. Có những lúc chúng tôi diễn nhưng chẳng ai đến nghe. Đoàn văn nghệ thì cứ chết dí ở khu văn công. Trong giờ phút nguy nan ấy, Bộ Văn hóa ra quyết định là không… phát lương nữa, đoàn tự nuôi lấy văn nghệ sĩ, tự diễn tự thu tự chi. Cách kích cầu ấy khiến đoàn… cuống. Tôi mới đứng lên xung phong làm một đêm nhạc nhẹ. Chính Trần Hiếu đứng ra làm… bầu show luôn.


– Cuộc chuyển đổi ấy tất nhiên đã khiến ông phải mất rất nhiều tâm sức, và Trần Hiếu rốt cục đã vượt qua những con sóng dữ ấy như thế nào?

– Nhạc nhẹ thì phải có nhạc cụ điện tử, nhưng đoàn chúng tôi không có những nhạc cụ tân thời ấy. Và tôi vẫn quyết định làm âm nhạc theo kiễu dã chiến. Organ không có thì dùng accordion, guitar điện không có thì lấy guitar thùng rồi nhét micro vào, guitar bass không có mình dùng contrabass, kèn không có saxophone thì mình dùng trumpet. Riêng bộ trống thì không thể thay thì mình… đi mượn của một người bạn. Buổi diễn đầu tiên của “đoàn Trần Hiếu” chỉ hơn người, trong đó có 2 người múa, 4 nhạc công và anh chàng ca sĩ liều mạng Trần Hiếu, cùng Quang Thọ và Thúy Hà.


– Và trong quá trình “vượt sông” như ông nói, Trần Tiến đột nhiên xuất hiện và giúp ông đi nốt hành trình giông bão như thế nào?

– Trước dàn nhạc cụ dã chiến ấy, tôi đã hát những bài ngoại quốc như Sunday Morning, đồng thời hát lại những bài cũ theo cách hòa âm mới, cách hát mới. Nhưng sau một thời gian, như thế vẫn không đủ. Chẳng lẽ lại đi hát Lê Anh Nuôi, Con voi hay Anh quân bưu vui tính mãi. Trong bối cảnh đó, những bài hát của Trần Tiến quả thực đã truyền cho tôi một nguồn động lực to lớn. Tôi mãi mãi không bao giờ quên Lambada, Rock đồng hồ, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Đi qua hải quan, Cô bé vô tư…, những sáng tác ngày ấy của Tiến.

Và thành quả của hành trình vượt sông ấy là…

– Khi đến Hải Phòng, một ngày chúng tôi diễn đến… 4 show. Chúng tôi ăn ngủ ngay trên sân khấu. Diễn không mệt mỏi. Một tháng như thế chúng tôi hát… 28 ngày. Đấy là một chiến thắng vang dội bởi trước đây, một đoàn nghệ thuật diễn giỏi cách mấy một ngày làm 2 show là hết sức. Sau chuyến diễn ấy về, trừ hết tiền tổ chức, ăn uống, tiền thu về đủ để trả lương cho tất cả anh em. Mọi người phấn khởi vô cùng bởi mọi người đã nhìn thấy lối thoát. Thừa thắng xông lên, chúng tôi đã ôm đàn đi diễn khắp nơi. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm khi đến diễn ở Phú Thọ. Con gái Phú Thọ không mua được vé, nhưng vẫn muốn vào nghe hát. Bảo vệ hỏi vé đâu, các cô ấy cởi phanh áo ra và nói: “Vé này”. Các anh soát vé thích quá nên cứ thế mà… cho vào xem thôi. Chỉ có con gái Phú Thọ mới dám làm việc ấy!


– Trong bối cảnh khó khăn như thế mà Trần Hiếu dám xông tới liều mình như chẳng có, vậy mà bây giờ khi cuộc sống đủ đầy, âm nhạc lại phát triển theo một đường lối dễ dãi, thậm chí… bừa bãi. Có bao giờ ông trách thế hệ em cháu của mình không?

– Không. Bất cứ một nền âm nhạc nào cũng phải đi theo thời đại. Thời đại của tôi là thời đại hào khí Việt Nam, âm nhạc là để cứu nước. Bây giờ là thời đại Việt Nam tiến vào thị trường. Trong thời đại thị trường thì tất nhiên cũng phải có nền nhạc thị trường. Những người cố thủ sẽ đứng ở chỗ cũ mà chửi vào thị trường mới. Nhưng chúng tôi sống trong lòng nghệ thuật, chúng tôi hiểu được thực trạng nghệ thuật. Những gì đang diễn ra trong nền âm nhạc Việt Nam thực ra đã diễn ra tại Pháp ở… thế kỷ trước rồi. Ngày ấy, nước Pháp mất 30 năm để thoát khỏi thứ âm nhạc mà tôi gọi là “yê yê”.  Nền nhạc trẻ  “yê yê” ấy đã phá tan tất cả những giá trị mà nước Pháp đã từng xây dựng từ cổ điển, dân ca, ca khúc trữ tình. Quần chúng Pháp đảo lộn trong 30 năm như thế.

Sau 30 năm, nước Pháp choàng tỉnh. Họ tổ chức một cuộc thi “dân ca Normandie” với phần thưởng cực cao, có thể biến một người dân nghèo trở thành tỷ phú. Thế nên mọi người đổ xô về Normandie để thi, gái trai trẻ già, người người hát dân ca, nhà nhà hát dân ca. Ai cũng đổ xô đi học, đi thi. Báo chí truyền hình đưa tin về cuộc thi cực kỳ sôi nổi, nó thu hút sự quan tâm không chỉ nước Pháp mà toàn thế giới. Cuối cùng cuộc thì tìm ra hai người thắng. Người thứ nhất 80 tuổi, người thứ nhì 82 tuổi. Hai nông dân nghèo nước Pháp sau một đêm trở thành tỷ phú. 

Chính cuộc thi ấy tạo ra một cuộc về nguồn ngoạn mục, kéo nước Pháp thoát khỏi nền âm nhạc “yê yê” để trở lại với những giá trị vững bền và nguyên thủy. 


– Một thông tin tuyệt vời quá…


– Tôi đọc tin này trên một cuộc sách của Pháp từ năm 1968 đấy. Tôi có nói với anh là tôi giỏi tiếng Pháp ở trên chưa nhỉ (cười).

– Trở lại với câu hỏi về nền âm nhạc hiện nay, chính sự thấu hiểu về âm nhạc nên dẫn đưa đến một sự cảm thông âm nhạc đúng không ạ?

– Đúng vậy. Vì nếu tôi mắng các ca sĩ trẻ, ai đến với mình nữa. Trong những ca sĩ của nền “yê yê Việt Nam” thời gian qua có rất nhiều ca sĩ đến học thầy Trần Hiếu. Có thể kể ra đây là Nam Khánh, Thủy Tiên, Hoàng Bách, Hoàng Quân, Nguyên Thảo. Hay chính con gái tôi là cái Hà, xa hơn nữa Bằng Kiều, Thu Phương đều là học trò của của tôi cả. Tôi không trách họ mà giúp họ nâng giọng ca của mình lên. Những ca sĩ tôi vừa nêu sau thời gian đào tạo sẽ trở nên sạch sẽ, họ sẽ buộc những ca sĩ không học hành bài bản mà cứ “yê yê” khác phải nhìn lại mình. Vì thế, theo tôi phê phán là một việc không nên, cả trên cương vị của tôi lẫn… của nhà báo như cậu. 
– Ca khúc “Đừng nói tôi già” từng là một bài hit của NSND Trần Hiếu cách đây chưa lâu. Nhưng thời điểm này, Trần Hiếu liệu có… nhận già chưa ạ?

– Bài “Đừng nói tôi già” viết cho một ông già 70, giờ tôi đã 80 rồi còn gì.

Học nhạc cũng như giải toán

Trần Gia dưới góc nhìn… tử vi

Trần Tiến là Đinh Hợi, Trần Thu Hà là Đinh Tỵ. Mà “đinh” tức là một, là duy nhất rồi còn gì. Còn tôi là Bính Tý. Bính có nghĩa là “tù”. Cả cuộc đời tôi quả nhiên luôn bị cảm giác bao vây, kềm kẹp. Giữa muôn trùng vây ấy, muốn đứng lên được buộc tôi phải trở thành một con người bản lĩnh. Bởi thế mà Trần Hiếu trở thành một nghệ sĩ không ai bắt chước được, nhưng cuộc đời lại khổ sở vô cùng, không hề được ai nâng đỡ”.

– Vậy ở tuổi 80, Trần Hiếu còn coi cô đơn là một nhu cầu như mình từng bộc bạch?

– Vẫn còn. Cô đơn đã và đang là một nhu cầu của tôi, suốt từ thuở bé đến bây giờ. Ngày còn bé, tôi đến thư viện mượn sách để đọc. Người ta ngồi đọc trên bàn chung với nhau, tôi chỉ thích chui xuống tầng hầm để sống trong thế giới riêng của mình. Khi học bài tôi cũng chỉ học một mình. Tôi không hài lòng với những cách giải toán của sách Pháp mà tự tìm cách giải riêng của người Việt. Trong cuộc sống gia đình hay âm nhạc cũng thế, không sống riêng thì không thể có thế giới riêng. Và chỉ trong cái thế giới riêng ấy, tôi mới tìm thấy bản sắc và bản ngã của mình. Trước một bài hát, tôi luôn quay về thế giới riêng ấy và tự hỏi Trần Hiếu sẽ hát như thế nào. Chỉ một câu hát đơn giản, tôi tự vạch ra một chục cách hát khác nhau rồi tự mình chọn ra cách hay nhất, phù hợp nhất. Chỉ có trong thế giới riêng ấy, tôi mới có thể tự độc thoại. Nhu cầu cô đơn xuất phát từ đó. 

– Từ thế giới riêng chuyển sang thế giới… hai người, cuộc hôn nhân thứ ba của ông và người vợ không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc có gì khác với trước không?

– Trong cuộc thi vào trường âm nhạc ngày trước, tôi thủ khoa, Quý Dương thứ hai thì người vợ đầu tôi thứ ba đấy (cười). Hai vợ chồng xây dựng gia đình đầu tiên đều là những người giỏi. Sống trong một thời kỳ khó khăn, vợ đầu của tôi rất nghiêm túc. Bà luôn gò tôi phải thế này, thế kia theo đúng tác phong của một nhà giáo vậy. Thời gian ấy, tôi luôn phải phân vân giữa “đi theo vợ” và “đi theo mình”. 

Người vợ thứ hai là học trò, tôi xin không được nói gì về cuộc hôn nhân này. Người vợ hiện tại thì đứng ngoài âm nhạc, nhưng lại có niềm đam mê ca hát từ còn trẻ. Điều kỳ lạ là từ khi sống với người vợ hiện tại, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái hơn, con đường âm nhạc trở nên trơn tru hơn, tôi đứng trước nhiều cơ hội hơn.

– “Bình yên” có phải là ca khúc đầu tiên ông cùng song ca với con gái mình?

– Ca khúc thu âm đầu tiên thì đúng hơn. Trước đó, tôi và Hà đã hát chung với nhau bài “Thành phố trẻ” của Tiến. Còn bài “Bình yên” là trong một album của Quốc Bảo. Khi giao bài này cho Hà, Bảo mới hỏi Hà muốn hát với ai không. Hà mới trả lời là muốn song ca với bố. Thời gian không có nhiều, Hà hát phần của mình trước rồi bay sang Mỹ. Khi tiếp cận bài hát, tôi quyết định hát theo kiểu nhạc nhẹ cho phù hợp với Hà, nhưng sau khi thu xong thì Quốc Bảo nói: “Bố cứ hát theo kiểu của bố đi”. Thành ra tôi vào phòng thu trở lại, hát đúng theo cách của mình. Bản thu thứ hai chính là bản được phát hành qua CD. Qua ca khúc này, tôi một lần nữa nhìn lại câu chuyện của gia đình mình. Những cánh chim bay về những phương trời riêng và mang những bản sắc riêng. Đấy là một điều tốt hơn nhiều so với việc Tiến hay Hà trở thành những bản sao của tôi.

– Vậy bây giờ, ông đã tìm thấy sự bình yên chưa, hay vẫn còn hối tiếc vì đã bỏ qua một điều gì đó?

– Nếu thật sự có một nuối tiếc gì đó, có lẽ chỉ là việc tôi đã không thể trở thành một nhà toán học như… Ngô Bảo Châu (cười).

– Nhạc sĩ Phạm Duy luôn tự hỏi sẽ mang gì về bên kia thế giới, còn ông muốn mang theo điều gì?

– Tình yêu thương của mọi người. Tôi chưa bao giờ muốn mình có một căn nhà hay tài sản gì để lại cho con cháu. Từ thuở cất tiếng hát đầu tiên cho đến bây giờ là 70 năm, trong đó có 60 năm hát chuyên nghiệp, bây giờ còn lại những năm cuối đời, tôi chỉ có một tâm nguyện là hát cho đến chết, nếu không thì cũng phải dạy cho đến chết. Trong chừng ấy năm, tôi luôn muốn mang tâm hồn mình phục vụ cho người Việt Nam. Tôi nói vậy vì tôi được ba lần mời ở lại nước ngoài, ở Pháp, ở Ý và ở Nhật Bản. Họ đưa ra những đề nghị rất hấp dẫn, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra sống ở nước ngoài dù đang ở vào giai đoạn gian khó nhất của cuộc đời. Vì tôi chỉ muốn hát cho dân mình. 

– Sức khỏe hiện tại của ông thế nào ạ?

– Tất cả bạn cùng thời của tôi không chết thì cũng không hát được nữa. Còn tôi cũng chả hiểu vì sao mình vẫn còn khỏe, giọng vẫn vang. Ở tuổi tôi bây giờ, quên quên nhớ nhớ kinh khủng, có khi không nhớ nổi tên các học trò, họ hàng anh em, các cháu trong nhà. Vậy mà tôi tuyệt nhiên không quên một lời bài hát nào, kể cả một bài hát của Ai Cập mà tôi học từ hồi bé tí dù chả hiểu nó nói về cái gì. Tôi nghĩ âm nhạc thực sự là một số mệnh của đời tôi.

– Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bài: Minh Trần
Ảnh: Mạnh Bi

Thực hiện: depweb

09/12/2015, 12:56